Tôi không có cơ may được hưởng thụ những niềm vui hãnh diện là vợ của một Sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, chưa được tiếp xúc bạn bè, chưa có nụ cười tươi, chưa được an bình rạng rỡ bên cạnh bộ quân phục điểm mai vàng mà khoe với bạn, với người thân, một sự bình thường của các người vợ Sĩ quan đang có, thì tôi đã thành ngay vợ của quân nhân bại trận không chinh chiến ngay giữa tiệc cưới. Ngày 1 tháng 4 năm 1975 đánh dấu rằng tôi là vợ của một ngụy quân, kẻ bị khinh miệt trong chế độ mới, và dằn vặt đau thương hơn là vợ của người tù cải tạo vài hôm sau ngày cưới.
Tôi tên Trịnh Xuân Hòa, lấy chồng gần 19 tuổi, chưa học xong năm cuối trung học công lập Nữ Huyền Trân tại thị xã Nha Trang thì lễ cưới của chúng tôi đã đến đúng ngày 1 tháng 4 năm 1975. Một ngày mà bao tháng năm mong đợi của người con gái lại là ngày hoang mang, xa lạ, sợ hãi tột cùng người đàn bà trong tôi.
7 giờ sáng đúng ngày cưới chồng tôi mới về, nét mặt lo âu kèm theo là một túi xách, súng, ba lô; 10 giờ đám cưới; 12.30 tan hàng; khách không đợi ăn; chia tay không lời; mọi người lo cất lo giấu mọi thứ cho là cần thiết hoặc nguy hiểm kể cả quân phục của chồng tôi; gom góp tư trang; ùa chạy ra hướng biển; hụt hẩn trở về; đêm tân hôn quần áo chặt bên mình trong tỉnh thức; thay đổi chỗ ngũ; qua 3 đêm; chồng tôi bị lùa đi; tôi trở thành cô phụ; vợ người tù và 9 năm sau tôi trở thành vợ một người vượt biển bỏ đất nước ra đi …
Tôi quen anh Văn năm 16 tuổi, đầy mộng mơ. Năm 1972 chiến trường cao điểm, Văn lên bến xe đò Nha Trang Khánh hòa về quê và đợi chờ ngày tháng lên đường nhập ngũ, còn tôi thì cũng vừa xong lớp học hè, về quê để chuẩn bị cho năm Ðệ Tam Trường Nữ Công Lập. Chúng tôi vô tình ngồi bên nhau và một an bài định mệnh từ đó.
Năm1972 anh ấy đi chiến dịch ở Pleiku, Thanh An, từ nơi đó tôi đã nhận lá thư đầu đời của người con gái, cũng là dịp tôi biết gởi lá thư tâm tình đầu đời của tuổi 16 đến người trai.
Năm 1974 tôi có dịp đến quân trường Lam Sơn, Văn đang là một Ðại đội trưởng khóa sinh, gặp anh ngoài bìa rừng nơi bãi tập lính để đưa cho chàng hồ sơ bổ túc gia cảnh về bản thân tôi theo thủ tục cần thiết kết hôn với một Sĩ quan.
Tháng 3/1975 anh ấy cho biết đã có được giấy phép kết hôn với 4 tuần nghĩ phép. Thiệp cưới bọc nhung đỏ in đã xong, Văn cho biết đã gởi mời đến Chỉ huy trưởng, Liên đoàn trưởng, và đặc biệt có nhiều bạn cùng đơn vị nhận lời tham dự không dưới 15 người. Biết bao là nỗi vui mong ngóng từng ngày, nỗi ngại ngùng sẽ nói sao với các vị chức sắc ấy đây, chưa kể là dòng họ bên anh ấy……….. …. Với cái tuổi chưa đầy 19, hồi hộp, tưởng tượng đến nghẹt thở trong niềm hạnh phúc trong xanh.
Ngày vui đã đến, mới 4 giờ 30 sáng tôi choàng dậy, thật khó ngũ quá, vẫn chẳng thấy bóng dáng anh ấy, mọi người lo âu, kẻ hỏi người thở dài. Tôi lo quá vì hôm qua mọi sự xáo trộn khác thường, các đơn vị địa phương nhốn nháo, tôi thăm hỏi tin tức thì nghe hai bên đã đánh nhau tại Khánh Dương, quá gần đơn vị của anh ấy, tuy nhiên cũng phải lo tự sửa soạn trang điểm cho mình không buồn nhờ bạn đến giúp nữa, mái tóc dài của tôi thật khó mà tự quấn cho thích hợp với vành khăn cô dâu. Cuối cùng thì mọi việc cũng đâu vào đó.
7:30 sáng tôi mừng biết bao, anh trở về, mặc thường phục và chở cả bao quân trang và vũ khí. Văn cười cười nhưng tôi cũng như mọi người đã hiểu được sự rối rắm của anh ấy biết bao. Văn về lại gia đình, nhà anh ấy chỉ cách nhà tôi hơn 300 mét, và chuẩn bị cho lễ rước dâu hơn 2 giờ sau đó.
Ðúng 10 giờ sáng lễ rước dâu không được đông đủ như dự tính, lễ vu quy và tiệc cưới của tôi không hơn 1 giờ đồng hồ, ông Quận trưởng quen biết Ba tôi hứa có lời phát biểu hôm đó cũng chẳng thấy tăm hơi, Ba tôi phải tự lo liệu mọi mặt và mọi thủ tục rồi cũng êm trôi qua đi.
Cuộc rước dâu cũng khá đông người, bên Văn khá đông dòng họ, riêng các ông Tướng, ông Tá ngay cả bạn bè cùng đơn vị với anh chẳng thấy đâu, tôi nhắp tí nước ngọt chạy dài xuống cổ như trôi đi những nôn nao, hồi hộp đầy mong muốn trước kia khi gặp cao nhân để làm tăng nỗi vui cho chàng, giờ đây tất cả tan vào khoảng không.
Lễ cưới vội vã thủ tục cần thiết lướt nhanh và bữa tiệc vừa bắt đầu thì vài phút sau đó những tiếng lo ó, kêu vang ngoài cửa làm số đông khách tham dự hơ hãi ra về chẳng màng đến từ giã, lời chúc tụng hay tiễn đưa, nên bây giờ tôi cũng không nhớ rõ ai là ai. Ngoài đường xe cộ chạy tán loạn, lính địa phương chạy lung tung thật hổn loạn. Tôi quá mõi mệt vì thiếu ngủ, nỗi lo lung tung của tuổi trẻ đang lớn lấy chồng, hồi hộp từ mấy ngày trước càng lúc càng tăng và bấn loạn. Chồng tôi, chẳng có được một giấc ngủ ngắn từ suốt đêm qua nên nét mặt trông thểu não, khoảng 1 giờ sau đó tình hình xôn xao buộc vợ chồng tôi lấy xe gắn máy chạy thẳng ra hướng biển, ghe lớn chẳng thấy mà chúng tôi thì té ngã nhoài xuống đất, tay chân trầy trụa thế là vợ chồng tôi đành quay trở về nhà.
Ðêm đến, nỗi lo âu càng tăng, tắm vội sau một ngày quá mõi mệt, kinh hãi. Ðêm tân hôn nằm nghĩ bên nhau mà quần áo chúng tôi mặc dày đến 2 lớp, cái xách đồ cầm tay luôn kề bên mình, tôi không cảm thấy e thẹn như suy đoán trước đó có lẽ nỗi đau thương đã khỏa lấp mất rồi. Vợ chồng tôi qua 3 ngày bên nhau không tiếng cười và 3 đêm thay đổi chỗ ngũ. Trời tháng 4 thật nóng càng nóng hơn với những lớp áo quần dày cộm cả ngày lẫn đêm.
Ngày 4 tháng 4 năm 1975, trưa ngày thứ 4 sau ngày cưới, Việt cộng phát loa ra lệnh trình diện. Chồng tôi đi, thế là tôi đã xa chồng, bao hoang mang, thiếu vắng, kinh sợ không sao tả nỗi trong tôi với cái tuổi xuân, với khoảng thời gian quá ngắn, một chuyển tiếp chợt đến chợt đi chưa phân định. Tôi như đang vẫn vơ là vợ của Văn, vợ của một Sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa hay là vợ của một ngụy quân mang tội ác với nhân dân như lời của loa phóng thanh cách mạng kêu ra rã đêm ngày?. Ba tháng xa vắng, người con gái trong tôi vẫn còn mà đành phải co rút chịu đựng nỗi cô đơn trống vắng, đám bạn gái xì xào nhất là đám cán bộ suýt xoa thương tiếc đời tôi.
Ngày thăm nuôi đầu tiên tôi đi bằng xe đò, xe 3 bánh, đôi vai tôi không quen cũng phải gánh gồng lội bộ hơn 1 ngày đường, cuối cùng vợ chồng tôi gặp nhau bên bờ suối trại Ðồng Trăng cùng một số thân nhân khác với sự theo dõi của bộ đội mang súng đi qua đi lại. Nhìn chồng tôi chợt nhớ bộ quân phục oai hùng của Văn hợp với thân thể tráng kiện mà tôi ao ước kề bên mới mấy tháng trước giờ đây tôi lại đang bên nhau với người chồng ốm yếu, mặt mày râu ria lộn xộn, da tái xanh vì sốt rét, mặc bộ bà ba đen 2 túi sờn rách. Trông anh mà tôi thật đau lòng, chúng tôi chẳng dám hôn nhau chỉ nắm tay nhau thật lâu không nói được gì, tôi nhìn anh, nhìn bàn tay sần sùi, nứt nẻ mà hằng ngày ra tay chặt cây, kéo lá cọ, lăn từng tảng đá xuống triền núi.
Chúng tôi chẳng dám nói nhiều ngoài những lời anh bảo tôi chịu đựng đợi chờ, tôi như tan đi nỗi đắng cay mòn mõi khi gặp lại anh đang tù đày, đau bệnh trong rừng thẳm. Vài giờ thăm nuôi được ấn định đã hết, anh tặng tôi cành lan rừng và tượng đá chính anh tạc hình nổi bán thân một thanh niên và người nữ tu đến nay tôi vẫn chưa biết hết ý nghĩa này trước khi anh về lại rừng với các bạn đồng tù còn tôi đứng nhìn khi bóng anh mất hút sau lùm cây, không gian trả lại tôi sự cô đơn xa rừng rú để trở về kiếp vợ tù binh.
Sống cạnh gia đình chồng, một gia đình buôn bán bị Việt cộng gán ép thành phần tư sản mại bản nên tìm cách mua miếng đất khác cất nhà và làm vườn, trồng rau, chuối, sinh sống qua ngày tránh sự dòm ngó của công an. Sự khổ cực về thân xác còn chịu đựng được mà về tinh thần thật khó chịu, nghĩ đến tương lai cùng sự cô đơn, sống bên những lời xì xào “.. con đó có chồng ngụy đang cải tạo”; bọn du kích, cán bộ xã địa phương dở trò an ủi “ .. em đừng lo, thằng chồng em sẽ được về sớm thôi nếu nó khai báo rõ ràng với cách mạng và quán triệt chủ trương đường lối của đảng thì đuợc chính quyền cách mạng cho hưởng sự khoan hồng”, sự lo âu, phiền muộn giả dối của kẻ đắc thắng có lúc làm tôi quẩn trí, cuộc sống sao lắm đọa đày, thật vô nghĩa, nhưng rồi chợt nghĩ một mai anh ấy ra tù không có tôi thì sẽ ra sao?. Tôi phải sống.
Tôi nhận lá thư lần thứ nhất của Văn từ Pleiku năm 1973 nói về tình yêu, tôi nhận lá thư thứ hai của chồng từ trại tù tàn binh tháng 7 năm 1975 nói về ngày, giờ, nơi chốn thăm nuôi, lệnh mang giới hạn 2 kí lô đồ ăn. Lần thứ hai sau ngày cưới, chúng tôi gặp nhau dưới chòi tranh khu đất trống của quân trường Lam Sơn, cũng chính nơi vùng này 5 tháng trước tôi đến đây trong trạng thái vui vẻ, yêu đời, tự tin, hãnh diện thì hôm nay lại co ro, nhạt nhòa, thất sắc. Gặp lại anh cũng bộ bà ba đen cũ, anh mập mạp hơn nhiều, chúng tôi chẳng dám hôn nhau, tôi nắm tay và ôm nhẹ vai anh một tí mà mắt liếc chừng Việt cộng lăm lăm súng trong tay đi quanh quẩn bên những thân nhân và tù binh mà trước đó tôi đã nghe lời nạt nộ của họ “ ..không được làm trò đê tiện, nói thì thầm ẻo lã nhé, quán triệt chưa” khi 2 vợ chồng nọ ôm hôn, mừng mừng, tủi tủi khóc bên nhau.
Tôi thấy anh yếu hơn, da xanh, tay chân và mặt căng đầy vì suy dinh dưỡng, phù thủng cả người, tôi ấn tay vào da thịt anh, nhấc ngón tay lên mà vết lõm vẫn còn nguyên vẹn, tôi xoa lên da,tôi khóc tự lúc nào, dấu mặt cố nén không thành tiếng (tôi đang khóc hôm nay khi tôi viết về tôi, về Văn, lần đầu viết lại chuyện mình, những giọt nước mắt tuôn trào, hơn 36 năm rồi tôi vẫn còn nhớ rõ, nhớ mãi đến bao giờ đây?. Thời gian bên chồng khoảng 1 giờ, tôi chỉ hỏi anh có mấy câu mà chẳng được trả lời rõ ràng cũng như khi anh hỏi tôi không dám trả lời thật về cuộc sống vậy.
Trên đường trở về trong cô đơn, tôi nghĩ rằng ước chi tôi được mang thai với Văn trong những ngày đầu tiên ấy thì an ủi biết bao nếu rũi chồng không về.
Ðời sống tôi là hằng ngày trồng rau, chăm sóc rau, cắt rau đem ra chợ bán, tay tôi thật mát nuôi heo chóng lớn, không đau bệnh, tôi có việc làm thêm vào cái tình yêu thương của gia đình chồng, phần nào nguôi ngoai cái khổ đau trong tôi.
Tôi đã là người đàn bà bước qua tuổi 19, trong hoàn cảnh đất nước chuyển đổi chế độ mới còn tôi bơ vơ chuyển thành vợ của một tội đồ chế độ cũ như Việt cộng bêu rếu, đã làm tôi sớm trưởng thành phân định vị trí mình.
Lại thêm 3 tháng nữa, tôi được đi thăm nuôi nhờ những người dân bán đồ ăn chỉ cách lội rừng đến điểm hẹn gặp Văn trong lòng suối cạn. Chúng tôi rất mừng vội ôm ngay, nói chuyện nho nhỏ nhưng thoải mái, tôi thấy anh da sậm hơn nhưng anh cho biết là đang lao động nặng, chặt tre, đốt than, dở lò than nên chất than còn bám vào da, tôi không hiểu lời anh nói về việc làm trong trại rồi quên đi. Cả hai chúng tôi muốn diễn tả ngay cử chỉ yêu thương bên bờ suối, kết quả của bao ngày tháng xa cách mà sao thật lúng túng, lo sợ. Anh hôn vội lên mặt tôi và tôi quay về thực tế, trong 30 phút gặp nhau ngắn ngủi mà bao ngày chuẩn bị, lần thăm nuôi đặc biệt này tôi có kinh nghiệm nên đã làm 2 hủ gạo lứt trộn ít muối, đường trị phù thủng, lại nấu thêm một miếng xôi chè nếp thật đặc cứng và ngọt, cái món này thích hợp cho chồng tôi vô cùng vừa đủ độ ngọt của sự thèm thuồng thiếu thốn của cơ thể vừa để lâu, ngay cả giấu kín khi lên mốc chỉ cần lau, rửa lớp mốc đi là ăn được, tôi học được món này từ những chị lớn có kinh nghiệm thăm chồng. Tôi nắm tay anh trước khi anh mang đồ vào rừng theo nhóm tù còn tôi cũng lại cô đơn xa rừng rú như lần đầu ở Ðồng Trăng cũ.
Giờ đây tôi đã hơn 20 tuổi, tự nhận sự trưởng thành và dày dạn chính mình khi chồng tôi, kẻ bệnh hoạn được trả về sau gần 2 năm trong các trại Ðồng Trăng và Lam Sơn .
Hai chúng tôi sinh sống ở một vùng quê hẻo lánh, nhà nọ cách nhà kia có hơn 200 mét, hằng ngày Văn trồng trọt từ chuối, khoai lang nhất là khoai mì, cực nhất là những lúc bị ngập lụt, khoai mì phải vội vã nhổ lên vừa để ăn, nuôi heo hoặc bán rẻ mạt còn hơn bị úng thối. Sức khỏe chồng tôi còn quá kém, sốt rét liên miên, cơn sốt rét từ những ngày tháng đầu bị muỗi đốt ở Ðồng Trăng, còn tôi vẫn công việc bán rau, trái, khoai ở chợ và không quên mua bột cám để trộn với những lát thân chuối cắt mỏng cho heo lớn và quyệch nhuyễn trong cối giả cho đàn heo xia nhỏ làm vốn.
Chồng tôi cứ lên cơn sốt rét triền miên và cứ hàng tuần như kỳ hạn, tôi luôn đi tìm y tá tư đến nhà chuyền serum pha thuốc cho chồng, có người bày tôi gọt thân cây hoa sứ trắng phơi khô sắc thuốc cho Văn uống, tôi nếm thử, màu nâu đen của thuốc đắng kinh khủng mà chồng tôi uống một hơi có lẽ như đã từng chịu đựng nên chẳng cần hỏi han tôi thuốc gì. Cuộc sống có khó khăn, nhưng tôi thấy vui hơn, dù sao chúng tôi vẫn còn những ngày giờ tự do bên nhau.
Năm 1983 một buổi sáng không nhớ rõ ngày tháng, tôi nhận tin một lá cờ vàng 3 sọc đỏ được treo cột vào cành cây cắm cạnh bờ con sông trước nhà không quá 500 mét, thế là trưa hôm đó công an đi lục soát khu vực và chúng vào nhà tôi vừa thăm dò, vừa hạch hỏi chồng tôi và từ đó chúng đến quấy rầy bất kể giờ giấc. Từ đó, mỗi khi có động tịnh ngoài nhà, tôi dặn anh ở trong nhà quan sát, tôi cầm đèn và cẩn thận trước khi mở cửa, chúng tôi đã có nhau đến 4 đứa con từ 1 tuổi đến 6 tuổi.
Từ sự phiền toái sống nơi hẻo lánh, vợ chồng tôi dời qua một xã khác và buôn bán một sạp nhỏ trước nhà, ngồi viết đây mà nhớ lại gian hàng năm xưa nào là bù lon, chì, sắt, giây kẽm, lưỡi câu, giấy bút, dây dừa, dây cước..v.v.., mỗi món một chút trông mà tội nghiệp cho bà chủ sạp như tôi, nhưng dù sao cũng đã giúp cái gia đình vượt phần nào qua giai đoạn khó khăn trong chế độ mới. Hằng năm vài ba lần tôi phải đút lót chút ít cho công an, thuế vụ khi kiểm tra hàng hóa, gian hàng của tôi gom lại đựng không hơn 5 thùng giấy đựng lon sữa bò vậy mà có lần chồng tôi bị giam giữ tại công an xã vị lý do dư hàng kiểm kê tồn khô.
Tháng 4 năm 1985, chúng tôi cứ mãi bên nhau vì thế có thêm 2 đứa con nữa, như thế là chúng tôi đã có được 2 trai và 4 gái. Với cái tuổi gần 29, tôi đã có một mái gia đình đồ sộ nhân số nên sự làm việc càng nhiều hơn. Chồng tôi đã miễn nhiễm được sốt rét và sức khỏe bình phục nên anh đã phải làm đủ nghề từ nghề điện, nghề xay bắp, xay bột, xắt thuốc lá, ấp trứng vịt, làm ruộng muối ..v.v.., tôi cũng chẳng nhớ hết. Cũng trong mùa hè năm đó cậu em chồng tôi vượt biển và tự ý dẫn con trai lớn của chúng tôi mới 7 tuổi ra đi, thế là chồng tôi lại một phen rắc rối với công an, xã đội, chúng đày đọa chồng tôi nào đào mương thủy lợi, đào ao cá, nào gánh cát dưới lòng sông cạn, kiểm điểm, tự khai.. v.v …, còn tôi vẫn miệt mài mua bán để có đủ chi tiêu gia đình nuôi 5 con với 1 chồng.
Từ đó chúng tôi sống mãi trong sự lo âu, tính toán, hồi hộp, lo sợ và tìm đủ manh mối bỏ nước ra đi, tôi mua bán thêm loại thùng nhựa 5 lít, 10 lít, 20 lít để có cơ hội làm quen người dân biển bắt mối ra đi. Bao nhiêu chuyến chúng tôi ra đi lại về, hao hụt mất mát may rằng chưa lần nào chúng tôi bị bắt tại điểm hẹn, nhờ Trời thương chúng tôi không bị anh em khai báo mỗi khi bị “bể”, bị đánh đập khai thác tàn nhẫn của công an .
Ðầu tháng 7 năm 1986 chúng tôi cùng 5 con nhỏ ra đi trong đêm tối, không may tôi và 2 con nhỏ nhất bị rơi rớt trên đường, sự rũi ro không thể nào ngờ. Có gần 2 giờ sáng, tiếng máy ghe mỗi lúc một rời xa, tôi và 2 con rã rời tuyệt vọng, loay hoay trong nỗi lo sợ về nhà. Tôi thật quá lo lắng chưa bình tâm để cầu nguyện, tạ ơn cho chồng và 3 đứa con đi được thì hai hôm sau tôi bị bắt vào đồn công an tra khảo, tôi nhờ người lo lót và sau vài tuần họ thả tôi ra, cũng trong thời gian này tôi đã nhận được điện tín từ Nhật từ chồng tôi sau một chuyến đi thập tử nhất sanh, 10 ngày lênh đênh trong bão tố được tàu Anh vớt và đưa 4 cha con anh chuyển tàu đến Okinawa trị bệnh.
Tôi quá mừng mà không cần biết các đứa con ấy bệnh tình ra sao trong bệnh viện, tôi hoàn toàn tin vào tài năng khoa học ở những nước văn minh, coi trọng sinh mạng. Giờ đây tôi là vợ của người vượt biển, cái danh hiệu mới xì xầm bây giờ là “… con đó có chồng vượt biển”, tôi vui hơn và sống trong niềm tự tin hơn bao giờ hết.
Giờ đây gia đình tôi 3 nơi cách biệt, đứa con trai đã gần 9 tuổi ở Palawan, chồng và 3 con gái ở bệnh viện Nhật, còn tôi hằng đêm ôm gọn 2 con nhỏ 3 tuổi và 1 tuổi vào lòng, căn nhà giờ này sao mà thưa vắng quá. Y muốn vượt biển lúc này thật mãnh liệt, tôi không an tâm như mọi người thân khuyên bảo hãy đợi chờ sự bảo lãnh của chồng, vì thế hậu quả của cái ý chí đó là tôi và 2 con bị bắt giam 3 lần nữa cùng tội trong 3 năm sau đó, lúc thì ở đồn công an, lúc nhốt trong huyện đội, lúc ở nhà giam Trần Phú, ra tòa 2 lần, án nọ chồng chất án kia. Tôi luôn là đối tượng theo dõi đêm ngày của bọn cộng an.
Qua thư từ, tôi biết chồng và 4 con tôi sum họp tại Bataan, Phillippine và định cư tại Hoa Kỳ vào tháng 8 năm 1987. Anh Văn cho biết các cha con anh đã vào đạo Chúa sau khi đã học giáo lý tại Nhật và Philippines và rửa tội tại Hoa Kỳ. Thật tình, cĩ lẽ vì đã quá vui, hơn nữa tơi chưa cĩ ý thức về đạo Chuá vì gia đình cha mẹ tơi là Phật giáo nên chỉ biết vậy và chẳng cĩ ý kiến vui hay buồn.
Về cuộc sống, tôi và 2 con chẳng còn gì ngồi niềm vui, gian hàng của tôi sập sình, èo ọt, bán ra mà chẳng mua vào, cuối cùng bế tắc. Tôi chuyển sang buôn bán hàng chuyến từ Sài gòn cho các tiệm tạp hóa nhỏ, chính sự đi lại thường xuyên đã giúp tôi tìm manh mối vượt biển dễ hơn, tôi có nhiều kinh nghiệm hơn để có thể đánh giá mối thật, mối dỏm nhưng cũng không ít hơn 1 lần nữa bị lừa của bọn trung gian.
Cuối cùng, tháng 4 năm 1989 chuyến ghe vượt biển mang tôi và 2 con (4 tuổi, 6 tuổi) đã được tàu Nauy vớt đến Nam Hàn sau 3 ngày lao đao trên biển, tôi suýt chết chìm trong biển nếu không kịp thời giúp đỡ của ân nhân trên ghe trước đó. Tôi và 2 con nhỏ vui sướng vô kể đã đến đất nước tự do, dù rằng lúc ấy lệnh đóng cửa trại ban hành từ cao ủy. Họ từ chối tôi đi đoàn tụ vì lý do chúng tôi đi sau ngày đóng cửa tị nạn, tôi bị buộc học tiếng Nauy, nhưng cuối cùng khó khăn rồi cũng vượt qua.
Hai con và tơi cùng 2 cháu chuyển sang Philippines và cũng tại trại này tơi đã nhận được thư anh Văn nhắc chúng tơi học giáo lý vì anh cho biết khơng cĩ thời gian học đạo và rất dễ mất cơ hội vào đạo như anh từng biết bao việc bận rộn tại xứ sở này.
Cuối tháng 12 năm 1990 tôi và 2 con được định cư tại Hoa Kỳ, tám con người của gia đình chúng tôi với ba lần vượt biển mỗi chuyến đi đều trãi qua bao gian truân và cuối cùng đoàn tụ thật trọn vẹn. Tôi mạnh dạn ôm anh trong khung trời mới trọn vẹn tự do và ấm áp. Nơi đây tôi biết, chồng tôi biết cũng còn biết bao điều lo âu mới khác cần đối phó để xây dựng hạnh phúc nơi xứ người, nhưng có sá gì khi chúng tôi đã thật sự yêu nhau bên đàn con quấn quít, nhìn ngắm chúng trong những sinh hoạt ở nhà thờ …., thì sự tủi nhục, mất mác sẽ chằng cĩ nghĩa gì so với những gì cĩ được, đạt được.
Mới cách đây mấy tháng, chúng tôi đến tham dự ngày khánh thành tượng đài Việt Mỹ, trang nghiêm biết bao, chúng tôi say đắm nhìn mà suy tưởng những gì đã qua hơn 36 năm từ sau ngày cưới, 24 năm chồng tôi trên xứ người, riêng tôi 20 năm tại California cũng tạm cho tôi hiểu giá trị sống từ xã hội, gia đình và đạo đức của người Việt chúng ta.
Văn kéo tôi về thực tế, anh ấy chỉ tay về một cặp vợ chồng hào nhoáng sang trọng, anh cho biết đây một vị tướng. Tôi trông ông không quá già, da thịt hồng hào, phúng phính đang chụp hình cạnh phu nhân lộng lẫy, lóng lánh từ ánh nắng chiều. Văn cho biết, năm 1975 ông đã lặng lẽ rời quân ra hạm đội ngóng chờ Sài gòn thất thủ, đến đây chưa phải đi làm mà vẫn hơn người. Tôi chợt nghĩ ông ta có biết chăng, những người lính can trường chiến đấu bảo vệ ông đó, nay đang thân tàn ma dại trên quê hương có thấu chăng niềm đau trái ngược này thay vì chính họ phải được tận mắt chứng kiến tượng đài hai anh hùng Mỹ -Việt để xoa dịu phần nào nỗi đau của chiến binh sống kiếp tha phương.
Tôi khẽ bảo chồng, em chưa có bức hình nào bên anh mà mang quân phục, giờ đây một bức hình chúng ta trước tượng đài cũng làm em mãn nguyện rồi. Vợ chồng tôi định cư có hơi muộn, nhưng tôi cũng đã học một nghề chuyên môn, chồng tôi cũng thế. Chúng tơi đã cưới gã xong 3 con rồi, được 2 cháu ngoại và đứa út cũng đã hơn 26 tuổi.
Nhìn chặng đường tôi đã trãi qua, giờ đây với việc làm 50 giờ mỗi tuần, tôi sẽ còn đi mãi những buớc đi cần thiết cho gia đình, trong niềm hạnh phúc còn lại bởi lẽ hai lần vợ chồng tôi chia cách, cảnh gia đình chia cắt ba nơi, tôi như càng vững vàng hơn trong cuộc sống. Người đàn bà 55 tuổi trong tôi, dù chưa được một niềm vui trong quá khứ mà chỉ biết luôn nhận sự khinh bỉ, mĩa mai, nhưng giờ đây tôi đã được đắp bù trọn vẹn niềm vui từ các con, hạnh phúc bên chồng, rồi tự an ủi chính mình, dù rằng tôi không hoàn toàn là vợ của một Sĩ Quan Việt Nam Cộng Hòa thì ít ra tôi cũng hãnh diện là vợ của một tù binh, vợ người vượt biển, nhất là tồn gia đình được Chúa chọn sống trong mơi trường hồn thiện.
Orange ngày 29 tháng 5 năm 2011
Trịnh Xuân Hòa (Jessica Trinh Le)
BIẾN THÂN
Tân hôn, tôi biến vợ tù
Giông với bão giáng xuống đầu hai tôi
Tháng tư ấy, ngày mồng một
Sống trong kinh hãi, honey moon kinh hoàng
Kề nhau, thấy sắp chia xa
Anh cải tạo, mà em còn thơ ngây
Nát thân anh, đày đọa
Chìm em, vào cô đơn
…
Từ đây là vợ tù binh
Vượt sông, vượt suối thăm chồng
Nhìn thân xác, mà tưởng chừng hồn ma
Xa rừng về với cô đơn
Ðêm đen đến mà dịu hơn nắng hồng
…
Rời tù nhỏ là anh vào tù lớn
Mãn hạn tù, giơng bão vẫn chưa tan
Gặp nhau vượt biển cùng đi
Rơi rớt rụng, em lại vào xà lim
Cô đơn, đau đớn, dày vò
Bóng đêm lại thoát cuộc đời hai tôi
Lắm phen tan tác vì chế độ
Tưởng chết tiệt, biến thành hoa bất ngờ
Jessica Le 1/2011
TRONG CẢ YÊU THƯƠNG
Em dám vượt trùng dương
Mang bao cả đau thương
Vào vùng trời xa thẳm
Bất chấp những viễn hình
Ðất khách em nào biết
Mà mắt rực hướng nhìn
Vì muốn đến bên anh
Gian truân nào đâu ngại
Bao lần ta chia xa
Em ngỡ như ngàn trùng
Từng hồi hơi trống vắng
Em, như suối cạn nguồn
Có còn nhớ không anh?
Những năm tù giam hãm
Anh, xác thân vùi dập
Em, bồn chồn xót xa
Từ bóng đen hố thẳm
Anh tìm lại tự do
Từ nhung nhớ khát khao
Em đày đọa mong chờ
Bao lần em liều thân
Là bao lần gây bởi
Chế độ như cơn giông
Xoáy lòng người chịu đựng
Thân em như mòn mõi
Thân con hồn bơ vơ
Bởi xã hội, vắng anh
Em tranh và giành lấy
Tan tác cả xác hồn
Phải vượt biển liều thân
………
Bao tang thương hợp lại
Một niềm tin xoa dịu mọi niềm đau
Bởi tình Ngài triển nở
Đem tình yêu vào hận thù
Thành lồi hoa bất diệt
Jessica le 5/2011
Views: 0