Nhân ngày lễ tình nhân, anh phóng viên trẻ hỏi tôi: -Chị là người đàn bà tự lập và mạnh mẽ như vậy, chị có cần một người đàn ông trong cuộc sống không? Tôi trả lời nhanh và ngay:
-Không!
Anh ta khựng lại, vì ngồi cạnh tôi lúc đó là "người đàn ông đi bên tôi" trong suốt tám năm qua. Anh liếc nhanh "người ấy" và ngập ngừng hỏi tiếp:
-Chị nói vậy không sợ ảnh buồn sao?
Tôi mỉm cười hỏi lại:
-Tại sao phải buồn?
…Nhưng thử nghĩ nếu ta lấy đi tất cả lý do mà người phụ nữ cần người đàn ông thì cái còn lại là gì? Với tôi, câu nói ngọt ngào nhất có thể nói với người yêu bắt đầu bằng: “Em KHÔNG cần anh nhưng…em vẫn muốn có anh chỉ vì… em yêu anh.”
“Love me for a reason, let the reason be loved.” (Nguyễn Cao Kỳ Duyên)
Kỳ Duyên vẫn còn có lòng cho một chữ “Yêu” như cái nợ cuộc đời mà có lẽ chỉ những cao thủ tình trường hay những người có cá tánh mạnh mẽ như Nguyễn Cao Kỳ Duyên hoặc những phụ nữ tự cho là có tư tưởng mới hay tư tưởng cấp tiến ngày nay thì ai ai cũng manh miệng nói “Không” khi không cần đàn ông như để khỏa lấp cái gì đó mà đã ăn sâu vào tâm trí họ qua các thế hệ đó là: “Phụ nữ ai cũng cần một nơi nương tựa, một người để tin cậy, để bảo đảm cuộc sống, để làm cha mẹ, cần một bờ vai vững chắc để dựa vào…v.v..”
Một anh bạn “già” của tôi là tiến sĩ tâm lý tốt nghiệp ở Mỹ, anh hay kể khi “trà dư tưu hậu” rằng khi anh còn đi học, anh vẫn bị điểm “C” khi thi trắc nghiệm về tâm lý phụ nữ và khi tìm hiểu những gì họ muốn…Coi ra tâm lý phụ nữ thật khó mà đoán và khó mà lần ra…Vậy người phụ nữ cần chọn người đàn ông ra sao?
Nhiều người cho rằng phụ nữ muốn nửa kia của họ hiểu những gì họ mong muốn, và nói rằng phụ nữ không phức tạp như đàn ông nghĩ. Đàn ông có thể thông qua hành động của cô ấy, qua bạn bè, người thân. Thậm chí nhiều cô gái còn thẳng thắn nói ra mong muốn của mình ngay trước mặt người yêu. Nhưng phụ nữ phải hiểu, chúng ta ai cũng có giá trị riêng mình, chọn một người khiến bạn tỏa sáng, đừng như bóng đèn, leo lắt trong đêm.
Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao sống phải cần nương tựa, sống cần phải tin cậy để yêu thương thế nhỉ ?
Trên thế gian này, người đáng tin cậy nhất chính là bản thân mình, và người cho ta cảm giác an toàn nhất, cũng chính là bản thân mình! Nếu chị em phụ nữ không tự tin lấy bản thân và sống ích kỷ, ủy mị chỉ muốn tìm một nơi gọi là gia đình, một cảm giác an toàn, một người tin cậy khi yêu và được yêu thì cánh đàn ông thật sự không giúp gì được! Vì khi yêu, sự hy sinh và cho đi không có chỗ cho cho lối sống ích kỷ, mất niềm tin vào bản thân mình thì làm sao tạo cho gia đình, cho con cái một lối sống độc lập, vững tin mai sau…
Mỗi một con người cần phải có trách nhiệm trên bản thân mình trước, tự tin lấy vào bản thân mình thì mới có tư cách nói yêu người khác, xây dựng hạnh phúc gia đình với người khác và đủ tư cách giáo dục con cái mai sao.
Nếu một người đàn ông không có bất kỳ sự tự tin vào bản thân, anh ta sẽ dễ dàng đánh mất người phụ nữ bên cạnh mình. Người phụ nữ cũng vậy nếu tự tin, người đàn của nàng sẽ được lợi nhiều thứ: họ thấy mình bảnh bao, khỏe mạnh trẻ trung hơn khi đi với vợ; họ sẽ có nhiều bạn bè hơn vì lối giao tiếp thông minh của vợ; và họ sẽ dễ thành công hơn trong bất kỳ công việc mà có người phụ nữ tự tin đứng phiá sau…Ca dao Việt Nam có câu: “Giầu vì bạn. Sang vì vợ.”
Đối với người luôn tự tin vào chính mình thì phong cách lịch lãm, đĩnh đạc, cách ăn nói trơn tru, dám làm, dám thể hiện con người cá tính mình trước đám đông… chính là những yếu tố có sức hút đối với phái yếu. Nhiều phụ nữ hiện đại coi sự tự tin là phẩm chất quan trọng hàng đầu trong mẫu người đàn ông lý tưởng.
Với những phụ nữ đủ mạnh mẽ, thừa tiền bạc để không phải dựa dẫm vào ai thì họ vẫn tìm kiếm những người đàn ông nam tính, luôn sẵn sàng thể hiện bản năng che chở cho phái nữ bất cứ khi nào họ cần. Phụ nữ không muốn ở bên một người đàn ông yếu đuối đến mức chẳng bao giờ dám đưa ra quyết định cho chính mình. Phụ nữ sinh ra là người chân yếu tay mềm nên mong muốn có người đàn ông chăm sóc họ. Ngay cả khi một phụ nữ góa, li dị, hay một nữ đại gia, xướng ngôn viên kiếm được nhiều tiền hơn đàn ông thì họ vẫn muốn nợ đời một chữ “yêu”, và muốn được một người đàn ông chăm sóc mình và yêu thương mình.
Nhưng khi nói đến gia đình, vợ và chồng xin hãy trân trọng nó vì ngay từ chữ “Family = Father- and-Mother- I- Love-You” không còn là tiếng nói riêng hay dục vọng riêng của ai nữa mà chính là sự kết tinh của tình yêu mà “con cái” là hoa quả, và là quà tặng mà Thượng đế ban cho hai người làm cha, làm mẹ.
Tại sao chúng ta phải có một đám cưới để bắt đầu cuộc sống hôn nhân?
Một phong tục nghi thức xã hội cần để ra mắt hai họ, “nhà trai, nhà gái”, “ba bên, bốn họ”, chính thức “đưa nàng về dinh.” Đây là việc mà cả hai bên cha mẹ và cô dâu chú rể đều muốn và làm vì rằng:
Trước nhất cha mẹ 2 bên muốn thông báo đến mọi người là con cái họ đã trưởng thành và chấp nhận bước vào đời sống gia đình, xin mọi người giúp đỡ, và chúc phúc cho họ trong hành trình cuộc sống mai sau.
Thứ hai đám cưới là một “nghi thức thề hứa” rằng chú rể, cô dâu là người đã thuộc về nhau nên trước “bàn thờ tổ tiên” họ vái lạy, trước “cha mẹ, ông bà và bà con hai họ” họ vái lạy và trước “quan viên hai họ” nhận sự chúc phúc…
Cuối cùng “nghi thức thề hứa” cũng là trách nhiệm và hy sinh lẫn nhau của cả vợ, lẫn chồng vì cái nợ “tình yêu” :
“Địa bàn chỉ hướng còn sai,
Vợ chồng còn chưa chắc, gái với trai chắc gì.”
“Đã rằng là nghĩa vợ chồng
Dầu cho nghiêng núi, cạn sông chẳng rời”
“Làm sao cho hiệp vợ chồng
Cho lê hiệp nhãn, cho rồng hiệp mây.”
“Ai chèo ghe bí qua sông
Đạo nghĩa vợ chồng nặng lắm anh ơi !”
Với nhãn quan tôn giáo, hôn nhân được nâng lên hàng “Bí tích”. Những lời thề hứa trong Bí Tích này không còn là thế tục nữa, mà nó là lời khấn nguyện và xin chúc phúc đến từ Trời.
“Họ không phải là hai, nhưng là một!”
Hỡi ơi, ngày nay chủ thuyết tự do cá nhân, sống ích kỷ, yêu đồng tính đã đánh đổ nề nếp gia phong của gia đình truyền thống. Con số thống kê 50% các cặp vợ chồng li dị ở các nước lớn và các nước phát triển (tức là cứ 2 cặp lấy nhau thì có một cặp li dị” là câu trả lời cho lối sống phóng khoáng này. Lối sống này vẫn ra rả cổ súy cho “tình yêu” và vẫn “ nợ cuộc đời” đầy chất thơ cho dù rằng nó chẳng liên quan hay ăn nhập với “gia đình” truyền thống được đóng khung trong cụm từ: “Yêu thương, Tha thứ, Trung thành, và Thánh thiện”
Tình yêu là một hành trình đầy mạo hiểm, là một sự cho đi. Còn gia đình là một tổ hợp của yêu thương và sự hy sinh vì chính trong chữ hy sinh (sacrifice) có hai nghĩa, nghĩa thứ nhất là chết (ngừng mọi hoạt động của cơ thể), nghĩa thứ hai là chịu thiệt hại, mất mát quyền lợi về vật chất, tinh thần hoặc một bộ phận nào đó trên cơ thể nhằm một mục tiêu cao cả hoặc một lý tưởng tốt đẹp….
(Còn tiếp)
Views: 0