"Xin hãy đến cho nhau tình người,
Xin hãy tốt cho đời nở hoa…" (MDĐL)
Tôi email nhờ Minh Hằng ghi danh cho tôi đi từ thiện theo nhóm BS Thúy từ trước khi tôi về Việt Nam khá lâu, và rủ MH đi theo, nhưng em trả lời tôi:
– Dạ em ghi danh cho cô rồi, còn em thì để gần tới đó mới tính được.
– Không sao, có em đi thì vui, không có em cô đi một mình cũng được, vì cô đã từng đi với nhóm BS Thúy nhiều lần rồi…
Vậy mà trước hôm đi MH alo cho tôi biết "Ngày mai em sẽ đi với cô mà có thêm bạn T nữa, sáng sớm mai T ở gần sẽ tới nhà đón cô đi, rồi ra ngã tư chờ xe tới đón". Vậy là tôi mong có 1 mà lại được 2, quả là "Đời vẫn đẹp sao!"
Sáng sớm hôm sau T đến nhà đón tôi đi, dọc đường ra ngã 4 chờ xe, T kể tôi nghe:
– MH theo cô đi làm Từ thiện, sau đó nó rủ em đi, em đi theo thấy vui và nghĩ là việc nên làm
– Vậy là tốt quá rồi, lòng tốt luôn cần cho cuộc sống và nên để nó lây lan càng nhiều càng tốt, em à!
– Em cũng thấy vậy nên em hay "huy động" làm từ thiện trong nhà bank em làm, giống người ta huy động vốn, riết tụi nó "chọc quê" em là "thấy mặt mày là thấy hao tài rồi", nhưng tụi nó vẫn vui vẻ đóng góp. Em biểu tụi nó "Đáng lẽ tụi bay phải cám ơn tao, vì tao tạo điều kiên cho tụi bay làm phước đó". Tuần rồi tụi em mới đi phát quà cho các em nhỏ ở bịnh viện ung bướu, thấy tội nghiệp lắm cô à!
– Để cô kể em nghe câu chuyện về "ly cafe dán tường" ở 1 quán cafe nổi tiếng tại thành phố L.A. gần nơi cô ở. Có những người tới quán goi 2 ly cafe: 1 ly uống, 1 ly dán tường và trả tiền 2 ly, hay 2 người bạn rủ nhau đến uống cafe gọi 3 ly: 2 ly uống và 1 ly dán tường. Khi họ trả tiền xong nhân viên phục vụ dán thêm lên tường miếng giấy "1 ly cafe". Có vẻ như việc này là một việc rất bình thường ở đây Sau đó có những người nghèo không đủ tiền mua 1 ly cafe cũng đàng hoàng bước vào quán và gọi "cho 1 ly cafe dán tường", nhân viên phục vụ niềm nở bưng tới cho anh ta 1 ly cafe. Khi anh ta uống xong, rời quán, người bồi gở bớt 1 tờ giấy trên tường ra…" Cà phê không phải là nhu cầu cơ bản của xã hội, cũng không phải là nhu yếu phẩm cần thiết của cuộc sống. Nhưng điều đáng nói là khi chúng ta được hưởng thụ bất kỳ một điều gì đó tốt đẹp, có lẽ chúng ta cũng nên nghĩ đến người khác một chút. Một số người cũng yêu thích những thứ mà chúng ta có nhưng họ lại không có khả năng để có được. Những người trả tiền kia, họ cũng không cần biết ai là người được hưởng “ly cà phê dán tường” của mình nhưng trong lòng vẫn rất vui vẻ và sẵn lòng chi trả. Những hành động này thực sự đã làm lan tỏa tình yêu thương của họ đến với những người khác và khiến thế giới này trở nên tươi đẹp hơn!
– Câu chuyện hay và thú vị quá cô há! Phải ở đây cũng làm được như vậy thì tốt quá! Đó là hình thức mình chia sẻ với người khác một cách tế nhị. Đúng là xứ Mỹ văn minh có khác!
Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện thì MH lại a lô cho T, nghe xong T quay qua tôi:
– Mình qua bên kia đường ăn sáng ở tiệm hủ tiếu mì đi cô
– Thôi đừng ăn nữa, vì lần nào đi với nhóm này, vừa lên xe là họ đã phát thức ăn sáng cho mình
– MH mới biểu em phải lo cho cô ăn sáng , em không làm lát nữa nó rầy em đó!…
Vậy là tôi bị ép ăn và chấp nhận vì cảm động trước sự ân cần chăm sóc của các em sợ tôi bị đói! Ngồi vào bàn gọi 2 tô mì hoành thánh, họ đang bưng ra thì phone reo, Nghe xong T vừa lo trả tiền vừa hối "5 phút nữa xe tới đón, ăn lẹ lên cô!". Vậy là 2 cô trò tôi trổ tài ăn thần tốc nuốt cho xong tô mì, thì xe vừa tới, kẻo bất lịch sự khi bắt nguời khác phải đợi mình. Đúng như tôi nói, lên xe vừa ngồi yên chổ thì thấy phía sau chuyền lên bịch nylon có 1 ổ bánh mì và 1 hộp sữa đậu nành nhỏ kèm theo lời nhắn:
"Bánh mì chay, em tự tay làm nhân bì thịt ngon lắm, cô ăn liền cho nóng giòn!", tôi đưa mắt nhìn T "Làm sao ăn nổi đây?" T cười:
"Tại MH ra lệnh cho em…" Xe chạy đi đón MH, rồi trở đầu vô Chợ lớn đón thêm 2 em nữa. MH lên xe là bắt đầu tíu tít nói chuyện với T, có lúc em hỏi tôi "Sao không nghe cô nói gì hết vậy?" – "Cô thích nghe hơn, và khi nào cô nói cô sẽ nói bằng cách viết ra cho mọi người cùng nghe". Khi xe sắp tới nơi đón 2 em, có 1 giọng trên xe cất lên: "2 bé này tội nghiệp lắm, sinh viên còn đang đi học, đi làm thêm cuối tuần không được bao nhiêu, mà ham làm từ thiện lắm. Kỳ rồi nhất định đòi đóng 500.000$ vô quỹ từ thiện mới chịu…".
Tôi nhớ lại những lần trước đi từ thiện với nhóm này đa số là các BS, DS về hưu, tôi hay lo xa thầm nghĩ "Ít bữa tre tàn rồi không biết có măng mọc không? Người già hay làm từ thiện chứ giới trẻ coi bộ ít mặn mà chuyện này! thì hôm nay tôi đã có câu trả lời : trên xe hơn 1/2 là các em trẻ. Tôi bắt chuyện với 1 em rất trẻ ngồi cạnh tôi: "Em đi lần này là lần thứ mấy rồi?" – Dạ em mới đi lần đầu, nhưng em sẽ tiếp tục đi nữa, vì bây giờ em mới biết"- "Em còn đi học hay đi làm rồi? " – "Dạ em ra trường , đi làm được 3 năm". Sau này tôi mới biết em là bác sĩ làm việc ở bịnh viện Q 10. Còn mấy em ở phía sau tôi không có dịp nói chuyện, nhưng các em đã cho tôi thấy "Niềm tin vẫn còn đây…" niềm tin vào điều thiện trong cuộc sống vẫn còn tồn tại quanh ta dù là trong một xã hội còn nhiều bóng tối, nhưng không vì thế mà phủ nhận những điểm sáng của niềm tin vào điều tốt vẫn lấp lánh đó đây. Xin đừng dập tắt niềm tin ấy, nó vẫn âm ỉ cháy lên dù có khó khăn…Ở Mỹ mỗi lần đọc tin tức trên mạng về Saigon, tôi toàn thấy loan tin về giới showbiz: cô ca sĩ này mới lấy đại gia kim cương, người đẹp chân dài nọ vừa tậu ngôi nhà mấy triệu đô. Anh ca sĩ này chơi ngông sưu tầm kim cương đủ loại cả hộp, cô siêu mẫu kia mới sắm xe loại siêu sang cả triệu đô…rồi hết cuộc thi hoa hậu này tới cuộc thi người đẹp kia…Cứ đọc những tin tức đó, người ta có cảm tưởng Saigon biến thành một hộp đêm sang trọng như ở New York, Paris và giới trẻ chỉ quẩn quanh với những chuyện đua đòi để trở thành ca sĩ, hoa hậu, người mẫu chân dài…nhưng không, đó chỉ là thiểu số, là lớp váng béo vàng óng ánh nổi lên trên 1 tô phở mà những người ăn uống lành mạnh phải hớt ra đổ đi để đảm bảo không hại sức khỏe. Còn đa số vẫn sống tốt, vẫn yêu thích làm điều thiện qua con cái của bạn tôi, học trò tôi, những em tôi đi từ thiện chung…họ chính là những sợi bánh phở trắng ngần tình người, với nước lèo mặn mà bổ dưỡng len lỏi khắp nơi để sẻ chia…. Tôi mới vừa đọc được bản tin Hoạt động thiện nguyện phát quà đêm cho người vô gia cư ở Sài Gòn của nhóm Hơi ấm Sài Gòn do bạn Huỳnh Lê Tuấn (sinh năm 1990) làm nhóm trưởng, và được tổ chức thường xuyên. Họ lập một địa chỉ Facebook lấy tên "Hơi ấm Sài Gòn" để những bạn yêu thích hoạt động ý nghĩa này đều có thể tham gia. Hiện, nhóm có gần 1.900 thành viên đăng ký tham gia, và có những hoạt động thu hút đến 200 bạn tham gia cùng lúc. Hầu hết các bạn là sinh viên học sinh của các trường đại học ở Saigon.Hoạt động tặng quà cho người vô gia cư, mỗi đêm các bạn phát khoảng 100 đến 150 phần quà. Một phần gồm 50.000, bánh nếp, xôi, 1 chai nước, 1 chai dầu gió. "Cứ 1 tháng nhóm sẽ có ít nhất 4 lần đi tiền trạm để tìm những địa bàn có nhiều người vô gia cư trú ngụ. Sau khi đã xác định xong, Tuấn sẽ lên kế hoạch, đăng facebook thông báo về chương trình chi tiết cho các bạn tình nguyện viên ghi danh cũng như để các nhà mạnh thường quân tham gia tài trợ. Tùng tận tay trao gói quà cho bà cụ Hai, 73 tuổi ở Phú Yên vào Sài Gòn đi bán vé số. Tùng rất xúc động nói : “Con muốn sau này học thành tài để có thể giúp đỡ thật nhiều người nghèo như bà Hai”. Còn chính quyền của dân nghèo thì không thấy hứa hẹn gì để giải quyết tận gốc rễ cái nghèo của người dân, vì chỉ có họ mới có quyền và có sức để giải quyết vấn đề này tốt nhất.
Sự nhiệt tình của các bạn trẻ đối với chương trình khiến nhiều mạnh thường quân Saigon sẵn sàng đóng góp, tài trợ. Nhiều chương trình chỉ sau 4 giờ kêu gọi đã đủ số tiền để nhóm tổ chức làm ngay trong đêm. Không chỉ có giới trẻ hăng hái tham gia làm từ thiện mà các doanh gia thành đạt (đại gia) ở Saigon cũng rất hào phóng, rộng tay để yểm trợ các công tác từ thiện. Tôi nhớ lại lần nói chuyện ở quán cơm nụ cười 7, anh phụ trách cho tôi biết "Mấy ảnh tốt lắm, nói tụi tôi cứ yên tâm làm đi, thiếu tới đâu mấy ảnh tràn tới đó. Đừng lo!". Đúng là Saigon từ tâm, phóng khoáng, Saigon của lòng tốt không trừ một giới nào. Điều suy nghĩ này khiến lòng tôi ấm lại! Chưa kể những phong trào du ca đường phố với những cây đàn Guitar của giới trẻ đang lan tràn ở Hà nội và Saigon, rồi nhớ lại một lần trên đường về nhà, khi ngang qua 1 công viên lớn tôi bắt gặp các em Hướng Đạo mặc đồng phục đang sinh hoạt chung với nhau. Những hình ảnh này làm tôi vui quá và thấy lóe lên niềm hy vọng ở tuổi trẻ, ở thế hệ con cháu chúng ta sau này. Đúng là như lời hát du ca của Nguyễn Đức Quang mà ngày xưa tôi vẫn thích hát:
"Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm bao ưu phiền…
Hy vọng đã vươn lên trong tim người không bối rối
Hy vọng đã vươn lên chân nhịp nhàng còn đi tới…"
Mãi lan man suy nghĩ, mà xe đã chạy vèo vèo hết đường cao tốc phía tây và bắt đầu ra khỏi nó để đi vào huyện Châu thành, tỉnh Long an. Trước khi đến điểm làm việc từ thiện, theo thông lệ bác tài kiếm 1 quán bên đường cho mọi người xuống xe thư giản gân cốt, đi "xả nước cứu thân" hoặc uống càfe. Sau đó mọi người nhanh chóng lên xe để tiếp tục hành trình, địa điểm làm từ thiện lần này là 1 nhà thờ Tin Lành ( thuộc xã Tầm Vu- Thuận Mỹ). Khi chúng tôi đến nơi thì giờ lễ chưa tan, tụi tôi lo sắp đặt mọi việc để có thể bắt đầu làm việc ngay. Như mọi lần BS Thúy xếp cho tôi đo huyết áp, T cũng vậy, MH thì lo tiếp bệnh nhân ghi tên, tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp…Vậy là 3 cô trò được làm chung 1 phòng, BS Thúy lúc nào cũng thật tế nhị. Nhìn mái đầu ông bạc phơ, thân hình ốm o gầy mòn, đã về hưu nhưng lúc nào cũng tận tụy với người nghèo, làm tôi thật cảm phục! Ông lúc nào cũng nói năng ôn tồn nhỏ nhẹ và luôn khép kín hay tại ông là người Huế? Có 1 lần ông hỏi thăm tôi dạy SNA có biết chị HTD không? – "Dạ biết, chị D đang ở Đức phải không?", rồi ông giả lơ, tính bộc trực tôi đâu có chịu nên phải hỏi phăng cho ra mới được. Cuối cùng mới biết ông là em trai của chị HTD. Từ đó ông đặt cho tôi cái tên riêng : "Cô giáo", để khi gọi tôi, phân công tác, hay khi nói chuyện…Chỉ có điều tôi thắc mắc ông là BS "làm răng mà ông ốm rứa?", đúng là ông đạt chuẩn "mình hạc xương mai", phải chi ông chia bớt cái ốm cho tôi nhờ. Tôi nhớ lại phải ngày xưa thì tụi bạn tui đã phong cho ông cái chức "Bộ trưởng bộ xương cốt" MH kể lại em hay gặp ông buổi sáng ở chỗ Yoga, và hỏi thăm sao mà ông ốm rứa? Ông nói để từ từ ông kể cho mà nghe, nhưng em thì lúc nào cũng hối hả, cập rập với bao nhiêu việc nên cả hơn 1 năm rồi mà em cũng chưa nghe được câu chuyện " làm răng mà ông ốm rứa?".
Bịnh nhân bắt đầu vào phòng, chúng tôi phải bắt đầu làm việc. Đa số dân ở đây sống bằng nghề trồng Thanh Long, vậy mà hồi đó tới giờ tôi cứ tưởng Thanh Long chỉ được trồng ở vùng đất nóng nắng như Phan Rang, Phan Thiết. Nghe tôi nói vậy, 1 ông tự ái đất "Tầm Vu" nổi lên: "Cô phải biết xứ tụi tôi là "Vương quốc Thanh Long", nó được trồng ở đây đầu tiên đó cô. Rồi sau này mới lan ra Phan Rang, Phan Thiết…". Đúng là nhờ đi nhiều nên kiến thức mới mở mang. Một chị kể tôi nghe nghề của chị là đi "vuốt ngọc xanh" để Thanh Long bán được giá hơn. Tôi hỏi thăm vậy lương chị được trả bao nhiêu? – "Dạ cỡ 180.000$ (= 9 $US) cho từ 2-3 tuần làm việc". Có người trẻ thì đi biển Vũng Tàu đánh cá, 2, 3 tuần mới về nhà thăm vợ con 1 lần.Tôi đo huyết áp cho 1 ông 70 tuổi, trong khi chờ con số hiện lên tôi hỏi thăm công việc làm của ông. Ông cho biết "Tui ở chèo queo có 1 mình, nên trồng dừa nhưng cũng không thèm làm nhiều chi cho cực" – "Ủa ông không có con sao? – "Có 3 đứa, nhưng tụi nó ở xa nên toàn tui đi thăm tụi nó, chứ nó đâu có thăm tui" – "Sao kỳ vậy? Con phải đi thăm cha chớ!" – "Mà chưa chắc tụi nó con tui, vì tui chưa làm giám định ADN cô ơi!" – Vậy bà xã ông đâu rồi?" – Bả ở với tui có 5 năm, có 3 thằng con rồi bả giông mất tiêu…". À thì ra ông đang hận đời, hận tình nên có vẻ cay cú. Hỏi thăm cho ông có dịp xả ra cũng tốt! Đó cũng là từ thiện nha, vì ông ở chèo queo có 1 mình, nên nhiều khi ấm ức, sầu đời đâu biết nói ai nghe. Ai nghe mà nói? để lâu dễ sanh bệnh trầm cảm. Sự cô đơn cũng là chất độc như cholesterol trong những thức ăn dầu mỡ,nên phải xã nó ra bớt được chừng nào tốt chừng nấy.Tôi có anh bạn kể nghe thấy tội nghiệp: "Có ngày từ sáng tới tối, tôi không có dịp mở miệng để nói dù 1 lần, vì có ai đâu mà nói". Cha! coi bộ số người "chèo queo một mình" khá đông, để ít bửa tôi sẽ lập "Hội Chèo Queo" chắc là đông hội viên lắm!. Lúc đó bán thẻ hội viên chắc là "vừa bán, vừa la cũng đắt hàng"
Tôi thấy mấy bà dân làm ruộng, nhưng khi đi nhà thờ mặc áo dài, đeo bông tai, đeo chuỗi rất đẹp. Tôi khen: "Mấy bà diện đẹp quá xá!"
– Dạ cám ơn cô, bị nghe mục sư nói "Sao đi đám cưới mình lo diện đồ đẹp, mà Chúa nhật mình đi gặp Chúa mình lại không mặc đồ đẹp? Vậy là mình trọng người thế gian hơn Chúa sao?". Từ đó tụi tôi diện đồ đẹp để tới nhà Chúa cho lịch sự, mấy ông thì sơ mi dài tay, cà vạt, mấy bà thì áo dài với trang sức đẹp để tỏ lòng kính trọng Chúa.
Tôi thấy quan điểm mặc trang phục lịch sự đến nơi thờ tự ( nhà thờ, Chùa..) này rất có lý. Ở Mỹ nhất là mùa hè, cha giảng cứ phải nhắc nhở "Xin làm ơn đến nhà thờ, mặc đàng hoàng, đến nhà thờ để thờ phượng Chúa, chứ không phải đi biển" vì mấy cô đi nhà thờ mà mặc short ngắn, áo 3 lổ hở hang như đi biển.
Tôi đo huyết áp cho 1 bà, bà ốm quá nên miếng vải quấn quanh cánh tay bà đã kéo sát tối đa mà cũng không khít được với cánh tay bà. Bà nặng có 32 ký, tôi hỏi thăm sao bà ốm quá vậy? – Chắc tại mất ngủ, vì đủ chuyện phải lo buồn cô ơi! Con đứa thì bị tai nạn, đứa thì thất nghiệp, đứa thì ung thư, cháu chắt nheo nhóc…. Cái ăn không đủ, cái đầu không yên, nên làm sao mà không ốm được hả cô?… Tôi lẳng lặng nghe bà trút cạn nổi niềm với sự cảm thông mà không dám đưa ra 1 lời khuyên nào, vì đứng ngoài khuyên thì dễ dàng. Tôi chỉ biết nắm tay bà để bày tỏ sự thấu hiểu, gửi bà một số tiền để bà đắp đổi tạm thời và hứa sẽ cầu nguyện cho gia đình bà mau được bình an. Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu chính là tên gọi khác của yêu thương. (TNH). Có 1 ông bị stroke đã 18 năm, nhưng sau đó không hề gặp BS để tái khám, ông không đi được, người nhà phải bồng ông đi…Kiến thức về y tế của người dân còn quá thấp, lại nghèo nên họ chỉ tới gặp BS khi tình trạng tệ quá chịu không thấu, cho nên rất cần những đoàn y tế từ thiện để họ tới gặp BS khám bệnh và nhận thuốc miễn phí thì họ mới chịu đi
Hơn 1 giờ chiều, bệnh nhân đã hết, tụi tôi sắp xếp đồ đạc lại, lấy pin từ dụng cụ đo huyết áp ra, bỏ vô hộp. Ra ngoài cho thư giãn, gặp vị mục sư tôi hỏi thăm về tình hình đi nhà thờ của giáo dân, vì tôi tin rằng khi con người sống có niềm tin tôn giáo dù là tôn giáo nào, cuộc sống họ sẽ tốt hơn. Ông cho biết dân ở đây chăm lo đi nhà thờ và sống khá tốt nên cũng ít trộm cắp xảy ra. Tôi hỏi có nhà thờ Công Giáo nào gần đây? Ông cho biết cả Châu thành Long An không có 1 nhà thờ Công Giáo nào, giáo dân phải đi qua Tân An, cách đây 30 km để đi lễ chúa Nhật, vì họ không cho xây nhà thờ. Tôi thắc mắc :"Sao chính quyền nói tự do tôn giáo mà?" – "Thực tế không phải vậy đâu, còn rất nhiều khó khăn".
Nói tới đây thì có 1 bà già 80 tuổi, con lật đật chở tới để xin khám bệnh. Nếu đúng nguyên tắc thì chúng tôi có quyền từ chối không nhận, vì đã hết giờ. Nhưng tội nghiệp bà già, nên lại phải lấy pin bỏ lại vô máy đo huyết áp, rồi thêm 1 người tâm thần nhẹ…Phòng làm việc ghi danh, đo huyết áp là nghỉ sớm nhất, còn phòng của BS khám bệnh và phòng phát thuốc lúc nào cũng nghỉ sau cùng. Hồi nảy nhà bếp có đưa xôi, nhưng tôi kỵ ăn xôi, nên bây giờ gần 2 giờ chiều, bụng bắt đầu réo, vì ăn sáng lúc 6 giờ, nhưng phải đợi mọi người làm xong mới ăn cơm chung, nên đành uống nước lạnh cầm hơi. Thôi kệ bị đói để thấu hiểu cảm giác đói của người thiếu ăn như thế nào mà thương họ nhiều hơn.
Hơn 2 giờ chiều chúng tôi mới dùng cơm trưa, vì trong đoàn có nhiều phật tử ăn chay, nên nhà bếp cho chúng tôi ăn đồ chay luôn. Ăn rau là tốt rồi, mà dù đồ chay, hay đồ mặn gì cũng đều ngon hết, vì ai nấy đều đói quá rồi, tôi thấy rau là mê nên làm cho một bụng rau, mà không cần e dè ăn vô lát nữa có bị đau bụng không? Tôi đang nhớ và thực tập câu nói "Hãy enjoy giây phút hiện tại".
Trên đường về, ai nấy mệt nhoài, trời lại nóng nực nên mọi người đều gật gù hết, tôi cũng gật gù như họ. Có lẽ vì chúng tôi cùng đồng ý với nhau một điều quan trọng "Chúng tôi học được cách cho đi chẳng phải vì chúng tôi có quá nhiều, mà vì chúng tôi thấy rõ "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng". Chỉ đơn giản có vậy thôi! Mệt quá rồi! nào xin chúc mọi người hãy buông xã và cùng ngủ ngon nha! Bởi vì:
"Ra đời hai tay trắng.
Lìa đời trắng hai tay.
Sao mãi nhặt cho đầy.
Túi đời như mây bay …"
Phượng Vũ
Views: 0