Uncategorized

Những viễn tượng mới

“Gió lạnh và giá rét tràn về khiến Giáng sinh 2009 trở nên hiện hữu hơn trong lòng người Hà Nội. Tại những địa điểm quan trọng của thành phố, không khí Noel càng thêm náo nức, tưng bừng…

 

“Gió lạnh và giá rét tràn về khiến Giáng sinh 2009 trở nên hiện hữu hơn trong lòng người Hà Nội. Tại những địa điểm quan trọng của thành phố, không khí Noel càng thêm náo nức, tưng bừng…

 

Báo Kinh Tế & Đô Thị của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội trong số ra ngày 20.12.2009 cho biết “còn 4 ngày nữa là tới lễ Giáng sinh, đường phố Hà Nội rực rỡ đèn trang trí, nhà thờ lung linh trong ánh sáng, người người háo hức đổ đến các điểm công cộng để chụp ảnh kỷ niệm…”

Trong khi đó Báo điện tử Công Thương của Bộ Công Thương, trong số ngày 21.12.2009, dưới đề tựa lớn “Giáng sinh đang về trên khắp phố phường Hà Nội”, đã mở đầu như sau:

“Đã từ lâu, ngày lễ Giáng sinh không chỉ còn là riêng của các nước phương Tây và những người theo đạo Thiên chúa trên toàn thế giới nữa, Noel thực sự đã trở thành ngày lễ chung của tất cả mọi ngườI.”

Sau đó, bài báo viết tiếp:

“CôngThương – Ở Việt Nam, ăn mừng lễ Giáng sinh đang ngày càng trở nên quen thuộc và đi vào đời sống của mọi nhà. Không náo nhiệt sớm như TP. Hồ Chí Minh nhưng không khí chuẩn bị cho lễ Giáng sinh ở Hà Nội cũng đã bắt đầu nhộn nhịp từ đầu tháng 12.

“Gió lạnh và giá rét tràn về khiến Giáng sinh 2009 trở nên hiện hữu hơn trong lòng người Hà Nội. Tại những địa điểm quan trọng của thành phố, không khí Noel càng thêm náo nức, tưng bừng… Tuyến phố quà tặng nổi tiếng của Hà Nội như Lương Văn Can, Hàng Cân, Hàng Lược, Hàng Mã những ngày này đã rực lên sắc màu Giáng sinh. Đó là màu đỏ của những bộ đồ Noel, tất, mũ Noel, các hình ông già Tuyết, quả cầu, quả châu trang trí hay màu xanh, màu bạc của những cây thông Noel, quả chuông, dây kim tuyến…

“Ngoài ra, những dịch vụ ăn theo mùa Giáng sinh cũng đang được các cửa hàng lên kế hoạch chuẩn bị. Trong đó, công trang trí một cây thông noel là 150.000 đến 200.000 đồng/cây (chưa bao gồm các vật liệu trang trí). Trang trí cây thông cho doanh nghiệp, công ty, khách sạn, nhà hàng… giá 300.000 đến 500.000/cây. Dịch vụ gói quà có giá 20.000 đồng/gói và dịch vụ ông già Noel chuyển quà 50.000 đồng/món quà (trong phạm vi các quận nội thành Hà Nội).

“Đến thời điểm này các khách sạn lớn tại Hà Nội như Sheraton, Sofitel Plaza, Horison, … cũng đang bận rộn chuẩn bị tổ chức tiệc Giáng sinh. Tại khách sạn Daewoo, tiệc Giáng sinh diễn ra tối ngày 24/12 với giá 60 USD/người lớn, 30 USD/trẻ em. Khách sạn Melia, chương trình đại tiệc đêm Noel giá 79 USD ++/người lớn, 58.00 USD ++/trẻ em dưới 12 tuổi. Tại các nhà hàng lớn trong khách sạn InterContinental Hanoi Wesklake cũng tổ chức nhiều chương trình, những bữa tiệc đặc biệt hấp dẫn dành cho đêm Giáng sinh với mức giá 65USD- 80 USD/ người lớn. Ngoài ra, các siêu thị lớn như Metro, Big C, Fivimart… cũng đã tổ chức những khu trưng bày quà tặng Giáng sinh hết sức rực rỡ, khiến hầu hết khách hàng tới thăm đều phải dừng lại giây phút để chụp hình.

“Đặc biệt, tại Trung tâm thương mại Vincom – nơi được đánh giá là một trong những địa điểm được trang hoàng lộng lẫy nhất, không khí Noel mới thật sự sôi động. Ở cả hai cửa ra vào, là rất nhiều cây thông phủ tuyết trắng được bố trí, cạnh đấy là người Tuyết và ông già Noel rang tay với nụ cười rất thân thiện đón chào mọi người. Bên cạnh đó, rất nhiều hòm quà được bầy biện vô cùng bắt mắt. Nhiều em nhỏ rất thích thú khi được bố mẹ chở đi xem cây thông, chụp ảnh chung cùng ông già Noel và nhận những phần quà đáng yêu, hấp dẫn.

Bài báo đã kết luận:

“Không khí nhộn nhịp đón chào Noel tràn ngập các phố phường. Trong những khoảnh khắc ấm áp và trìu mến này, chúng ta hãy cùng im lặng chờ đợi những thông điệp yêu thương và đầy ý nghĩa đang được chuyển đến khắp mọi nhà.”

Đây là những ngôn từ chưa từng thấy trước đây trên các cơ quan ngôn luận do Đảng và Nhà Nước quản lý. Điều này cho thấy những viễn tượng mới đang mở ra. Tuy nhiên, để tiến tới những viễn tượng mới đó, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã phải trải qua nhiều thời kỳ thử thách căm go và phải đợi chờ các diễn biến mới của lịch sử mới có cơ hội phát huy hướng đi của mình.

NHỮNG NGÀY ĐEN TỐI

Sau cuộc di cư năm 1954, số giáo dân còn lại ở miền Bắc khoảng 750.000 người với 254 linh mục và 7 Giám Mục, chia làm 10 Giáo Phận.

Kể từ mùa thu 1958, nhà cầm quyền CSVN bắt đầu trục xuất các giáo sĩ ngoại quốc và xóa bỏ cơ quan ngoại giao của Vatican tại Việt Nam.

Năm 1950 Đức Giáo Hoàng Piô XII đã cử Đức Giám Mục John Dooley, người Ireland, làm Khâm Sứ Vatican tại Hà Nội. Ngài đã ở lại miền Bắc sau khi đất nước bị chia đôi.

Tháng 3 năm 1959, mặc dầu Khâm Sứ John Dooley đang trải qua nhiều cơn bệnh nặng, nhà cầm quyền vẫn quyết định trục xuất ngài bằng cách đưa ngài qua Nam Vang. Linh mục O’Driscoll, một giáo sĩ người Ireland, tạm thời đảm nhiệm chức vụ Quyền Khâm Sứ. Tuy nhiên, đến ngày 17.8.1959, linh mục này cũng bị trục xuất. Tòa Khâm Sứ Vatican tại Hà Nội bị buộc phải đóng cưœa và sau đó bị tịch thu. Một bức tường ngăn cách giữa Tòa Giám Mục Hà Nội và Toà Khâm Sứ đã được chính quyền dựng lên. Giáo Hội miền Bắc trở thành Giáo Hội thầm lặng và bị quả chế khắc nghiệt như hầu hết các giáo hội công giáo khác đang tôn tại dưới các chế độ cộng sản.

Ngày 14.6.1955 Hồ Chính Minh ban hành Sắc Lệnh số 234/SL về tôn giáo. Sắc Lệnh này quy định:

– Không được giảng đạo ngoài phạm vi nhà thờ. Cấm nói về tôn giáo trong các hội quán.

– Khi thuyết giảng trong các nhà thờ, giáo sĩ phải giảng về lòng yêu nước, nghĩa vụ công dân, sự phục tùng chính phủ và các đạo luật ban hành, ngay cả các đạo luật bài tôn giáo.

– Tài sản của Giáo Hội do nhà nước quản lý. Các giáo sĩ chỉ được cấp một ít đất đai để sinh sống.

Ngày 11.3.1955, Mặt Trận Tổ Quốc, đã triệu tập một Đại Hội Đại Biểu Công Giáo tại Hà Nội để thành lập “Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo Yêu Tổ Quốc và Hòa Bình” với nhiệm vụ làm công tác tôn giáo vận.

Nhà cầm quyền hạn chế sự di chuyển của các linh mục nên những giáo xứ không có linh mục thường không có nghi lễ tôn giáo cho giáo dân. Có nhiều giáo dân muốn dự thánh lễ phải đi rất xa, có khi phải nghĩ lại đêm. Các giáo xứ ở Quảng Yên, Hòn Gay và Cẩm Phả có khoảng 40.000 giáo dân nhưng không có linh mục nào. Suốt năm này qua năm khác, giáo dân không được dự thánh lễ, kể cả các ngày lễ lớn như Giáng Sinh hay Phục Sinh.

Tại những nơi có linh mục, nhà cầm quyền cố tình sắp xếp các giờ lao động hay hội họp trùng với các giờ kinh hay giờ lễ để giáo dân không tham dự được.

Kết quả, sau 20 năm đàn áp, số giáo dân miền Bắc vẫn tăng đều theo nhịp tăng của dân số. Tới ngày 30.4.1975, người ta được biết số giáo dân Công Giáo tại miền Bắc có khoảng 1.158.000 người với khoảng 600 giáo xứ, nhưng số linh mục không còn bao nhiêu, đa số từ 60 tuổi trở lên. Có giáo phận như Giáo Phận Hải Phòng có 145.000 giáo dân mà chỉ có 7 linh mục từ 62 tuổi trở lên. Giáo Phận Phát Diệm có 95.000 giáo dân cũng chỉ có 15 linh mục. Trung bình cứ 4.000 giáo dân mới có một linh mục. Nhà cầm quyền tính rằng chỉ trong vòng 15 năm nữa, số linh mục già sẽ qua đời, giáo dân không có ai coi sóc, Giáo Hội Công Giáo sẽ tan rã!

Sau 30.4.1975, nhà cầm quyền Hà Nội đã cho áp dụng tại miền Nam các biện pháp đàn áp Công Giáo đã áp dụng tại miền Bắc.

1.- Dùng Công Giáo khống chế Công Giáo: Trước tiên, nhà cầm quyền đã dùng những thành phần được gọi là “Công Giáo cấp tiến” do Nguyễn Đình Đầu và Lý Chánh Trung giựt dây, đứng ra đòi thực hiện hai công tác quan trọng sau đây:

– Trục xuất Đức Khâm Sứ Tòa Thánh Henri Lemaitre.

– Trục xuất Đức Tổng Giám Giám Mục Nguyễn Văn Thuận khỏi Sài Gòn và sau đó bắt giam.

2.- Khống chế các giáo sĩ có uy tín: Song song với hai vụ trục xuất nói trên, nhà cầm quyền đã cho tìm bắt các giáo sĩ có khả năng lãnh đạo các cuộc đấu tranh của khối Công Giáo như Linh mục Hoàng Quỳnh, Linh mục Trần Hữu Thanh, Linh mục Đinh Bình Định, v.v.

3.- Thanh toán các tổ chức bị coi là phản động có dính líu đến Công Giáo: Vụ Mặt Trận Phục Quốc, thường được gọi là vụ Vinh Sơn; vụ Mặt Trận Liên Tôn do Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Nguyễn Văn Vàng chủ động, vụ Đồng Công ở Thủ Đức, v.v.

4.- Sửa đổi và xiết chặt quy chế tôn giáo: Đầu tiên Đảng CSVN đã ban hành Nghị Quyết số 297 ngày 11.11.1977 gồm những điểm chính sau đây:

– Những hoạt động tôn giáo ngoài các cuộc hành lễ thông thường đều phải xin phép. Muốn tổ chức các lớp giáo lý, các cuộc hành lễ đông người từ nhiều nơi đến tham dự, các cuộc hội họp về tôn giáo chung cho nhiều nơi… đều phải có giấy phép của chính quyền.

– Chỉ được giảng đạo trong phạm vi cơ quan của tôn giáo và khi giảng đạo phải động viên tín đồ làm nhiệm vụ công dân, chấp hành chính sách và luật pháp của Nhà Nước.

Tiếp theo là Nghị Định số 69-HĐBT ngày 21.3.1991 điều chỉnh lại quy chế tôn giáo, v.v.

5.- Thành lập cơ cấu Công Giáo quốc doanh để lũng đoạn Giáo Hội Công Giáo: Từ Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo Yêu Tổ Quốc và Hòa Bình Mặt Trận Tổ Quốc đã tiến tới thành lập Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước để gây khó khăn cho giáo hội.

Khoảng 200 công an được huấn luyện tại Tiệp Khắc về tôn giáo vụ đã được đưa vào miền Nam, phân phối cho các thành phố Đà Nẵng, Biên Hòa, Đồng Nai và Saigon là những nơi có nhiều giáo dân tập trung.

TÌM MỘT HƯỚNG ĐI MỚI

Nhà cầm quyền CSVN đã phải thay đổi dần chính sách tôn giáo kể từ khi các chế độ cộng sản ở Liên Sô và Đông Âu sụp đổ. Ngày 18.5.1990 Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn qua đời. Nhân dịp này, Tòa Thánh đã cử một phái đoàn do Đức Hồng Y Etchegaray, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình làm trưởng phái đoàn, sang Việt Nam dự lễ an táng, đồng thời tiếp xúc với nhà cầm quyền Việt Nam để bàn về một số vấn đề liên quan đến Giáo Hội Việt Nam. Sau cuộc viếng thăm này, Đức Hồng Y Etchegaray đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn bằng tiếng Pháp trên đài Vatican như sau:

“Nói chung, cần phải nhấn mạnh rằng Giáo Hội ở Việt Nam vẫn còn bị chèn ép quá nhiều bằng đủ mọi hình thức, bị làm khó dễ bằng các biện pháp hành chánh. Không có Giáo Hội nào ở các quốc gia xã hội chủ nghĩa Đông Âu phải chịu một mùa đông gay go giá lạnh như Giáo Hội ở Việt Nam. Nhưng bây giờ mùa xuân bắt đầu hé mở và đã đến lúc Tòa Thánh cùng với chính phủ Việt Nam tìm kiếm con đường tốt đẹp hơn để đẩy mạnh tiến trình tự do, một tiến trình mà cho đến nay chỉ mới chớm nở.”

Trong gần 20 qua, đã có 15 phái đoàn Vatican đến thăm Việt Nam để bàn về những vấn đề của Giáo Hội Việt Nam và việc thiết lập bang giao giữa Vatican và Việt Nam. Các cuộc thương thảo này đã đem lại nhiều kết quả đáng kích lệ.

Trong bài nghiên cứu dưới đầu đề “Toà thánh biết gì về tự do tôn giáo ở Việt Nam?”, hai giáo sư Dr. Karoline Dietrich và Rev. Dr. Michael Hainz S.J. thuộc Viện Nghiên Cứu Xã Hội Học Dòng Tên Muenchen ở Đức, công bố vào tháng 2 năm 2002, đã có nhận định như sau:
“Tình trạng hiện tại ở Việt Nam đối với các tổ chức tôn giáo và đối với các tín đồ, so với các cuộc khủng bố rầm rộ của chế độ cộng sản sau biến cố năm 1954 ở miền Bắc và 10 năm sau khi thống nhất năm 1976 ở miền Nam, chúng ta phải nhìn nhận rằng có tiến triển.

“Trong thập niên 1990, chính quyền Hà Nội có đường lối xa lánh chính sách bách hại tôn giáo một cách trắng trợn và hiện tại cũng tỏ ra ôn hòa và nhân nhượng hơn đối với các tôn giáo. Chính sách "nhân nhượng" của thập niên 1990 được thực hiện vào việc nới rộng tự do hành đạo, nhưng đồng thời chính quyền vẫn không thay đổi chính sách kiểm soát đối với các tôn giáo.

“Quyền tự do, nhất là trong lãnh vực phụng tự, tôn giáo nào được công nhận đều được hưởng, nhưng đồng thời chính quyền cũng gia tăng kiểm soát và việc cho phép hay cấm đoán được thực thi một cách tùy hỷ…”

Chính sách “thực thi một cách tùy hỷ” này hiện vẫn đang còn tồn tại. Tuy nhiên, vì tình thế ngày càng thay đổi nên chính quyền phải có một thái độ mềm dẽo hơn, nhờ vậy sinh hoạt tôn giáo trở nên dễ dàng hơn.

Tài liệu thống kê vào cuối năm 2009 cho biết hiện nay Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã có khoảng 6.200.000 triệu giáo dân với 1 Hồng Y Tổng giám mục, 2 Tổng giám mục, 40 Giám mục, 3000 linh mục triều, 770 linh mục dòng, 15.750 tu sĩ nam nữ, 57.000 giáo lý viên, 2.135 giáo xứ, giáo điểm, giáo họ và 190 cơ sở xã hội, nhà trẻ, dạy nghề, lớp học, từ thiện, khám bịnh.

Lúc 11 giờ ngày 12.12.2009, một cuộc hội kiến giữa ĐGH Beneđitô XVI và ông Nguyễn Minh Triết, Chủ Tịch nước Việt Nam đã diễn ra tại Vatican, kéo dài trong vòng 40 phút. Theo hãng AP, đây là thời thời lượng khá dài so với các cuộc tiếp xúc khác giữa ĐGH và các vị quốc trưởng các nước. Thông thường, các cuộc tiếp kiến như thế chỉ kéo dài khoảng 15 phút. Điều này đã làm các nhà quan sát nhận định rằng Tòa Thánh và Việt Nam đã đề cập đến nhiếu vấn đề quan trọng mà hai bên cùng quan tâm.

Một ngày trước khi lên đường sang Italia, Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết đã dành cho ký gả tờ Corriere della Sera phát hành ở Italia một cuộc phỏng vấn trong đó ông tuyên bố: “Chúng tôi đang làm việc để khai mở quan hệ với Vatican”.

Trong bản thông cáo của Tòa Thánh được hãng thông tấn xã AP trích dẫn, đã cho biết: “Tòa Thánh tỏ ra hài lòng với cuộc thăm viếng, coi đây là giai đoạn có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. Tòa Thánh cũng bày tỏ hy vọng những vấn đề đặc biệt sẽ được giải quyết sớm.”

ĐHY Etchegaray, nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, gọi chuyến thăm của Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết là “điều thiết yếu cho sự xích lại gần nhau giữa Đông và Tây.” Ngài hy vọng quan hệ song phương vốn “chậm chạp và cam go” giữa Hà Nội và Vatican từ nay được đánh dấu bằng “tinh thần tín nhiệm lẫn nhau.”

Đức Giám Mục Nguyễn Văn Nhơn, Chủ Tịch HĐGMVN, nói với hãng thông tấn Fides rằng cuộc gặp gỡ này là "biến cố mang niềm hy vọng" tới cho những trái tim người Công giáo Việt nam, mở ra những viễn tượng mới, nâng cao những ước vọng lớn lao.

Với số tín đồ Công Giáo được ước tính từ 7-8 triệu, Việt Nam là quốc gia có cộng đồng Thiên Chúa Giáo La Mã thứ nhì châu Á, chỉ sau Philippines.

NHỮNG KHÓ KHĂN CÒN TỒN TẠI

Trong buổi phát thanh ngày 11.12.2009, đài phát thanh BBC đã nhận định: “Một trong những vấn đề còn khúc mắc là tranh chấp đất đai và các cơ sở Công giáo mà chính quyền thu sau năm 1955 tại miền Bắc và sau 1975 tại miền Nam.” Một số cơ quan thông tin quốc tế khác cũng đã có nhận định như vậy. Ngoài những vướng mắc về tranh chấp đất đai, dĩ nhiên là còn một số khó khăn khác.

1.- Trở ngại về tài sản bị cưỡng chiếm

Như chúng tôi đã trình bày trong bài “Giải quyết các rắc rối về nhà đất của các tôn giáo”, trong thời kỳ chủ trương xoá bỏ tôn giáo để “tiến lên xã hội chủ nghĩa”, nhà cầm quyền đã tịch thu của Giáo Hội Công Giáo khoảng 2250 cơ sở. Vì là một tổ chức có nhiệm vụ chính là rao giảng Tin Mừng, Giáo Hội Công Giáo đề nghị chính quyền ưu tiên trao trả lại cho Giáo Hội những cơ sở sau đây:

– Các cơ sở được dùng thực thiện các công tác bác ái và từ thiện để Giáo Hội có thể phục vụ nhiều hơn những người không may mắn.

– Các chủng viện để đào tạo linh mục.

– Các cơ sở giáo dục để Giáo Hội có thể góp phần vào việc nâng cao trí dục và đức dục của người dân.

Nói rằng chính phủ không trả thì không đúng. Chính quyền chỉ trả nhỏ giọt và thường không trả khi đang có áp lực. Chính quyền địa phương thường khắt khe hơn chính trung ương, vì các địa phương thường nghĩ đến quyền lợi riêng tư hơn quyền lợi đất nước, cố chấp và không thấy rõ ảnh hưởng sâu rộng khi các cuộc tranh đấu bùng nỗ.

Tuy nhiên, vấn đề tranh chấp về nhà đất không phải là một trở ngại cho việc thiết lập bang giao giữa Vatican và Việt Nam. Nếu muốn được chính phủ chẳng những trả lại tài sản mà còn xây cất thêm cho nhiều trung tâm rộng lớn như Phật Giáo quốc doanh hiện nay chẳng hạn, Giáo Hội Công Giáo chỉ cần chấp nhận trở thành một tổ chức tôn giáo vận của Đảng CSVN như Phật Giáo là có đủ mọi thứ ngay. Nhưng Giáo Hội đã giữ vững con đường của mình và chấp nhận những sự mất mát.

Giáo Hội không bao giờ để những tài sản vật chất ngăn trở sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Khi tình hình cho phép, một số giáo hội anh em sẽ giúp giáo hội Việt Nam tiến tới một giải pháp tốt đẹp hơn là phương thức Thái Hà.

2.- Trở ngại về con người

Khó khăn thứ hai có lẽ quan trọng hơn khó khăn thứ nhất. Khó khăn này đã được ông Nguyễn Thế Doanh, cựu Trưởng Ban Tôn Giáo Của Chính Phủ trình bày trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC được phổ biến nhiều lần vào đầu tháng 12/2009, nhưng các cơ quan truyền thông Việt ngữ, kể cả cơ quan truyền thông Công Giáo Việt Nam, đều tránh nhắc lại. Tuy nhiên đó là một sự thật cần phải quan tâm. Ông Doanh nói về sự thiết lập bang giao giữa Vatican và Việt Nam như sau:

“Cái đó nó còn lệ thuộc vào nhiều vấn đề, lệ thuộc vào nỗ lực của cả hai bên, kể cả phía Tòa thánh nữa. Tòa thánh thì lâu nay cũng có rất nhiều nỗ lực thiện chí.

“Nhưng nó còn phụ thuộc vào yếu tố nữa, đó là giáo hội công giáo Việt Nam ở trong nước, sao cho nó cùng hòa một nhịp chung. Thì cái đó mới là một vấn đề phải phấn đấu.

“Rất tiếc cũng còn một bộ phận trong số giáo sĩ công giáo, tất nhiên không nhiều, một bộ phận nhỏ thôi vẫn còn não trạng không phù hợp với xu thế mới.

“Tòa thánh với giáo hội (Việt Nam) là một, vì giáo hội công giáo hoàn vũ mà. Như vậy nó phải cùng một nhịp. Theo tôi hiểu là thế.”

Một giám mục Việt Nam đã tâm sự với chúng tôi: Một nhóm tín hữu cực đoan ở hải ngoại đã gây khó khăn cho giáo hội có khi còn hơn cả cán bộ cộng sản. Họ không nắm vững tình hình đất nước, không nắm vững tình cảnh của giáo hội ở trong nước và đường lối của giáo hội, cứ suy nghĩ theo cảm tính rồi ra lệnh cho HĐGMVN phải làm thế này, không được làm thế kia… gây ra những sự phiền hà liên tục.

3.- Trở ngại về phía Trung Quốc?

Nhiều nhà bình luận vẫn tin rằng khi Trung Quốc chưa lập bang giao với Vatican, Hà Nội sẽ không dám đi trước.

Tuy nhiên, hôm 3.12.2009, sau cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI và ông Dmitri Medvedev, Tổng Thống Nga, điện Kremlin loan báo Nga đã quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao "hoàn toàn" với Tòa Thánh bằng cách nâng cấp phái bộ ngoại giao của mình lên hàng đại sứ. Nhiều người tin rằng quyết định này của điện Kremlin đã mở đường cho Hà Nội trong việc thiết lập bang giao với Vatican.

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI

Trong bài “Sợ diễn biến hoà bình” phổ biến ngày 18.11.2009, chúng tôi đã viết:

“Điều chắc chắc, Hoa Kỳ và các cường quốc không bao giờ đi theo “đường mòn chống cộng” và “binh pháp chống cộng” của người Việt hải ngoại, trái lại thường biến các cộng đồng này thành công cụ phục vụ chính sách từng giai đoạn của họ. Hoa Kỳ vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược diễn biến hoà bình.

“Điều chắc chắn, Tòa Thánh Vatican và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng không bao giờ đi theo “đường mòn chống cộng” và “binh pháp chống cộng” của người Việt hải ngoại, mà đi theo con đường mà Đức Cố Giáo Hoàng John Paul II đã đưa ra trong thông điệp Ngày Hoà Bình Thế Giới 2005: “Vượt thắng điều ác bằng điều thiện” (Overcome evil with good).

“Những ai muốn lật đổ chế độ cộng sản ở trong nước, phải thành lập những tổ chức chính trị như Công Đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan hay Khối Công Dân Công Giáo trước 1975 để hành động. Đừng nghĩ rằng có thể dùng những lời kích bác, kích động, những tin bịa đặt hay “thần học chống cộng” để đưa Giáo Hội vào các cuộc phiêu lưu chính trị.”

Trong cuộc tiếp kiến các giám mục Việt Nam trong chuyến viếng thăm “Ad limina” vào ngày 27.6.2009, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã nói:

“Giáo HộI không hề muốn thay thế Chính quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng lẫn nhau, Giáo Hội dự phần chính đáng vào đời sống của Đất Nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân…”

Tuy nhiên, trước khi đi vào “những viễn tượng mới”, ĐGM Nguyễn Văn Nhơn, Chủ Tịch HĐGMVN nói rằng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã phải trải qua nhiều năm dài sống trong bóng tối nên những viễn tượng mới đưa tới những ngày tươi sáng hơn vẫn còn phải trải qua nhiều thử thách và thiện chí.

Ngày 22.12.2009
Lữ Giang
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.