Uncategorized

Những phụ nữ đánh mất căn tính

“Dù có người mẹ nào quên con không nhớ đến chúng, thì Ta, Ta cũng không quên con. Vì Ta đã khắc tên con vào bàn tay Ta rồi.” (Is 49:15)

 

“Dù có người mẹ nào quên con không nhớ đến chúng, thì Ta, Ta cũng không quên con. Vì Ta đã khắc tên con vào bàn tay Ta rồi.” (Is 49:15)

 

Dưới góc độ tâm linh và tôn giáo, câu nói trên diễn tả một cách tuyệt vời tình yêu của Thượng Đế dành cho mỗi người chúng ta. Vết khắc mà Ngài nói đến không phải là một vết rạch, cắt nơi lòng bàn tay của Ngài, mà nó được đâm thủng bằng dấu đanh khi Ngài bị đóng đinh vào thập giá.

 

Tình yêu Thượng Đế được trao ban cho con người. Tuy không phải là Thượng Đế, dầu vậy nó vẫn được trao ban một phần cái căn tính của tình yêu, trong đó có tình mẫu tử vô cùng cao cả, thiêng liêng và cũng rất huyền nhiệm. Nhạc sĩ Y Vẫn vẫn sống mãi trong tâm hồn những người con qua bài “Lòng Mẹ” của ông. Không biết đã có bao nhiêu người con phải thổn thức, bồi hồi, và nức nở khi nghe bản nhạc này, và khi nghĩ đến mẹ mình. Về phần phụ nữ thì xem như yêu con, thương con, hy sinh vì con vẫn là một bản chất thiêng liêng dính liền với chức năng làm mẹ. Tuy vậy, căn tính này hiện nay đang phải đối diện với nhiều thách thức, nhiều khó khăn bằng nhiều lý do, đặc biệt, qua những phong trào phá thai, đồng tính và hôn nhân đồng tính

Trường hợp 1:

 

Hạnh là một thiếu nữ mới lớn ở tuổi 23. Thân thể đẫy đà, tươi tắn, và rất xinh gái. Tuy ở tuổi trên pháp lý được công nhận như một người đã trưởng thành, nhưng trong thực tế Hạnh chỉ suy nghĩ và hành động như một em bé 13 hoặc 15 tuổi. Tình trạng tâm lý chậm phát triển là do vì lúc lên 3, Hạnh đã bị ngã từ lầu trên lao đầu xuống sàn nhà phía dưới. Trải qua gần một tháng hôn mê trong nhà thương. Mạng sống được cứu, nhưng ảnh hưởng của lần ngã lầu ấy đã làm cho Hạnh bị chấn thương sọ não và vì vậy, sự phát triển về trí khôn và tâm lý của Hạnh cũng bị ảnh hưởng.

 

Sau khi ba của Hạnh qua đời trong trại tù Cộng Sản, ở nhà mẹ Hạnh đã làm quen với một cựu quân nhân vừa mới được ra khỏi tù. Hai người đã sống với nhau như vợ chồng, và khi người đàn ông này qua Mỹ theo diện HO, Hạnh cũng được theo mẹ và dượng ghẻ qua định cư tại Hoa Kỳ. Chuyện đời không ai ngờ được, tại Hoa Kỳ, người dượng ghẻ của Hạnh đã bỏ mẹ con Hạnh để theo một người khác trẻ, đẹp hơn. Bị tình phụ nhưng sau khi chia tay chưa đầy 2 tháng, mẹ Hạnh đã quen với một người đàn ông khác. Lần này để che dấu quá khứ của mình, mẹ Hạnh nhất định bắt Hạnh gọi bà là “dì”. Coi như Hạnh là người cháu của bà, như vậy bà là người son sẻ, không vướng bận con cái để có thể có một tình yêu đúng nghĩa. Hạnh đau lòng lắm, nhưng không dám cãi lời mẹ, vì sợ mẹ đuổi ra khỏi nhà. 

 

Mọi chuyện đều sẽ êm xuôi, nếu không có một biến cố quan trọng khác đã xảy ra cho Hạnh. Mới đây Hạnh khám phá ra mình đã có thai. Em rất hoang mang, sợ hãi, và không biết phải làm gì. Dĩ nhiên, bào thai này là kết quả của một cuộc tình cũng rất thiếu trưởng thành. Người bạn trai của Hạnh nhất định không muốn cưới Hạnh với một lý do rất ấu trĩ là theo lời thầy bói, nếu cưới Hạnh thì trong nhà Hạnh, trong nhà anh ta, hoặc cả hai sẽ có người chết.

 

Bất hạnh đối với tình yêu, Hạnh quay về cầu cứu mẹ mà lúc này Hạnh gọi bằng “dì” thì với một giọng nói và vẻ mặt lạnh lùng, bà nhất định bằng mọi giá bắt Hạnh phải đi phá thai, hoặc không sẽ đuổi ra khỏi nhà. Sở dĩ bà phải mạnh tay và cương quyết như vậy cũng vì người bồ mới của bà không chấp nhận cho Hạnh ở trong nhà, và không muốn những trách nhiệm liên lụy đến việc thai nghén và sinh con của Hạnh.

 

Khi chúng tôi nhận được điện thoại của Hạnh, em đã run rẩy và nức nở kể lại câu chuyện thương tâm của mình, với giọng đầy xúc cảm: “Cháu không muốn giết con cháu. Nhưng cháu sợ hãi quá? Cháu phải làm sao sống đây, vì mẹ (dì) cháu nhất định đuổi cháu ra khỏi nhà nếu như cháu không phá thai.”     

Trường hợp 2:

 

Nhã là người con gái trẻ, có tài và có sắc. Tài làm bánh của em rất giỏi. Trong tương lai, em mơ được làm chủ một tiệm bánh. Gia đình em có một vài người chị và anh qua định cư tại Hoa Kỳ, nhưng em mới qua đây với chiếu khán du học sinh.

 

Là người con gái 25 tuổi, được chiều chuộng và săn sóc từ bé, Nhã không quen với những thử thách và khó khăn trong cuộc sống mới hiện tại. Yếu sinh ngữ, ngơ ngác trong vấn đề hội nhập, Nhã đã bị một thanh niên có vợ dụ dỗ. Tình yêu đem lại cho em một cái nhìn thần tiên về cuộc đời, về người tình, về tương lai. Mặc dù đã có những lời khuyên can từ phía bạn bè, và người thân, Nhã vẫn lăn xả vào cuộc tình bằng tất cả đam mê và sức quyến rũ của tuổi trẻ. Kết quả em đã có thai.

 

Tất cả mọi người kể cả anh rể, chị dâu, anh chị em trong gia đình đều nguyền rủa và lên án Nhã, bắt Nhã phải phá thai. Vô duyên, vô lý, và thiếu tư cách nhất là người anh rể.  Ỷ mình là một nha sĩ, anh này không ngớt lời mạt sát và coi Nhã như cùi hủi, không muốn cho đến nhà, không muốn cho người chị ruột của Nhã liên lạc với Nhã, sợ rằng con cái anh sẽ bị ảnh hưởng.

 

Sự thiếu thông cảm lại mang mặc cảm kẻ cả, thầy đời của người anh rể tuy làm Nhã đau đớn, nhưng không đau đớn và tạo nên những suy tư trầm cảm bằng thái độ của người chị ruột. Với tư cách là chị cả, bà này luôn luôn tìm mọi cách ép Nhã phải phá thai. Có thể coi thái độ của bà này là một hành động xúc phạm và ngược đãi tâm lý đối với Nhã.    

 

May mắn là trong những khốn khó và căng thẳng ấy, Nhã đã được một nhóm các chị thiện chí nâng đỡ, và hướng dẫn. Em đã cương quyết giữ lại bào thai với lý do duy nhất người mẹ không thể giết chết con. Em bé là vô tội, không đáng phải chết. Theo Nhã, mình dám làm thì dám chịu, đứa trẻ không có tội gì đáng phải chết.

 

Trong lúc băn khoăn, lo lắng về tương lại, Nhã được một người anh và chị dâu nhận nuôi em bé, coi em bé như con vì gia đình này hiếm muộn. Nỗi đau kinh hoàng lại xảy ra cho Nhã trong khi còn đang mê man trên giường sau khi sinh em bé, cả nhà lại túm lại lên án Nhã. Lần này là người chị cả. Bà đòi hỏi phải làm thủ tục ngay lập tức cho đứa bé mà không cần sự đồng ý của Nhã…

 

Hai trường hợp vừa kể trên thật ra chỉ là những con số điển hình mà thường ngày tôi đã có dịp chứng kiến. Câu hỏi được đặt ra là nếu những người đàn ông sở khanh, hèn nhát trốn tránh trách nhiệm kia không đủ bản lãnh và tư cách để nuôi những người con của mình, thì lương tâm và trách nhiệm của những phụ nữ bắt người khác phải phá thai, phải cho con kia ra sao? Phải chăng họ đã vong hóa, đã đánh mất lương tâm, và đã đánh mất căn tính của mình?!!!

 

Đừng kể những khó khăn chòng kéo trong hai trường hợp trên liên quan đến tình người, tình mẫu tử, và luật pháp, nguyên một trường hợp người mẹ vì ích kỷ, vì đam mê tình ái của mình nhẫn tâm gạt bỏ tình mẫu tử, bắt con phải gọi mình bằng “dì”. Bắt con phải phá thai vì không muốn mất lòng người yêu. Trong trường hợp này, những phụ nữ này đã đánh mất hai căn tính cùng một lúc, căn tính người phụ nữ, và căn tính làm mẹ. Người chị cả của Nhã cũng không ra ngoài thái độ và lối sống vong thân ấy.

 

Để bao che cho cái vô tâm, vô tình, và quan niệm ích kỷ, những phụ nữ này viện dẫn một lý do duy nhất mà họ cho rằng đủ để đưa đến một quyết định giết người: Lý do để những người mẹ trẻ lầm lỡ ấy làm lại cuộc đời.

 

Bốn chữ “làm lại cuộc đời” nghe ngọt ngào khác chi chất đường bọc ngoài viên thuốc độc. Ít người phụ nữ dám đối diện với sự thật. Câu hỏi được đặt ra là cụm từ hoa mỹ này mang ý nghĩa gì? “Làm lại” là làm như thế nào? Làm cái gì? Và “cuộc đời” nối tiếp đó là cuộc đời gì? Cuộc đời ra sao? Hay đó chỉ là những từ ngữ che đậy một sự trốn chạy. Rất tiếc, hậu quả của hành động trốn chạy này lại không đơn giản. Lý do là vì nó mà phải giết một mạng người.     

 

Để làm lại cuộc đời thì phải giết con mình? Có cái gì chứng minh rằng việc có một người con sẽ làm ngăn trở người mẹ làm lại cuộc đời? Nếu vậy những người mẹ độc thân hiện nay là những người đã không có cơ hội làm lại cuộc đời. Bốn người thiếu nữ mà chúng tôi gặp cũng trong tình trạng mang thai ngoài ý muốn. Tất cả là du học sinh. Ba trong số này đã cương quyết giữ lại em bé, và hiện nay đang sống phúc, tận hưởng mối tình mẫu tử. Và dĩ nhiên, họ cũng đang làm lại cuộc đời. Một trong số này đã giữ con, nhưng sau khi sinh thì cho con đi để “làm lại cuộc đời”! Nhưng hậu quả không như thiếu nữ này muốn. Ngoài cái ảnh hưởng tâm lý luôn dằn vặt em, em cũng chẳng học hỏi gì thêm cho cái tương lai như em đã dự tính. Trước mắt, em đang đi làm cho một tiệm cà phê trong vùng. Em xa tránh và không muốn liên lạc với các bạn bè cũ.    

 

Khi đề cập đến căn tính người phụ nữ, hai trong những điều rất quan trọng thuộc căn tính này là vai trò làm vợ và làm mẹ. Tôi nhớ lại trong thời gian còn là sinh viên theo học lớp tâm lý phụ nữ. Vị giáo sư lúc đó là một nữ tâm lý gia. Phụ nữ dậy về phụ nữ. Ai trong đám sinh viên trong lớp cũng nghĩ rằng bà sẽ ca tụng, sẽ nói nhiều đến những đóng góp của nữ giới, những phong trào đang thịnh hành lúc bấy giờ đang gây ồn ào về nữ giới. Nhưng kết luận sau cùng của bà là chỉ nhắm vào hai vai trò quan trọng nhất của người phụ nữ: Vai trò làm vợ và vai trò làm mẹ. Bà nhấn mạnh đến suy nghĩ chung cho rằng phụ nữ sinh ra là để làm hai việc ấy. Theo bà, dù là bất cứ ai, dù nắm giữ bất cứ địa vị nào trong hay ngoài xã hội, nếu người phụ nữ cố tình lẩn tránh và không chu toàn hai vài trò ấy là họ đã đánh mất căn tính của mình. Lấy kinh nghiệm từ chính mình bà nói, “Làm gì thì làm khi ở nhà tôi vẫn phải nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, chăm lo tắm rửa, thay tã lót cho các con tôi.  Xem như những bổn phận ấy nó thuộc bản tính và dính liền với thân phận nữ giới. Không ai bắt phải làm, nhưng nếu không làm thì thấy như thiếu sót, đôi khi nhớ nhung.”

 

Những suy tư của vị giáo sư hơn 30 năm về trước cũng đã gây nhiều tranh cãi trong lớp. Nhưng nếu như nó được phổ biến bây giờ, hẳn là bà sẽ mất “job”, sẽ va chạm nhiều đối với hiện tượng phá thai, đồng tính và hôn nhân đồng tính.

 

Thật ra, chẳng phải xưa mà cũng chẳng phải nay, thời đại nào con người cũng vẫn phải sống với lương tâm và lý trí của mình. Nhưng cũng từ hai yếu trái tim và khối óc ấy nơi người phụ nữ đã được Thượng Đế phú bẩm vào đó hai thiên chức làm vợ và làm mẹ. “Dù có người mẹ nào quên con không nhớ đến chúng, thì Ta, Ta cũng không quên con, vì Ta đã khắc tên con vào bàn tay Ta rồi.” Người phụ nữ, đặc biệt, người phụ nữ làm mẹ đúng nghĩa chắc chắn không thể nào quên được con mình.   
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.