Có một buổi chiều, như mọi buổi chiều khác, tôi bước vào nhà thờ trong trạng thái bình yên, sau khi cảm thấy mình đã làm được một vài việc nhỏ mọn trong ngôi nhà nghèo nàn của mình. Nhưng, buổi chiều hôm ấy, khỏang hơn một năm trước đây, tôi vừa bước vào trong nhà thờ, thì có một “hiện tượng” nổi lên trước mắt trong những hàng ghế dài, khiến tôi xúc động và nước mắt ướt mi.
“Hiện tượng” ấy là những “mái đầu xanh” !
Không phải những người có mặt trong thánh lễ “buổi chiều hôm ấy” là lần đầu tiên tôi nhìn thấy, song đã có như thế rồi. Hình như cái “buổi chiều hôm ấy” làm tôi xúc động khiến tôi tham dự thánh lễ sốt sắng hơn, và có lẽ sống cũng tốt hơn.
Vậy họ là những thành phần nào trong xã hội và trong giáo hội, cụ thể là giáo xứ, nơi họ phục vụ ?
Họ là những người trong độ tuổi đã đi làm và thường là đã lập gia đình, từ dưới 30 tuổi một ít, cho tới tuổi vong niên tức 40, 45 và trên nữa là 50, 60. Hai lớp tuổi sau tóc vẫn còn xanh. Vì vậy khi họ đứng chung trong cùng một dẫy ghế, nhìn từ phía hàng ghế cuối trong nhà thờ nhìn lên, quí vị sẽ thấy đó là những “mái đầu xanh”.Họ còn là những con cái của cha hay mẹ hoặc cả hai sinh họat trong các đòan thể Công giáo Tiến hành, là Giáo lý viên, là thành viên trong Ban mục vụ Giới trẻ, là những thanh niên làm nghề tự do …
Ở đây tôi chỉ nói đến những “mái đầu xanh” này trong các thánh lễ chiều vào các ngày trong tuần, thường là lúc 17g hay 17g30 phút, có giáo xứ lể vào lúc 18g, không kể lễ Trọng và Chúa nhật. Vì hai lễ này, hầu như ai cũng có một vài lần tận mắt thấy, người Việt ở nước ngòai về cũng như du khách nước ngòai đến Việt Nam, đó là một tình trạng biểu hiện đời sống tôn giáo như không phải là tôn giáo trong ý nghĩa mầu nhiệm và thiêng liêng. Mầu nhiệm của Đấng chịu Khổ Nạn và Phục Sinh. Bởi chưng, trong các dịp lễ Trọng và Chúa nhật, tại các nhà thờ ở thành phố, số người tham dự quá đông, bên trong nhà thờ không còn chỗ trống, nên tràn ra ngòai sân và ra cả ngòai đường, mà hầu như đều là các thành phần trẻ. Một số cha sở không mấy hài lòng trước việc giáo dân dự lễ trong bối cảnh ấy, nên có vị gọi là Công giáo “gốc” (ngồi gốc cây) dự lễ với bạn trai hay bạn gái hoặc ngồi trên yên xe nhìn vào nhà thờ, miệng hút thuốc, thở phì phò, chỉ nhìn thấy lưng người phía trước. Đức cha Nguyễn Văn Khảm, thời còn là Linh mục đã có một bài giảng lễ, cũng đề cập tới bối cảnh người trẻ đi dự lễ trong tình trạng như thế, ngài khôi hài nói, đó là lễ “ôm”, giống như “xe ôm”, “cà – phê ôm”.Ở giáo xứ của người viết, hôm lễ Tro vừa qua, hai thánh lễ lúc 17g30 phút và 19g30 phút, số người dự lễ cũng đông bất ngờ, đứng cả dưới sân và ngòai hàng rào nhà thờ mà nhìn lên trên, ở đây là trên lầu, muốn lên nhà thờ phải vượt hàng chục bậc thềm, người già yếu ngồi xe lăn thì phải đi thang máy. Một người anh em trẻ trong chúng tôi nói “Người ta đi lễ đông như thế này, chứng tỏ người ta tìm đến với Chúa chứ không tìm đến một chỗ nào khác vui chơi, nhậu nhẹt trong cùng giờ này, thế là mừng rồi, bác ạ.”
Vâng, đấy là một cách nhìn theo khuynh hướng “ tượng trưng” được nhiều đấng bậc cao cả trong Hội thánh chấp nhận, vì các ngài đi đây đi đó, Tây âu, Mỹ châu nhiều, nên đã thấy hoặc đã nghe nói về tình hình giữ đạo của giáo dân các nơi đó, như không đi lễ nữa, có nơi như ở Pháp, người ta đốt sổ rửa tội, không nhận mình là người Công giáo. Nhiều nhà thờ đóng cửa, nhiều trụ sở tôn giáo phải bán đi, một số dòng tu không còn người vào tu.
Chúa Giêsu có lần đã nói : “ Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không ?” (Lc 18,8)
Ở Việt Nam, người đi tu vẫn nhiều, và có thể nói nhiều hơn cả thời trước năm 1975. Tuy nhiên, dưới quyền tòan trị của Cộng sản, tình hình này là một thách đố rất lớn cho các chủng viện và các dòng tu nam nữ.Giáo hội Việt Nam, qua hàng giáo phẩm muốn tự do nhận ứng sinh vào tu, nên Nhà nước Cộng sản này rất hoan hỉ chấp nhận liền ?! Hơn một năm trước đây, một Dòng nọ đã phát hiện trong nội bộ của mình có 3 linh mục là Công an vào tu từ đầu. Bởi vì, nhà dòng này thấy ba linh mục đó thường gặp gỡ riêng nhau. Nhà dòng cho theo dõi, chụp hình và ghi âm. Cuối cùng ba người kia thú nhận. Việc phải đến là trục xuất ra khỏi dòng. Còn một nhà dòng nọ, hiện nay đang rất trăn trở và lo cho cái bếp của nhà dòng với khỏang 500 tu sinh.
Nếu tình trạng này cứ tiếp tục xảy ra, và lúc đó, có thể 20 năm hay 50 năm nữa, các thành phần lãnh đạo trong Giáo Hội Việt Nam (Dòng và Triều) hiện nay ở tuổi 60 hay 70 không còn nữa, thế chỗ của họ bây giờ, tòan là thành phần được học tập trong các nhà trường thầy không ra thầy, sách vở không ra sách vở, thì chuyện gì sẽ đến cho Giáo Hội Việt Nam này ?! Chúng tôi đặt nặng vấn đề giáo dục con người từ thuở nhỏ, nếu không nói là “thai giáo”, vì đây là nền móng cho một phận người sau này, cho tới tuổi ít là hết cấp hai phổ thông Bởi vậy, không vì sợ tốn kém mà trước đây, Giáo Hội mở ra Tiểu Chủng Viện.Còn nếu chỉ nhận vào tu một người trẻ sau khi học xong cấp ba phổ thông và có thể sau mấy năm ở một ngành nào đó trên đại học, thì người trẻ này đã chịu ảnh hưởng rất nặng những “thói đời” mang tinh thần trần tục của một đất nước đang chìm trong thác lũ đục ngầu những cặn bã của văn minh không tình thương không tinh thần tôn giáo từ các nước phát triển. Sau đó có học 6,7 năm triết rồi thần ở Đại Chủng Viện, thiết nghĩ lại càng nhồi nhét thêm vào đầu óc họ một mớ kiến thức mà trước đây họ chưa có thời gian để thụ nhận, nhất là hai ngành triết và thần là những môn hầu như khó nuốt đối với giới trẻ ngày nay.Đầu óc họ cần phải có chỗ trống để dễ dàng tiếp nhận tinh thần mới, tinh thần của một sứ giả của Chúa Giêsu Nazareth.
Có một vị trí thức, tự kể mình 50 năm đèn sách, chu du thiên hạ, hầu khắp thế giới văn minh, tân tiến, được coi là đại cường, khi về nước được dẫn đi xem một vài miền lúc đó đang “tiến nhanh tiến mạnh lên Chủ nghĩa xã hội” thấy những “quặng, đá, đất lẫn lộn còn rất nhiều mà tôi nghĩ đây là kim loại thuần khiết”, thấy “cảnh nghèo” thời ấy mà đã “lầm nghĩ” là “chủ nghĩa xã hội” (x. Đổi Mới ? của Nguyễn Khắc Viện, NXB Thanh Niên Hà Nội 1988 tr.13)
Cho nên, chương trình đào tạo trong các Chủng viện nếu chỉ nhằm nhét vào đầu óc chủng sinh thật nhiều kiến thức mà không có lối xả, thì giáo hội chỉ có được những tu sĩ trí thức, những cán bộ tôn giáo, mà không có được những Chứng Nhân, Người Hiền. Ngay với một người giáo dân bình thường, mà không có đời sống Nội Tâm, thì người ấy không có bao nhiêu khả năng trở thành người Công giáo chứng nhân. Hình như việc huấn luyện Nội Tâm trong các chủng viện ngày nay coi như chẳng có gì !
Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện nay có lẽ đang đi con đường khác ?
Cứ theo các thông tin của giáo hội hoặc đọc các “Lời Chủ chăn”, chúng tôi có cảm tưởng hàng Giáo phẩm Việt Nam lúc này dồn mọi nỗ lực vật chất và tinh thần, kể cả phải “trao đổi” chứ không phải là “đối thọai” với nhà nước CSVN, để Giáo Hội “phát triển”, để ở đâu người ta cũng thấy nhà thờ to và lớn mới cất lên. Chúa đang hiện diện khắp nơi, khắp chốn trên giải đất Việt Nam này đó !!!
Cụ thể,trong “Thư Mục Tử Mùa Chay 2011”, Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn kêu gọi các thành phần dân Chúa trong tòan Giáo hội Việt Nam “tham gia vào công việc chung của cả Hội Thánh tại Việt Nam. Vì ngôi nhà cũ đã xuống cấp sau hơn 50 năm họat động, không thể đáp ứng nhu cầu phát triển của Hội thánh, nên Hội đồng Giám mục đã quyết định xây dựng lại Trung tâm Công giáo, số 72/12 Trần Quốc Tỏan, Phường 8, Quận 3, Tp. HCM. Nơi đây sẽ đặt Văn phòng Tổng thư ký Hội đồng Giám mục cũng như văn phòng của các ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục. Nơi đây cũng là địa điểm tổ chức hội nghị của Hội đồng Giám mục, của các ủy ban và những sinh họat khác. Tất cả đều nhằm phát huy sự hiệp thông trong Hội thánh và phục vụ sứ mạng Chúa đã trao cho Hội thánh. (Điều 6)
Cuối điều 6 này, Thư kêu gọi : “Đây là công trình lớn cả về vật chất lẫn tinh thần, chỉ có thể hòan thành với sự góp sức của mọi người trong Dân Chúa. Vì thế, trong mùa Chay này, tôi xin mỗi người trong anh chị em giảm bớt một phần chi tiêu để góp phần vào công trình chung của Hội Thánh. Sự hi sinh của anh chị em vừa nói lên tình hiệp thông trong Hội Thánh, vừa góp phần vào việc thi hành sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô trên quê hương đất nước.”
Công trình xây dựng Trung tâm Công giáo mới này, dự trù 8 tầng, ngốn đến 60 tỷ đồng bạc VN. Số giáo dân Việt Nam hiện có 6 triệu, mỗi người góp 10.000 đồng bạc VN. Nhưng có miền nói số này nhiều quá, giảm bớt một nửa. Vì vấn đề tiền bạc tế nhị nên câu chuyện bỏ lửng. Riêng TGP SàiGòn, mỗi mùa Chay trước đây, Hồng y Mẫn vẫn gửi mỗi gia đình trong Tổng giáo phận một lá thư, kêu gọi tham gia vào việc bác ái, tổng kết trung bình mỗi mùa Chay được 4 tỷ đồng, cho nên ngài có vẻ yên tâm với số tiền xây dựng mới một Trung tâm Công giáo tốn phí quá lớn như vậy. Đây là cái giá phải trả chỉ vì phát triển vật chất. Hội Thánh Việt Nam có được điều này thì phải “qua lại” cái gì đây cho Nhà nước Cộng sản : IM LẶNG chăng ! Thủ khẩu như bình trước những sách lược của Nhà nước mà Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, sau khi về thành, rồi mấy năm trước khi chết đã nói rằng, “ Cộng Sản coi dân là kẻ thù, sau khi cướp được chính quyền”. Bây giờ, họ hy vọng người Công giáo VN, ít ra là một vài Giám mục của hàng Giáo phẩm VN, là “đồng minh” của họ, bằng thái độ “thủ khẩu như bình”?!
Việc hàng Giáo phẩm Việt Nam chọn “phát triển” làm mục tiêu ưu tiên trong khi giữ thái độ im lặng trước những vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo; mà nếu có lên tiếng (cho dù nhiều và mạnh mẽ) như vấn đề “văn hóa sự chết”, thì đây chỉ là cái ngọn, các phương tiện truyền thông của Nhà nước đã nói nhiều lắm rồi. Mặt khác, việc nhiều linh mục hiện nay chủ trương chỉ nói Lời Chúa, có lẽ đây cũng là đường hướng của HĐGMVN. Các đòan thể Công giáo Tiến hành được khuyến khích làm việc bác ái, vì Caritas VN mới chỉ được phép họat động trở lại sau gần 30 năm bị ngăn cấm. Và nhiều cái “được” khác.
Nói như thế, chúng tôi không ngầm “chống” ai cả, và cũng không “đề nghị” một điều gì cả, vì thân cái kiến, giữ mình cho bình yên như mọi thành phần chung quanh, có lẽ là một chọn lựa tối ưu.!
Đấy là điều mà chúng tôi muốn nói lên khi bất chợt nhận ra trước mắt mình là những “mái đầu xanh” đang quỳ trong các hàng ghế dài tại nhà thờ, khiến mình cảm động đến ứa lệ.
Khải Triều
(21/3/2011)
Views: 0