Trong những cuộc cãi vã đưa đến ly dị, thông thường hai bên ai cũng đều cho mình là đúng, là có lý. Ai cũng nghĩ rằng lý của mình là xác thực, là chính đáng. Vậy ai là người có lý do không chính đáng và không đúng? Và cái không chính đáng hay chính đáng ấy là gì?
Dĩ nhiên, câu trả lời phải tùy thuộc vào hoàn cảnh riêng và đặc thù của mỗi trường hợp, không có trường hợp nào giống hệt như trường hợp nào. Và do đó, lý do ly dị của anh, của chị không phải là của tôi, hay ngược lại. Tuy nhiên, một cách chung là trong hầu hết các trường hợp như vậy, người ta thường đưa ra một lý do mà ngay cái lý do ấy cũng không mấy “chính đáng”. Đó là “những khác biệt không thể giải quyết được!”.
Vậy khi người chồng hay người vợ đã có những khác biệt mà những khác biệt ấy không thể giải quyết được, thì đương nhiên họ có quyền được miễn chước không bắt buộc phải sống với những khác biệt đó. Không biết ông hay bà luật sư nào đã nghĩ ra được cụm từ “những khác biệt không thể giải quyết được!” chết người này để ghi vào đơn ly dị. Vì nó cho phép người có lý do chính đáng, cũng như người không có lý do chính đáng đều có thể giải quyết điều “không thể giải quyết” về hôn nhân của họ một cách hợp pháp.
Theo kinh nghiệm thì chắc chắn trong những khác biệt đó sẽ có một trong hai người hoặc vợ hoặc chồng sẽ phải chịu “thiệt thòi” và “oan uổng”. Bởi vì người ta đã cố tình không muốn giải quyết những khác biệt đó, hay cố tình tạo ra những khác biệt đó, chứ không phải là những khác biệt ấy không thể giải quyết được. Tóm lại, một trong hai người hoặc là đã chán nhau, hoặc là đã không muốn đi tiếp con đường hôn nhân với nhau đã tạo nên cái rào cản và làm cho người khác vấp ngã rồi quay lại “vừa đánh trống, vừa ăn cướp”.
Có nhiều lý do đưa đến ly dị, nhưng chúng ta chỉ đưa ra một lý do thông thường, đó là ngoại tình. Thí dụ, trong trường hợp này, những khác biệt không thể giải quyết được đó không chỉ tại người chồng hay người vợ đã có những mối tình, những liên lạc với người ngoài cuộc. Đã gây ra những đau khổ, những xấu hổ, những buồn phiền cho người phối ngẫu. Và nó cũng không phải chỉ là những thiệt thòi về mặt tâm lý, tình cảm, hoặc tiền bạc gây ra do sự thiếu chung thủy của người chồng hoặc người vợ. Nhưng cái chính không thể giải quyết được đó là không ai chịu nhận cái lỗi của mình. Không chịu nhận mình đã có lỗi là đã tạo ra kẽ hở và hoàn cảnh khiến đưa đẩy vợ hay chồng mình đi đến chỗ ngoại tình. Cũng như không chịu nhận cái lỗi thiếu chung thủy của mình đến từ sự tính toán ích kỷ, sự thiếu thẳng thắn, thiếu khả năng giải quyết những bất hòa, những khó khăn từ giây phút đầu. Và cũng cái khác biệt không thể giải quyết nổi nữa là người chồng hay người vợ không nhận ra mình cần thiết phải “trở về”. Và nếu có quay về thì lại về với tâm lý của một kẻ thắng cuộc, hoặc một kẻ mang nặng mặc cảm tội lỗi.
Ngoại tình là một trong nhiều những lý do đưa đến ly dị. Người ta có thể ly dị vì tiền, vì rượu, vì xè ke, ma túy, vì cờ bạc, vì những khác biệt tâm lý, tâm sinh lý, vì những hành hung, lạm dụng tình dục, tình cảm, và thân xác của nhau, hoặc về thái độ thiếu trách nhiệm đối với vai trò làm chồng hay làm vợ. Nhưng trong tất cả mọi trường hợp như vậy, lý do đầu tiên vẫn là sự quan niệm thiếu trưởng thành, thiếu ý thức về trách nhiệm, và bổn phận của đời sống hôn nhân. Quan trọng hơn nữa, là cả hai đã mất đi tình yêu ban đầu mà họ cần có để có thể chịu đựng, hy sinh lẫn cho nhau.
Nhưng thế nào là chịu đựng? Và thế nào là hy sinh?
Bạn sẽ xua tay, nhắm mắt lại nói: Đừng khuyên tôi chịu đựng sự bê tha, mèo chuột của chồng tôi nữa. Tôi đã chịu đựng con người này từ lâu lắm rồi. Chịu đựng bây giờ không nằm trong tự điển đời sống của tôi. Hoặc, đừng bảo tôi hy sinh thêm cho người đàn bà trắc nết, cắm sừng tôi đó. Đừng bảo tôi phải thương yêu và tha thứ cho nàng nữa.
Đối với những ai chưa có hoặc ít có kinh nghiệm trong lãnh vực tâm lý hôn nhân thì khi nghe chuyện về một người vợ trẻ, đẹp, hiền lành, suốt ngày chỉ biết lo cho con cái, lo cho gia đình bỗng một hôm biết được chồng mình đang dan díu với một người đàn bà khác, chắc chắn sẽ lên án nặng nề người chồng đó. Coi đó như kẻ phụ bạc, gây đổ vỡ cho gia đình. Hoặc một câu chuyện tương tự, một người chồng đàng hoàng, nghiêm nghị, chịu khó, và chỉ biết từ nhà đến sở, từ sở về nhà bỗng một ngày kia khám phá ra vợ mình có bầu với một người khác. Câu chuyện này cũng sẽ dẫn đến một kết luận là lên án người đàn bà đó như một thứ đàn bà trắc nết, đáng phải nguyền rủa. Dĩ nhiên để tự vệ, để biện minh cho những hành động ấy sẽ là những cuộc cãi vã, những ghen tương, những bực bội tưởng chừng như không bao giờ chấm dứt. Bên vợ, bên chồng, người bênh, kẻ chê cứ thế làm cho cuộc chiến ngày càng trở nên khốc liệt, càng trở nên khó hòa giải. Vậy ai đúng? Ai sai?
Cả trong hai trường hợp trên, thì người chồng và người vợ đều sai. Dĩ nhiên, cả hai cũng có những lý do để tự bào chữa.
Thật vậy, “một người vợ trẻ, đẹp, hiền lành, suốt ngày chỉ biết lo cho con cái, cho gia đình” để làm gì đối với người chồng? Có lẽ trong mắt chàng, người vợ tuy trẻ, đẹp nhưng thực tế thì gần đây chàng có bao giờ hưởng được cái trẻ trung và đẹp đó đâu. Và thái độ hiền lành, suốt ngày chỉ biết lo cho con cái, cho gia đình cũng vậy. Vì quá chú tâm đến con cái và gia đình, nàng đã lơ là, bỏ quên không “lo” cho chàng là người cũng đang thật sự cần tình thương, thông cảm, và hiểu biết của nàng giữa những khó khăn, những căng thẳng trong công ăn, việc làm, và cuộc sống. Nhưng khi đưa ra những phân tích này, ít người vợ nào chịu nhận ra mình đã lơ là, đã bỏ quên chồng một cách rất tội nghiệp như vậy. Và phải chăng, đó không phải là nguyên nhân để người chồng tìm thưởng thức vẻ đẹp của người khác, tìm sự chăm sóc (ít nhất về tình cảm) của người khác. Nên biết điều này, nhiều người đàn ông khi ngoại tình không hề làm mất mát, tiêu hao ngân quĩ của gia đình dù một đồng. Cả người ngoại tình, và kẻ tình địch trong nhiều trường hợp không đến với nhau vì tiền, mà là tìm tình cảm và sự thỏa mãn nhu cầu tâm sinh lý của nhau.
Cũng vậy, “một người chồng đàng hoàng, nghiêm nghị, chịu khó, và chỉ biết từ nhà đến sở, từ sở về nhà” thì sao? Thái độ đàng hoàng, nghiêm nghị, chịu khó của một người không phải là chồng của một người. Đó chỉ là những lối nhìn, phán đoán bên ngoài dành cho người đó mà thôi. Trong đời sống chung, chỉ có người vợ mới thực sự biết, cảm nghiệm, và cũng là nạn nhân của cái vỏ bề ngoài ấy. Vì chàng chỉ đàng hoàng với người khác ở ngoài xã hội, nhưng không đàng hoàng với vợ. Chàng chỉ chịu khó ở sở, nhưng khi về đến nhà thì rất bê bối và lười! Chàng chỉ biết từ nhà đến sở, từ sở về nhà, nhưng khi ở sở chàng hoàn tất tốt công việc, ngược lại ở nhà chàng không phải là người chồng tốt đối với vợ. Và những điều này khi phân tích ra cũng có ít người chồng chấp nhận.
Như vậy, cái lý do chính đáng hay không chính đáng. Những khác biệt không thể giải quyết được hay giải quyết được là chính những quan niệm, cái nhìn chủ quan của mỗi người về người chồng, người vợ của mình. Dĩ nhiên, nó được căn cứ trên cử chỉ, hành động, và cung cách cư xử của hai người đối với nhau.
Biết mình không phải là người chồng tốt, người vợ tốt trên giường mà không tìm phương pháp trị liệu thì không phải là người chồng hay người vợ tốt. Ngược lại, nó sẽ trở thành một cám dỗ cho người chồng hoặc vợ. Vì sinh lý không chỉ là một bản năng, nó còn là một nhu cầu thiết yếu trong hôn nhân.
Biết mình nóng nảy, hồ đồ, nói năng lỗ mãng mà không có ý sửa đổi thì đó không phải là người có thiện chí, có óc cầu tiến. Ngược lại, chỉ là những kẻ gàn, bướng. Ngoài kia trong xã hội có rất nhiều những tiếng nói lịch lãm, nhẹ nhàng, thông cảm đang trở thành một thách đố cho người chồng hoặc người vợ suốt ngày phải nghe đầy tai những câu chửi thề, những lời nói thiếu trình độ và hiểu biết.
Biết mình lười lĩnh, ích kỷ và chỉ tìm sống cho riêng mình mà lại bước vào đời sống hôn nhân là một sự giả dối, lường gạt. Giả dối với mình và với người yêu mình. Lường gạt tình yêu, lường gạt sự hy sinh và niềm tin của nhau.
Và nhiều, nhiều những lý do cần được tìm hiểu, ý thức trong một tâm lý trưởng thành. Hôn nhân là một đời sống hạnh phúc.
Nhưng nó cũng là một thách đố lớn lao cho sự trưởng thành trong suy nghĩ và hành động của mỗi người. Và đó cũng là những lý do tiềm ẩn có thể dẫn đến hạnh phúc hay đổ vỡ của nhiều gia đình. Khi những xung khắc xảy ra, tất cả sẽ biến thành những nguyên nhân không thể hòa giải được, và ai cũng muốn dùng nó để tự bảo vệ cho chính mình.
Bài đã được phổ biến trên Việt Time, Ngày 7 tháng 6 năm 2013
Views: 0