“Chúng ta phải cố gắng để được lòng cha
Nhưng chúng ta không cần làm gì mà cũng được tình yêu của mẹ.”
Robert Frest
Khi đến tham dự một buổi văn nghệ Mừng lễ Mẹ, nhìn thấy một số bà mẹ già được con cháu dìu đi, được mặc áo mới, được tặng hoa tươi, mừng cho sự may mắn của các bà! Nhưng bên cạnh đó có nhiều bà mẹ khác âm thầm tự mừng lễ Mẹ một mình, vì các con còn đang bận rộn với đời sống. Tôi chợt nhớ tới một bài báo thống kê cho biết về vụ mua quà nhân ngày lễ Mẹ : hơn 30% trả lời sẽ mua quà cho mẹ không quá 50$, khoảng 50% chi quà cho mẹ không quá 20$ và 20% không mua tặng mẹ gì hết.!Thống kê này cũng phản ánh thực tế của đời sống thực dụng hiện nay, đối với giới trẻ, có lẽ “đồng tiền liền khúc ruột” khi càng thương thì càng sẳn sàng chi bạo (tiếc là cha mẹ lại không nằm trong đối tượng này). Thực ra điều cha mẹ cần chính là sự quan tâm thương yêu và cư xử tôn trọng của các con, chứ không phải là quà! Đôi khi chỉ cần một lời thăm hỏi ân cần, một cử chỉ săn sóc, một sự quan tâm lo lắng đến sức khỏe, một lời nói dịu ngọt cũng đủ làm lòng cha mẹ ấm lại biết bao! Vì tuổi càng già thì đời sống tinh thần càng quan trọng, được quý trọng, được đắm mình trong những tình cảm chân thành của con cháu là niềm vui lớn của tuổi già!
1- Dư âm ngày lễ Mẹ đã qua rồi, nhưng khi đi xem một chương trình văn nghệ, nghe tiếng đàn bầu dìu dặt của nghệ sĩ khiếm thị Hà Chuơng vang lên nức nỡ qua bài “Cõng Mẹ đi chơi”, lòng má bỗng bồi hồi xúc động. Bài hát kể lể “khi ta bé mẹ cõng ta đi chơi, đến lúc mẹ già tới phiên ta cõng mẹ đi chơi”. Má thầm nghĩ điều này chắc đã hoàn toàn lạc hậu với thời đại bây giờ nhất là ở xứ Mỹ này, làm gì có vế thứ 2 “Cõng mẹ đi chơi”. Má chua xót nhớ lại đời mình, nhất là thời sau 75, vất vả nắng mưa, ngược xuôi để nuôi các con khôn lớn, nên người. ..Rồi con bảo lãnh má sang Mỹ để chăm sóc các cháu cho con, má vì thương các cháu nên nhận lời (Trường hợp như má trong cộng đồng VN khá nhiều.) Má lại “đầu tắt mặt tối” trong việc nấu ăn, chăm sóc các cháu, không chỉ những lúc con đi làm vắng nhà mà cả lúc con ở nhà cũng vậy. Con cứ ngồi một chổ sai bảo đủ thứ! Có lúc con đi chơi về khuya, má đã ngủ rồi, con cũng réo gọi má dậy để nấu mì, nấu nui cho con ăn khuya! Đôi khi má buồn rầu tự hỏi : “Già rồi, tưởng qua Mỹ được hưởng nhàn! Ai dè lại bị “đổi đời” làm Ô sin lúc nào không hay ?” Việc nhà không tên, làm hoài không hết, nhưng lỡ có quên sót điều gì lại bị con mắng, con la: “Không biết má ở nhà làm gì ?mà có chút xíu việc đó cũng không xong? Cũng quên là sao ?. Con luôn tự hào: “Má sướng như tiên, bao nhiêu người ao ước được qua Mỹ mà không được. Qua Mỹ con đâu để má nghèo khổ, thiếu thốn thứ gì? Đúng là số má sướng mà không biết …” Con ơi! con quên rằng người ta không chỉ sống bằng cơm áo mà đời sống tinh thần cũng rất quan trọng! Nếu chỉ quẩn quanh trong nhà với nhiệm vụ Ô sin rồi có lúc bị mắng bị la , bị stress quá nhiều, rồi không giao thiệp, không bạn bè thì cuộc sống đó là “cõi tiên”đáng được ao ước sao con ??”
Ngày lễ Mẹ con tặng má 100$, má cám ơn con đã “hào phóng” với má ( chắc nhiều bà mẹ khác không được tặng nhiều như vậy đâu? ). Sau đó con nhắc má “Ngày lễ Mẹ, má nhớ làm món gì ngon đặc biệt để cả nhà cùng thưởng thức cho vui!” Vậy là má phải suy nghĩ xem phải làm những món đặc sản gì ( buổi trưa, buổi chiều) để cả nhà cùng thưởng thức như lời con đề nghị. Vậy là 100$ con tặng má vừa đủ chi phí đi chợ, cộng thêm sự tất bật, vất vả trong bếp cả ngày hôm đó của má để gia đình con có những món ăn ngon thưởng thức trong ngày lễ Mẹ!. Cuối ngày, sau khi dọn dẹp tươm tất, má mệt nhoài, ngồi nghĩ “xả hơi” và ao ước phải chi có một bình hoa tươi để ngắm nhìn thì vui biết bao !( vì má rất yêu thích hoa tươi!). Má chợt nhớ lại sáng nay một chị bạn thân biết má thích hoa tươi, nên định đem hoa đến nhà tặng má,( Đúng là tuổi già, bạn gái cần thiết và hiểu mình hơn con cái rất nhiều! Tình bạn làm tuổi già thêm đẹp và ấm áp biết bao!) nhưng con ơi! lúc đó má còn tất bật đi chợ đâu có ở nhà để nhận hoa được!. Bây giờ “tôi nhìn tôi trên vách”ngồi ngẫm lại, má thấy mệt mỏi từ tinh thần đến thể xác! Con hỏi mẹ “Sao hôm nay ngày lễ Mẹ, mà sao mắt má không vui ?” Má biết trả lời sao đây ? má không muốn phá hủy niềm vui của con trong ngày lễ Mẹ, nên cười gượng lắc đầu! Thôi thì đành nuốt nước mắt vào tim, để tiếp tục học chữ “Nhẫn” với hy vọng “Lui một bước, trời cao biển rộng”, nhưng có lẽ má sẽ chỉ thấy “trời cao biển rộng” khi tro của thân xác má được rãi ngoài biển cả mênh mông!
Tuần trước đó, một chị bạn chở má đi tham dự một chương trình mừng lễ Mẹ, chị điều khiển chương trình cho một câu đố vui : “Có ai biết tên một loài cây nào lớn nhất trên đời ? Ai trả lời đúng sẽ có thưởng !” Mọi người đều hào hứng giơ tay trả lời : Cây cổ thụ, cây Tùng, cây Bách, cây Đa…nhưng không câu nào đúng hết. Cuối cùng câu trả lời đúng là : “Cây Rau Má” vì nó là Má mấy cây khác và vì Má là quan trọng nhất trên đời! Đúng là câu đố mẹo, nhưng lại có ý nghĩa vô cùng sâu sắc!” Chị điều khiển chương trình tiếp lời: “Tôi rất thương má tôi một đời cực nhọc vì chồng vì con, đặc biệt là chịu nhịn nhục ba tôi với tính độc tài gia trưởng, là Vua trong nhà. Tôi lấy chồng rồi mới thông cảm được với má tôi vì tới đời tôi thì đỡ hơn một chút không còn là quan hệ Vua-Tôi, chị cười buồn, mà là quan hệ Tướng- binh nhì!”. Lần đầu tiên tôi nghe có người ví von quan hệ chồng vợ với quan hệ trong quân ngủ! Hèn gì từ xa xưa, nhà thơ Nguyễn Du đã cảm thán khi nói về thân phận phụ nữ VN :
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.”
Buồn thay hình như lời cảm thán này đến nay vẫn còn chưa sai !
Chỉ tiếc một điều những thông điệp nói về sự hy sinh, chịu đựng,với tình mẹ bao la,và bổn phận làm con phải hiếu kính cha mẹ thì đối tượng cần nghe và tham dự là “giới làm con” lại rất hiếm hoi! Mỗi năm chỉ chọn có một ngày để nhớ tới công ơn của mẹ thì thật là quá ít oi!, chẳng khác nào hạt cát trong biển cả mênh mông! Vậy mà có những đứa con vẫn không hề nhớ đến hoặc nhớ đến một cách chiếu lệ !
2 – Bước chân vào hội trường “Mừng lễ Mẹ” được trang trí bằng những chùm bong bóng đủ màu sắc, bên cạnh những bó hoa tươi, nhìn lên phía trái sân khấu có tấm áp phích ghi lại một số danh ngôn, mẹ chợt thấm thía một câu:
“Chúng ta phải cố gắng để được lòng cha
Nhưng chúng ta không cần làm gì mà cũng được tình yêu của mẹ.”
Với kinh nghiệm sống của các bà mẹ VN, mẹ thấy câu nói ấy chưa diễn tả đầy đủ, cần phải nói thêm rằng “dù con có làm mẹ đau lòng tới cỡ nào (từ mẹ, chửi mẹ) nhưng bất cứ khi nào con cần tới mẹ (lúc con lâm nguy, khốn đốn, tù tội) Tình yêu mẹ lúc nào cũng mở rộng đón con, cho con, vì dù con có thế nào chăng nữa thì con vẫn là con của mẹ”.
Mẹ nhớ ngày xưa khi còn ở VN, con là niềm tự hào của mẹ, vì con học giỏi, ngoan, được thầy yêu bạn quý! Nhưng không ngờ khi sang Mỹ , thời gian ở nội trú đại học, rồi ra trường đi làm, con đã lây nhiễm thói hư tật xấu của bạn bè, rồi làm những chuyện vi phạm pháp luật. Lần đầu tiên nghe tin con bị cảnh sát bắt rồi phải vào tù, mẹ “rụng rời tay chân”! Mẹ “giận con thì giận, nhưng thương thì vẫn thương”. Mẹ xuôi ngược tìm mọi cách để cứu con, dù phải tốn kém, vay mượn bao nhiêu mẹ cũng sẳn lòng chấp nhận, miễn là cứu con khỏi vòng tù tội! Hy vọng con sẽ “nhớ đời” mà từ bỏ con đường tội lỗi!
Trời không chìu lòng người, nên một thời gian sau, con lại “ngựa quen đường cũ”, mẹ đã hết lời khuyên can, nhưng con cứ cho rằng “tại con xui”, và yêu cầu mẹ đừng xía vào chuyện riêng của con, con lớn rồi! Ôi lòng mẹ lo lắng khi thấy nguy hiểm rình rập quanh con, làm sao mẹ đành lòng “làm ngơ” cho được ? Cuối cùng mẹ không thể cầm lòng được nên phải lên tiếng can ngăn, thì con nổi nóng nguyền rủa, miệt thị và chính thức tuyên bố từ mẹ, cấm mẹ không được bước chân tới nhà con (“ no more room for you in my house”)…Tục ngữ có câu “Roi song đánh đoạn thì thôi, một lời nói nặng bằng mười roi song” mà con thì lúc nào cũng sẳn sàng “hào phóng” khi ban phát những lời nói nặng cho mẹ ! khi mẹ làm phật ý con ! Rồi từ đó con đã “từ” mẹ thật ! con không liên lạc, không hỏi thăm, kể cả ngày lễ Mẹ cũng vậy ! Mẹ ĐT con không bắt phôn! Mẹ đau đớn nhận ra rằng “con đến từ mẹ, nhưng nay con không thuộc về mẹ”…nhưng bất cứ lúc nào con rơi vào thế bí, con cần đến mẹ, con gọi mẹ, thì mẹ lại sẳn sàng chạy đến với con!
Con oi! Mẹ đành lòng chấp nhận thánh giá Chúa gửi đến cho mẹ! Mẹ thật khó khăn, khi đọc lời trong kinh cầu cho gia đình : "Con bằng lòng chấp nhận Chúa lấy lại những gì Chúa đã ban cho con”, khi hồi tưởng lại ngày xưa con trai mẹ là học sinh, ngoan hiền, guơng mẫu xuất sắc nhiều năm liền, được mọi người yêu quý… còn bây giờ với thành tích “vào tù ra khám”, ai cũng muốn xa lánh con, kể cả vợ con, anh em ruột và ngay cả bố nữa , chỉ còn có mẹ là không nỡ bỏ con!
Mẹ biết gương bà thánh Monica (chồng hư, con hư) nhưng vẫn liên lủy cầu nguyện mấy chục năm trời để đạt được ước nguyện, nhưng mẹ không phải là thánh! Mẹ chỉ biết cầu xin Chúa thêm sức chịu đựng để mẹ có đủ kiên nhẫn cất lời cầu nguyện với Đức Mẹ:
“ Mẹ ơi! đường đi trăm ngàn nguy khốn, hiểm nguy giăng tràn muôn lối. Xin Mẹ dạy con hai tiếng : “Xin vâng”!
Tháng 6 là tháng của ra trường, tốt nghiệp, mẹ đau lòng khi nhớ tới hình ảnh con tươi cười, hãnh diện trong lễ tốt nhiệp đại học vì con tốt nghiệp loại giỏi (honor). Còn bây giờ thì….
Trên sân khấu người ta đang hát những bài về tình mẹ:
“Thương con thao thức bao đêm trường
Con đã yên giấc, mẹ hiền vui sướng biết bao !”
Mẹ thấy thấm thía khi nhớ lại lúc con còn thơ, dù phải đi làm, mẹ vẫn cố gắng nuôi con bằng sữa mẹ vì:
“mỗi giọt sữa,
là một trời tình thương” ( T.Đ.)
Rồi mỗi lần con đau ốm là mẹ bị khủng hoảng tinh thần, mất ăn, mất ngủ…lòng mẹ chỉ tạm yên khi thấy con ngủ yên giấc..Giờ đây con lớn khôn rồi, mẹ lại tiếp tục bị khủng hoảng tinh thần mất ăn, mất ngủ cả đêm khi ngồi chầu chực ở trước nhà tù để chờ đợi “bail” con ra! rồi lo lắng cho tương lai đen tối của con! Những lúc này đây mẹ mới có dịp tiếp xúc và thương cho các bà mẹ có con xì ke, ma túy theo băng đảng. Có bà mẹ, cứ liên miên xách giỏ đi thăm nuôi con từ nhà tù này, tới nhà tù khác, thậm chí bán nhà để lo cho con, vì không nỡ bỏ núm ruột của mình! Đúng là :
“Trông lên thì không bằng ai, trông xuống không ai bằng mình”
Mẹ cứ phải luôn tự an ủi mình bằng cách “trông xuống” trong mọi hoàn cảnh theo kiểu này để tinh thần mình khỏi bị suy sụp. Mẹ thật thấm thía khi nhớ lại lời một bài hát của TCS:
“Người vinh quang mơ ước địa đàng,
Người gian nan mơ ước bình thường”.
Đối với mẹ giờ đây mẹ chỉ dám mơ ước một cuộc sống “bình thường”, nghĩa là mẹ không dám mơ ước có niềm vui mà chỉ xin đừng có thêm “tai họa” nào giáng xuống nữa! Bao giờ thì con mới hiểu nổi lòng của mẹ, để ý thức rằng hạnh phúc của con là hạnh phúc của mẹ, tai họa của con cũng chính là tai họa của mẹ. Giọng hát ai đó đang ngân nga:
“Mẹ ngồi ru con, nước mắt nhọc nhằn, xót xa đời mình!”
khiến mẹ không cầm được giọt lệ!
3 – Tôi đến thăm bà Sáu hằng tuần như thông lệ, bà Sáu ngồi trên xe lăn, nhìn ra ngoài khung cửa sổ: Một cơn gió thổi mạnh khiến những chiếc lá vàng vội vã lìa cành. Tôi ngạc nhiên khi nghe bà Sáu nói :
– Ước gì tôi được “ra đi” nhẹ nhàng như những chiếc lá kia!
Đúng là “Có những niềm riêng làm sao ai biết?” Trước đây nhiều lần đến thăm, tôi thấy bà Sáu cũng vui vẻ chuyện trò và con gái bà lúc nào cũng ân cần lịch sự nên tôi cho bà Sáu là người may mắn trong tuổi già! Tôi đang định ngưng chương trình thăm viếng “người già neo đơn” đối với bà Sáu vì bà đâu phải là đối tượng “cô đơn, buồn khổ” cần có người thăm hỏi, chuyện trò, an ủi ! Bởi vây trong cuộc đời có rất nhiều điều : “Ngó vậy mà không phải vậy!” Hôm nay con gái bà đi vắng, bà mới có dịp bộc lộ tâm tình sâu kín với hai hàng giọt lệ ứa ra từ đôi mắt già nua nhăn nheo:
Mỗi đêm trước khi đi ngủ má đều niệm Phật cầu khấn : “Cho con ngủ đêm nay và ngày mai không thức dậy nữa!” Má biết bây giờ má đã trên 80 tuổi và là người vô dụng, không phải như ngày xưa má buôn bán tháo vát giỏi giang, tạo dựng sự nghiệp, nuôi 10 đứa con nên người thành đạt. Má bây giờ già yếu bệnh tật, phải nhờ tới sự chăm sóc giúp đỡ của con! Má luôn cố gắng tự lo cho mình, khi nào cần lắm, má mới nhờ tới con, vì mỗi lần như vậy con lại có dịp để mắng nhiếc má khi nhắc lại chuyện xưa : Lúc con còn trẻ hay bị má la rầy vì thấy con cứ đua đòi theo bạn bè lo chơi bời đàn đúm quên chuyện học hành. Má đau lòng khi cứ nghe con đay nghiến nhắc lại chuyện cũ hoài. Má phải xin lỗi con, làm ơn bỏ qua cho má, nếu má có tội thì để Trời Phật sẽ trừng phạt má sau này. Còn bây giờ má không biết sống được bao lâu nữa, xin con cho má 2 chữ bình an vào những ngày cuối đời ! Nhưng con không đồng ý vì cho rằng:
“Coi má già vậy chứ cũng còn khỏe, còn lâu mới chết!”
Ôi, lời con nói như những lát dao rạch nát trái tim má, hình như con quên đã mất lời Phật dạy : “Bất hiếu là tội lỗi lớn nhất đời người!” nên má cứ cầu mong chết sớm ngày nào khỏe ngày đó! Ai mong sống thọ chứ má thấy sống bây giờ là cái nghiệp phải trả. Không biết bao giờ nghiệp trả xong ?”
Chiếc radio từ cuối phòng đang vang lên lời hát : “Chẳng tình thương nào to lớn hơn cho bằng tình yêu thương con đã trao cho mẹ” như một sự mỉa mai cho hoàn cảnh thực tế phủ phàng của bà Sáu Tuy bà Sáu có tiền già và con gái chăm sóc bà Sáu có hưởng lương của chính phủ, nhưng bà rất sợ không dám nhờ con giúp đỡ nhiều vì sợ bị rầy la thì càng đau lòng và “ tủi thân” nhiều hơn!
Trong các buổi hội thảo nói về tình Mẹ, đa số đều bộc lộ tình cảm sâu xa, xúc động khi nói về mẹ, đôi khi có cả sụt sùi rơi lệ, nhưng thực tế thì rất khác. Tôi có dịp đi thăm và thấy nhiều hoàn cảnh cha mẹ bị bỏ rơi thật đáng tội nghiệp!. Có thể họ không bị abuse về thể xác, nhưng bị abuse về tinh thần thì khá nhiều với những hình thức khác nhau!
Một bà cụ ở nhà dưỡng lảo tỉ tê : Con tôi bảo lãnh tôi qua để trông các cháu, được một thời gian, thì một hôm đang trông cháu, bỗng nhiên tôi bị chóng mặt xây xẩm cả người, không trông cháu được nên cháu bị té u đầu! Chiều đi làm về, nó xót con nên mắng tôi một chập xối xã! Sau đó nó tiến hành làm thủ tục để đưa tôi vào nhà dưỡng lảo, dù tôi đã năn nỉ và xin lổi hết lời, bởi dưới mắt nó tôi không còn “được việc” nữa! Bây giờ trong nhà dưỡng lảo, tôi sống trong chuỗi những ngày dài cô đơn lạnh lẽo, không có người thân chung quanh:
“Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình
Sáng khuya trưa tối nhìn quanh một mình..” ( L.P )
Tôi bán nhà bên VN sang đây đưa hết tiền cho nó để nó “down” mua căn nhà, rồi nó cho tôi ở một phòng. Bây giờ tôi vào đây, căn phòng đó nó đem cho share! Tôi trở thành kẻ không nhà, sống nhờ vào “trợ cấp” do lòng hảo tâm của chính phủ Mỹ, nếu không chắc tôi phải ra đường ăn xin ! ( Có bao giờ ai nghĩ vì lòng tốt của chính phủ Mỹ đối với người già đã đẩy con cháu họ trở thành vô tâm và vô trách nhiệm đối với cha mẹ họ không ??. Đôi khi họ còn lợi dụng lòng tốt này để kiếm thêm lợi riêng cho họ nữa !!)
Câu chuyện kể của bà cụ khiến tôi chạnh lòng khi nhớ tới một đoạn trong bài viết trên Internet :
“Cha mẹ yêu con thì vô hạn, con yêu cha mẹ lại có hạn. Con ốm đau cha mẹ buồn lo, cha mẹ ốm đau con nhìn một chút, rồi hỏi vài câu là thấy đủ rồi. Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái, cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ chút nào…Nhà cha mẹ là nhà của con, nhưng nhà con không phải là nhà của cha mẹ.” . Hèn gì ca dao xưa cũng đã từng nói:
“Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể,
Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày”.
Nhiều khi không nuôi, chỉ mới tặng qùa thôi cũng đã đủ điều để “kể lể” rồi !
Trước tình trạng chữ Hiếu theo luân lý VN : “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ, kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”, đã trở nên lạc hậu và càng ngày càng bị bào mòn theo thời đại văn minh, nên nhiều bậc cha mẹ khi còn khỏe mạnh đã tự lo liệu chuyện hậu sự của mình để khỏi làm phiền con cái sau này. Một số cha mẹ đã search trên internet để tìm những web site của các trường đại học có ngành Y để có thể hiến xác sau khi qua đời! (http://wwww.som.uci.edu/willedbody/index.asp)
Thật là tam tứ lưỡng tiện, vừa giúp ích cho đời (các sinh viên y khoa có thể thực tập mổ xác để học hỏi, nâng cao tay nghề), những cơ phận còn tốt có thể giúp ích cho những bệnh nhân đang cần đến nó. Ngoài ra khỏi phải tang lễ tốn kém làm phiền con cháu! “Xác đất vật hèn”, tang lễ chỉ là hình thức bên ngoài, thực tế không giúp ích gì cho người chết, đôi khi chỉ là danh dự hảo cho người còn sống!
Vì như lời một bài hát đã nói rất chí lý:
“Nếu có yêu tôi, thì hãy yêu tôi bây giờ
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời…”
Đừng đợi đến ngày nào đó khi cha mẹ “đi xa” rồi mới thấy lòng trăn trỡ, dằn vặt, áy náy, vì chưa làm điều này, định làm điều kia để trả hiếu cho cha mẹ thì muộn rồi!( “Địa ngục chứa đầy những dự định tốt đẹp”!)
Cha mẹ ngày nay, nếu là người hiểu đời coi việc lo cho con cái là nghĩa vụ và niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình!. Hãy tập thói quen nhìn ra những điểm tích cực trong cuộc sống thay vì than trách. Nếu đã cố hết sức mà vẫn không thay đổi được hoàn cảnh thì hãy tập học bài học Chấp Nhận: “Lạy Chúa xin giúp con thay đổi những điều con có thể thay đổi.
Và xin giúp con biết chấp nhận những điều con không thể thay đổi!” để con luôn được sống bình an trong sự quan phòng yêu thương của Chúa!
Nói như vậy không có nghĩa là không có những tấm gương hiếu thảo của các bạn trẻ đối với cha mẹ ở thời đại này! Tôi đã biết có những bạn trẻ không dám nghĩ đến hạnh phúc riêng của mình, không lập gia đình vì sợ sau khi lấy chồng, trách nhiệm của gia đình nhỏ sẽ khiến cô không còn thời gian chăm sóc chu đáo cho cha mẹ già! Hay có bạn trẻ (nam) sau khi tốt nghiệp đại học, không đi làm mà dành toàn thời gian để giúp cha mẹ trong việc kinh doanh cho trôi chảy tốt đẹp! Đợi đến khi cha mẹ nghỉ hưu không kinh doanh nữa, anh mới bắt đầu đi tìm việc làm để xây dựng sự nghiệp riêng cho mình dù đã muộn màng !
Mới đây tôi vừa tham dự lễ mở tay của tân linh mục P.H.Trung, trong bài giảng đầu đời của mình cha trẻ, rất trẻ, đã nhớ và cất lại lời ru năm xưa của bà ngoại đã từng ru mình lúc còn thơ :
“ À…à….ơi! Cháu tôi buồn ngủ, buồn nghê. Buồn ăn cơm nếp, cháo kê thịt gà…à..à…ơi…” khiến mọi người trong nhà thờ cảm động vổ tay tán thưởng nhiệt liệt! Cha trẻ nhớ lại ân tình của bà ngoại qua từng nắm xôi ăn sáng, tấm lòng của mẹ qua từng ly sữa ấm pha sẳn cho con mỗi sáng trước khi đi làm thêm, sự quan tâm của bố qua từng lời cầu nguyện với lòng Chúa thương xót mỗi buổi chiều vào lúc 3 giờ!. Bài giảng lễ mở tay của cha trẻ đơn sơ, mộc mạc không có những ý tưởng cao siêu nhưng chân thành, thấm đẫm tình người và đầy sự tinh tế để nhận ra những ân tình của từng người thân trong gia đình qua từng những sự việc nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày. Bài giảng gây xúc động lòng người vì nó chan chứa tấm lòng hiếu thảo, biết ơn của một người con trong gia đình VN. Rồi từ đó dẫn tới lòng biết ơn Thiên Chúa đã hy sinh mạng sống vì yêu thương con người, và để gần gủi với con người Chúa đã hóa thân làm Mình Máu Thánh hầu ở lại với chúng ta!
Cuối lễ, phần trao quà lưu niệm của tân linh mục cho cha mẹ (những kỷ vật từ lễ chịu chức hôm qua),để ghi nhận công ơn của cha mẹ, trong khi ca đoàn hát bài :. “Công ơn cha mẹ”:
“Xin Chúa í a chúc lành, cho đời cha mẹ của con
Công ơn là như núi non, dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn
Con sinh đến trong đời, nhờ ơn cha, nhờ nghĩa mẹ..”
Hình ảnh vị tân linh mục quỳ xuống giữa nhà thờ để nhận lời chúc phúc từ hai bàn tay của cha mẹ đặt trên hai vai là phần nghi lễ gây xúc động lòng người. Như vậy là những “viên ngọc hiếu thảo” vẫn có quanh ta. Cầu xin Chúa chúc lành cho những viên ngọc quý đó mỗi ngày được tìm thấy nhiều hơn trong Cộng đồng Việt Nam hải ngoại nói chung và Cộng đồng Công Giáo Việt Nam nói riêng, để một mai cha mẹ có già yếu đi vào tuổi hoàng hôn của đời người, vẫn có thể:
“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Chọn những bông hoa và những nụ cười” (TCS) từ những tấm lòng yêu thương và hiếu thảo của con cháu chung quanh! Như vậy thì thiên đàng ở ngay cõi trần gian này chứ có ở đâu xa!
Ghi lại theo lời tâm sự của các bà mẹ
5/2012
P.V.
Views: 0