Một số bạn hữu tôi bảo tôi viết về nạn xách nhiễu, hối lộ và ăn trộm ở các phi trường tại Việt Nam. Tôi đã suy nghĩ và cũng đã có dịp đọc nhiều bài viết về đề tài này. Bài nào, tác giả nào cũng than thở, cũng phàn nàn và tỏ vẻ bất mãn, cay đắng về phương cách điều hành cũng như giải quyết nạn tham nhũng, hối lộ và ăn cắp ở các phi trường, đặc biệt, đối với những Việt kiều. Tôi tin là các người có trách nhiệm đã biết những điều này nhưng vẫn làm ngơ hay cố tình làm ngơ vì đó là một mối lợi, một cơ hội làm giàu bằng những đồng tiền của khách du lịch, những người đang mang tâm trạng muốn về thăm lại quê hương và người thân.
Họ biết nhưng họ làm ngơ. Họ biết vì chỉ có cách đó những nhân viên hải quan mới có đủ sở hụi để trả cho một cái chỗ ngồi như vậy hàng chục cây vàng. Tóm lại, họ tham nhũng từ trên xuống dưới, từ những kẻ có trách nhiệm đến những kẻ thừa hành trách nhiệm. Và tất cả là một bọn “ăn cướp” vô liêm xỉ nhân danh công việc.
Tôi nói lên những điều này vì đây không phải là những lý thuyết rông rài, những lý luận trìu tượng, hay những ấn tượng xấu về một nước Việt Nam thân yêu, về cách thức điều hành và thể chế cai trị của Cộng Sản Việt Nam. Tôi viết vì đó là những kinh nghiệm của bản thân mình, của 7 lần có dịp phải về Việt Nam.
Lần đầu tiên đặt chân xuống phi trường Nội Bài năm 1996 sau 21 năm xa quê hương. Cái làm tôi nhớ mãi không phải là hình ảnh quê hương sau nhiều năm xa vắng, mà là một nhân viên phi trường làm tiền bằng cách bắt tôi phải chụp hình lại vì hình trên visa vào Việt Nam hình của tôi chụp không đúng. Tôi mất cho anh ta 2 dollars. Tiếp đến là sau khi nhận chiếc valy đầu tiên của tôi thì chiếc khóa đã không cánh mà bay! Tôi hốt hoảng và sợ hãi vì không biết chuyện gì đã xẩy ra, và tôi đã bị mất những thứ gì trong đó. Nhưng tôi thầm phục tài đạo chích của mấy anh cán bộ hải quan. Mới đó chỉ trong ít phút mà họ đã mở tung được những ổ khóa đắt tiền mà tôi đã cẩn thận mua từ Mỹ.
Tôi giận lắm và tôi thù ghét lắm hành động thiếu giáo dục và vô đạo đức này. Và tôi vẫn tưởng chỉ có vậy, nhưng sau này những lần về và ra khỏi Việt Nam tôi cũng gặp những cảnh tượng tương tự như vậy. Tôi xác định là 7 lần về và ra khỏi Việt Nam, tôi bị rạch hành lý 4 lần, và 3 lần bị rầy rà với các nhân viên có trách nhiệm về khám xét và kiểm tra hành lý. Lần thì tại sao tôi mang đến 2 chiếc cell phone. Họ bắt tôi làm giấy tờ, nhưng khi tôi chìa ra đồng bạc 5 dollar thì họ xé giấy và cho tôi đi. Lần khác họ nghi trong valy của tôi có chai chứa chất nổ lỏng mà thực ra chỉ là một lít mật ong cháu tôi mua tặng làm quà. Lần khác nữa thì trong hành lý của tôi có đồ quốc cấm, nhưng đúng ra chỉ là chiếc lư đồng tôi mua ở chợ Long Khánh mang về làm bàn thờ cho tiên nhân. Hoặc có lần tôi phải tháo ra những gói đồ mà người nhà tôi đã cẩn thận bọc lại kỹ lưỡng. Và để cho xong chuyện, tôi đã để lại một lô nào là những gói hồ tiêu, cà phê, đậu đen xanh lòng, tôm khô… mà mấy đứa em và đứa cháu thương anh, thương bác mua về làm quà cho người ở Mỹ. Nhưng khi vừa trút bỏ những thứ đó vào cái thùng để sẵn, chỉ trong nháy mắt những thứ đó đã biến mất. Tôi cũng chẳng thèm nhìn lại, miễn là kéo chiếc vali quần áo đi lẹ ra cổng chờ lên máy bay. Họ không phải là những nhân viên phi trường lịch sự, nhã nhặn, và có tư cách.
Đi đây đó nhiều nơi, đặt chân đến nhiều phi trường quốc tể kể cả Thái Lan, tôi luôn có một cảm tưởng nhẹ nhõm sau những giờ bay dài. Chỉ có khi máy bay đáp xuống phi trường Tân Sân Nhất, phi trường Nội Bài dù sau hàng chục giờ bay từ Mỹ về tôi vẫn thấy lo sợ và chán nản. Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra dưới đất khi tôi kéo chiếc valy hành lý của mình qua cửa hải quan và nhận lại hành lý. Một cảm tưởng thật khó tả, hoang mang, và thù ghét. Một điều rất thực tế là hầu hết những ai đã ra vào Việt Nam đều có cảm nghĩ như tôi. Điều này làm tôi nhớ lại chính một hướng dẫn viên người Việt trong phái đoàn du lịch qua Thái Lan cũng đã than thở và cho biết tại Việt Nam cái xấu xa ở những phi trường thật là khủng khiếp. Tôi hơi nghi ngờ anh này, vì ai mà tin nổi lời Cộng Sản nói. Có lẽ trong phái đoàn hôm đó phần lớn là những người về từ Mỹ, Pháp, Canada. Có lẽ anh vớt vát và nói cho có lệ để khỏi phải quê khi máy bay đáp xuống phi trường Bangkok. Tại đây, tất cả được tiếp đón lịch sự, tử tế khác hẳn với chỉ vài giờ trước khi lên máy bay từ phi trường Tân Sân Nhất. Và điều này cũng khiến tôi nhớ lại lời phàn nàn của Đức Cha Ngô Quang Kiệt, nguyên Tổng Giám Mục Hà Nội với đám người điều hành quốc gia, theo Ngài, Ngài thấy xấu hổ khi cầm “hộ chiếu” mang chữ Việt Nam mỗi khi phải ra nước ngoài.
Từ sách nhiễu, làm tiền, mánh mung đến ăn cắp. Xấu hổ lắm chứ khi Ngoại trưởng ăn cắp, phu nhân các chính khách ngoại giao ăn cắp, đại sứ thân thiện ăn cắp, phi công trưởng, tiếp viên hàng không ăn cắp khi họ ra nước ngoài. Ăn cắp từ trên xuống dưới. Ăn cắp không phân biệt chức vụ và phẩm cách. Ăn cắp, mánh mung đến độ tại nhiều nơi, nhiều quốc gia người ta phải lưu ý bằng tiếng Việt “đề phòng ăn cắp”. Như vậy thì thật là quá xấu hổ.
Tại những quốc gia tiên tiến như Hoa Kỳ hay Nhật Bản chẳng hạn chỉ cần nghe đến hai tiếng “ăn cắp” hay “nói láo” là từ con nít đến người lớn đã nổi da gà lên rồi, nhưng tại sao chỉ có Việt Nam với 4000 năm văn hiến là không ai lạ lùng hoặc ngại ngùng gì với những từ ngữ ấy. Đã có người nói một câu rất mỉa mai rằng: “Ở Việt Nam thần kinh liêm xỉ bị đứt rồi!” Và như vậy mà từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên hễ có cơ hội, hễ có hoàn cảnh là ăn cắp. Những hình thức ăn cắp nổi nhất hiện nay ở Việt Nam là ăn cắp vặt, là tham nhũng, là hối lộ, là hối mại quyền thế, là ăn cắp của công, làm thụt công quỹ hay gọi là biển thủ. Theo những tin tức trên các báo chí trong nước, hoặc được loan truyền trên các đài phát thanh hay truyền hình thì bệnh ăn cắp đã trở thành “quốc bệnh” và là một bệnh nan y hầu như vô phương cứu chữa. Cứ nhìn vào những chính khách, đại gia giầu có tại Việt Nam thì đủ hiểu. Đấu đá nhau vì quyền lực, tranh dành ghế này ghế kia để có cơ hội vơ vét và ăn cắp. Dĩ chí đến bán cả giang sơn, biển đảo để làm giầu một cách bất chính. Người ta tự hỏi, những gia tài hàng trăm tỷ hay hàng trăm triệu mỹ kim của các đại gia, các quan chức chính phủ ở đâu ra? Câu trả lời là do những đồng tiền nhơ bẩn, tanh hôi, do sự bóc lột, tham nhũng và mánh mung quyền lực. Tại Việt Nam bây giờ chẳng ai thấy những bộ mặt trí thức, những tấm lòng yêu thương đất nước và những đầu óc cách mạng chân chính để đưa dân tộc, đất nước vượt ra khỏi cảnh nghèo đói, lạc hậu, bị kìm kẹp bởi Trung Cộng, nhưng chỉ thấy những lãnh đạo, lãnh tụ với là những bộ mặt nham nhở, những đầu óc hẹp hòi, ích kỷ và lưu manh. Thú thực, nhìn lãnh đạo của Việt Nam sánh vai với lãnh đạo thế giới trong những lần đi phó hội đó đây mà thấy tủi. Người ta mời gọi đứng sắp hành chụp hình thì không hiểu lại dơ tay khua khua miệng cười cầu tài… Mới đây có hình ông Nguyễn Xuân Phúc tay cầm điện thoại với lời chú giải trên VNExperss rằng ngài thủ tướng đang điện đàm với tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông Phúc làm gì có trình độ Anh ngữ để nói chuyện qua điện thoại với ông Trump?!!!
Tóm lại, tôi vẫn thấy ấm ức và khó chịu mà nói theo ngôn ngữ của người Việt trong nước là “bức xúc” mỗi khi nghĩ về Việt Nam, nghĩ đến cảnh mình sẽ đáp xuống phi trường Tân Sân Nhất hoặc Nội Bài, và nghĩ đến cái cảnh phải rời Việt Nam để trở lại với quê hương thứ hai của mình. Tại sao cái nhục đang đập vào mắt bọn quan chức Cộng Sản mà họ không hay không muốn tìm ra câu giải đáp?…
Việt Nam quê hương yêu dấu ơi, bao giờ mới hết thương đau. Bao giờ mới hết nghèo đói. Bao giờ mới có thể ngẩng đầu lên sánh vai cùng năm châu, bốn biển? Chỉ khi nào Đảng Cộng Sản bị giải thể, và bọn cần quyền Cộng Sản bị kéo xuống khỏi những chiếc ghế quyền lực. Tôi mong ngày ấy sớm xẩy đến cho quê hương tôi, cho đồng bào tôi.
Views: 0