Uncategorized

Những dấu hiệu của ngoại tình

Trường hợp 1:

Trường hợp 1:

Cao và Trinh quen nhau hai năm và cưới nhau được 8 năm. Hai năm quen nhau và bồ bịch rất tuyệt vời. Tám năm chồng vợ cũng là một chuỗi dài hạnh phúc. Tiền bạc, tài chánh không là vấn đề. Nhà cửa, xe cộ không là vấn đề. Của chìm, của nổi trong các chương mục hai người trên dưới không kém 2 triệu Mỹ kim. Trong gia đình có người quản gia, người lo cơm nước, và những việc trong nhà. Nhưng rồi khoảng 6 tháng nay tự nhiên bầu khí gia đình, cuộc sống hôn nhân bắt đầu gặp sóng gió.

 

Cao tỏ ra lơ là trong việc làm ăn, buôn bán. Anh không còn tha thiết việc thương mại nữa. Thỉnh thoảng về nhà trễ, và có khi trễ hơn 2 giờ sáng với những lý do rất mơ hồ. Những hôm ở nhà lại không ăn cơm chung với vợ. Hoặc ăn một cách hết sức miễn cưỡng, chiếu lệ. Chê món này mặn, món kia nhạt. Chê món xào nhiều mỡ, món thịt nhiều gân, nhiều da. Người nếu ăn cho gia đình cảm thấy rất bối rối khi phải dọn bữa, và đã đôi lần phàn nàn với Trinh. Ngồi đâu thì Cao thơ thẩn, đôi mắt lờ đờ, và hay thở dài. Đặc biệt là có những lời nói hết sức tiêu cực hoặc thách thức vợ. Thí dụ, nếu bà không thích tôi nữa thì ly dị đi. Hoặc: Cô đừng tưởng là tôi không thể bỏ cô được. Cô và bà được dùng thay thế cho chữ “em” và “cưng” trước đây trong cách xưng hô của Cao với vợ. Đêm đêm trong giấc ngủ, Cao hay mơ sảng, và hốt hoảng. Khi bị vợ chất vấn là liệu có tư tưởng hay hành động ngoại tình nào không, thì anh thề là không, hoặc chỉ âm thầm bỏ đi mà không trả lời. 

 

Trước những thái độ và lối sống bất ngờ ấy, Trinh chỉ muốn tìm hiểu xem là chồng mình có ngoại tình hay không? Bằng ấy những dấu hiệu có đủ để quả quyết là chồng đã ngoại tình, và  còn yêu mình nữa hay không? Làm sao một người như Cao lại có thể ngoại tình? Và làm sao chồng mình lại có thể bỏ mình được trong khi mình vẫn yêu chồng, và vẫn sẵn sàng tha thứ cho chồng.
  

 

Trường hợp 2:

 

Yến và chồng quen nhau trong thời gian còn ở trại tị nạn khi mới đặt chên lên đất Mã Lai. Sau khi được định cư tại Hoa Kỳ hai người đã kết hôn và sống với nhau đến nay gần 20 năm. Yến có hai người con, đứa gái đầu năm nay 15 tuổi và đứa trai út cách chị nó 10 tuổi.

 

Thỉnh thoảng Yến có chuyện phải về Việt Nam, khi thì lo cho cha mẹ già vì ông bà không muốn qua Mỹ, khi thì lo giúp các em út hai bên gia đình.  Lần thì về chung với chồng con, cũng có lần về một mình. Tháng trước đây, cô lại về một mình để lo cho mẹ phải vào nhà thương. Nhưng lần này cô không ngủ ở nhà mà thuê hotel để ở. Và khi mẹ cô xuất viện, thì cô đã không trở lại Hoa Kỳ ngay, nhưng đổi vé và ở lại thêm ba hôm sau mới về. Chồng cô đã hỏi về lý do đổi vé và thuê hotel để ở thì cô đổi qua chuyện khác, hoặc to tiếng ngắt lời.

 

Từ khi trở lại Hoa Kỳ gần tháng nay, cô thường thao thức, và giấc ngủ chập chờn. Nhiều đêm, chồng cô bắp gặp cô nói chuyện điện thoại với ai đó rất lâu khiến anh phải nhắc khéo cô là đi ngủ để mai còn thức dậy mà đi làm. Trong cách xưng hô và lối sống, cô bắt đầu có những so sánh xa gần giữa chồng cô với người này, người khác. Giữa bạn bè cô không e dè phên bình chồng cô, chê chồng cô kém xã giao, kém lãng mạn tình tứ. Ở nhà, thỉnh thoảng lại bẳn gắt với chồng một cách vô cớ.  

 

Liệu cô đã cắm sừng chồng cô chưa?

1. Hình thức ngoại tình

 

Trước khi tìm hiểu một số dấu hiệu về ngoại tình, tưởng cũng nên biết thêm rằng hành động ngoại tình không tự nhiên, đơn thuần xảy ra ngày một, ngày hai. Đúng ra, nó đã được nuôi dưỡng âm ỷ trong tư tưởng lâu ngày trước đó. Hành động ngoại tình của một người mà ta thấy hôm nay chính là kết quả của những thao thức, chiến đấu, và mời gọi từ lâu trước đó trong tư tưởng. Như bất cứ một hành vi nhân tính nào của con người, ngoại tình phải hội đủ những lý do của suy nghĩ, phân tích, và chọn lựa trong tự do. Một hành động hoàn toàn tự do. Do đó, nếu một ai đó nói rằng tôi không biết, hay tôi bị lừa gạt để ngoại tình, để phản bội chồng hay vợ tôi thì đó chỉ là lời chạy tội ấu trĩ, một sự chối bỏ và lừa dối chính con người của họ. Trên thực tế, không ai bắt mình ngoại tình. Và dĩ nhiên, không phải chỉ ngẫu hứng, chốc lát đưa đến hành động ngoại tình. Vì ngoại tình là kết quả của tán tỉnh, của lựa chọn, của chấp nhận, và của trao đổi tình dục. 

 

Ngoại tình bao gồm hai hình thức: Ngoại tình trong tư tưởng, và ngoại tình bằng hành động.

 

Đôi khi hành động ngoại tình được cho là đáng tội, đáng trách, và đáng lên án, nhưng cái tâm ngoại tình thực ra mới đáng tội, đáng trách, và đáng nguyền rủa. Chính do ngoại tình trong tư tưởng mới nảy sinh những lén lút, những dấu đút, những quanh co, và nhiều nghi ngờ, nhiều cãi vã trong gia đình đem đến rạn nứt, đổ vỡ. Ngoại tình qua hành động chỉ là kết quả của ngoại tình trong tư tưởng.

 

Ngoại tình trong tư tưởng -ngoại tình thầm lén khó đoán biết và cũng khó đề phòng. Thực tế đã cho thấy có nhiều người chồng, người cha coi bộ đàng hoàng tử tế, mẫu mực nhưng bên trong đã là người ngoại tình. Hành động ngoại tình của họ phải nhiều năm sau do một tình cờ nào đó mới phát hiện. Một cách tương tự, cũng có những người vợ, người mẹ đoan trang, nết na bên ngoài, nhưng bên trong lại nuôi tư tưởng ngoại tình. Lối sống “đồng sàng dị mộng” thường xảy ra cho những người phụ nữ mà tình duyên bị ép buộc, hoặc có những khó khăn về mặt tài chánh, luật pháp, ảnh hưởng của tôn giáo, ảnh hưởng của văn hóa không cho họ thoát ra ngoài hôn nhân mà họ đang phải miễn cưỡng sống.   

 

2. Những dấu hiệu ngoại tình

 

Trong hai hình thức ngoại tình như vừa trình bày, điều mà một người chồng hay một người vợ muốn biết, đó là những dấu hiệu nào chứng tỏ hành động ngoại tình của vợ hay chồng mình? Một cách rõ ràng, liệu con người ấy qua những hành động mà ta nhìn thấy kia có đủ yếu tố để biết rõ hơn về sự ngoại tình trong tư tưởng trước khi hành động ngoại tình bằng hành động thực sự xảy ra? 

Qua hai trường hợp nêu trên nếu bị chất vấn, chắc chắn Cao sẽ phủ  nhận –  như đã phủ nhận là đã phản bội vợ; và Yến cũng sẽ phủ nhận đã cắm sừng chồng nếu như bị hỏi tới. Nhưng những dấu hiệu thay đổi, những lời nói, và hành động của hai người cho thấy rằng họ thực sự đang nuôi những tư tưởng ngoại tình, và trong thực tế rất có thể họ đã có những hành động ngoại tình mà người vợ hay chồng họ chưa bắt được quả tang mà thôi.  Theo Heidi Muller đã phân tích. Một số những dấu hiệu cho biết về ngoại tình, gồm:
 
Không cần đến sự săn sóc của nhau.
Lạnh lùng, vô cảm.
Kín đáo và khó hiểu.
Dò xét, canh chừng.
Tự nhiên vồn vã và săn sóc.

 

– Không cần đến sự săn sóc của nhau:

 

Rõ ràng qua trường hợp thứ nhất, Cao đã có những hành động này. Cũng như trường hợp của Yến thái độ bất cần nhau trong đời thường đã hiện rõ nét qua những hành vi, cử chỉ, và nhất là lời nói. Cả hai đều tỏ ra bất cần, hoặc coi thường vợ và chồng mình. Không những họ không còn ân cần săn sóc, quan tâm đến vợ, đến chồng của họ, mà cả hai đều rửng rưng khi có sự quan tâm ấy từ phía vợ hay chồng của họ. Những chuyện mà họ đã làm 8 năm hay 20 năm trước đây.

 

– Lạnh lùng, vô cảm: 

 

Trong đời sống hôn nhân, từ ngữ và cách thức dùng từ ngữ giữa hai vợ chồng đều có tính cách ước lệ, một qui định mà người ngoài nhiều khi không hiểu hay không biết, nhưng giữa hai người thì là biết và hiểu. Thí dụ, trong nhiều cặp vợ chồng, khi vợ chồng nói với nhau họ thường hay to tiếng. Đôi khi có những tranh cãi nhỏ, hoặc dùng những từ ngữ như bà, ông, tôi… Những từ ngữ ấy, những lối diễn tả ấy mang những tín hiệu và ý nghĩa tiêu cực nhằm đạt được chủ ý của người nói. Thí dụ, tôi tức, tôi bực bà lắm, tôi tức, tôi bực ông lắm rồi đó.  Dừng chân, dừng tay, im miệng lại đi, nếu không nổi nóng hơn nữa là lớn chuyện. Nhưng một mặt khác, nó cũng mang ý nghĩa và tín hiệu tích cực. Thí dụ, tôi không muốn gây với ông, tôi không muốn cãi vã với bà nữa. Bà làm ơn đừng chuyện ấy, ông làm ơn đừng tham gia việc ấy, giao tiếp với người ấy… Nội dung những tín hiệu ấy tiêu cực cũng như tích cực đều nhắm tới việc áp dụng những nguyên tắc:  “Yêu cho roi cho vọt”, hoặc “Sự thật mất lòng”.

 

Nhưng trong trường hợp ai đó đang nuôi tư tưởng, đang nghĩ đến ngoại tình thì những tín hiệu của người chồng, người vợ hầu như mang tính thụ động, tiêu cực. Đôi khi nghe mà không thèm lý tới, không quan tâm tới vì thực sự lúc này tôi đang để ý và quan tâm đến một người khác. Lúc này hành động đi sớm, về khuya, chuyện ăn gì, uống gì, chuyệc thức ngủ là chuyện của mỗi người. Không liên quan gì đến tôi, và tôi cũng không muốn người khác để ý tới.   

 

– Kín đáo và khó hiểu:

 

Dĩ nhiên, người đang nuôi tư tưởng hoặc đã có dính líu đến ngoại tình thường hành động thầm lén, che đậy, thận trọng, v à rất kín đáo.  Sự dè dặt, che đậy đôi khi được phản tỉnh qua giấc ngủ, những lời nói lỡ lời, hoặc những tiếng thở dài. Những câu nói, những hành động kín kín, hở hở khó hiểu khác hẳn với thái độ cởi mở, tự nhiên, ồn ào trước đây.

 

“Con mắt là cửa số linh hồn”. Vì không muốn cho chồng hay vợ nhìn thẳng vào linh hồn mình để khám phá ra hình bóng người thứ ba trong đó, người ngoại tình bắt đầu tránh né không nhìn thẳng vào mặt chồng hoặc vợ. Họ cũng tỏ ra rất ngại không thích ra đường hay xuất hiện nơi công cộng chung với chồng hoặc vợ. Có lẽ vì sợ vô tình người khác biết và tiết lộ với vợ hoặc chồng về hành động ngoại tình của mình.  

 

Trong trường hợp của Cao và Yến, nếu hai người này tránh né không muốn nhìn thẳng mặt nhau, không muốn mặt đối mặt giải quyết những thắc mắc, trả lời những câu hỏi của nhau cũng là điều dễ hiểu, vì những thao thức hiện nay của hai người đang ẩn chứa một bóng hình thứ ba.  

 
– Dò xét, canh chừng:

 

Tuy không quan tâm đến nhau, không lo lắng cho nhau, nhưng cả hai đều tăng cường sự dò xét, và canh chừng nhau. Thí dụ, lục xét áo quần, giầy dép, theo dõi điện thoại, điện thư, email, hay internet. Dò hỏi nơi bạn bè, người thân. Hoặc dùng những lời nói hai nghĩa, úp mở nhằm khai thác chồng hoặc vợ.

 

Riêng đối với người có tư tưởng hay hành động ngoại tình, thái độ dè dặt của họ phản ảnh tâm lý “có tật giật mình”. Họ thường có những thái độ sợ hãi, hốt hoảng, những lời nói lỡ lời; hoặc cũng có khi tỏ ra lỳ lợm, gian dối để tránh né hoặc chối tội. Khi bị chất vấn hay hạch hỏi, họ thường áp dụng nguyên tắc “chối”. Chối cho đến khi không thể chối được thì đổ tội cho một nguyên nhân nào đó.   

– Tự nhiên vồn vã và săn sóc:

 

Trong một số trường hợp, nhất là sau khi xảy ra hành động ngoại tình, người ngoại tình thường hay che dấu tội mình bằng cách dùng những lời nói dỗ ngọt, những cử chỉ vuốt ve, quan tâm đến chồng hoặc vợ. Thí dụ, mua tặng vợ hay chồng những tặng vật đắt tiền. Gọi điện thoại, gửi email, tặng hoa… Ta gọi đây như một chiêu thức “dương đông, kích tây”, với mục đích đừng để chồng hay vợ mình lo lắng, dò hỏi, điều tra.

 

Nhưng nếu người chồng hay người vợ tỉnh ý, sẽ nhận ra những cử chỉ thân thương, những món quà đắt tiền, những lời nói âu yếm ấy phảng phất một cái gì đó thiếu thật thà, gian dối. Để biết những lời nói, cử chỉ và hành động đó thật hay không thật, ta chỉ cần so sánh cũng một lời nói, cử chỉ, và hành động ấy trong quá khứ được nói, được diễn tả như thế nào với sự thay đổi bất thường hiện nay.

 

Tóm lại, nếu tự nhiên gần đây chồng hoặc vợ mình bắt đầu thay đổi kiểu tóc, thay đổi cách ăn mặc, thay đổi điện thoại, thay đổi password, thay đổi nước hoa. Hoặc chính ta bỗng một hôm nào đó ngửi thấy một mùi nước hoa lạ trên đầu, tóc, trên áo chồng hoặc vợ, vô tình thấy một dấu son trên cổ áo của chồng, một vết cắn bầm tím trên cổ của vợ, một sợi tóc lạ trên áo, trên người của chồng hay vợ. 

 

Thêm vào đó, là những lời nói gay gắt, gây sự, thách thức. Những thái độ chê bai, so sánh với người này, người khác. Thay đổi cách thức ăn uống, chê bai đồ ăn, thức uống. Những thái độ lơ là trong việc ân ái vợ chồng. Những lần đi sớm về khuya. Những thay đổi về giờ giấc, về chương trình làm việc. Và cộng thêm tâm lý bần thần, hờ hững, buông xuôi… thì đó là những dấu hiệu mà ta cần thẳng thắn đối diện và quan tâm trước khi tư tưởng ngoại tình ăn sâu, thôi thúc để dẫn đến hành động nơi người chồng hay người vợ. 

 

Một kinh nghiệm trong đời sống hôn nhân gia đình, đó là khi người chồng ngoại tình thì người vợ nếu khôn ngoan, bình tĩnh và biết ứng xử có thể hoán cải, đưa người chồng trở về được. Nhưng khi người vợ đã ngoại tình thì trường hợp hoán cải rất hiếm, mặc dù con đường trước mặt là mất mát và nước mắt.  

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.