Uncategorized

Những cảm nghĩ về nhà “giữ lão”

Cô gởi con bài thơ nầy, con đường trước mắt của cô đó. Cô không có "ngán " đâu, bởi vì đây là tương lai của mọi người, đâu chỉ có riêng mình. ( Nên ha ha …hay hu hu… ?). Có người bảo không muốn nhìn cảnh này vì nó làm mình chán đời và bi quan (hu hu…) Nhưng tuổi già và bệnh tật đâu có ai né tránh được đâu ?

Cô gởi con bài thơ nầy, con đường trước mắt của cô đó. Cô không có "ngán " đâu, bởi vì đây là tương lai của mọi người, đâu chỉ có riêng mình. ( Nên ha ha …hay hu hu… ?). Có người bảo không muốn nhìn cảnh này vì nó làm mình chán đời và bi quan (hu hu…) Nhưng tuổi già và bệnh tật đâu có ai né tránh được đâu ? Vậy sao mình không dám nhìn thẳng vào nó, mỉm cười với nó: “Già ơi, xin chào mi” để làm quen với nó từ từ…

Cô thăm 2 cháu.

MỚI HÔM QUA THÔI
Tác giả : Bac Si Do Hong Ngoc

Ghi chú: Năm 1993, tháng 12, mùa tuyết trắng xóa ở Canada, tôi có dịp đến thăm một Nursing home ở Montreal, bên cạnh dòng sông Saint Lawrence. Canada là nơi có chế độ chăm sóc người già rất tốt, có thể nói nhất thế giới, thế nhưng lòng tôi nặng trĩu khi nhìn thấy những kiếp người, mà ngoài kia Như-lai vẫn “như như bất động”… vẫn tuyết rơi trắng xóa, vẫn dòng dòng mênh mông…

Tôi viết mấy câu – thực ra, chỉ là một “ghi chép lang thang” những điều mắt thấy tai nghe giữa lạnh lùng băng giá hôm đó bên dòng sông tuyết trắng.

Trong một nhà giữ lão ở Montreal
Họ ngồi đó
Bên nhau
Đàn ông
Đàn bà
Không nhìn
Không nói
Họ ngồi đó
Gục đầu
Nín lặng
Ngửa cổ
Giật nhẹ tay chân
Có người
Trên chiếc xe lăn
Chạy vòng vòng
Có người
Trên chiếc xe lăn
Bất động
Họ ngồi đó
Hói đầu
Bạc trắng
Móm sọm
Nhăn nheo
Mới hôm qua thôi
Nào vương
Nào tướng
Nào tài tử
Nào giai nhân
Ngựa xe
Võng lọng
Mới hôm qua thôi
Nào lọc lừa
Nào thủ đoạn
Khoác lác
Huênh hoang
Mới hôm qua thôi
Nào galant
Nào qúy phái
Nói nói
Cười cười
Ghen tuông
Hờn giận
Họ ngồi đó
Không nói năng
Không nghe ngóng
Gục đầu
Ngửa cổ
Móm sọm
Nhăn nheo
Ngoài kia
Tuyết bay
Trắng xóa
Ngoài kia
Dòng sông
Mênh mông
Mênh mông…

Đỗ Hồng Ngọc
(Montréal, 1993).

 

Ngày…tháng…2014

Gửi đến các bạn bài thơ đọc để suy niệm chứ không phải để chán đời nghen! Mình thấy bài thơ rất sâu sắc. Đọc để hình dung trước tương lai của mình hầu chuẩn bị tâm lý cho tốt để “Già ơi! xin chào mi”.

  Ngày…tháng …2014
 

   
Cám ơn bạn, “nhà dưỡng lão” không còn thuần túy là một chủ đề xã hội, nhưng là hướng tư duy đa chiều từ tâm lý tới đạo lý… Cảm nhận của BS Ngọc là một điển hình. Tôi tôn trọng cảm xúc của tác giả, nhưng tôi thấy áy náy với lối dẫn chứng trong bài thơ.

Khi nhìn những người già thân xác tàn tạ, tác giả liên tưởng tới nếp sống kiêu căng, dối trá, và danh vọng của họ. Nhận xét này ngầm ý mỉa mai của người ngoài cuộc. Nhưng những vị anh hùng, đạo đức, và trí thức… một khi đã vào đây thì cũng ngồi ngây ngô y như vậy mà thôi. Quá khứ của họ đã cắt đứt. Trong viện dưỡng lão chỉ có những thân xác cô đơn ngồi gục đầu. Thấy họ là bóng tối, chiếc lá vàng, hay ngọn nến sắp tắt… là tùy người ngoài phản ảnh tâm mình qua họ. 

Nếu sống để già rồi chết, tôi nghĩ dù có sống tội lỗi hay tốt lành rốt cuộc cũng vô nghĩa, hay có một cái gì thiếu sót trong đời sống. Chính tình yêu của Thiên Chúa đã nâng đỡ sự sống và là nến tảng cho ý nghĩa sự hiện hữu của con người. Cái ý nghĩa nhân phẩm này đáng cho chúng ta sống trong hy sinh để có. Rồi đến khi vào nhà dưỡng lão, như bị dồn vào góc hang, chúng ta vẫn còn cái tâm tự do và niềm hạnh phúc. Vì hạnh phúc đến từ Thiên Chúa trong nội tâm.

   
Ngày …tháng…2014

Anh T thật có nhận định rất sâu sắc! Có lẽ nên đề nghị tác giả thêm vào bài thơ:

“Nào quý phái
Nào thánh thiện
Nào đạo đức…”

Vì trong nhà dưỡng lão cũng có linh mục, có ni sư…Đúng vậy nếu chúng ta không có niềm tin vào Thiên Chúa thì tuổi già và viện dưỡng lão quả thật là buồn chán! Càng về già đời sống tinh thần càng quan trọng. Hãy có niềm tin vào một đấng thiêng liêng nào đó, sẽ nâng đỡ tinh thần ta rất nhiều trong tuổi già cô quạnh.

Cám ơn anh đã mở ra cho tôi một cái nhìn mới, khởi từ niềm tin và phó thác vào Thiên Chúa!

Ngày…tháng…2014

Các bạn rất thân mến.

 

Bài thơ của BS D.H Ngoc đã diễn tả đúng những hình ảnh mà tôi thấy mỗi sáng chúa nhật khi tôi đi thăm Nursing Home gần nhà.

Có lẽ tác giả muốn gửi những hình ảnh đó để nhắc nhở tôi "Đời là vô thường", nên hãy bớt bon chen, đua đòi, sân hận…để rồi cuối cùng cũng là "Đây". Và đó có thể cũng là hình ảnh tương lai của mình, nên ngày nào Chúa cho còn mạnh khỏe còn đi đứng được tôi luôn cố gắng làm nhiều việc tốt, việc từ thiện kẻo mai kia muốn làm cũng không làm được nữa.

Những hình ảnh đó không làm tôi bi lụy, buồn phiền mà chỉ nhắc nhở tôi cám ơn Chúa về sức khỏe mà Chúa đang ban cho tôi, nếu tôi có đau ốm thì không nên than phiền khi so sánh với những người này.  Những hình ảnh "cuối đường đời" ấy, nhắc cho tôi thấy "mọi sự ở thế gian đều qua đi" chỉ có Lời Chúa là sẽ còn tồn tại mãi mãi.

Mỗi tuần tôi vẫn đến thăm họ như một lời nhắc nhỡ tôi nên sống tốt hơn và cám ơn Chúa nhiều hơn về những gì mình đang có trong tay.

   
Ngày…tháng…2014

Chào quý bạn rất thân thương,
Xin cám ơn P đã gửi clip cho mình được tham gia với các bạn.

Bài thơ rất súc tích, diễn tả đúng quang cảnh bên ngoài của một nursing home, còn nội tậm bên trong thì còn tùy mỗi cụ ở trong đó phải không?

Cám ơn những chia sẻ đong đầy niềm tin của các bạn. Điều này khích lệ mình cố gắng hơn nữa trong công tác chăm sóc các cụ già neo đơn ở VN. Xin các bạn cầu nguyện cho mình với nhé.

Thân chúc các bạn tràn đầy niềm vui trong cuộc sống.

 

Ngày …tháng…2014

Đọc cảm nghĩ chia sẻ của các bạn, mình cũng muốn đóng góp ý mình. Mình thấy tôn giáo luôn là điểm tựa cần thiết cho người già, đó là lý do giải thích tại sao về già người ta siêng đi nhà thờ, đi chùa nhiều hơn, làm việc công đức nhiều hơn.Già thì nên nghiêng về đời sống tâm linh nhiều hơn Tôi nghe kể có những cụ già hà tiện không dám ăn, không dám xài, nhưng rất rộng tay đóng góp từ thiện, cho chùa, cho nhà thờ.( đến nỗi có khi con cái xót ruột phải tịch thu và “quản lý dùm”) Những nơi này chỉ trông mong vào các cụ hưởng tiền già, chứ chẳng trông mong gì vào giới trẻ đang hái ra tiền. Chúng còn lo để dành tiền để chạy theo nhu cầu vật chất không bao giờ ngưng vì những thứ này luôn ra cái mới xoành xoạch (Xe xịn, I phone 6+). Nhưng bệnh tật và cái chết đâu phải chỉ dành riêng cho người già. Đúng không các bạn?

Đó là tôi nói về những người già đạo đức, chứ không dám nói đến những cụ muốn hưởng thụ tối đa, về V.N chơi bời, lo cưới vợ trẻ vì :“Chơi xuân, kẻo hết xuân đi, cái già xoành xoạch nó thì theo sau”. Có khi cái già đã tới rồi, nhưng cố tình “quay mặt làm ngơ” như không thấy. Không biết các cụ ấy có bao giờ nghĩ tới những hình ảnh trong bài thơ này không nhỉ?

 

Ngày…tháng…2014

Ôi chao, nghe các bạn nói về viễn ảnh “Già ơi, xin chào mi” mà thấy quãi quá. Vậy tại sao người ta cứ chúc nhau sống lâu chi vậy? Ai cũng mong thượng thọ 100 tuổi, chẳng lẽ người ta cứ ngân nga : “Ôi! yêu quá đời này” dù là trong thân xác kiệt quệ:

Họ ngồi đó
Gục đầu
Nín lặng
Ngửa cổ
Giật nhẹ tay chân
Có người
Trên chiếc xe lăn…
Gục đầu
Ngửa cổ
Móm sọm
Nhăn nheo

Đó là tác giả tả nương tay, chứ tôi đi thăm nhà dưỡng lão mỗi tuần, không phải “có người trên chiếc xe lăn” mà là 100% ngồi trên xe lăn, và có những xe lăn còn kèm theo cây treo nước biển, hay bình hút ống tiểu gì đó. Và không phải ai cũng “gục đầu, nín lặng” mà còn là những cái đầu, hay tay chân bị giật liên tục, hoặc tiếng la hét ầm ỉ “Ôi trời ơi! đau quá, nhức quá, chịu không thấu…nè trời!” Đó là những người may mắn còn di chuyển được, còn có những người nằm bất động một chỗ…

Nếu trong hoàn cảnh đó thì thật đúng là:

“Khi chúa thương gọi con về
Lòng con hân hoan như trong một giấc mơ
Miệng con nức khen tiếng cười…” ( không biết còn cười nỗi không?)

Nhưng trong những hoàn cảnh “tăm tối” đó, tôi vẫn nhận ra những “ánh sáng tình người” rất đáng quý, đáng trân trọng: một cụ ông ròng rã suốt mấy chục năm, ngày nào cũng vào với cụ bà ( một gương chung thủy sắp bị “diệt chủng” trong xả hội mà ly dị tràn lan như cơn dịch bệnh) để chăm sóc, hỏi han dù cái đầu cụ bà lúc nào cũng giật liên tục và không nói được câu nào.

Hay một ông con sáng nào cũng vào với mẹ, đẩy xe lăn cho mẹ ra sân hưởng ánh mặt trời, rồi dìu bước tập đi cho mẹ “từng bước, từng bước thầm” của người con hiếu thảo, ngày càng hiếm thấy trong xả hội văn minh. 

Thôi thì hãy chấp nhận quy luật của cuộc sống: Sinh, lão, bệnh, tử” và phải ngợi khen tạo hóa diệu kỳ vì đã chế ra con người mà sức hoạt động bền bĩ vô cùng. Một cái xe, một cái tủ lạnh bằng sắt thép mà hoạt động giỏi lắm là 10, 20 năm rồi cũng đi đoong! Cho nên con người hoạt động 6,7 chục năm có hư chỗ này hỏng chổ kia, nên sinh ra đau ốm, bệnh tật cũng là chuyện bình thường. Đừng thắc mắc hay than phiền mà hãy thích nghi với nó để sống thanh thản bình an. Có câu nói nỗi tiếng : “Già có lẽ còn ít khổ đau hơn là muốn trẻ mãi với bất cứ giá nào”.

Ngày…tháng…2014

Bạn nói có lý đó, nhưng tôi tin vào Nghiệp, mỗi người đều có cái Nghiệp phải trả, nên sống tốt, bố thí và bác ái cũng là một cách trả bớt Nghiệp, thì cuộc sống về già của mình đỡ nhọc nhằn hơn. Tôi thấy nhà dưỡng lão là cách chọn tốt nhất cho người già, vì nơi đây có đầy đủ phương tiện y tế chuyên môn. Ngoài ra họ còn có nhiều bạn đồng trang lứa, đồng cảnh bệnh tật, đồng cảnh neo đơn, đồng cảnh bị bỏ rơi…dễ dàng thông cảm và chấp nhận cuộc sống “ngày tàn” hơn, không đến nỗi rơi vào cảnh “Sớm mai thức giấc nhìn quanh một mình” (LP). Tôi có vợ chồng người bạn còn hăng hái tuyên bố “Nhà dưỡng lão là con đường chọn của tụi này, để tránh stress và đở cực cho con cháu mình.” Ngoài ra sống lạc quan và có tính hài hước cũng làm cho cuộc sống bạn vui lên đó. Như câu chuyện kể về một bà Mỹ già, khi lên tivi nói về tuổi già của mình, bà nhìn xuống 2 cái ngực bắt đầy chảy thòng xuống và cười mỉm tự hỏi “ Hai đứa nó đang thi nhau chạy về tới rốn, nhưng không biết đứa nào về tới đích trước đây?”

Hãy tìm niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống mỗi ngày. Tôi có cô bạn vừa gọi ĐT khoe đã tự làm được món cơm cháy tại nhà và rất vui để enjoy nó khi nhai dòn rụm miếng “cơm cháy mỡ hành” như thời xa xưa, vì chợt nhớ ra mình còn răng để nhai cơm cháy, sao không enjoy nó đi để mai kia mốt nọ thành cô “hăng rết” như mấy bà bạn già có muốn nhai cơm cháy cũng không nhai được.  Nhớ mở rộng quan hệ bạn bè vì tuổi già rất cần có bạn để giao lưu, chia sẻ tâm tình vui buồn với nhau.Rồi giờ rãnh lên Internet đọc tin tức, nghe nhạc, nghe kinh, nghe đọc truyện, xem phim… Hãy luôn sống với tâm tình:

“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Chọn những bông hoa và những nụ cười
  …  Và như thế tôi sống vui từng ngày” ( TCS)

Bạn sẽ thấy đời đáng yêu hơn nhiều lắm dù “Già ơi, xin chào mi”. Rồi mai kia dù “số phận” có đẩy đưa vào “Nhà Giữ Lão” thì cũng không có gì để nuối tiếc. Đến lúc “Vô Thường” chợt gọi   thì bình thãn “ra đi” bởi :

“Phú quý, vinh hoa như mộng ảo
Sắc tài, danh lợi tựa phù du”.

 

                                                      =====================

 

Trên đây là một số những cảm nghĩ về tuổi già, về nhà giữ lão, còn bạn, bạn nghĩ sao? Bạn có ý kiến gì không? Bạn đã chuẩn bị cho mình hành trang gì khi đi về “phía bên kia đồi”?

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.