Kinh Thánh Thiên Chúa giáo khi nói về trẻ con thường không có lời răn đe chúng nhưng lại có lời răn đe người lớn. “Ai không đón nhận Nước Trời như một trẻ nhỏ thì không vào được” (Luc 18:17).
Quả đáng ngạc nhiên, trẻ em lại biết con đường dẫn vào Nước Trời. Đức Giêsu đặt một em bé đứng giữa mười hai môn đồ rồi lên tiếng kêu gọi, “Ai đón tiếp một trẻ nhỏ như thế này vì danh Ta là đón tiếp Ta. Ai đón tiếp Ta, thì không phải là đón tiếp Ta, mà là đón tiếp Đấng đã sai Ta” ( Mac 9:37). Đức Giêsu đã đưa ra một mô thức: đón tiếp một em bé nhân danh Người là tiếp cận Thiên Chúa Ba Ngôi. Nội dung lời nhắn này quá rõ ràng, rõ đến nỗi những kẻ hàm hồ đa nghi nhất cũng không thể hiểu lệch qua ý khác. Nhưng phần đông người lớn, dù có hai con mắt, vẫn không thấy có em bé nào mang hào quang Thiên Chúa như vậy. Khi nhìn một em bé họ chỉ thấy cái bề mặt giầu hay nghèo, dáng dấp dễ thương hay dễ ghét. Tuy trong tâm, họ mơ hồ cảm thấy nét ngây thơ của trẻ con là một biểu tượng trong sáng, nhưng họ cũng nghĩ nó chỉ là một ảnh ảo. Sự ngây thơ chỉ có đất đứng trong cõi cổ tích thần tiên. Nó trở thành vô bổ trong thế giới cạnh tranh thực dụng. Vào thời đại mánh mung này, ngây thơ cho lắm chỉ tổ bị lợi dụng. Trẻ con chẳng có gì đáng cho người lớn học hỏi, trái lại chúng cần phải được người lớn dậy bảo cho khôn ra. Trong lẻ loi, Công Giáo khuyên rằng đã đến lúc người lớn phải học hỏi ở trẻ con để hiểu về sự sống.
Có Một Văn Hóa Chết Mà Người Lớn Đã Dậy Trẻ Em
Theo Alex Morales, giám đốc Nha Ấu Nhi (Children’s Bureau) ở Los Angeles, hằng năm tại Mỹ có khoảng 1.5 triệu trẻ em bị bạo hành được báo cáo. Ai cũng biết con số này lớn hơn vì có rất nhiều vụ không được báo cáo. Trong số những trẻ bạc hạnh đó, có 90% trẻ từ 4 tuổi trở xuống. Khoảng 55% trẻ bị thương tích trầm trọng. Điểm đáng tiếc là 78% trẻ em bị chính cha mẹ chúng hành hung. Năm 1999, một cặp cha mẹ ở San Diego đã bỏ con chết đói. Nha Dịch Vụ Bảo Vệ Trẻ Em (Child Protective Services Agency) năm 1997 cho biết 26 % trẻ em Mỹ bị đánh dập, bị bỏ đói và bị giết. Ngoài ra có 7% trẻ em bị người lớn lạm dụng tình dục. Trong số những trẻ em bị chết thống kê chia ra 38% chết dưới 1 tuổi và 78% chết dưới 5 tuổi.
Các cuộc nghiên cứu về bạo hành trẻ em cũng nêu ra những nguyên nhân phức tạp đã tạo nên nghịch cảnh. Chúng gắn liền với yếu tố chủng tộc và tình trạng tài chính. Các nghiên cứu thường chú tâm vào những quốc gia nghèo đói. Tại đây đa số trẻ em bị thất học, bị bỏ đói, bị lao động rất sớm. Một số trường hợp trẻ mồ côi bị những tay ác ôn hủy hoại mắt hay tay chân của em rồi bắt em làm nghề ăn xin để mang tiền về cho chúng. Cũng có một số em bị cha mẹ bán đi hoặc bị bắt cóc rồi đẩy vào các ổ mãi dâm. Một số trẻ em mồ côi lang thang đầu đường xó chợ rồi trở thành những trẻ bụi đời. Chúng tụ họp thành những băng đảng để tìm đường sống. Thống kê cũng ghi nhận sự bạo hành trẻ con nơi những xứ giàu có. Nơi cả cha lẫn mẹ phải đi làm nên không có thì giờ chăm sóc con cái; nơi có tỉ số li dị cao; nơi có những đứa con không cha. Những trẻ con đẻ rơi thường bị gửi cho bà ngoại hay họ hàng nên chúng rất dễ bị hành hạ. Nếu chúng là những đứa bé bị tật nguyền, chúng bị coi là một gánh nặng và thường bị hành hạ nhiều hơn.
Một tệ trạng được che dấu là tệ trạng lạm dụng tình dục trẻ em. Trên thực tế nó xảy ra thường xuyên và cực kỳ tàn bạo. Xin nêu ra một vài dẫn chứng tiêu biểu. Năm 1996 Larry McQuay bị bắt ở Texas. Hắn cho biết hắn đã xâm phạm tình dục 240 em bé trước đó. Đến em bé thứ 241, em này mới có 6 tuổi, hắn mới bị bắt. Một biến cố lớn mới đây không thể không nhắc tới là tệ trạng lạm dụng tình dục ấu nhi của các tu sĩ Công Giáo. Năm 1998 lm John J. Geoghan bị khai trừ khỏi Giáo Hội. Geoghan đã hãm hiếp 130 trẻ ở giáo phận Boston, có em mới có 10 tuổi. Thống kê cho biết vào năm 2002 có 177 linh mục bị nhận diện bởi cùng một tội danh. Cho tới năm 2002 Công Giáo Mỹ đã chi ra $400 triệu cho lệ phí tòa án và y phí cho các nạn nhân. Giáo phận Dallas gần bị phá sản vì phải chi ra $121 triệu khiến phải bán đất, cắt bớt nhân viên, mà vẫn còn thiếu $11 triệu. Vấn đề trở thành to lớn khi giới truyền thông nhảy vào. Họ tố cáo tệ trạng lạm dụng tình dục không phải chỉ có nơi linh mục mà còn có cả nơi những chức sắc mọi cấp trong giáo xứ. Tuy lỗi phạm do một số ít người tạo ra nhưng tai tiếng và sự khủng hoảng đức tin đã một thời rất nghiêm trọng. Còn những đứa trẻ nạn nhân của bạo hành bị hủy hoại tâm thần hầu như không thể chữa được.
Một hình thức đầu độc rất tân thời là hệ thống truyền hình và mạng lưới điện tử. Trẻ em Mỹ từ 2 đến 5 tuổi coi TV 32 giờ mỗi tuần. Từ 6 đến 11 tuổi coi TV DVD và chơi game 28 giờ mỗi tuần. Khoảng 54% trẻ từ 8 đến 18 tuổi có cable/satellite TV hay computer riêng trong phòng ngủ. Khoảng 34% của lứa tuổi 11 đã có thông tin cá nhân trên mạng mặc dù chúng không được phép làm vậy. Chúng đã coi những gì? Chúng không thể coi gì khác ngoài những quảng cáo và những chương trình bạo động dành cho người lớn. Nhà xã hội học Carla Kalin cho biết một trẻ em Mỹ mỗi năm chứng kiến trung bình 12,000 cảnh bạo động qua những hình ảnh đầy ám ảnh. Theo Trung Tâm Trợ Giúp Tâm Thần Hoa Kỳ (American Psychological Association Help Center) cứ mỗi một chương trình TV là có trung bình 20 hành vi bạo động cho mỗi giờ. Năm 2000, một em bé 6 tuổi (luật pháp cấm nêu tên) mang súng vào lớp bắn chết bạn học ở Michigan. Năm 2008, một bé trai ở Arizonna bắn chết cha em là Vincent Romero và bạn của cha là Tim Romans. Khi ra tòa cậu bé bắn cha này sợ hãi khóc ầm ĩ như mọi cậu bé bình thường khác. Công tố viên Michael Whiting nói, “Đây không phải là vấn đề xét xử vụ sát nhân mà là vấn đề đạo đức xã hội.” Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cho rằng cái vô luân nhất trong xã hội đương thời là sự mất ý thức về tội lỗi.
Những tay ma giáo cũng đã lợi dụng mạng lưới điện tử để “dậy dỗ” trẻ em. Hệ thống mạng lưới điện tử có tốc độ nhanh hơn luật pháp và cha mẹ. Bởi vì những gì đã xảy ra rồi cha mẹ mới biết rồi luật pháp mới khệnh khạng tới sau. Trẻ con thường tò mò đi vào những websites đầy tính cách dụ dỗ. Ở đó trẻ em “chat” với những tay gạ gẫm tình dục. Năm 1992 nhóm kinh doanh tiêu hết 5 tỷ Dollars trong dịch vụ phim ảnh trẻ khích dục. Vụ án nổi tiếng là ông Patrick Naughton, 34 tuổi, có chân trong ban giám đốc công ty Disney, đã dùng internet xuyên tiểu bang để gạ gẫm tình dục với một em gái 13 tuổi. Vì Naughton sống trên đất Mỹ nên bị bắt nhưng luật pháp Mỹ lại bó tay với những kẻ dùng internet từ nước ngoài gửi vào Mỹ. Luật sư Dennis Perry, Florida, cho biết ông đã tốn 10-50 giờ mỗi tuần để theo dõi và cảnh cáo những websites có hình ảnh khiêu dâm trẻ em. Có vài websites khi bị động, họ bèn đóng website ở Mỹ rồi mở lại ở Đức quốc. Ông thông báo sự việc cho toà đại sứ Mỹ ở Đức, họ bèn đóng wibsite đó rồi mở lại từ Hàn quốc. Ông báo cho Đại sứ Mỹ ở Hàn quốc. Họ đóng rồi mở lại từ Nga. Câu truyện ngưng ở đây vì những websites này do tài phiệt Nga tài trợ và đại sứ Nga không hề hồi đáp đơn khiếu nại của ông. Phải chăng xã hội chúng ta đang dậy trẻ con phải trở thành quỉ quyệt nếu muốn sinh tồn.
Những Phẩm Tính Chỉ Có Ở Trẻ Em
Muốn tìm Nước Trời trước hết phải thấy hiện tính của Thiên Chúa. Hiện tính này là sự sống thâm sâu trong mọi vật. Để đánh động con mắt thứ ba của người lớn, con mắt tâm linh, Thánh Kinh dùng những biểu tượng gợi cảm như bông hoa ngoài đồng, chim trời, con chiên. Ai cũng có thể dễ dàng cảm nhận sự hoàn mỹ của hiện tính Thiên Chúa trong bông hoa. Khi cụ thể nói đến con người, Đức Giêsu nói đến trẻ nhỏ.
Trẻ em nhắc nhở cho chúng ta thấy sự sống là cái gì đó có giá trị hơn sự ích kỷ vơ vét vật chất. Trẻ em không bao giờ sống trong cô đơn, chúng luôn luôn có người để chia sẻ sự sống và hạnh phúc. Người lớn thường ngạc nhiên khi thấy trẻ con nói chuyện với những người bạn nhỏ xíu bằng nhựa của chúng. Khi những đứa trẻ chơi với nhau chúng không thấy màu da khác biệt là yếu tố để hận ghét. Chúng không thấy những hàng rào do người lớn đặt ra như giai cấp, đảng phái, đố kị, chủ nghĩa… Cái chúng nhìn thấy là thực tại của sự sống đang là. Nhưng không phải chúng không thấy hiện thực. Chúng cũng thấy con chó con mèo nhưng chúng lại biết vượt hiện thực để thấy cái thế giới chân thiện mỹ của mọi vật. Chúng ta chỉ cần hồi tưởng lại tuổi thơ của mình để thấy trong cái thế giới ấy con người biết bay và thú vật biết nói. Mọi sinh linh đều bình đẳng như nhau. Cốt lõi nâng đỡ cái thế giới ấy là tình yêu thương tỏa ra cho tất cả. Ngay cả cái gối cái mền cũng biết yêu thương kẻ đói rét. Người lớn có thể nói cái nhìn này vô cùng ấu trí. Nhưng cái nhìn của trẻ thơ không sai chút nào. Nó nhìn thẳng vào nguyên lý sự sống là niềm an lạc và hạnh phúc. Người lớn thường sống khổ sở cho đến một lúc nào đó mới có thể xuôi tay, nhắm mắt thở hắt ra, cười nhạo những cái phù phiếm của cuộc đời. Tại sao không thể như trẻ nhỏ cất tiếng cười đơn sơ và an vui ngay bây giờ.
Cái gì khiến trẻ nhỏ khác biệt với người lớn. Điều khác biệt chính là trẻ nhỏ luôn luôn an vui cười đùa vì chúng chỉ thấy sự thiện trong mọi sự. Luật pháp của thế giới người lớn dừng lại khi tiếp cận với sự ngây thơ của trẻ nhỏ. Có nghĩa là ở một phía nào đó, có thể đứa bé đã làm điều xấu, nhưng thực trạng tâm hồn nó vẫn vô tội. Không tòa án nào xử phạt một con nai khi nó phá hàng rào của nhà bạn. Không có trẻ nhỏ nào sở hữu cái danh, vì vậy chúng là kẻ nghèo trong tâm hồn. Trẻ nhỏ hiện hữu trong tự do vì chúng không bị trói buộc trong định kiến so đo biện biệt. Trẻ nhỏ có tâm bình an vì chúng sống thật với lương tri. Trẻ nhỏ an trú trong Thiên Chúa vì chúng không lo cho nỗi khổ của ngày mai. Linh mục Eckhart nói rằng linh hồn là một tác phẩm tuyệt hảo của Thiên Chúa. Sự tuyệt hảo vĩ đại đến độ không thể có mỹ từ nào khác để gọi ngoài chữ linh hồn. Thiên Chúa ngự trong linh hồn mỗi người vì người yêu linh hồn. Chúng ta có thể thêm vào lời nói của lm Eckhart cho rõ hơn: Đức Giêsu nói, Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trong linh hồn trẻ nhỏ.
Hãy Giữ Tâm Hồn Thanh Sạch Như Tâm Hồn Trẻ Nhỏ
Chúng ta không muốn nhắc lại lời phê phán: trong thế giới hiện tại, người lớn đã từ chối nhân cách của trẻ nhỏ. Lời nói này chỉ làm nhàm tai những người đang giết thai nhi và đang được xã hội bao che. Nhưng khi một thai nhi được sinh ra, nó phải có cha mẹ, và phải được đặt vào lòng xã hội. Cha mẹ và xã hội phải có trách nhiệm với đứa trẻ. Tuy nhiên sống trong một xã hội đầy cần sa, súng ống, căng thẳng, và tuyệt vọng truyện gì cũng có thể xảy ra khi cửa nhà đóng lại. Khi sự bạo hành trẻ em xảy ra, các nhà xã hội học loay hoay đi tìm nguyên nhân của nó, nhưng chưa xã hội nào giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Chẳng hạn họ bảo rằng nguyên nhân của bạo hành trẻ em là sự nghèo đói. Nhưng làm sao có thể xóa tan cảnh nghèo đói khi con người không có luân lý, công bằng và lòng bác ái làm nền tảng. Đối với sự sống thật, dù nghèo đói có hết, chắc gì người lớn sẽ thấy em bé là hình ảnh công dân Nước Trời. Hơn bao giờ hết, Kitô hữu chúng ta thấy rõ rằng sức mạnh giải quyết vấn đề nằm trong giáo lý Thiên Chúa giáo. Đó là giáo lý hãy sống đơn sơ như trẻ nhỏ mà Đức Giêsu đã nói lên rất rõ ràng. Lời khuyên của Người là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, tuy nhiên người nghe phải có một trình độ nào đó mới tiếp nhận được. Sách khôn ngoan viết: “Đấng khôn ngoan đã xây nhà cho bà và dựng bảy cột trụ. Bà nhồi thịt, hãm rượu, dọn bàn tiệc. Bà phái các nữ tì kêu gọi tại các đỉnh cao trong thành phố, ‘Hỡi những người đơn sơ hãy đến với ta’ ” (KN 9:1-4). Trong kinh điển Thiên Chúa giáo, sự khôn ngoan Thiên Chúa được cụ thể hoá bằng một người nữ. Đoạn kinh thánh trên cho biết chỉ những ai có tâm hồn đơn sơ “nghèo khó trong tâm hồn” mới nhận được sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Muốn vào Nước Trời không có điều kiện giàu hay nghèo nhưng phải có một tâm hồn buông xả như trẻ nhỏ.
__________________
Sách tham khảo:
Bryan J. Grapes, chủ bút. Child Abuse Contemporay Issue. 2001. Tuyển tập gồm nhiều tác giả. Greenhaven Press,Inc. San Diego, California.
—————— Child Abuse Current Controversies. 2001. Tuyển tập gồm nhiều tác giả. Greenhaven Press,Inc. San Diego, California.
Louis I. Gerdes, chủ bút. Child Sexual Abuse In The Catholic Church. 2003. Tuyển tập gồm nhiều tác giả. Greenhaven press, farmington Hills, Michigan.
Ronald J. Sider. Rich Christians In An Age Of Hunger. 1990. World Publishing, Dallas.
Views: 0