Uncategorized

Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.

“Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, những cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.

“Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, những cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.

Là người Công Giáo, không biết đã bao nhiêu lần chúng ta nghe, đọc, và nói những lời này. Thế nhưng câu hỏi được đặt ra là có bao giờ chúng ta để tâm suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh xem Chúa muốn gì khi Ngài dạy chúng ta kinh nguyện này. Những lời ấy có tác dụng gì trong đời sống tâm linh và thực tế của chúng ta hay không?

Ðể đi vào những tư tưởng tha thứ ấy, sau đây là tóm lược câu truyện đang làm tôi hết sức xúc động, và có lẽ, nó là một lời nhắc nhở cho tôi khi chuẩn bị bước vào Mùa Chay Thánh, mùa ăn năn đền tội, và sửa sai lại những khuyết điểm. Câu truyện được tóm lược kể trong số phát hành Mùa Chay 2009 của nguyệt san “the WORD among us” do Ida Mae Kempel kể lại.

Truyện kể rằng hồi đó Ida 44 tuổi, là một người mẹ và bà ngoại. Gia đình bà thuộc giới trung lưu và đạo đức. Cầu nguyện mỗi ngày và hằng tuần tham dự Thánh lễ Chúa Nhật. Bà gửi con cái vào học trường đạo của giáo xứ. Nhưng theo bà, những việc đạo đức ấy chẳng qua chỉ là có lệ. Thiên Chúa lúc đó đối với bà chỉ là thần hộ mệnh được bỏ vào một cái hộp cất kín, lâu lâu mở ra khi có chuyện cần đến.

Thế rồi chuyện chẳng lành đã xẩy ra, một hôm vào một buổi chiều của tháng Mười, bỗng nhiên con gái đầu lòng của bà biến mất. Chồng của cô ấy khẳng định là cô ta bỏ nhà theo trai. Nhưng đối với bà và gia đình thì chuyện ấy không đơn giản và cũng không ai tin là nó xẩy ra như vậy. Ngược lại, tất cả đều nghi ngờ cho Tim, người con dể của gia đình đã giết vợ vì cả hai vừa mới đệ đơn ly dị, và Mary Jo, con bà lúc ấy đòi tòa được quyền nuôi đứa con gái hai tuổi của hai người.

Sợ rằng Tim sẽ giết luôn cháu gái của mình vì anh ta tỏ ra hung hăng, độc ác, nên bà đã xin dành quyền nuôi cháu ngoại. Nhưng quan tòa đã ra một phán quyết mà bà cho là “ngu xuẩn” với hai điều kiện, một là mỗi tuần bà phải chở cháu ngoại bà đến thăm bố nó hai lần, hoặc hai là cháu ngoại bà phải đem trao cho những cha mẹ nuôi săn sóc. Bà đã chấp nhận nuôi và chở cháu bà đến thăm người cha nó, người mà bà vẫn cho là hung thủ đã giết vợ.

Thời gian đầu xẩy ra chuyện ấy, bà không ngừng tha thiết nài nỉ xin Chúa để người con dể mà bà nghi ngờ và thù ghét đó sớm sa lưới pháp luật. Nhưng bà càng cầu nguyện, thì xem như Chúa càng quên bà, và người mà bà ghét cay, ghét đắng ấy vẫn ngang nhiên sống ngoài vòng pháp luật, và còn tỏ ra thách thức bà. Trong khi đó chồng bà là Walter vì buồn nên trở thành nghiện rượu. Các con bà xào xáo và gây lộn. Chúng lơ là học vấn, và lực học trở nên tồi tệ. Không khí gia đình ngày càng u ám, lạnh lùng. Và trong lòng bà tràn ngập sự thù hận, dĩ nhiên, thù hận cả với Chúa vì Ngài đã không nghe lời bà.

Sự thù hận ấy đã thiêu đốt tâm hồn bà, đến nỗi bà muốn cho Tim phải sa lưới pháp luật, và tìm ra xác con gái bà ngay càng sớm, càng tốt. Thế nên, bà âm mưu thuê du đãng bắt cóc Tim tra tấn để nó nhận lỗi hầu có bằng chứng buộc tội. Ðiều khiến bà hơi phân vân là nếu chẳng may hắn chết trong khi bị tra tấn thì sao? Tuy vậy, do sự thù hận, bà vẫn cho rằng nếu nó lỳ lợm không thú tội, thì “chết cũng là vừa”.

Do sự quan phòng của Thiên Chúa, mẹ bà đã nghe biết câu chuyện của bà nên đã bảo bà phải bỏ ý định đen tối ấy. Mẹ bà nói với bà: “Hãy tin vào Thiên Chúa. Nếu Chúa muốn tìm được xác của Mary Jo thì sẽ tìm được”. Thật ra, bà nghe lời mẹ bà một cách miễn cưỡng vì nghĩ rằng nếu không mẹ bà sẽ chết vì đau tim.

Và rồi sau gần hai năm sống ngoài vòng pháp luật, Tim đã bị bắt khi cảnh sát tìm được đủ bằng cớ buộc tôi y đã giết vợ. Nghe tin ấy, bà càng tức điên lên đến phát bệnh.

Thế rồi, bỗng một đêm nọ bà nhận được điện thoại cảnh sát báo cho biết Tim muốn gặp mặt bà nếu không hắn sẽ chết mà không cho ai đem hắn vào nhà thương. Theo báo cáo của sở cánh sát, Tim đã dùng dao cắt đứt hai cườm tay của hắn, máu me đầm đìa và không chịu cho ai băng bó vết thương. Bà bắt buộc phải đến khám đường.

Lòng lạnh tanh, và băng giá vì hận thù bà đã đến khám đường không phải thương, mà chỉ vì không muốn liên lụy đến luật pháp. Nhưng vừa gặp hắn, bà như rơi xuống vực thẳm của âm phủ khi nghe hắn nói với bà: “Nếu Mary Jo đã không tỏ ra thương hại bà, thì nó đã chết một cách nhanh chóng hơn mà không phải đau khổ nhiều”.

– Lạy Chúa tôi! Chúa ở đâu. Tại sao lại có chuyện khốn nạn ấy xẩy ra?

Bà gầm lên khi nghe Tim nói như vậy. Ðến nỗi hắn phải thốt lên:

– Bà thù ghét tôi lắm phải không?

Và lạ lùng thay, khi danh Chúa vừa được thốt lên khỏi miệng bà, dù trong cơn giận dữ, thì một luồng sáng bỗng lóe lên trong tâm hồn bà, và sự thù ghét bỗng tan biến. Bà thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng. Và khi để ý thấy Tim đang run lên cầm cập, bà đã hỏi hắn:

– Có lạnh lắm không? Ðể má gọi cảnh sát đem chăn lại cho con.

Bà không hiểu tại sao bà lại nói lên được những câu ấy, nhưng bà hiểu là đã có một sự thay đổi cực mạnh trong bà. Sự thay đổi khiến bà quên hết giận hờn, hết thù ghét. Bà bỗng nhận ra tình yêu Thiên Chúa đã chạm đến tâm hồn bà, đã tha thứ cho bà, đã vực bà lên khỏi hỏa ngục của căm thù, giận hờn, và đắng cay. Bà nức nở khi biết rằng Chúa đã không bỏ quên bà, mà chính bà đã bỏ quên Ngài. Từ đó, bà không còn giận hờn Tim, cũng không giận hờn Thiên Chúa. Trái lại, ngày càng trở nên khắng khít hơn với Chúa là nguồn sự bình an và chở che của bà. Tình yêu Thiên Chúa đã chiến thắng. Tình yêu Ngài đã giải thoát bà.

Phần Tim sau khi được giảm án chung thân và được trả tự do, anh đã chết một cách bình yên vì bệnh ung thư.

 

Kết thúc câu truyện không cho biết bà Ida đã làm gì hơn để được Thiên Chúa tha tội cho bà, cũng không cho biết thêm về những đối đãi và cảm tình của bà dành cho Tim sau lần gặp gỡ ấy như thế nào. Nhưng nếu bà đã được đưa lên Thiên Ðàng từ đáy vực sâu hỏa ngục, thì phải hiểu rằng Chúa đã làm “những sự trọng đại” ấy cho bà vì thương bà. Phần bà, bà cũng đã phải rộng rãi cộng tác với ơn của Ngài.

Tôi nhớ lại lời một vị thánh đã nói: “Nếu Chúa cho ai đó nhìn thấy linh hồn tôi, chắc chắn họ sẽ chạy xa tôi vì tôi xấu xa, kinh khủng lắm!” Ðiều này đã trở nên rất thật đối với tôi, và hằng ngày tôi vẫn thầm cảm tạ ơn Chúa vì đã không cho ai đó nhìn thấy quá khứ và linh hồn tôi. Bởi tôi cũng đã xúc phạm đến Chúa và tha nhân quá nhiều. Mà vì tôi đã làm những điều ấy, nên tôi cũng phải tha cho những kẻ đã xúc phạm đến mình cách này hay cách khác.

Lý thuyết là thế. Mặc dù tôi có phạm trăm ngàn tội lỗi đến Chúa, đến tha nhân, nhưng nếu có ai đó xúc phạm đến tôi dù là một lỗi lầm rất nhỏ, người đó cũng sẽ trở nên đối tượng cho sự thù ghét, và ít nhất là khó chịu của tôi. Nói một cách dễ hiểu là tôi chỉ muốn Chúa và người khác tha cho tôi, còn tôi, tôi rất hẹp hòi và bủn xỉn đối với những lỗi lầm của người khác.

Mùa Chay là mùa đền tội và cầu nguyện. Nhưng đền gì nếu tôi không nhận ra lầm lỗi của mình? Cầu gì khi nhu cầu cầu nguyện của tôi chỉ nhằm vào việc xin Chúa bắt kẻ thù của tôi sa lưới pháp luật, hoặc kẻ làm phiền tôi phải xấu hổ, phải ngậm miệng? Vâng lạy Chúa. Con chỉ xin hứa một điều này, là trong suốt Mùa Chay, mỗi ngày con sẽ đọc một cách chậm dãi ba lần kinh Lạy Cha: Sáng sau khi thức giấc, trưa và tối trước khi lên giường ngủ. Con sẽ đọc một cách chậm dãi, để xin Chúa soi sáng cho con hiểu rằng con có lỗi với Chúa, với tha nhân, và để bù lại những lỗi lầm ấy, con sẽ làm hòa, sẽ tha cho ít nhất ba người trong ngày đã làm phiền đến con, hoặc đã xúc phạm đến con mỗi lần sau khi con đọc kinh nguyện mà chính Chúa đã dạy con: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Xin Mẹ Maria giúp con thực hiện được điều con hứa này trong Mùa Chay Thánh năm nay.
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.