Uncategorized

Nhớ về: Một thời “tuổi trẻ bị đánh cắp” trong chiến tranh khi xem “Vết lăn trầm”

Tôi chờ đợi đi xem “Vết lăn trầm” với một niềm đam mê (vì tôi vốn yêu nhạc Trịnh Công Sơn và tiếng hát Khánh Ly từ thuở còn đi học), xen lẫn với nỗi háo hức và tò mò, vì lần đầu tiên nhạc TCS được trình diễn với vũ cổ điển ballet.

Tôi chờ đợi đi xem “Vết lăn trầm” với một niềm đam mê (vì tôi vốn yêu nhạc Trịnh Công Sơn và tiếng hát Khánh Ly từ thuở còn đi học), xen lẫn với nỗi háo hức và tò mò, vì lần đầu tiên nhạc TCS được trình diễn với vũ cổ điển ballet. Ballet đối với tôi là một môn nghệ thuật xa lạ thuộc về Tây phương, Ballet trình diễn bằng cơ thể con người, làm sao nó chuyển tải được những nội dung sâu sắc thâm trầm của nhạc TCS?? Ngay lời của một số bài hát TCS vẫn còn nhiều người VN chưa hiểu thấu! (“thấy hay thì hát thôi”!). Đôi khi phải hát đi hát lại nhiều lần, hoặc nhờ nghe tác giả hay ai đó “gợi ý”, hay do hoàn cảnh cuộc đời đưa ta vào cảnh đó, thì ta mới “ngộ”ra và hiểu thấu hết ý hay của lời nhạc TCS.

 

Trước đây, ít tháng tôi đã nghe nói về chương trình “Vết Lăn Trầm” được trình diễn ở Austin và Houston (Texas) với nhiều lời khen tặng của khán giả từ Việt tới Mỹ. Nay chương trình này đã đến quận Cam (Nam California) nên tôi muốn chính bản thân mình cảm nghiệm điều “ hay” đó, sau khi xem trình diễn coi thực hư ra sao ? Lỡ người ta khen hay vì người ta có “vốn liếng” sẵn về thưởng thức vũ điệu ballet thì sao?, còn tôi thì sự hiểu biết về ballet là ở trình độ A,B,C..! Nhưng ít ra tôi vẫn có niềm cảm mến với Thắng Đào, nhà biên soạn khiêu vũ trẻ hiện sống ở New York (được sinh ra ở Đà Nẵng), người đã đạt được nhiều thành công trong đời sống nghệ thuật vũ ballet của Mỹ. Qua những lời tâm tình của anh trên báo chí, truyền thông, tôi thấy đây là một con người trẻ đáng quý, tuy lớn lên ở Mỹ, đi học những ngành nghệ thuật khiêu vũ ở các trường nổi tiếng của Mỹ, đã hòa nhập thành công vào dòng chính của Mỹ, nhưng tấm lòng anh vẫn còn rất nặng tình với quê hương Việt Nam. Anh muốn “quay về nguồn” để tìm hiểu tâm tình và cảm xúc của người dân Việt Nam (thế hệ mẹ của anh) trong chiến tranh tang thương ra sao? Rồi dùng sở trường của mình để diễn đạt nó qua những vũ điệu ballet! Tôi chưa biết kết qủa buổi trình diễn này ra sao?, nhưng tâm tình đó thật đáng trân quý! (Có lẽ vì anh đã ngấm vào lòng những lời nhạc của TCS qua lời ru của mẹ từ lúc nằm nôi, như lời anh tâm sự) Bà mẹ của Thắng Đào quả là người có phước vì đã sinh ra và dưỡng dục được một người con trai có tâm hồn Việt Nam đáng yêu như Thắng Đào. Cám ơn bà và cám ơn Thắng Đào, cộng đồng Việt Nam hải ngoại chúng ta hãnh diện có những con người như thế!

 

Không một lời giới thiệu, chương trình được mở đầu với tiếng hát Khánh Ly bỗng cất lên nồng nàn, trầm ấm và lôi cuốn với bài “Vết lăn trầm”:

 

“Vết lăn, vết lăn trầm, hằn trên phiến đá nâu thêm ưu phiền..”

 

Tiếng hát làm nền ấy bất ngờ đã đẩy mọi người trở lại vùng ký ức của một thời chiến tranh Việt Nam xưa với những hình ảnh tang thương của chết chóc, chia lìa, trên màn hình lớn giữa sân khấu: Cảnh “người ta bồng bế nhau chạy trốn”, cảnh đạn nổ, bom rơi “cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn”. Hình ảnh em bé “lõa lồ” chạy tránh bom, “bên khu vườn, một người mẹ ôm xác đứa con”, nghĩa trang chi chít các nấm mồ…

 

Trong bối cảnh đó, tiếng hát Khánh Ly đã thổi linh hồn vào từng lời nhạc của TCS, như lời ru vổ về của mẹ Việt Nam:

 

“Thôi ngủ yên đi con, ngủ đời yên đi con
Che dấu thân đau rã mòn..”

 

Khiến mọi người rưng rưng xúc động trước cảnh điêu tàn, vỡ nát của quê hương. Những cảm xúc mà từ lâu đã bị “đời cơm áo” che khuất, nay được đánh thức dậy để nhìn thấy, để nhớ lại những cảnh điêu linh, những cuộc di tản vội vàng ,những chiếc “nón sắt của anh” lăn lóc trên bờ cỏ dại, những khuôn mặt mỏi mòn sau những hàng rào kẽm gai! để mỗi người Việt Nam “Chợt nhớ! mình như đá, đá lăn, vết lăn buồn!”Nhưng những “hòn đá lăn” ấy, bên trong vẫn còn có một tâm hồn để biết khổ đau, để biết khắc khoải, để phải than thở:

 

“Ai có nghe? Ai có nghe tiếng nói của người Việt Nam
Chỉ mong hòa bình, sau đêm tăm tối
Chờ mong một ngày, tay ấm trong tay..”

 

Sự xuất hiện của những vũ công ballet trong chiếc áo bà ba với những điệu bộ của cơ thể, khi họ ưỡn người ra, hất 2 bàn tay lên cao nhiều lần như kêu gào:

 

“Hãy sống dùm tôi, hãy nói dùm tôi, hãy thở dùm tôi
Còn thấy gì ngoài bom lửa đạn…”

 

Lần đầu tiên tôi cảm nhận quả là vũ điệu ballet đã góp phần lột tả nội dung bài hát của TCS một cách sinh động. Có điều ước chi những khuôn mặt của các cô gái ballet là những khuôn mặt “da vàng, tóc đen” thì thật không còn gì tuyệt diệu hơn !

 

Có lẽ để làm giảm đi sự căng thẳng u sầu của chiến tranh, nên tác giả đã cho xen kẻ vào mạch “ca khúc da vàng”, những bản tình ca. Thực ra tình ca của TCS cũng thật tuyệt vời với ngôn ngữ đẹp như thơ, nhưng dấu ấn của nhạc TCS chính là ca khúc da vàng. Vì chỉ có một mình nhạc sĩ TCS qua ca khúc da vàng mới dám thể hiện trái tim mình, tấm lòng mình với quê hương dân tộc mà không e ngại bị chê trách hay lên án! (Quả thật sau này, cả 2 bên chiến tuyến đều kết tội ông! nhưng thôi chúng ta không bàn đến việc đó ở đây ) vì tiếng nói từ trái tim chân thật sẽ đi thẳng vào đời sống và được người nghe cảm nhận sâu sắc!

 

Sau buổi trình diễn “Vết lăn trầm”, tôi lên Google để tìm kiếm lời một số bài hát trong chương trình, vì có những lời hát rất thấm thía lòng người nhưng tôi không kịp ghi xuống, không kịp nhớ hết!. Thật bất ngờ! tôi bắt gặp lại những hình ảnh đám tang TCS 10 năm trước! Dân Saigon đã tự động dùng những phương tiện cá nhân để đi đưa đám tang ông (dù là tận Bình Dương, khá xa) với số lượng gần 10.000 người. Họ tràn ngập khu nghĩa trang, nhỏ những giọt lệ thực sự tiếc thương ông, họ tự phát hát “đồng ca” những bài hát của ông, những bài hát như là lời tâm nguyện của chính họ, nên họ thuộc nằm lòng và hát tha thiết bằng chính con tim của mình. Có lẽ không có hình ảnh nào cảm động hơn hình ảnh đám tang TCS, bởi ông không phải là nghệ sĩ trình diễn, nên không có “fan” ái mộ, ông cũng không có quyền lực trong tay để ban ơn “mưa móc” cho họ, ông chỉ có con tim chân thành dâng hiến trọn vẹn cho quê hương Việt Nam:

 

“Ôi đất nước u mê ngàn năm
Riêng tôi vẫn âu lo đi tìm”.

 

Và điều này đã được người dân Việt Nam từ Bắc vô Nam cùng cảm nhận sâu sắc, đó quả là điều hiếm thấy sau 1975! TCS được mọi người yêu mến không chỉ vì thiên tài âm nhạc của ông, mà còn vì một nhân cách hiền hòa, một trái tim từ ái, độ lượng, một phong cách giản dị gần gũi với mọi người dù ông rất nổi tiếng! Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn là nhạc TCS không chỉ được những người cùng thời với ông yêu mến, vì ông đã can đảm nói lên dùm tâm tư của họ: “Quả tim này dành cho lửa hồng, cho hòa bình” mà ngay cả những thế hệ trẻ sinh sau chiến tranh cũng yêu mến nhạc của ông. Hình ảnh tràn ngập những khuôn mặt trẻ trong buổi lễ “10 năm nhớ TCS (2001-2011) tại ký túc xá Đại học quốc gia Saigon hay khu Bình Quới Saigon, tháng 4 vừa qua đã nói lên hùng hồn niềm yêu mến của họ đối với ông. Khán giả ngồi yên lặng (gồm đủ mọi khuôn mặt già ,trẻ, lớn ,bé),dù mưa rơi tầm tả, họ vẫn không nhúc nhích để theo dõi chương trình. Có lúc họ vỗ tay và hòa đồng hát với ca sĩ, ( có gia đình cả 3 thế hệ cùng ngồi bên nhau để hát “Nhớ TCS” ) chưa bao giờ có một sự hòa hợp đáng yêu đến thế giữa nghệ sĩ trình diễn và công chúng, bởi họ có cùng chung một nổi niềm: “Nhớ TCS”. Sự ngạc nhiên chưa dừng lại ở đây, bởi còn có nhiều người ngoại quốc (Mỹ, Anh, Nhật..) cũng lên góp tiếng hát vì niềm yêu mến nhạc Trịnh (Kyo York, Richard Fuller, Lee Kirby..). Có người tự ôm đàn guitar, vừa đệm đàn vừa hát như phong cách của TCS ngày xưa. Quả là tiếng nói từ trái tim đến với trái tim không hề biết đến sự phân biệt chủng tộc, những người bạn ấy chắc phải cực khổ, bỏ biết bao công sức để luyện tiếng Việt, hát tiếng Việt cho đúng giọng rõ lời. Một bạn trẻ VN sống ở nước ngoài đã phải thành thật viết lên: “Hey! Kirby! I’m Vietnamese after I watch your video..” bạn trẻ đó đã tự hứa sẽ bắt đầu học và nói tiếng Việt nhiều hơn để không phải xấu hổ vì thua kém tiếng Việt với các bạn nước ngoài..Câu chuyện đơn sơ nhưng cảm động, chỉ từ một lần tình cờ “on line”nghe được dòng nhạc TCS, cất lên bởi tiếng hát ái mộ của 1 người nước ngoài. Cảm xúc từ dòng nhạc ấy đã giúp bạn trẻ nói liền với cội nguồn của mình và mạnh mẽ khẳng định căn tính của mình (Vietnamese) rồi phát khởi lòng yêu quý tiếng mẹ đẻ của mình! Đó không phải là sự huyền nhiệm của âm nhạc TCS sao?? Một bạn nước ngoài đã nhắc nhở : “Việt Nam nên tự hào có một TCS” , “ Thưa vâng, Miền Nam Tự Do chúng tôi tự hào có một TCS, đã có thể cất lên tiếng nói yêu quê hương đất nước” (còn bây giờ bày tỏ lòng yêu quê hương đất nước, phản đối ngoại xâm là “bị cấm”, “bị tù”?!? )

 

Trở lại chương trình “Vết lăn trầm”, lần này các cô gái ballet xuất hiện với trang phục đầy Việt Nam tính: nón lá và tà áo dài tha thướt (tuy ở phần dưới có thay đổi chút đỉnh, xòe ra và may dính vào nhau, có lẽ để phù hợp với vũ điệu ballet) nhưng người xem vẫn nhận ra ngay dáng dấp của tà áo dài VN truyền thống! Cùng với dáng dấp thanh tân và những vũ điệu nhịp nhàng, các cô gái ballet đã diễn tả được sự tung tăng, rộn ràng, hồn nhiên của:

 

“Người con gái VN da vàng
Yêu quê hương như yêu đồng lúa chín”.

 

Nhưng tiếng bom đạn đã cướp đi tình yêu quê hương và sự hồn nhiên đó “ Người con gái chợt ôm tim mình, trên da thơm vết máu loang dần”.

 

Ngày nay, hòa bình đã trở lại trên quê hương mấy chục năm rồi nên người ta không còn thấy quý nó nữa! Nhưng thời đó thanh bình là một khát vọng cháy bỏng con tim, là nỗi thao thức không nguôi, đầy xót xa, Khánh Ly đang “âm thầm” kể lể:

 

“Người con gái Việt Nam da vàng
Yêu quê hương nước mắt lưng giòng
Người con gái ngồi mơ thanh bình…”

 

Nghe mà thấy xót lòng xót dạ càng đau lòng hơn khi nhớ lại một thời “tuổi trẻ bị đánh cắp” vì chiến tranh. Nhìn quanh người yêu, bạn bè lần lượt “ra đi” mãi mãi! :“Tôi có người yêu chết trận Pleime, tôi có người yêu chết trận Chu Phrong, chết trận Đồng xoài!” “Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè”!, những người trẻ đó đã giả từ hoàn cảnh bi đát của quê hương: “Những sớm mai lửa đạn, những máu xương chập chùng” để “đất ôm anh đưa về cội nguồn”. TCS chỉ còn biết tha thiết:

 

“Xin cho một người vừa nằm xuống
Thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang”.

 

Trong chiến tranh, không chỉ có người trẻ mới chịu nhiều hy sinh, mất mát, mà người chịu nhiều đau khổ nhất vẫn là các bà mẹ.Hãy nghe Khánh Ly thổn thức dùm tiếng lòng ru con ê chề cay đắng ấy:

 

“20 năm đàn con đi lính, đi rồi không về
Đứa con da vàng của mẹ! Ngủ đi con!”

 

Với các động tác “ôm chầm cụ thể” thân hình trai tráng của đứa con trai đã trưởng thành, các vũ công ballet đã lột tả được cõi lòng tan nát của bà mẹ:

 

“Ru con, ru đã hai lần!
Ôi tấm thân này ngày xưa bé bỏng..
Thịt xương này, mẹ nhọc nhằn hôm mai”.

 

Và câu hỏi đã bật ra từ trái tim nhói đau của mẹ, nhưng không 1 lời giải đáp? !
Con ơi! “ Sao ngủ tuổi hai mươi? Sao ngủ tuổi 20 ?”

 

Đau khổ chiến tranh không từ bỏ một ai, một nơi chốn nào, chúng lôi kéo tất cả vào vòng xoáy oan khiên từ thôn quê đến thành thị: “đại bác đêm đêm dội về thành phố”, âm thanh đó tuy qúa quen thuộc, nhưng vẫn ẩn chứa nỗi kinh hoàng chết chóc trong đó, “trẻ con quên sống từng đêm nghe ngóng” .Có dân tộc nào hằng đêm phải nghe tiếng đại bác đều đặn đến trở thành “thân quen”như dân tộc Việt Nam?:

 

“Đại bác nghe quen như kinh dạo buồn
Đại bác như kinh không mang lời nguyện”.

 

Và kết quả của những trận đại bác ấy là “từng vùng thịt xương có mẹ, có em”
Chiến tranh đã không bỏ sót một ai từ người già tới em bé, TCS đã vẽ lên hình ảnh “tội nghiệp” đó thật “gợi tả”:

 

“Người già co ro nằm nghe tiếng thở
Em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi..”

 

Ôi! quê hương tôi sao gánh chịu quá nhiều đau thương khốn khổ?? Hãy nghe Khánh Ly chuyển tải câu chuyện lịch sử Việt Nam với dòng nhạc TCS một cách da diết:

 

“Từng bày tay thô lấp kín môi cười
Từng cuộn dây gai xé nát da người
Đạn về đêm đêm đốt cháy tương lai”.

 

Đoàn vũ ballet Austin II khi thì với những bước nhẹ nhàng như lượn, như bay, khi thì với những bước nhảy mạnh bạo cuồng nhiệt đã góp phần làm sáng tỏ nội dung những bài hát của TCS. Trang phục của họ với những màu nhẹ nhàng thanh thoát có phần nào đơn sơ (không phải như tôi vẫn thường nghĩ trang phục ballet là những thứ cầu kỳ, sặc sở và diêm dúa như những trang phục của các buổi dạ hội), nhưng nhờ vậy nó đã góp phần chuyển tải nội dung đau buồn của dòng nhạc “ca khúc da vàng”…

 

Mọi người như rơi vào cơn mê “mộng mị” của qúa khứ, tiếng hát Khánh Ly đã “tắt” tự lúc nào?? Đến khi toàn bộ diễn viên ra chào từ giã, mọi người mới chợt bừng tỉnh, đứng dậy vỗ tay liên tục như không muốn dứt! Ôi một chương trình văn nghệ thật đặc biệt: không một lời giới thiệu, không M.C., không giải lao..nhưng mọi người đã bị cuốn hút bởi dòng nhạc “ huyền nhiệm” TCS hòa với ma lực của tiếng hát Khánh Ly, soi sáng bởi những hình ảnh sống động của vũ đoàn ballet..Tất cả đã khiến khán giả như “nín thở” im lặng bất động theo dõi tới phút cuối cùng, rồi mới chợt vỡ òa ra trở về với thực tại!

 

Cám ơn dòng nhạc Trịnh công Sơn, cám ơn tiếng hát Khánh Ly, cám ơn Thắng Đào (cha đẻ của chương trình), cám ơn vũ đoàn Ballet Austin II đã cho chúng tôi thưởng thức một chương trình văn nghệ tuyệt vời, đầy vẻ đẹp tâm linh, đã đưa chúng tôi trở lại quá khứ đau thương của dân tộc để yêu quê hương “yêu thêm cho nồng nàn”, để chúng tôi càng trân quý hơn những giây phút hiện tại được sống trong cảnh “no ấm thanh bình” (đã từng có thời là giấc mơ cháy bỏng khôn nguôi!). Từ đó chúng tôi biết mở lòng mình ra để yêu thương chia xẻ nhiều hơn với những người dân Việt đang sống trong cảnh lầm than, cơ cực lại đang bị lũ lụt hành hạ khắp nơi nhất là ở miền Nam VN, để chúng tôi có thể “thầm thì” cùng với TCS:

 

“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”.

 

Nghe nói Thắng Đào đang dự định sẽ tiếp tục làm một show trình diễn ballet nói về Saigon, thủ đô, thành phố thân yêu của chúng ta ngày xưa. Nơi TCS đã gắn bó một thời gian dài, đã từng được TCS “vẽ” lên bằng những hình ảnh dễ thương, sinh động và đầy chất lãng mạn:

 

“Nhớ Saigon những chiều lộng gió
Lá hát như mưa suốt con đường đi
Có mặt đường vàng hoa như gấm,
Có không gian màu áo bay lên”.

 

Thắng Đào ơi ! Hãy mạnh dạn, tư tin, tiến lên phía trước, những người dân Saigon năm xưa đang hân hoan chờ đón “tác phẩm” Saigon đó của em!

 

Một lần nữa xin được cám ơn Thắng Đào, cám ơn thế hệ trẻ đã góp phần giới thiệu Văn hóa Việt Nam vào dòng chính ở Mỹ. Thế hệ đi trước chúng tôi vui mừng và tự hào khi càng ngày càng thấy nhiều em thuộc thế hệ trẻ đã thành công trong nhiều lảnh vực khác nhau (Âm nhạc, điện ảnh, thiết kế thời trang, nấu ăn… ) nhưng điều quan trọng là các em vẫn không quên cội nguồn:

 

“Mẹ mong con chớ quên màu da,
Con chớ quên màu da nước Việt xưa”.

 

Các em đã góp phần làm gia tăng uy tín và khả năng của người Việt Nam, các em là niềm hy vọng của tương lai! Nếu mọi người dân Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước, đặc biệt là thế hệ trẻ, đều có lòng yêu thương quê hương dân tộc Việt Nam, thì có gì ngăn cản chúng ta hy vọng: một ngày không xa chúng ta sẽ cùng nhau góp sức thực hiện ước mơ chung mà TCS đã viết trong “Ngày mai đây bình yên”:

 

“Ngày mai đây Việt Nam dựng cờ tươi sáng trong lòng dân
Ngày mai đây Việt Nam là bàn chân tiến lên không ngừng
Ngày Việt Nam con tim hồng lên ánh sáng
Dựng lại nước ta vinh quang trong trời sáng chói Việt Nam”

 

Little Saigon 10/2011
Phượng Vũ
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.