Per Mariam ad Jesum. Yêu mến Ðức Mẹ. Tôn sùng Ðức Mẹ. Phải chăng đó là một cảm tình riêng tư, một hình thức sống đạo tình cảm của những giáo dân quê mùa hay của một vài ông thánh, bà thánh lỗi thời?
Nhiều người ngày nay cho rằng họ có thể đến được với Chúa Giêsu, và họ có thể làm chuyện này mà không cần nhờ đến trung gia của ai, ngay cả việc nhờ cậy Ðức Maria. Ðối với họ, chỉ cần Thánh Kinh là đủ, và Thánh Kinh không chỗ nào dậy phải đến với Ðức Maria để tìm gặp Thiên Chúa. Cũng chính vì quan niệm này, mà những việc làm bày tỏ lòng sùng kính đối với Ðức Mẹ đều bị họ coi là những hành động của lớp người quê mùa, dốt nát, hay ít nhất cũng là những hành động đầy cảm tính, thiếu trưởng thành.
Thưa không phải vậy. Yêu mến và tôn sùng Ðức Mẹ không phải là hình thức bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tôn kính và yêu mến của những giáo dân quê mùa, dốt nát, hoặc lỗi thời. Nó là việc bày tỏ lòng yêu mến, tôn kính và biết ơn người đã sinh ra Ðức Giêsu, Cứu Chúa của nhân loại và của riêng từng người chúng ta. Và hơn thế nữa, đây là việc làm mà Thiên Chúa đã muốn như vậy. Ðức Mẹ đã nói tiên tri về lòng sùng mộ, yêu mến này trong bài ca Ngợi Khen (Magnificat) rằng: “Từ nay thiên hạ muôn đời sẽ khen tôi có phúc” (Luca 1:48). Ngài muốn chúng ta phải qua Mẹ Maria để đến với Ngài. Và Ngài cũng muốn chúng ta hãy làm vui lòng Mẹ Maria như chúng ta làm vui lòng Ngài.
Thánh Kinh tuy không trực tiếp đề cập đến hành động chúng ta phải qua Ðức Mẹ để đến với Thiên Chúa, nhưng đã trình bày vai trò của Ðức Maria như một cửa ngõ để nhân loại có thể qua đó đến và gặp gỡ Thiên Chúa nơi Ðức Kitô. Thánh Lui Maria Mongfort đã diễn tả về mối quan hệ này khi khẳng định rằng, chúng ta phải “Qua Mẹ để đến với Chúa Giêsu.”
VAI TRÒ TRUNG GIAN CỦA MẸ MARIA
Ðọc và suy ngắm Thánh Kinh, chúng ta thấy trước hết Ðức Maria là người đã giới thiệu Chúa Giêsu cho nhân loại ngay khi Ngài còn là một thai nhi trong cung lòng thanh khiết của mình. Rồi tiếp đến từng hoàn cảnh và qua mỗi chặng đường Cứu Ðộ của Ngài, Mẹ Maria luôn luôn là người mô giới, đem Chúa đến với con người, và con người đến với Ngài. Sau khi Chúa đã về trời, Tông Ðồ Công Vụ cũng đã kể lại biến cố Hiện Xuống trong đó nổi bật vai trò trung gian của Mẹ. Mẹ có mặt và cùng cầu nguyện với các Tông Ðồ trong Phòng Tiệc Ly để chờ lời hứa của Chúa Giêsu. Ðúng hơn, Mẹ cầu xin với Thiên Chúa để Ngài sớm thực hiện lời Chúa Giêsu đã hứa cho các Tông Ðồ.
1. Gioan Tẩy Giả và gia đình ông:
Hình ảnh Gioan Tẩy Giả và gia đình ông là hình ảnh của những tâm hồn thân tín và yêu thương mà Mẹ Maria đã muốn muốn giới thiệu Chúa Giêsu cho họ. Thánh Kinh ghi nhận, sau khi Mẹ Maria được diễm phúc cưu mang Con Thiên Chúa, Mẹ đã không giữ lấy hạnh phúc ấy cho riêng mình. Nhưng đã vội vàng mang Tin Vui ấy chia sẻ với những người thân yêu của mình như sau: “Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Êlizabeth. Và khi bà Êlizabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng” (Luca 1:39-40”.
Sự việc Gioan nhẩy mừng trong lòng mẹ, đã khiến Êlizabeth sửng sốt kêu lên: “Bởi đâu tôi được diễm phúc mẹ Chúa đến viếng thăm” (Luca 1:43). Gioan, bà Êlizabeth và cả nhà bà được vui mừng vì Mẹ Maria đã mang Chúa đến cho họ. Mẹ Maria đã “vội vã ra đi”, giới thiệu Tin Vui này vì biết rằng đây là việc làm mà Mẹ không thể từ chối.
2. Các mục đồng:
Các mục đồng, thành phần đơn sơ và nghèo khó đại diện cho phần đông nhân loại, những tâm hồn đơn sơ và thiện chí. Chính họ là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa. Cả họ nữa cũng được Mẹ Maria giới thiệu với Chúa.
“Khi các thiên thần từ giã họ mà về trời, thì các mục tử nói với nhau rằng: “Chúng ta hãy sang Bêlem và coi xem sự việc xảy ra mà Chúa đã tỏ cho chúng ta biết”. Rồi họ hối hả tới nơi và gặp thấy Maria, Giuse, và Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ đã hiểu ngay lời đã báo về Hài Nhi này” (Luca 2:15-17).
Gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi, hay nói theo Thánh Lui Maria Mongfort là: Nhờ Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu. Muốn gặp gỡ Chúa Giêsu, họ cần gặp Mẹ Maria trước.
3. Tiên Tri Simêon và Anna:
Ông Simêon và bà Anna có thể coi là đại diện của dân riêng Chúa, dân Do Thái. Họ là những người được lời hứa và cũng mong chờ Ðấng Thiên Sai đến. Ðối với các tổ phụ và những ai trung thành với giao ước như Simêon và Anna, họ đáng được đón nhận lời hứa này. Và Mẹ Maria cũng chính là người giới thiệu Ðấng Thiên Sai cho họ. Dù ngày đêm than van, cầu nguyện và tìm đọc lời Chúa, nhưng họ chờ khi Mẹ Maria đem Chúa đến với họ, lúc đó họ mới nhận ra Ngài. Thánh Kinh ghi lại giây phút gặp gỡ này qua hình ảnh của Tiên Tri Simêon và Anna:
“Ông được Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ. Khi cha mẹ bồng trẻ Giêsu đến, để thi hành cho Người các nghi thức theo luật dạy, thì ông ẵm lấy Người trên cách tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an, theo như lời Chúa đã phán; vì chính mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ, của Chúa, mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa” (Luca 2:27-32).
Cùng lúc ấy bà tiên tri Anna, con ông Phannuel, thuộc chi họ Asê cũng có mặt và nhận ra Chúa Giêsu: “Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa và nói về Người cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel” (Luca 2:38).
4. Với Ba Vua:
Nếu Simêon và Anna là đại diện cho dân Chúa theo Cựu Ước, thì Ba Vua là đại diện cho dân tộc mới của những người không thuộc các chi họ Israel, nhưng tin vào Ngài.
Khác với những tâm hồn thân nhân, những người Do Thái dân tộc tuyển chọn để Ngài hoàn tất lời hứa, Ba Vua là những người đến từ phương xa. Các ngài chỉ nhìn nhận Chúa bằng lòng chân thành, và với khả năng hiểu biết riêng mình. Các ngài đại diện cho toàn thể dân ngoại, cho những thành phần trí thức nhưng thành tâm tìm kiếm chân lý.
Nhưng tất cả những nỗ lực tìm kiếm ấy cũng phải cần đến Mẹ Maria. Ba Vua đã suýt lạc mất Chúa vì muốn dừng lại ở cách xử thế và đường lối nhân loại khi ghé thăm Giêrusalem và tham vấn với vua Hêrôđê. Nhưng cuối cùng họ đã tìm được Chúa Giêsu nhờ Mẹ Maria như lời Thánh Kinh:
“Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi cùng với bà Maria mẹ Người, và họ đã qùi gối xuống, sụp lạy Người” (Matthêu 2:11).
5. Ơn gọi hôn nhân gia đình:
“Họ hết rượu rồi” (Gioan 2:3).
Phép lạ Chúa Giêsu thực hiện đầu tiên trong sứ vụ Cứu Thế của Ngài được dành cho ơn gọi hôn nhân gia đình. Ðây là ơn gọi căn bản, và cũng là cửa ngõ để Chúa đến với nhân loại. Ðức Maria đã là người đầu tiên, duy nhất giới thiệu Chúa Giêsu với con người, và đem Chúa vào môi trường sống thực tế của con người và ơn gọi hôn nhân gia đình.
Nếu những đổ vỡ trong đời sống hôn nhân đến từ việc thiếu rượu tình yêu là chính Chúa, thì lời Mẹ nói với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi”, là lời cầu xin của Mẹ thay cho nhân loại. Ðồng thời cũng giới thiệu Chúa Giêsu cho nhân loại: “Ngài bảo gì hãy làm như vậy” (Gioan 2:5).
6. Với các Tông Ðồ:
Các Tông Ðồ, họ là những Giám Mục, linh mục và những linh hồn được tuyển chọn của dân Chúa sau này. Họ là những bạn hữu, thành phần đặc tuyển của một dân Chúa mới đã được Ngài cứu chuộc. Ðối với các trường hợp khác kể cả Gioan Tẩy Giả, các Tiên Tri, mục đồng, Ba Vua, hay thân nhân trong tiệc cưới Canna vai trò của Ðức Mẹ trong nhiệm vụ thông ơn và giới thiệu vẫn chưa đặm nét, nhưng đối với các Tông Ðồ thì Tông Ðồ Công Vụ đã ghi rõ: “Cùng nhau, họ chuyên tâm cầu nguyện, cùng với các phụ nữ, và Maria, mẹ Chúa Giêsu và các anh em Ngài” (Tông Ðồ Công Vụ 1:14). Ðiều này chứng tỏ được sự ưu ái, quan trọng và sự can thiệp đặc biệt của Ðức Mẹ dành cho họ. Bởi vì ở chính họ mà Chúa Giêsu sẽ được nhận biết.
“Cùng nhau, họ chuyên tâm cầu nguyện, cùng với các phụ nữ, và Maria, mẹ Chúa Giêsu và các anh em Ngài” (Tông Ðồ Công Vụ 1:14).
NHỜ MẸ ÐẾN VỚI CHÚA
Qua 6 thành phần được Thánh Kinh trực tiếp nhắc đến, và đã được Mẹ Maria giới thiệu Chúa Giêsu bao gồm toàn thể nhân loại và toàn thể ơn gọi. Ơn gọi hôn nhân gia đình, ơn gọi tận hiến. Những thành phần thấp cổ, bé miệng, nghèo hèn cũng như cao sang quyền quí, và trí thức. Những người xa lạ cũng như các bạn hữu xa gần. Tất cả đều nhận biết Chúa và đón nhận Ngài qua Mẹ Maria. Mẹ đã giới thiệu họ với Chúa, và qua đó họ đã nhận được Chúa.
Ðây chính là cốt lõi của lòng sùng mộ và yêu mến Mẹ Maria. Mẹ Maria tuy không là Cứu Chúa của chúng ta, nhưng Mẹ cũng là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc. Mẹ không phải là đường dẫn chúng ta về trời, không phải là chân lý chúng ta tin theo, nhưng Mẹ là đường để chúng ta đến gặp gỡ Chúa và tin nhận Ngài. Nếu Chúa Giêsu đã nói: “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua thầy” (Gioan 14:6), chúng ta cũng không ngại ngùng mà xác tín rằng: “Không ai đến gần được với Chúa Giêsu mà không cần nhờ đến Mẹ Maria”. Bởi vì Mẹ chính là người đã sinh ra Chúa Giêsu. Mặt khác, Mẹ cũng là người mà Chúa Giêsu đã trao phó nhân loại vào tay Mẹ: “Hỡi bà này là con bà” (Gioan 19:26).
Views: 0