Cuộc chiến giữa người Palestine với người Do Thái có nhiều nét giống cuộc chiến giữa “người Việt chống cộng” với “người Việt cộng sản”.
Nó khởi sự từ khi Thế Chiến II vừa chấm dứt và kéo dài cho đến ngày nay, nó biểu lộ tính chất bất khả giải hòa, bị thời cuộc đẩy đưa và dẫm nát, và khó ai biết được lúc nào nó sẽ chấm dứt. Nhìn vào cuộc chiến này, người Việt có thể học thêm được nhiều bài học hữu ích. Trước 1975, “người Việt chống cộng” rất mê các Kibbutz (làng cộng đồng) của Do Thái và tin rằng nếu VNCH làm được như vậy có thể loại bỏ được Cộng Sản. Thủ Tướng Ben Gurion của Do Thái đã từng tuyên bố: “Hằng ngàn bài diễn văn, hằng trăm đại hội cũng không bằng lập được một làng cộng đồng Kibbutz.”
ĐỂ LÀM GÌ ĐÂY?
Hôm 29.11.2012, Đại Hội Đồng LHQ đã biểu quyết với 138 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 41 phiếu trắng, một nghị quyết cho phép Palestine được hưởng quy chế “quan sát viên không phải là quốc gia hội viên” (non-member observer state) tại Đại Hội Đồng LHQ.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố: “Cộng đồng quốc tế nay đứng trước cơ hội cuối cùng để cứu giải pháp hai quốc gia.” Nhưng một vài người đã hỏi chúng tôi: “Quan sát viên không phải là quốc gia hội viên” là gì? Với quy chế mới được cấp đó, liệu rồi Palestin sẽ có thêm những thuận lợi nào? LHQ đã chia đất cho Do Thái và Palestine từ 1947, tại sao Do Thái được công nhận là thành viên Đại Hội Đồng LHQ, còn Palestin thì không?
Một số người khác lại hỏi: Hiện nay, tại thủ đô VNCH nối dài ở Little Saigon, có ba chính phủ đang “lãnh đạo quốc gia”, đó là Chính Phủ Việt Nam Tự Do của Nguyễn Hữu Chánh, Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Lâm Thời của Đào Minh Quân và Chính Phủ VNCH nối dài của Hồ Văn Sinh (kế vị Nguyễn Bá Cẩn). Vậy các chính phủ nầy có thể xin hưởng quy chế “quan sát viên không phải là quốc gia hội viên” tại LHQ được không?
Đây là những vấn đề khá phức tạp và lẩm cẩm, nó lẫn lộn giữa quốc tế công pháp với chính trị. Do đó, trước khi có ý kiến về việc LHQ cấp cho Palestine quy chế “quan sát viên không phải là quốc gia hội viên”, là một giải pháp hay là một trò ảo thuật, chúng tôi xin nói qua về lịch sử hai nước Do Thái và Palestine.
VÙNG ĐẤT TRANH CHẤP
Vùng đất tranh chấp hiện nay giữa Do Thái và Palestine là vùng đất nằm giữa bờ đông Địa Trung Hải và sông Jordan, ngày xưa gọi là vùng Canaan. Theo Thánh Kinh, Canaan là Đất Hứa Thiên Chúa dành cho dân Do Thái (Gen. 17:8; Ex. 6:4).
1.- Vùng Đất Hứa
Cái tên Canaan phát xuất từ đâu? Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử tin rằng đó là tên của cháu nội ông Noah, người đóng tàu để thoát qua trận Đại Hồng Thủy tiêu diệt toàn thể nhân loại. Theo Thánh Kinh, ông Noah có 3 người con trai là Shem, Ham and Japheth.
Canaan là con trai của Ham, vì bị chúc dữ nên phải đi lưu đày, họ đã đến lập nghiệp tại vùng này và đặt tên là Canaan. Vùng Canaan trong tiền sử gồm vùng mà Do Thái và Palestine đang chiếm cứ, Lebanon, tây Jordan và tây Syria ngày nay.
2.- Nước Palestine
Các nhà nghiên cứu tin rằng người Palestine là người Philistine được nói đến trong Thánh Kinh. Họ là dân du mục bị đuổi khỏi quê hương họ là đảo Crete, một đảo lớn nhất ở Hy Lạp.
Họ đến Canaan qua nhiều giai đoạn từ 1175 đến 1100 trước CN. Trong thế kỷ 12 trước CN, họ bắt đầu chiếm một vùng nhỏ ở bở biển phía nam của Canaan, giữa Tel Aviv–Yafo và dải Gaza ngày nay. Họ xây dựng 5 thành phố là Gaza, Ashkelon, Ashdod, Ekron và Gath. Người Hy Lạp gọi đó là vùng Philistia. Đến thế kỷ thứ hai, vùng đó được gọi là “Syria Palestina” để chỉ phần phía nam của tỉnh Syria. Đất nước Palestine đã thay đổi qua nhiều biến cố khác nhau trong lịch sử.
3.- Nước Do Thái
Theo Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo, Abraham là tổ phụ của dân Do Thái và dân A-rập. Trong số các con cháu của Abraham, cóIsmael là thủy tổ dân A Rập, và Jacob là thủy tổ dân Do Thái. Quê hương của Abraham ở xứ Ur phía bắc vùng Mesopotamia, nay là đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Thiên Chúa đã hiện ra trước Abraham và ra lệnh: “Hãy đi khỏi nơi sinh trưởng, đến vùng đất mà ta chỉ cho ngươi. Ta sẽ tạo cho con cháu ngươi một đất nước vĩ đại.”
Abraham cùng vợ là Sarai, người cháu tên Lot và các tôi tớ đi đến xứ Canaan vào khoảng năm 1800 trước CN, sống phiêu bạt trong vùng mà ngày nay Israel, Palestine và Jordan đang sống.
Nhân mùa đói kém, con của Jacob là Joseph dẫn dân Do Thái qua Ai Cập định cư. Nhưng định cư được ít lâu, Ai Cập biến họ thành nô lệ. Thiên Chúa bảo Moses dẫn dân Do Thái ra khỏi Ai Cập và đi đến vùng đất hứa. Cuộc lữ hành qua sa mạc kéo dài đến 40 năm. Đến khoảng năm 1250 Do Thái mới bắt đầu chinh phục vùng Canaan và xây dựng một vương quốc, lấy Jerusalem làm thủ đô.
Vương quốc Do Thái cực thịnh dưới hai triều David và Solomon (961-922 trước CN), sau đó vương quốc Do Thái bị cắt làm hai, vương quốc Israel ở phía bắc và vương quốc Judah ở phía nam. Qua các cuộc xâm lăng của Assyria, Babylon, Ba Tư, Ai Cập, rồi đến La Mã, Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ…, người Do Thái bị nô lệ hóa, bị tiêu diệt, bị đuổi khỏi quê hương, chỉ còn một số nhỏ ở lại. Đất nước họ bị người Palestine chiếm ngụ. Đến cuối thế kỷ 19, phong trào Zion đã lôi kéo được nhiều người Do Thái trở về quê cũ ở Canaan.
Cuối Thế Chiến I, Anh chiếm được vùng Canaan từ tay đế quốc Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1917, Ngoại trưởng Anh Arthur Balfour đã tích cực xúc tiến việc tái lập quốc gia Do Thái ở vùng của Palestine đang cư ngụ. Sự kiện 6 triệu người Do Thái trên khắp châu Âu bị Phát xít Đức đưa vào các trại tập trung để giết, người Do Thái mới quyết định phải trở về tái lập quốc gia Israel.
Năm 1947, Anh là nước được Hội Quốc Liên ủy thác quản trị vùng Palestine từ năm 1920, đã trao trách nhiệm giải quyết vấn đề tranh chấp giữa người Do Thái và Ả rập lại cho LHQ. Ngày 29.11.1947, 33 quốc gia thành viên Đại Hội Đồng LHQ đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch trao 56,47% lãnh thổ Palestine để thành lập nước Do Thái, 43,53% để thành lập nước A-rập và một khu vực quốc tế bao quanh thành Jerusalem. Do Thái chấp nhận, nhưng Palestine bác bỏ. Đây là vấn đề sẽ được chúng tôi bàn trong bài tiếp theo.
MỘT CUỘC TRỞ VỀ NGHIỆT NGÃ
Để độc giả có thể thấy được việc hình thành một vương quốc Do Thái đầu tiên trên đất Canaan, người Do Thái phải chịu những gian khổ như thế nào, chúng tôi xin tường thuật lại dưới đây đoạn nói về người Do Thái tiến vào Canaan sau 40 năm lưu lạc trong sa mạc:
Khi dân Israel đến vùng hoang dã của Paran, họ đã đến rất gần với đất Thiên Chúa đã hứa cho họ. Một cuộc diễn hành sẽ đưa họ qua biên giới vào đất nước xinh đẹp. Và Chúa nói với Moses: “Gởi mười hai người vào đất Canaan để do thám đất”.
Moses chọn mười hai người đàn ông tốt và nói với họ: “Băng qua đồng bằng và đi lên những ngọn đồi, xem đất như thế nào. Xem loại người nào sống ở đó, cho dù họ là yếu hay mạnh, ít hoặc nhiều. Tìm hiểu xem đất là tốt hay xấu, cho dù có rừng trên đó. Chú ý họ có những thành phố loại nào, cho dù họ sống trong lều bạt hoặc các trong các thành trì. Hãy đem về trái cây từ đất đó. Các chùm nho đầu tiên mới chín. Cuối cùng, hãy ra đi với sự can đảm hoàn toàn”.
Trong bốn mươi ngày, các điệp viên đã đi đây đó qua Đất Hứa. Họ đã nhìn thấy các thành phố vững mạnh và các thị trấn nhỏ. Họ đã nhìn thấy các cánh đồng ngũ cốc và các vườn nho lớn. Đất đẹp và đầy đủ các loại thực phẩm. Trên vùng đất này, họ không thiếu thịt, trái cây, hoặc rau.
Khi các điệp viên trở về trại của Israel, họ mang các mẫu trái cây tăng trưởng trong xứ Canaan. Hai người đàn ông khiêng bằng một cái đòn một buồng nho lớn. Chưa bao giờ người dân được xem trái cây tuyệt vời như vậy.
Sau đó, mười trong số các điệp viên nói về Canaan:
“Đây là một vùng đất giàu có. Chúng tôi mang đến cho quý vị một số trái cây mọc ở đó. Nhưng dân chúng sống ở các thành phố lớn có tường bao quanh”.
Dân Israel đã bàn chuyện với nhau về báo cáo này. Cuối cùng Caleb, một điệp viên khác, bảo mọi người im lặng và nói với họ:”Chúng ta hãy đi ngay và chiếm đất, vì chúng ta có thể thắng nó dễ dàng.”
Nhưng mười điệp viên không đồng ý. Họ nói: “Chúng ta không thể đi vào vùng đó, vì dân chúng mạnh hơn chúng ta.” Mọi người hoảng sợ khi các điệp viên cho biết: “Những người đàn ông của vùng đó rất lớn, họ giết chúng ta trông giống như giết châu chấu”.
Dân chúng thất vọng và la khóc cả đêm. Sáng hôm sau, họ phàn nàn chống lại Moses và Aron:
“Chúng tôi muốn chúng tôi ở lại tại Ai Cập. Chúng tôi muốn chúng tôi chết trong vùng hoang dã hơn là bị giết bởi những người khổng lồ của Canaan. Tại sao Thiên Chúa đem chúng ta ra đây để chết? Vợ và của con chúng ta sẽ bị bắt làm tù nhân”.
Thậm chí dân chúng còn lập kế hoạch và chọn một đội trưởng để dẫn họ trở lại Ai Cập.
Khi Moses và Aron nghe về kế hoạch đó, họ sụ mặt xuống và cầu xin mọi người vâng lời Thiên Chúa. Làm thế nào mà dân chúng này nghi ngờ quyền năng của Thiên Chúa sau khi người đưa họ ra khỏi Ai Cập, dẫn họ qua Biển Đỏ trên đất khô cằn, cho họ nước từ một tảng đá cứng, mưa thức ăn từ trên trời xuống và bảo vệ họ khỏi kẻ thù của họ?
Caleb và Joshua, hai thám tử có đức tin vào Thiên Chúa, đã xé quần áo của họ ra vì người dân không tin tưởng Thiên Chúa đã ban cho họ đất Canaan. Họ xác nhận với mọi người:
“Đất chúng tôi tìm kiếm là một vùng đất tuyệt vời. Thiên Chúa đã hứa ban nó cho chúng ta. Đừng quay trở lại hoặc sợ hải. Chúa ở với chúng ta. Chúng ta hãy đi tới!”
Dân chúng không muốn nghe lời Caleb và Joshua. Thay vào đó, họ muốn giết chết hai điệp viên trung thành này. Tuy nhiên, khi mọi người tìm những viên đá để ném vào Caleb và Joshua, họ nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa đi xuống trên nhà tạm (nhà đựng hòm bia Thiên Chúa).
Chúa đã phán cùng Moses: “Những người này sẽ còn thách thức ta bao lâu nữa? Còn bao lâu nữa trước khi họ có niềm tin vào ta?” Chúa đã rất tức giận với con cái Israel. Ngài nghĩ rằng Ngài không thể chịu đựng chúng nữa.
Moses cầu nguyện tha thiết cho người dân của mình. Ông nhắc nhở Chúa: “Nếu mọi người của chúng tôi chết ở đây trong vùng hoang dã, người Ai Cập sẽ nói Ngài không thể để dân Israel đến Canaan.” Moses cầu xin: “Tôi cầu xin Ngài, xin tha thứ tội lỗi của dân này theo lượng khoan dung của Ngài, ngay cả khi Ngài đã tha thứ cho họ từ ngày họ rời Ai Cập cho đến bây giờ.”
Vì Moses, Thiên Chúa đã tha thứ cho dân Israel, nhưng Ngài từ chối để cho họ thay đổi suy nghĩ của họ và đi vào Canaan ngay bây giờ. Thiên Chúa phán: “Tất cả các ngươi đã hai mươi tuổi trở lên sẽ không bao giờ sống trong xứ Canaan, bởi vì các ngươi đã phàn nàn chống lại ta.” Để trừng phạt họ, Thiên Chúa truyền cho họ quay trở lại vùng hoang dã và đóng trại cho đến khi những người phàn nàn đã chết.
Sau bốn mươi năm lang thang trong hoang địa, người Do Thái đến đồng bằng Moab. Moses trở nên già và biết rằng ông sẽ không được ở với người dân của ông khi cuối cùng họ đến Đất Hứa Canaan. Giờ đây, công việc của ông đã được thực hiện.
Moses gọi Joshua đến trước tất cả người Do Thái nói với ông:”Hãy mạnh mẽ và can đảm. Bạn phải dẫn những người này đến vùng đất của cha ông họ. Thiên Chúa sẽ ở với bạn. Ngài sẽ không bỏ rơi bạn, do đó, đừng sợ hãi.” Và ông đã đưa cho Joshua cuốn sách về pháp luật để đặt vào hòm bia bằng đá.
Moses đi lên trên núi Nebo, từ Jericho qua Jordan, và từ đó Chúa chỉ cho ông ta vùng đồng bằng của thung lũng Jericho, thành phố của những cây cọ, và tất cả những đất trải ngang giữa thung lũng và sông Jordan mà họ sẽ phải vượt qua. Và Chúa nói với ông:
“Hãy nhìn đất Canaan. Ta đã thề với Abraham, Isaac và Jericho rằng ta sẽ cho con cái của họ đất đó. Ngươi đã thấy nó với đôi mắt của ngươi, nhưng ngươi sẽ không vượt qua trong nó”.
Moses đã gọi con cái của Israel lại với mình và chúc lành cho họ. Moses qua đời một thời gian ngắn sau đó, và được chôn trong đất Moab. Con cái của Israel khóc thương ba mươi ngày, vì ông là một vị tiên tri rất lớn, và đã dẫn dắt dân Israel ra khỏi ách nô lệ của Ai Cập.
Joshua là một nhà lãnh đạo tốt, đầy đủ tinh thần của sự khôn ngoan, nhưng không bao giờ trong Israel lại xuất hiện một tiên tri giống như Moses, người mà Thiên Chúa mặt đối mặt.
Người Do Thái ngày nay cũng đang phải chịu những gian khổ khi trở lại Đất Hứa như họ đã phải chịu khi từ Ai Cập trở về Canaan ngày xưa. Nhiều người cho rằng trong các dân tộc trên thế giới, người Do Thái là một trong những dân tộc có lịch sử đáng kinh ngạc và đáng thán phục nhất.
Ngày 6.12.2012
Lữ Giang
Views: 0