Uncategorized

Nhân Phẩm và Sự Kính Trọng

Linh mục Augustinô Nguyễn Viết Chung nguyên là một bác sĩ Phật giáo, chuyên môn về Da Liễu. Khi lên 18 tuổi, nhân đọc một bài báo nói về cái chết của Ðức Cha Jean Cassaigne tại trại cùi (phong) Di-Linh, cậu Chung cảm thấy cuộc sống đó quá tốt đẹp và vô tình Ðức Cha Jean Cassaigne đã trở thành thần tượng của cậu.

Linh mục Augustinô Nguyễn Viết Chung nguyên là một bác sĩ Phật giáo, chuyên môn về Da Liễu. Khi lên 18 tuổi, nhân đọc một bài báo nói về cái chết của Ðức Cha Jean Cassaigne tại trại cùi (phong) Di-Linh, cậu Chung cảm thấy cuộc sống đó quá tốt đẹp và vô tình Ðức Cha Jean Cassaigne đã trở thành thần tượng của cậu.

Khi bắt đầu học năm thứ nhất Y khoa, nhân dịp tham dự Thánh Lễ khai khóa của Linh mục Giáo sư bác sĩ Lischenberg, cậu Chung nhận thấy con người khoa học uyên bác của Giáo sư Lischenberg đã biến thành một Linh mục khả kính, trang nghiêm siêu thoát, chìm đắm trong cõi phúc lạc thần thiêng. Ơn gọi làm Linh mục của cha Chung đã chớm nở từ đó.

Khi bác sĩ Chung phục vụ tại trại cùi Bến Sắn, Dì Hai Loan thuộc Tu Hội Nữ Tử Bác Ái là Phó Giám Ðốc. Dì là người đã phục vụ ở đây gần 17 năm, bất ngờ ngã bệnh ung thư và mất đi sau mấy tháng. Khi Dì hấp hối, bác sĩ Chung đang sửa soạn để đi với bác sĩ Quang, bác sĩ Bích Vân lên trại cùi Di-Linh khám mắt cho bệnh nhân. Vì xe chưa tới, bác sĩ Chung tiếc nuối những giây phút cuối cùng còn lại với Dì Hai Loan nên đã trở lại giường bệnh của Dì. Lúc đó Dì Hai Loan mở mắt ra, nhìn bác sĩ và đôi môi mấp máy như muốn nói điều gì. Dì Mười hiểu được, liền nói: “Chung, Dì Hai Loan nói, tại sao chưa đi?”

Khi kể lại kỷ niệm nầy cho tôi, cha Chung đã dùng những ngón tay phải chỉ vào cánh tay trái và cho biết lúc đó cha cảm thấy bị rởn da gà lên. Sau đó, bác sĩ Chung về dự tang lễ của Dì Hai Loan và đã quyết định theo Đạo. Một năm sau nữa bác sĩ đã vào tu ở Tu Hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn và đã nhận lãnh Thánh chức Linh mục.

Ba vị đã tác động mạnh mẽ trên Ơn Gọi của cha Chung là Giám mục Jean Cassaigne, Linh mục Lischenberg và Dì Hai Loan. Cả ba cùng có một mẫu số chung – như lời cha Chung – đó là họ đã rao giảng Tin Mừng cho cha bằng cuộc sống chứ không phải bằng lời nói!

Nguyện ước của cha Chung là được phục vụ bệnh nhân phong cùi và bịnh nhân Aids rồi cuối cùng ngã bệnh giữa những bệnh nhân mà cha yêu thương phục vụ, đúng như Lời Chúa Kitô đã phán dạy: “Không có Tình Yêu nào cao trọng cho bằng hy sinh mạng sống mình vì kẻ mình yêu!” (x Ga 15,13). (Nguồn – Báo Công Giáo).

Bác sĩ Chung vừa là Thầy thuốc (Bác Sĩ) vừa là Thầy Tu đúng nghĩa, ông sống thanh cao trong xã hội muôn ngàn cám dỗ nhưng nhân phẩm trong sạch và thánh thiện; ông sống và chết cho lý tưởng yêu thương và phục vụ tha nhân, thật đáng kính phục lắm thay!

Các con thân mến !

Hồi ba còn nhỏ, ông, bà và mẹ dạy ba rằng, có 3 loại người được xã hội kính trọng gọi là thầy, và phải viết hoa cho đủ nghĩa; đó là Thầy giáo, Thầy Tu và Thầy thuốc. Thầy giáo thì dạy và rèn đúc nên tâm hồn mình, thầy tu thì hướng dẫn đời sống tâm linh cho mình sống cho phải đạo, còn thầy thuốc thì chăm sóc và cứu chữa mình để mình được tiếp tục sống. Họ là những người có đạo đức và nhân phẩm cao quí, công đức ấy lại lớn lắm, khó trả được ơn – Nếu đã được gọi là Thầy, nghĩa như là cha mẹ, phải rất kính trọng. Chúng ta mang ơn các Thầy mà lại không bị các Thầy đòi phải trả ơn, nếu mình có muốn trả ơn thì chỉ có cách sống nết na hơn, đạo đức tốt lành hơn mà thôi…và đây cũng chính là điều những người thầy dạy chúng ta như họ muốn, một tính nhân văn của xã hội cho lòng biết ơn và sự kính trọng.

Mới đây, hôm 17 tháng 6 năm 2017, hai người nhà của bệnh nhân tay lăm lăm hung khí, kéo đến Bệnh viện Thể thao Việt Nam – Từ Liêm Hà Nội, kéo lê người bác sĩ (anh ta cho rằng đã chuẩn đoán bệnh cho con mình sai) từ ngoài cổng vào sảnh, đánh đập, bắt quỳ để xin lỗi, và những hành vi bạo ngược và man rợ. Điều đáng buồn là nó không phải là sự lạ trong hành lang các bệnh viện từ ít lâu nay cả miền Nam, miền Trung lẫn miền Bắc, nhưng sự vô cảm, thờ ơ, và nghịch lý của mọi người trước hành động tác tệ này để giải vây kịp thời đồng thời nói lên sự công đạo ở lòng người, và sự tôn trọng một hàm học vị cao ân đức đó.

Theo thống kê của Bộ Y tế ở Việt Nam, chỉ 3 tháng đầu năm nay, có hàng chục vụ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đến bệnh viện hành hung mà 70% người bị hành hung là bác sĩ, 15% là điều dưỡng. 90% số trường hợp xảy ra trong khuôn viên bệnh viện.

Nghề y là nghề cao quý, một cái nghề với cái lương tâm là cứu người, và không có bác sĩ nào không muốn chữa cho bệnh nhân, hay bác sĩ nào mong một điều xấu cho những người mình cần cứu chữa?

“Lương Y như từ mẫu”

Trên thế giới, nếu nói đến ông tổ ngành Y phải nói đến Hippocrates , một thầy thuốc danh tiếng thời Hy Lạp cổ đại, người sống cách chúng ta gần 2500 năm, nhưng những tư tưởng, kiến thức của ông cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt ông là người thầy đã dậy người làm ngành Y Khoa phải có Y đức, mà những lời dạy ấy, sau này những người nối nghiệp ông đã viết nên một lời thề nghề nghiệp mà tất cả những học vị bác sĩ khi tốt nghiệp ra trường đều phải tuyên thệ, đó là "Lời thề Hippocrates"( Hippocratic Oath). Trong lời thề này có đoạn:

"Tôi xin thề sẽ trung thành với quy tắc danh dự và sẽ liêm khiết trong khi hành nghề bác sĩ. Tôi sẽ săn sóc miễn phí cho người nghèo, không bao giờ đòi hỏi một sự thù lao quá đáng so với công sức đã bỏ ra. Được mời đến gia đình, mắt tôi không để ý đến mọi sự xảy ra, miệng tôi sẽ giữ kín những bí mật mà người bệnh đã thổ lộ. Tôi sẽ không lợi dụng địa vị của mình để làm đồi bại phong tục hoặc tán dương tội ác. Một lòng tôn trọng và biết ơn các thầy, tôi sẽ truyền bá cho các con cháu các thầy những giáo huấn mà tôi đã lĩnh hội được. Nếu tôi giữ trọn lời thề, người đời sẽ quý mến; nếu tôi thất hứa, tôi sẽ mang mối ô danh và cam chịu sự khinh bỉ của các bạn đồng nghiệp và của nhân dân".

Như vậy là đã hàng ngàn năm nay, dù trong chế độ xã hội nào thì nghề thầy thuốc cũng phải lấy đạo đức làm trọng. Danh y Hãi Thượng Lãng Ông Lê Hữu Trác đã từng nói:
“Không có nghề nào đạo đức bằng nghề y khoa và không nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y khoa thiếu đạo đức”

Y đức là những phẩm chất tốt đẹp nhất của người làm nghề y yêu cầu; đó cũng là quy tắc, là chuẩn mực của ngành y, là kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp, để thầy thuốc tự giác điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với lợi ích, tiến bộ ngành y khoa để đem lại sức khỏe và sự an lành cho con người.

Đáng buồn thay, sự giáo dục sáo rỗng mang tính cách chính trị và ý thức hệ đã gây ra những hệ quả tác tệ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phẩm chất đạo đức và lời thề của người thầy giáo, người thầy thuốc như: “học tài, thi lý lịch”, con ông, cháu cha, mua bằng cấp, “bổ nhiệm đúng qui trình”, “đốt như chuyên tu, ngu như tại chức”…

Biết rằng: “Nhân vô thập toàn”. Cũng có lúc, cá nhân bác sĩ hay tập thể bác sĩ “hội chẩn” có thể phạm sai lầm gây đau xót cho bệnh nhân, có trường hợp tử vong. Nhưng làm người tử tế, biết giữ chữ nghĩa, chữ ân, hãy biết cố nén đau thương, nhìn sự việc theo công đạo, lòng người và tôn trọng luật pháp. Hành vi côn đồ, đánh đập, đập phá, hay làm nhục bác sĩ, nhân viên bịnh viện, trước mặt đồng nghiệp, trước mặt những bệnh nhân khác là vi phạm pháp luật, nhận thức kém và là tội ác kinh khủng gieo vào lòng thế hệ con cháu mai sau một sự bất nhất trong tu đức và giáo dục. Nếu thật sự các người thầy thuốc thiếu phẩm chất, thiếu “bằng cấp” và khả năng chuyên môn; họ phải đối diện vợi sự thật và công lý, và pháp luật. Bệnh nhân đã có Ban Giám Đốc Bệnh Viện, luật sư và luật pháp để đòi hỏi sự công bình.
 
Thêm vào đó, muốn được người khác tôn trọng thì trước tiên mình phải biết tôn trọng kẻ khác. Một bác sĩ mà không có y đức, hách dịch, kiêu ngạo, ỷ quyền, cậy thế, coi thường người bệnh, người nghèo, khó gần gũi và sợ dơ, sợ bị lây bệnh… làm trái với "Lời thề Hippocrates" thì làm bác sĩ để làm gì vì phẩm chất không có mà tình người cũng không. Ngành y khoa là một ngành có liên quan trực tiếp đến sức khoẻ và tính mạng của con người. Mà sức khoẻ, tính mạng của con người là vốn quý nhất, nên đòi hỏi người làm việc trong ngành y cũng phải có những phẩm chất đặc biệt. Không phải ai cũng đủ tiêu chuẩn làm việc trong y khoa. 

Y khoa là nghề nhân đạo, vì vậy nó đối lập với kinh doanh hái ra tiền như nhiều người lầm tưởng. Những ai có mục đích sẽ kiếm tiền bằng nghề y khoa thì tốt nhất là không nên tuyển họ vào trường Y Khoa. Các năm trong trường đại học hay trung học y, nhà trường đủ thời gian để đưa ra khỏi ngành những người thầy thuốc tương lai thiếu đạo đức.

Vấn đề là ở xã hội Việt Nam có coi trọng và đặt ra không và tiêu chuẩn của người thầy thuốc là gì? Không phải là vì lương thấp và đãi ngộ thấp, thiếu thốn hay quá cực khổ mà thiếu đi y đức mà làm bậy như kê đơn thuốc đắt tiền để hưởng phần trăm hoa hồng; móc ngoặc chuyển bệnh nhân về phòng khám tư; Thiếu tôn trọng bệnh nhân; lơ là, sao nhãng công việc được giao; gây khó khăn hách dịch đối với bệnh nhân…

Chúng ta biết rằng, đạo đức người thầy thuốc có quan hệ với đạo đức xã hội, khi đạo đức xã hội ngày càng đi lên thì đạo đức y học theo đó cũng ngày càng được nâng lên. Ngược lại, khi đạo đức xã hội suy đồi, xuống cấp.

Đó là vấn đề day dứt, thậm chí đau xót cho nhiều gia đình có con, có chồng, vợ là những người hành nghề trong lãnh vực Y Khoa, những con người thật sự có lương tâm và trách nhiệm của những người thầy thuốc trong xã hội hiện nay nhưng lại chịu nhiều coi khinh, bất công của xã hội.

"Lời thề Hippocrates" vẫn bất tử.

Nhân phẩm và sự kính trọng vẫn dành cho những người biết quí yêu và coi trọng mạng sống con người. Người thầy thuốc, bác sĩ cứu người vẫn là hành vi cao cả và đáng tôn quí mà xã hội công nhận và biết ơn.

Ngoan Nguyễn
California ngày 28 tháng sáu năm 2017

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.