Uncategorized

Nhân phẩm

Thời còn làm ông vua con trong giới trẻ thành Assisi, thánh Phanxicô đã kinh tởm, xua đuổi một người phong hủi mà, vào thời các ngài, xã hội đã đối xử với họ như một người đã chết.

 

Thời còn làm ông vua con trong giới trẻ thành Assisi, thánh Phanxicô đã kinh tởm, xua đuổi một người phong hủi mà, vào thời các ngài, xã hội đã đối xử với họ như một người đã chết.

 

Ngài nhìn người khốn khổ theo giá trị vật chất, theo nấc thang giầu nghèo làm thước đo về mặt nhân phẩm của con người. Nhưng sau này, khi đã say mê Đức Kitô, Ngài không những giúp đỡ, ân cần, gần gũi với người nghèo khổ mà còn ôm hôn họ nữa. Ngài đã tin rằng mỗi người là một Kitô khác – Alter Christus. Với lòng tin mãnh liệt vào Thiên Chúa, Ngài đã nhận ra nhân phẩm cao quí nơi những người đói khát bệnh tật là hiện thân của Đức Kitô. Như vậy, phép lạ đã xảy ra khi Ngài đi từ cái nhìn mang nặng quyền lợi trên tiền bạc, danh vọng làm giá trị nhân phẩm sang cái nhìn của đức tin, mà “đức tin hành động nhờ đức ái.”

 

Cái nhìn hẹp hòi của người đồng hương với Chúa Giêsu đã khép kín các phép lạ của Người. Chính vì thế mà thánh Marcô đã kết thúc bài Tin Mừng:

 

“Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó.”

“Và họ vấp ngã vì Người.” (Mc 6, 5a. 3b)

 

Còn theo thánh Luca, Chúa Giêsu vẫn kiên nhẫn và khiêm nhường đón nhận sự kinh miệt cùng sự phẫn nộ của họ, khi ngài viết:

 

”Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4, 30).

 

Nghĩa là cho dù họ kinh thường nhân tinh nghèo hèn của mình, Chúa Giêsu vẫn cảm thông những nhận định sai lầm của họ về mình. Nghĩa là Người đã đồng hóa đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Một nghĩa cử nhân hậu tự sâu trong tâm hồn đồng cảm và tự hạ quên mình.

 

Cũng vậy, vào thời các tông đồ đi rao giảng, sau khi Chúa Giêsu về trời, các ngài vẫn bị người cùng thời coi khinh như sách công vụ tông đồ kể lại:

 

“Họ thấy ông Phêrô và Gioan mạnh dạn và biết rằng hai ông là những người không chữ nghĩa và thuộc giới bình dân, nên ngạc nhiên. Họ nhận ra hai ông là những người đi theo Đức Giêsu; đồng thời họ lại thấy người đã được chữa lành đứng đó với hai ông, nên họ không biết đối đáp thế nào.” (Cv 4, 13-14)

 

Sau khi được Chúa đánh động thúc bách, tôi đi thăm những người nghèo bệnh tật. Họ là những người bỏ đồng ruộng để “di dân” về thành phố làm ăn sinh sống. Họ sống rất khắc khổ. Chỗ họ trọ chật hẹp và thiếu thốn nhiều nhu cầu tối thiểu của đời sống. Công việc thì thất thường. Bán vé số. Mua ve chai. Nhặt bọc “nylon” phế thải. Lượm rác đủ loại, đủ cỡ. Thu nhập bấp bênh không thể lường trước được. Lúc đói lúc no. Bữa cơm bữa cháo. Thế rồi bệnh tật bất chợt ập tới. Họ rơi vào một hoàn cảnh rất bi đát, cực kì đau thương vì không có tiền để nhập viện chữa trị. Phó mặc cho số kiếp. Buông xuôi cho định mệnh.

 

Khi đến thăm họ với chút quà nhỏ bé, họ rất cảm động và thường đau xót than thân trách phận: “Nỗi đau lớn nhất của người nghèo khổ chúng tôi là không ai cần đến tình bạn của chúng tôi cả!”

 

Như vậy, khi có người đến thăm viếng, đối với họ, đã là một dấu chỉ của niềm vui, của ủi an rất quí hiếm và gây xúc động đến trái tim cô đơn của họ. Câu nói đầy xót xa đã khiến tôi liên tưởng đến sứ vụ của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế đến với nhân loại:

 

“Ngài mặc thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân

sống như người trần thế.” (Pl 2, 7)

“Người không còn gọi anh em là tôi tớ nữa,

vì tôi tớ không biết việc chủ làm.

Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu

Vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy,

Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15, 15)

 

Vậy mà, những người đống hương với Chúa lại không cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa đã yêu thương họ đến nỗi đã ban Con Một của Người để người Con Chí Ái ấy cùng sống, cùng đồng hành với cuộc sống lữ hành của họ. Họ đã nghe được những phép lạ Người làm ở nơi khác không phải là quê hương họ. Họ đã chứng kiến những lời giảng dậy đầy khôn ngoan cũng như những buổi cầu nguyện chữa lành ngay trong làng quê của họ. Nhưng tất cả đều dừng lại ở cái nhìn chất chứa thành kiến của xã hội. Họ đón đợi Đấng Messia oai phong, giầu sang phú quí và vương giả như các vua Do Thái của họ. Họ những tưởng Đấng Cứu Thế phải là thành phần ưu tú, học thức khoa bảng, khôn ngoan kiệt xuất. Thật là kì diệu khi Thiên Chúa đã đi ngược lại tư duy của con người. Thánh Phaolô đã suy diễn từ đây một xác tín:

 

“Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người. (1Cr 1, 27- 29)

 

Còn tôi thì sao? Khi tôi đã hiểu trọn vẹn mặc khải của Chúa. Đặc biệt Chúa Giêsu đã đồng hóa những người khốn khổ là chính Ngài. Ngài nói trong cuộc phán xét chung với những chiên đứng bên phải mà rằng:

 

“Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù các ngươi đã đến thăm.” (Mt 26, 35-36)

 

 

Lạy Thiên Chúa là Cha từ bi và nhân hậu, con từng vấp ngã vì đã không nhận ra Chúa nơi những người khác nhất là những người đau khổ và thấp bé.

 

Xin Cha thứ tha và rộng ban cho con biết mở lòng ra đối với nhũng người là hiện thân của Chúa Giêsu, Con Cha, Người đã nhập thể để nâng phẩm giá của chúng con để chúng con xứng đáng là con cái yêu thương của Cha.

 

Xin cho chúng con biết yêu thương nhau vì yêu thương là chu toàn luật của Thần Khí Cha. Amen.

 

 

CN 4TN, 31/01/2010

Phêrô Vũ văn Quí CVK64

Email: peterquivu@gmail.com

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.