Uncategorized

Nhận định về buổi cầu nguyện Thánh Linh xin ơn chữa lành với hiện tượng ‘té ngã’

Lm. Trần Bình Trọng

          * Tác giả đã đọc hơn một tá cuốn sách viết về Canh Tân Thánh Linh và đã tham dự những buổi cầu nguyện Thánh linh xin ơn chữa lành với hiện tượng té ngã. Tác giả còn tham dự Tuần tĩnh tâm Thánh Linh cho giới linh mục toàn quốc Mỹ tại Malvern, Pennsylvania dăm sáu lần và tham dự Tuần tĩnh tâm Thánh Linh cho giới linh mục và phó tế toàn quốc Hoa Kỳ tại Steubenville, Ohio vài ba lần. Thêm vào đó còn dự Tuần tĩnh tâm Thánh Linh cho khoảng 6.000 linh mục và 80 giám mục từ 101 quốc gia tại Vatican năm 1984. Trong số các diễn giả có Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Hồng Y Suenens, vài ba giám mục, dăm sáu linh mục gồm Linh mục Cantalamessa và Mẹ Têrêsa thành Calcutta.

***

 

 Lời tựa: Hiện tượng ‘té ngã’ trong những buổi cầu nguyện Thánh Linh xin ơn chữa lành vẫn còn gây hoang mang, hiểu lầm và thắc mắc với người ngoại cuộc và ngay cả một số người trong cuộc. Còn việc cho rằng cá nhân này được ơn chữa bệnh, cá nhân kia được khỏi bệnh trong những buổi cầu nguyện Thánh Linh cũng phải đặt nhiều câu hỏi. Nói như vậy không có nghĩa là từ xưa đến nay không có ai được ơn chữa bệnh và không ai được chữa khỏi bệnh do lời cầu xin và phép lạ. Bài này được viết lên như để thắp thêm một ngọn đèn nhỏ nữa, soi vào cả hai vấn đề.

Thường khi đau yếu hay lâm bệnh, người ta muốn được chữa khỏi bằng cách này hay cách khác. Để được chữa trị, người ta tìm đến nhà thương, gặp bác sĩ, y sĩ, ngay cả lang băm, thầy pháp, thầy bùa, rồi uống thuốc và kiêng cữ đồ ăn thức uống không lành mạnh. Thêm vào đó, người Do Thái thời cổ xưa còn tìm đến gặp Đức Giêsu để xin được chữa lành. Người theo đạo Công Giáo thì cầu nguyện xin Chúa chữa trị hoặc đến những nơi hành hương linh thiêng để xin Chúa, hay Mẹ Maria hoặc ông thánh nọ bà thánh kia chữa cho khỏi bệnh. Người ta cũng xin linh mục hay giáo dân quen biết cầu xin cho họ được khỏi bệnh. Người ta còn tìm đến những buổi cầu nguyện xin ơn chữa lành trong những buổi cầu nguyện Thánh Linh nữa.

Y khoa, phẫu thuật chữa được bệnh và không chữa được hết mọi bệnh.

Trong thời cận đại và hiện tại, với những phát minh tân kỳ về khoa học, y dược, y khoa và kỹ thuật, loài người chứng kiến những việc chữa trị bệnh tật với những cuộc giải phẫu thành công ngoài sức tưởng tượng. Những chi phí cho dịch vụ chữa bệnh như tiền nhà thương, tiền bác sĩ/y sĩ, tiền thuốc men chiếm một kinh phí đáng kể trong ngân sách cá nhân, gia đình và quốc gia. Tuy nhiên nhiều bệnh tật mà ngay cả với kĩ thuật y khoa tân tiến cũng đành bó tay. Có những bệnh nhân nằm nhà thương cả tháng, cả năm mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm.

Đức Giêsu đến chữa lành bệnh tật, nhưng không chữa hết mọi bệnh nhân.

Đọc Phúc âm người ta thấy Đức Giêsu có chữa lành những người đau yếu, bệnh tật, cả những người bị quỉ ám. Tuy nhiên mục đích chính của việc Chúa đến là để chữa lành bệnh tật phần hồn của loài người, giải thoát con người khỏi tội lỗi, để phục hồi sự sống thiêng liêng bằng cách giao hoà nhân loại với Thiên Chúa. Ðó là lí do giải thích tại sao trong Phúc âm thánh Mác-cô (Mc 1:35-39) Chúa tách biệt khỏi đám đông quần chúng để đi cầu nguyện, rao giảng trong các Hội đường và trừ quỉ. Trong khi còn nhiều người đau yếu bệnh tật cần được chữa lành mà Chúa vẫn bỏ đi. Lí do là vì Chúa còn một sứ mệnh quan trọng hơn để thi hành. Đó là truyền bá tin mừng cứu rỗi, đem ơn chữa lành cho tâm hồn nữa. Chúa cũng không dùng quyền năng để tự cứu mình khỏi đau khổ và sự chết. Chúa tự ý chấp nhận đau khổ và sự chết vì Người ý thức được giá trị của đau khổ và sự chết vì yêu mến Chúa và tha nhân để mang lại ơn cứu rỗi cho loài người.

Ðó là lí do tại sao có khi người ta cầu nguyện, xin ơn chữa lành bệnh tật phần xác mà Chúa lại ban ơn chữa lành bệnh tật phần hồn, mà họ không hay biết. Có những trường hợp mà việc mang bệnh tật phần xác, có thể đem lại lợi ích cho đời sống thiêng liêng, khiến người ta tuỳ thuộc vào Chúa. Còn nếu được chữa khỏi bệnh tật phần xác, người ta có thể lầm tưởng rằng đời sống thiêng liêng của họ là tốt lành, không gì đáng trách. Vì lợi ích thiêng liêng cho loài người, Chúa cũng có thể trì hoãn việc chữa lành. Nếu Chúa ban ơn chữa lành nhanh chóng cho mỗi người, họ có thể chóng quên ơn Chúa, không đánh giá được tầm quan trọng của ơn chữa lành, khiến họ bớt tuỳ thuộc vào Chúa.

Có lúc lời cầu xin cho khỏi bệnh được như ý / lúc khác không được khỏi.

Có những trường hợp khác mà người ta được khỏi bệnh thì y-khoa-học cũng không cắt nghĩa được tại sao, mà chỉ thấy rằng người ta được khỏi bệnh mà không phải do cách chữa trị của bác sĩ, cũng không phải do thuốc chữa. Thường người ta gọi những trường hợp được chữa khỏi như vậy là do phép lạ. Phép lạ vẫn xẩy ra hằng ngày trong thời đại ta đang sống. Chỉ cần dùng con mắt đức tin là người ta có thể nhận ra và chứng kiến phép lạ. Hằng ngày người ta còn có cơ hội để bầy tỏ đức tin vào quyền năng Chúa, xin Người cứu chữa. Ðiều mà người ta cần có là lời cầu xin. Và lời cầu nguyện của ta phải đi đôi với đức tin, vì nếu cầu nguyện mà không có đức tin thì lời cầu nguyện chưa chắc gì được Chúa chấp nhận. Bằng chứng được ghi lại trong Phúc âm là khi người Pharisêu xin Ðức Giêsu một dấu lạ, Người từ chối việc làm phép lạ vì họ không có lòng tin (Mc 6:5,6) hay họ chỉ muốn thử Người (Mc 8:11-12). Trái lại ta thấy đức tin của người đàn bà loạn huyết và của viên trưởng hội đường là một đức tin quả quyết, vững mạnh, đơn sơ, chân thành và khiêm tốn. Phúc âm ghi lại: Ông ta sụp xuống dưới chân Người (Mc 5:22); còn người đàn bà xuất huyết đến phủ phục trước mặt Người (Mc 5:33). Là người, người ta cũng cảm thấy khó từ chối khi có ai kêu cầu đến họ một cách khiêm tốn và khẩn khoản như vậy.

Bất cứ khi nào Chúa làm phép lạ là đều do người ta xin với lòng tin. Nếu không có đức tin, sẽ không có phép lạ, cũng không được ơn chữa lành. Tất cả những người được thụ hưởng phép lạ của Chúa đều có một điểm giống nhau là họ được thúc đẩy bởi lòng tin vào quyền năng và lòng thương xót của Chúa.

Ðôi khi người ta có thể có thái độ như người Pharisêu, nghĩa là cứ ngồi đó há miệng chờ ho, đợi cho Chúa làm phép lạ, trước khi họ đặt tin tưởng vào Chúa. Còn Thiên Chúa thì lại muốn ta bầy tỏ niềm tin trước đã, trước khi Người hành động. Chúa biết nhu cầu thiếu thốn của mỗi người. Tuy nhiên nếu ta đóng cửa nhà tâm hồn, thì Chúa cũng đành chịu, vì Chúa đã ban cho loài người được tự do lựa chọn và Chúa tôn trọng tự do của loài người .

Nói như vậy không có nghĩa là khi mắc bệnh, người tín hữu không cần đi bác sĩ, không cần uống thuốc chữa trị. Việc đi bác sĩ hay vào nhà thương nếu cần, người ta vẫn phải đi, nhưng đồng thời ta cũng vẫn cầu xin cho được ơn khỏi bệnh. Cách thế Chúa chữa trị bệnh tật loài người thông thường là dùng bác sĩ và thuốc men để chữa trị. Ðôi khi Chúa không cần dùng đến bác sĩ hay thuốc chữa, nhưng là chữa trực tiếp mà người ta gọi là phép lạ.

Có một vài giáo phái Kitô Giáo chủ trương không đi bác sĩ và uống thuốc. Họ cho rằng đi bác sĩ và uống thuốc là làm giảm lòng tin vào quyền năng của Chúa. Họ không biết rằng Chúa cũng dùng bác sĩ và thuốc men để chữa trị bệnh tật loài người.  Như vậy không có việc xung khắc giữa việc đi bác sĩ, uống thuốc và lời cầu nguyện cho được khỏi bệnh. Cả hai phương pháp: đi bác sĩ/uống thuốc và cầu nguyện cho được khỏi bệnh đều bổ túc cho nhau để phục hồi sức khoẻ. Người ta còn tìm đến những nơi mà đã có phép lạ chữa bệnh xẩy ra như Lộ Đức và những nơi khác mà người ta tin rằng đã có phép lạ xẩy ra với hi vọng được chữa khỏi bệnh.

Những buổi cầu nguyện xin chữa bệnh tại Lộ Đức mỗi tuần có cả hàng trăm hay cả ngàn người dự, gồm nhiều bệnh nhân trên xe lăn hay xe cáng. Tuy nhiên chỉ có một số nhỏ được Hội Đồng Y Khoa Quốc Tế tại Lộ Đức gồm cả bác sĩ ngoài công giáo chứng nhận là bệnh nhân được khỏi bệnh một cách lạ thường, mà không giải thích được về phương diện khoa học. Trưòng hợp mới nhất được khỏi bệnh cách lạ thường là nữ tu Luisina Traversso được Hội Đồng Y Khoa Quốc Tế chứng nhận theo thư của Giám mục Jacques Perrier tại Lộ Đức gửi 10-02/2012.

Ước muốn được chữa lành trong buổi cầu nguyện Thánh linh với việc ‘té ngã’.

Phong trào Thánh Linh Công Giáo sau Công Đồng Vaticanô II đã giúp khơi dậy ước muốn cầu nguyện: cầu nguyện để ca tụng, tạ tội và tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện để xin ơn gồm việc xin cho được khỏi bệnh phần xác và tình thần. Trong những buổi cầu nguyện Thánh Linh xin được khỏi bệnh, người ta xin nhóm cầu nguyện cho mình. Những người trong nhóm cầu nguyện yên lặng hoặc lớn tiếng cho đương sự. Họ còn cầu nguyện bằng tiếng lạ cho đương sự, rồi đặt tay trên đầu, trên vai, trên lưng của người xin cầu nguyện. Việc đặt tay có tác dụng tâm lí là giúp ủng hộ tinh thần cho người xin cầu nguyện. Bình thường thì người lãnh đạo nhóm là linh mục tổ chức buổi cầu nguyện xin ơn chữa lành. Buổi cầu nguyện xin ơn chữa lành gồm có việc đọc Thánh Kinh, ca hát, cầu nguyện ca tụng Thiên Chúa, cầu nguyện chung cho mọi người hiện diện. Sau đó ai muốn được cầu nguyện riêng cho ý chỉ nào thì đến trước linh mục hướng dẫn để được đặt tay cầu nguyện cho.

Dù được khỏi bệnh hay không thì mục đích của nhóm cầu nguyện Thánh Linh xin ơn chữa lành là họ muốn tụ họp lại cầu nguyện để ca tụng, tạ ơn, tạ tội và cũng để giúp nhau duy trì đức tin tập thể của nhóm và ủng hộ nâng đỡ tinh thần của nhau khi vui cũng như khi buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại, ‘khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh nạn cũng như lúc mạnh khoẻ’(Lời hứa nghi thức hôn phối).

Hiện tượng té ngã là do yếu tố tâm lí

Trong buổi cầu nguyện đặt tay xin ơn chữa lành, người trong cuộc cũng như ngoại cuộc chứng kiến hiện tượng té ngã. Bình thường thì khi đứng trong lúc tỉnh trí, người ta dùng nhãn quan phối hợp với thần kinh, gân cốt, bắp thịt để giữ cho thân người được thăng bằng. Tuy nhiên khi nhắm mắt lại và tâm trí chỉ muốn được chữa lành, nên phó thác theo chỉ thị của người huớng dẫn. Khi người ta đứng đó nhắm mắt lại phó thác, mà người hướng dẫn chạm vào trán thì tự nhiên thân người nghiêng về đàng sau một chút. Nếu người hướng dẫn đẩy mạnh thì người xin cầu nguyện càng dễ nghiêng về phía sau ra khỏi trọng tâm, nếu không chủ ý chống cự. Và như vậy người trong nhóm phải giàn xếp để đỡ cho người đó nằm xuống sàn nhà.

Xét về phương diện tâm lí thì nếu người xin được đặt tay cầu nguyện, mà không té ngã – như người ta đã thấy trong những buổi cầu nguyện đặt tay xin ơn chữa lành – thì sợ những người hiện diện cho là họ cứng lòng tin, hay không muốn được khỏi bệnh. Vì thế trong thâm tâm, họ muốn được té ngã. Sở dĩ người xin được đặt tay cầu nguyện té ngã là vì họ biết rằng có người đứng sau sẵn sàng đỡ lưng họ. Nếu không thì khó mà té ngã được, trừ khi trượt chân hay vấp phải chướng ngại vật. Thêm vào đó, trong buổi cầu nguyện xin ơn chữa lành, thường linh mục hướng dẫn cho đặt Mình Thánh Chúa trên bàn thờ hay rước đi theo trước mặt từng người. Cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa uy linh, quyền năng cao cả, và nhận ra thân phận yếu hèn và tội lỗi của mình, người ta dễ nảy sinh ra lòng thần phục, suy tôn và kính sợ – khác với sợ hãi – khiến tay chân ra bủn rủn, nên càng khó chống đỡ khi nghiêng mình và do đó dễ té ngã. Rồi khi muốn xin ai một ân huệ gì, người ta phải đặt mình vào thế yếu và bày tỏ nhu cầu thiếu thốn cần được giúp đỡ. Muốn xin Chúa chữa khỏi bệnh, người ta cũng phải nhận mình yếu hèn, bất lực. Do đó tâm thức xui khiến đến việc té ngã. Ý thức rằng té ngã là ở trong thế yếu nên cần được cứu chữa. Những người té ngã thường là những người mang bệnh về thể lí hay tâm lí như bệnh thần kinh, nên muốn được chữa lành. Vì thế trong bầu khí của buổi cầu nguyện xin chữa lành, có những người té ngã mà không do người hướng dẫn đặt tay, động vào trán.

Như vậy hiện tượng té ngã nên được giải thích theo lí do tâm lí tình cảm thì thích hợp hơn. Tuy nhiên việc té ngã, xẩy ra trong buổi cầu nguyện Thánh linh, nên người trong cuộc cho rằng việc té ngã là do tác động của Thánh thần. Qui việc té ngã về lí do tâm lí thì mới giải thích được tại sao có những người đặt tay cầu nguyện cho người này, khiến họ không té ngã, mà khi đặt tay trên người khác cầu nguyện thì khiến họ té ngã? Thưa rằng khi người ta có cảm tình, hoặc nể phục người nào thì người ta dễ cảm động và đồng cảm trước những lời cầu nguyện hay cách thế cầu nguyện của người đó và do đó dễ đưa đến việc té ngã. Nếu nói rằng việc té ngã là do yếu tố tâm lí tình cảm, thì ai đã đặt ra nguyên tắc tâm lí đó? Nói cho cùng thì chính Thượng Đế đã đặt để nguyên tắc tâm lí vào tâm khảm loài người, cũng như chính Thượng Đế đã đặt để những định luật vật lí, khoa học, những phương trình hoá học, những công thức toán học .. vào trong vũ trụ. Và nếu có hiện tượng té ngã, thì cũng có hiện tượng ‘xuất thần’. Lại có hiện tượng chết ngất đi khi gặp đối tượng làm người ta sợ hãi thất kinh. Còn gặp chuyện vui mừng như người mẹ mới sinh con tại Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương Hà Nội mà con bị bắt cóc, rồi được tìm thấy chiều 08 Tháng 11, 2011, khiến bà mẹ mừng rỡ ngất lịm đi, mà nhiều tờ báo tại VN đăng tải. Những hiện tượng như vậy đều do yếu tố tâm lí, tình cảm đưa đẩy.

Hiệu quả của thuốc vờ và hiệu quả do sự nâng đỡ tinh thần của nhóm cầu nguyện

Có những trường hợp chẩn bệnh, bác sĩ không tìm ra bệnh thể lí, nhưng bệnh nhân cứ nghĩ rằng họ mang bệnh và cứ đòi xin thuốc uống. Do đó có những bác sĩ cho họ uống loại thuốc ‘vờ’, mà Anh-Pháp ngữ gọi là ‘Placebo’, có nghĩa là ‘tôi sẽ làm hài lòng’ trong ngôi thứ nhất số ít ở thì tương lai, do nguyên tự La ngữ Placere trong thể vị-biến cách mà ra. Dù placebo là loại thuốc vô thưởng vô phạt, không gây tác dụng tốt xấu cho cơ thể, ‘bệnh nhân’ uống thuốc ‘vờ’ với tâm trạng yên trí, hi vọng được chữa khỏi, nên họ nói họ cảm thấy khoẻ hơn. Người té ngã nằm đó, nhắm mắt lại như để thiền, cũng có cảm giác được khoan giãn, làm bớt căng thẳng. Nằm đó để chiêm niệm trong bầu khí cầu nguyện linh thiêng cũng cho người té ngã cảm giác được vơi nhẹ những đau đớn về tinh thần, những bức xúc, dồn ép và xung khắc trong cuộc sống, cũng giống hậu quả của thuốc vờ. Được khỏi bệnh một phần nào cũng có thể được cắt nghĩa theo yếu tố tâm lí.

Thêm vào đó khi cầu nguyện cho ai thầm thĩ trong lòng, thì người đó không biết người kia cầu nguyện cho họ thế nào, xin gì cho họ. Còn khi cầu nguyện lớn tiếng thì người được cầu nguyện nghe biết được người kia cầu xin cho mình những gì, và do đó họ cảm thấy được yên lòng và cảm thấy như được trợ giúp, xin cho khỏi bệnh. Có cảm giác được trợ giúp là điều hữu ích cho người mang bệnh. Vì nếu cứ nghĩ rằng mình có bệnh hay lo lắng về bệnh, người ta có thể sinh bệnh hay bệnh ra trầm trọng hơn. Những người đến Lộ Đức cầu xin, dù không được khỏi bệnh, thì đức tin của họ cũng được đổi mới khi họ chứng kiến những bệnh nhân khác cũng như những người giúp đỡ săn sóc họ, biểu lộ đức tin với lòng khiêm tốn và khẩn khoản khi cầu nguyện trước tượng Mẹ Lộ Đức hay trong buổi cầu nguyện/thờ phượng chung tại công trường có đặt Mình Thánh Chúa.

Đến dự buổi cầu nguyện xin ơn chữa lành trong nhà thờ, dưới bầu khí linh thiêng có đặt Mình Thánh Chúa ngự, người mang bệnh tâm lí tình cảm như bệnh thần kinh mà bày tỏ bệnh trạng và được lắng nghe thông cảm, cũng làm vơi nhẹ được những gánh nặng của cuộc sống. Còn người mang bệnh thể lí như ngồi xe lăn hay đi cà nhắc thì cũng muốn được chữa khỏi. Nghe thánh ca và những lời cầu nguyện lớn tiếng cho mình với lòng tin tưởng và tâm tình khiêm tốn khiến con tim người ngồi xe lăn hoặc đi khập khiễng có cảm giác như châm kim vào da thịt hay có luồng điện chạy trong người, làm họ cảm động và do đó tạo ra một cảm giác lâng lâng nhẹ nhàng, từ con tim bốc lên trí óc như muốn lôi kéo thân xác lên. Có những trường hợp người ta thấy người ngồi xe lăn hay đi cà nhắc, được sự khuyến khích và ủng hộ tinh thần cùng với lời cầu nguyện của linh mục hướng dẫn và ban phụ tá, họ dùng sức mạnh nội tại, nhổm dậy và bước đi gần như bình thường. Hiện tượng này giống như đứa bé tập đi mà có sự khuyến khích của ba mẹ giơ tay ra vời đón con, thì bé bước đi được nhiều bước hơn. Còn người được chữa khỏi trong buổi cầu nguyện mà sau này có đi đứng được bình thường không thì đó lại là chuyện khác.

Trong ngành y khoa, có những bác sĩ tẩy chay việc cho dùng thuốc vờ (placebo) vì họ cho rằng làm như vậy là phỉnh gạt ‘bệnh nhân’. Tuy nhiên nếu không cho thuốc vờ, thì những người thường hay có thái độ tiêu cực, hay sợ mắc bệnh, hay lo nghĩ có thể sinh bệnh, nghĩa là lo nghĩ đến phát bệnh. Như vậy thì mặc dầu là thuốc vờ, nhưng cũng giúp cho người ta nghĩ rằng họ có bệnh, được yên tâm mà duy trì niềm hi vọng được chữa khỏi.

Những buổi cầu nguyện xin ơn chữa lành, nếu không giúp chữa khỏi bệnh về phương diện thể lí, thì cũng giúp người bệnh tăng nghị lực tinh thần khi mang bệnh và làm xoa dịu những vết thương lòng trong gia đình, trong đời sống hôn nhân hoặc làm vơi nhẹ những căng thẳng của cuộc sống. Ngoài ra còn giúp duy trì đức tin tập thể nhờ tâm tình chia sẻ khổ đau và được lắng nghe, nhờ lời cầu nguyện và việc ủng hộ tinh thần của linh mục hướng dẫn và của nhóm tham dự. Những buổi cầu nguyện Thánh Linh xin ơn chữa lành cũng giúp duy trì lòng hi vọng tập thể của người tham dự vì còn hi vọng người ta còn cầu nguyện. Hết hi vọng người ta cũng bỏ cầu nguyện.

Không nên khuyến khích hiện tượng “té ngã” trong buổi cầu nguyện thánh linh xin ơn chữa lành.

Phải công nhận rằng những buổi cầu nguyện đặt tay xin ơn chữa lành của Phong trào Thánh linh Công giáo là do ảnh hưỏng của Phong Trào Pentecostal Ngũ Tuần (nghĩa là Năm Mươi Ngày sau lễ Vượt Qua = Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống) thuộc Giáo phái Tin Lành. Công đồng Vaticanô khuyến khích người Công giáo học hỏi cách cầu nguyện của những giáo phái Kitô Giáo khác để xin ơn Chúa Thánh Thần tác động tâm hồn và đời sống. Tuy nhiên Phong trào Thánh Linh Công Giáo không cần phải bắt chước hết mọi cách thế cầu nguyện của Phong Trào Pentecostal Ngũ Tuần, mà phải thanh lọc, đào thải, rồi đón nhận những gì thích hợp với đạo Công Giáo để tạo căn tính Công Giáo trong buổi cầu nguyện Thánh Linh xin ơn chữa lành. Chẳng hạn linh mục Công giáo bận áo lễ trong khi cử hành thánh lễ, mà trong lúc giảng, đi ra khỏi toà giảng, làm những điệu bộ và cử chỉ như nhún vai, nhún đầu gối, nhảy nhót, hò hét thì chắc không thích hợp trong bầu khí thờ phượng rồi. Ngay cả việc bắt chước những cử chỉ, điệu bộ của những nhóm sắc tộc Thánh Linh Công Giáo trong khi cầu nguyện mà văn hoá của họ khác, thì người thuộc những nền văn hoá khác họ, trông vào cũng cảm thấy có vẻ xa lạ.

Theo Hồng Y L.J. Suenens, người Bỉ, một nghị phụ có ảnh hưởng của Công Đồng Vaticanô II và sau này trở thành nhân vật uy tín của Phong trào Thánh Linh Công Giáo, thì trong một khoá họp Công Đồng Vaticanô II, một đại diện được mời của Phong trào Pentecostal Ngũ Tuần là David de Plessis lên tiếng cảnh giác các nghị phụ Công Đồng về những sai lầm của hiện tượng ‘té ngã’ đã gây nhức nhối và phiền hà cho chính họ. Những hiện tượng mà Phong Trào Ngũ Tuần ghi lại bằng những từ ngữ nghe có vẻ được ơn Thánh Thần tác động, như: Resting in the Spirit: An nghỉ trong Thánh thần; Slain in the Spirit: Được Thánh thần chiếm đoạt; Overpowering of the Spirit: Bị đột nhập bởi sức mạnh của Thánh Thần. Thực ra theo một số tác giả như thừa tác viên Anh Giáo John Richard, Linh mục Richard Bain, Linh mục Mahoney, SJ, Linh mục Théodore Dobson, Hồng Y Suenens và một số linh mục khác, thì chỉ là hiện tượng té ngã ngửa (‘backward’ falling phenomenon). Riêng Hồng Y Suenens thì còn đặt nhiều thắc mắc và câu hỏi về hiện tượng té ngã [1] . Theo Ngài kết luận thì phải loại bỏ hiện tượng té ngã ra khỏi lễ nghi phụng vụ vì không nằm trong truyền thống lâu đời của Kitô Giáo. Sau này Linh mục Emiliano Tardiff, Linh mục Richard Bain và một số linh mục khác, không còn khuyến khích việc té ngã trong những buổi cầu nguyện Thánh Linh nữa. Kiểu té ngã ở đây lại là té ngã ngửa, có tính cách nguy hiểm nếu không có ngưỡi đỡ cho nằm xuống.

Vậy nếu trong buổi cầu nguyện Thánh Linh Công Giáo xin ơn chữa lành, mà người hướng dẫn không muốn xẩy ra việc té ngã, thì không nên nhắc đến việc té ngã. Để tránh hiện tượng té ngã trong lúc đặt tay cầu nguyện xin ơn chữa lành thì thay vì để cho người tham dự đứng hoặc quì trên sàn nhà – vì quì trên sàn nhà cũng dễ nghiêng ngả – thì mời họ vào những hàng ghế băng dài, có be dựa lưng và có bàn quỳ để họ có thể ngồi hoặc quỳ hoặc đứng đều có điểm tựa cho chân tay và toàn thân người chống đỡ nếu bị nghiêng ngả. Người hướng dẫn nên nhắc cho tham dự viên tìm chỗ ngồi cho thoải mái vì nếu ngồi gần nhau quá, người ta sẽ khó bày tỏ tâm tình riêng tư và cử chỉ đạo đức cá nhân. Cũng nên giàn xếp để chừa hàng ghế trống trước những hàng ghế có người ngồi để linh mục hướng dẫn và những người phụ tá có lối ra vào mà cầu nguyện cho bệnh nhân.

 Để duy trì căn tính công giáo thì không nên đem việc cầu nguyện chữa lành lồng vào khung cảnh cử hành thánh lễ. Nếu tổ chức buổi cầu nguyện chữa lành trong thánh lễ thì khó tránh khỏi những cử chỉ hay lời cầu nguyện bộc phát có thể khuyến khích những người khác trong nhóm làm theo và dễ đi ra ngoại lệ trong khung cảnh thánh lễ chăng? Rồi trước khi cầu nguyện xin ơn chữa lành mà người hướng dẫn giới thiệu hay chỉ nhắc nhở có thể xẩy ra việc té ngã và trong buổi cầu nguyện người hướng dẫn cho mở đèn mờ ảo, lại còn đề nghị họ nhắm mắt lại, thì tâm trí người tham dự sẽ xui khiến họ đến việc té ngã trong buổi cầu nguyện.

Tâm tình sám hối cần được nhấn mạnh trong buổi cầu nguyện thánh linh xin ơn chữa lành

Trong buổi cầu nguyện xin ơn chữa lành, người hướng dẫn nên cho đọc bài Thánh kinh về lòng sám hối và giúp suy niệm về tâm tình sám hối, dù không phải là buổi cầu nguyện xin ơn sám hối. Khi người tham dự muốn chiêm niệm về quyền năng uy linh cao cả của Đấng tối cao với thân phận yếu hèn, tội lỗi và bệnh tật của mình với lòng sám hối và nhu cầu cần được chữa lành, họ có thể quì gối hay ngồi gục mặt vào thành ghế mà chiêm niệm hoặc sám hối. Sám hối với nước mắt hoặc chỉ sám hối thôi là những giờ phút rất thân mật mà người ta có được với Đấng mà họ tin cậy mến và tôn thờ, làm họ khó quên. Có những người không thể khóc được trước mặt ai, nghĩa là không ai có thể khiến họ khóc, mà họ chỉ có thể khóc được trước Thánh Thể Chúa. Để đề phòng thì ban phụ tá nên mang theo những hộp khăn giấy lau nước mắt, nếu có những người cần dùng. Tâm tình sám hối và nước mắt cũng giúp làm vơi nhẹ những gánh nặng của cuộc sống và xoa dịu những vết thương lòng.

Có những người đến gặp những vị dẫn đàng thiêng liêng. Lúc đầu họ không coi những việc họ đã làm trong quá khứ là sai trái. Khi họ được chỉ dẫn cho, đó là những việc làm mang tội. Và chính họ cũng nhận ra đó là những việc làm tội lỗi, rồi xưng thú tội. Họ cầu nguyện trước Thánh Thể Chúa với lòng ăn năn sám hối để cho nước mắt tuôn trào. Từ đó tâm hồn và đời sống họ cũng thay đổi. Cũng có linh mục kia vào một thời điểm trong đời, quyết định làm cuộc cấm phòng thinh lặng tại một nhà tĩnh tâm ở miền quê. Vào một buổi chiều tối, linh mục đó lẻn vào nhà nguyện một mình, bước lên trước Nhà Chầu có Mình Thánh Chúa ngự, cảm thấy toàn thân người ra bủn rủn, không còn nghị lực đứng thẳng, đầu gối liền quỵ xuống sàn nhà sát bên Nhà Chầu. Trước khi có thể nói lên lời, nước mắt vị linh mục tuôn trào ra lai láng. Dòng nước mắt sám hối đã khiến tâm hồn và đời linh mục đó thay đổi từ đó.

Trong ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (lễ Ngũ Tuần), dân chúng nghe ông Phêrô cùng với mười một tông đồ rao giảng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đã bị đóng đanh trên thập giá và sống lại để chuộc tội loài người, họ liền hỏi: ‘Vậy chúng tôi phải làm gì’ (Cv 2:37). Ông Phêrô trả lời: Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội, và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần (Cv 2:38). Người tín hữu đã được rửa tội, đã xưng thú tội lỗi và lãnh phép Thêm sức. Tuy nhiên họ vẫn cần khơi dậy và duy trì lòng sám hối. Sám hối là sứ điệp mà Đức Kitô rao giảng (Mt 4:17; Mc 1:15; Lc 13:3, 5) và Giáo Hội lập đi lập lại tiếp theo bởi lẽ sứ điệp sám hối thích hợp cho mọi thời đại, mọi hoàn cảnh và mọi lớp người.

Để có được tâm tình sám hối, điều thiết yếu là phải nhìn vào đời sống nội tâm để tìm ra căn nguyên cội rễ của tội như ghen tuông, hận thù, giận ghét, nói hành, nói xấu, bỏ vạ, cáo gian, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, tức bực, kiêu hãnh, gian tham, gian dâm.. Để có được tâm tình sám hối, người ta phải xin cho được ơn biết kính sợ Chúa – không phải sợ mà xa tránh Chúa – nhưng sợ làm mất lòng Chúa. Sám hối khác với mặc cảm tội lỗi. Mang mặc cảm tội lỗi khiến người ta sợ hãi nên xa tránh Chúa. Xưng thú tội lỗi với lòng chân thành và khiêm tốn thì tội được tha thứ, là tội được thứ tha, không cần mang mặc cảm tội lỗi. Tuy nhiên hối nhân cần duy trì tâm tình sám hối để giúp mình cảm nghiệm được tình thương và sự hiện diện của Chúa trong đời sống cá nhân mà vui sống đức tin theo đường lối Phúc Âm. Có được tâm tình sám hối mới giúp mình sống gần gũi với Chúa bằng con tim, thay vì chỉ tin Chúa bằng lí trí. Đối với một số người, có những tội chưa được xưng thú vì chưa dứt bỏ được những vướng mắc về hôn nhân, nhưng với lòng sám hối, ngưòi ta vẫn có thể đặt tin tưởng vào lòng xót thương nhân hậu của Thiên Chúa, mà không phải thất vọng. Như vậy sám hối là điều kiện tiên quyết để sống ơn Thánh Linh, nghĩa là vui sống đức tin trong hoàn cảnh đặc thù và cá biệt của mỗi người. Đến hay được mời đến dự buổi cầu nguyện Thánh Linh xin ơn chữa lành, mà không giúp khơi dậy và duy trì được tâm tình sám hối thì làm sao giúp họ sống tinh thần Thánh Linh? Như vậy canh tân trong Thánh Linh là xin cho được lòng sám hối để có thể canh tân (đổi mới) tâm hồn và đời sống theo những giá trị và đòi hỏi của Phúc âm, chứ không phải chỉ nhắm đi tìm canh tân xin cho được đặc sủng nọ, đoàn sủng kia như ‘đoàn sủng’ nói tiếng lạ [2] , ‘đặc sủng’ té ngã hay xin được khỏi bệnh.

Được chữa lành là do tác động của ơn thánh

Khi có những người nói rằng họ được khỏi bệnh do việc đặt tay cầu nguyện té ngã hoặc không té ngã, thì trong số những vị hướng dẫn buổi cầu nguyện xin ơn chữa lành, có thể có những phản ứng khác nhau. Người hướng dẫn đặt tay cầu nguyện có thể mạo nhận cho rằng họ được đặc sủng chữa bệnh cho người khác. Còn người hướng dẫn hiểu biết và khiêm tốn thì dè dặt cho rằng có thể có những người được ‘khỏi bệnh’ và có những người không được khỏi bệnh. Và nếu có người được khỏi bệnh thì đó là do ơn Thánh thần tác động chứ không phải do người hướng dẫn cầu nguyện chữa khỏi bệnh. Thiên Chúa quyền năng có thể ban cho người nọ người kia ơn chữa bệnh và được khỏi bệnh. Tuy nhiên không phải vì thế mà hễ ai nói họ có ơn chữa bệnh hay được khỏi bệnh trong buổi cầu nguyện xin ơn chữa lành, thì người Công Giáo cũng vội tin.

Tại Lộ Đức, hàng năm có cả hàng triệu người đến cầu nguyện, uống nước suối Lộ Đức, tắm nước suối Lộ Đức với hi vọng được khỏi bệnh. Tuy nhiên chỉ có một số ít người được chứng minh là khỏi bệnh. Tại đây, có toán bác sĩ quốc tế gồm cả người không Công Giáo đã khám nghiệm, cứu xét và đi đến kết luận rằng có những bệnh nhân được khỏi bệnh cách ngoại thường. Rồi khi Giáo Hội muốn phong thánh một người quá cố, cũng đòi hỏi phải có phép lạ do việc cầu nguyện với vị đó như là điều kiện để được phong thánh. Phép lạ do việc cầu nguyện với vị đó cũng phải được điều tra và chứng minh một cách khoa học.

Phải làm sao khi vừa đi nhà thương, vừa gặp bác sĩ, vừa uống thuốc, vừa cầu nguyện mà vẫn không được khỏi bệnh?

Ðược chữa lành khỏi bệnh tật phần xác và tâm thần là một hồng ân và là niềm vui mừng, người ta cần tạ ơn Chúa. Như đã nói trong trường hợp được chữa khỏi bệnh do phép lạ ở Lộ Đức hay được chữa khỏi bệnh do lời cầu nguyện với vị sắp được phong thánh, thì việc được chữa khỏi bệnh, phải được Giáo Hội điều tra một cách cặn kẽ và được nhóm bác sĩ chứng minh là bệnh nhân được khỏi mà khoa học không giải thich được. Còn những trường hợp riêng tư, ai tin rằng họ được khỏi bệnh do phép lạ, thì Giáo Hội không can thiệp, miễn là việc tin tưởng giúp họ cải thiện tâm hồn và đời sống. Còn trường hợp người ta vừa đi bác sĩ, vừa uống thuốc, vừa cầu nguyện với đầy lòng tin tưởng mà bệnh tật vẫn không thuyên giảm, thì phải giải thích thế nào và phải tỏ thái độ ra sao? Thưa rằng khi Ðức Giêsu còn tại thế, Người có chữa bệnh tật của một số ít người, nhưng mục đích chính của việc Ðức Giêsu xuống thế là để chữa bệnh tật linh hồn của loài người. Trước khi Ðức Giêsu xuống thế cứu chuộc, thì tác giả sách Khôn Ngoan đã nhận ra Thiên Chúa là Đấng sáng tạo con người, được trường tồn bất diệt, nhưng vì tội ganh tị của quỉ dữ, mà sự chết đã lọt vào thế gian (Kn 2:24). Do đó Ðức Giêsu đến để phục hồi sự sống cho hồn thiêng loài người bằng cách chết đi cho tội lỗi. Như vậy người ta phải nhận thức rằng mỗi người phải đi qua tiến trình của kiếp sống con người: sinh, lão, bệnh, tử, để người ta có thể chấp nhận những giai đoạn cuối của cuộc đời trong tâm hồn bình an.

Vậy thái độ người tín hữu phải có là khi đau ốm bệnh tật, người ta cần đi bác sĩ và uống thuốc chữa trị và cầu xin cho được khỏi. Tuy nhiên bao lâu người ta còn mang bệnh tật, người ta cần xin ơn để được can đảm và nhẫn nại chịu đựng vì lòng yêu mến Chúa. Người tín hữu chấp nhận đau khổ, bệnh tật không phải như đường cùng không lối thoát, nhưng chấp nhận vì tin yêu và phó thác để được tham dự vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô, với hi vọng được phục sinh với Người.. Chỉ bằng việc chấp nhận như vậy mới đem lại bình an và ơn phúc cho tâm hồn khi phải mang gánh nặng của cuộc sống.

Lm Trần Bình Trọng

 _________

[1]. Xem ‘Một hiện tượng gây tranh luận: Ngây ngất trong Thánh Thần’, trong cuốn: ‘Thánh Thần, hơi thở sống động của Giáo Hội’ do Hồng Y L.J. Suenens. Nguyễn Đăng Trúc chuyển dịch ra Việt ngữ. Định Hướng Tùng Thư xuất bản, 2006..

[2]. Xem ‘Thẩm định việc nói/cầu nguyện bằng ‘Tiếng lạ’ trong Phong trào Canh Tân Thánh Linh’ do Lm Trần Bình Trọng, trong: www.mucvuvanbut.net dưới mục: Bài viết của tác giả trang chủ, phóng lên mạng 29 December, 2009.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.