Cách đây trên hai mươi năm, lúc đó tôi đang làm Chuyên viên Tìm Việc (Employment Specialist) tại sở Xã hội quận Orange, California. Công việc của tôi là giữ một số hồ sơ khoảng hai trăm thân chủ (client, cũng gọi là khách hàng) đang lãnh trợ cấp xã hội (welfare) của Chính phủ, tìm hiểu khả năng của họ, cả vợ cả chồng, sau đó đưa họ đi xin việc làm tại các công ti, xưởng hãng để họ sớm thoát ra khỏi chương trình trợ cấp, sống tự lập như mọi người đang sinh sống trên xứ Hoa Kỳ.
Nói thì giản dị vậy nhưng công việc rất nhiều và phức tạp. Sau khi phỏng vấn và nghiên cứu hồ sơ tìm hiểu khả năng khách hàng, khả năng gồm hai tiêu chuẩn:
– Anh ngữ (English as a second language)
– và tay nghề (skill)
Tôi còn phải tổ chức những khóa học gọi là Employment workshop, hướng dẫn họ cách điền đơn (filling the application) xin việc và trả lời các câu hỏi trong cuộc phỏng vấn (interview).
Đơn này bao giờ cũng bằng Anh ngữ, nếu không có căn bản Anh ngữ hoặc không quen, sẽ thiếu sót khi điền. Chủ nhân cũng đánh giá người xin việc trên 50% là vào tờ đơn này vì vậy tôi phải huấn luyện họ sao cho trơn tru khi điền đơn và phỏng vấn.
Ngoài ra tôi còn là một Job Developer, có nhiệm vụ săn công việc (job hunting) tức liên lạc với các chủ nhân các hãng xưởng trong quận Orange và phụ cận như Los Angeles để biết nơi nào đang có job opening, tức mở job, mướn người làm đặng đưa người của tôi tới xin việc. Tôi phải đọc báo Mỹ hàng ngày và dùng điện thoại liên lạc với chủ nhân các hãng xưởng, 95% là người Mỹ hoặc người ngoại quốc nhưng sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính.
Số công ti, xưởng hãng ở quận Cam lúc đó khoảng trên 40,000 nên công việc tương đối khá nhiều không như ở thời điểm 2009 hiện tại. Quận Los Angeles cũng có nhiều công việc nhưng đa phần khách hàng của tôi không muốn dời chỗ ở lên Los, còn ở Orange đi làm Los thì quá xa (50 miles).
Những chủ nhân này, lúc đó, nếu mướn người đang ăn welfare, chính phủ sẽ cho họ một ít quyền lợi (credit) như bớt thuế lợi tức v.v…nên nhiều chủ nhân thích mướn người của tôi đưa tới. Họ cũng yên tâm vì những người này có Sở Xã hội giới thiệu tức những người hợp pháp cư trú (không phải dân illegal immigrant) và lương thiện (không ăn cắp ăn nảy, làm bậy, khủng bố v.v…)
Những gia đình lãnh trợ cấp dạo đó được khuyến khích đi làm. Nếu làm full time (toàn thời gian, 35-40 giờ/tuần) thì đương nhiên tiền lương làm việc đã vượt qua số tiền welfare chính phủ cho. Hồ sơ lãnh trợ cấp của gia đình đó bị đóng (closed).
Nếu chỉ làm part time, từ 20-30 giờ/tuần, tức lương lãnh chưa bằng tiền welfare, chính phủ cho họ một số phụ cấp tiền mặt và phiếu Y tế vì part time chủ nhân thường không mua insurance cho công nhân (rất tốn).
Tôi rất vui với công việc này vì có thể giúp người đồng hương có việc làm. Việc làm là điều tối quan trọng ở Mỹ. Ngoài đồng hương người Việt, tôi cũng còn giúp đỡ những người Mỹ trắng, Mỹ đen, Mỹ gốc Mễ, Mỹ gốc Miên, Lào tức là những cư dân sống hợp pháp trên xứ Hoa Kỳ để sớm có việc làm (vì họ cũng đang lãnh trợ cấp).
Công việc này tôi làm hơn 20 năm với nhiều thích thú vì hàng ngày, job của tôi là job văn phòng: giao dịch với các chủ hãng (job developing), dạy khách hàng cách săn việc, đi xin việc, và giữ việc lâu bền. Có khi tôi chở họ đi apply, nói với chủ nhân cho họ để chủ nhân mướn họ. Mỗi khi có người được mướn, lòng tôi vui như mở hội gần như chính tôi được mướn khi xưa. Giúp được người có công ăn việc làm nhưng từ việc làm đó, tôi lại được lãnh lương, có tiền để trả tiền nhà, mua xe, làm mọi thứ khác, không vui sao được? Khi làm như vậy thì tôi phải sử dụng Anh ngữ cả ngày, nói, nghe, đọc, viết, suy nghĩ bằng Anh ngữ mà khi ở Việt Nam chưa có thói quen đó. Học thêm Anh ngữ, trau dồi Anh ngữ để làm việc và giao dịch cũng là điều tôi thích vì ở xứ này, kém Anh ngữ là một điều thiệt thòi.
Chính vì thế, khi được kêu đi làm, tôi đã phải bỏ ngang chương trình Kỹ sư điện tử đang học ở Cal State Long Beach chỉ còn semester cuối tức 6 tháng nữa là ra trường. Sở dĩ tôi không tha thiết với mảnh bằng vì dù đậu xong Kỹ sư nhưng lúc đó tuổi đã ngoài bốn mươi, đi xin job không hiệu quả mấy nữa vì chủ nhân các hãng xưởng ở Mỹ, ngoài việc kén chọn các Kỹ sư và thợ có nhiều kinh nghiệm, họ cũng thích những người còn trẻ, sẽ làm cho họ lâu, hơn là người đã “cứng” tuổi, sẽ về hưu sớm. Ngoài ra tuổi trẻ chắc chắn lanh lẹ hơn, khoẻ hơn, mắt tinh hơn là người có tuổi. Chỉ khi nào cần người nhiều kinh nghiệm mà tuổi trẻ không có, chủ nhân mới tìm đến những người cao tuổi (trung niên) hay những người ra trường lâu rồi!
Ngoài ra, để thi vào công việc này tôi đã phải đánh ngã vài, ba trăm thí sinh khác cũng muốn vào như tôi (chỉ có 2 chỗ). Chúng tôi phải qua một kỳ thi viết 100 câu hỏi bằng Anh văn gồm đủ thứ kiến thức (cả toán học) trong đó, khoảng hơn chục đậu cao thi viết sau đó phải vào interview với một panel gồm ba người Mỹ, luân phiên hỏi. Họ đưa ra những câu hỏi khá hóc búa xem ứng viên trả lời thế nào và Anh ngữ cũng như kiến thức và kinh nghiệm về công việc xin làm ở trình độ nào, có hội đủ những điều kiện tối thiểu để làm công việc đó không?
Những ứng viên gốc Á châu thường bị fail (thất bại) vì cách phát âm Anh ngữ (pronunciation), phát âm sai nên người Mỹ không hiểu được mà khi người Mỹ nói, họ cũng không hiểu người Mỹ nói gì? Nhiều vị cao niên người Việt có nhược điểm như thế dù họ có trình độ đọc và viết.
Có những ứng viên người Mỹ rất trẻ có bằng Master degree nhưng họ không đủ kinh nghiệm, ngoài ra Sở Xã hội cũng cần worker phải nói bilingual (song ngữ) tức Anh và Việt, có thêm Pháp ngữ càng tốt vì thỉnh thoảng có khách hàng nói tiếng Pháp.
Qua hai lần interview bởi hai panel, tôi được gọi đi làm vào đầu thập niên 80, lương trả rất khá có đầy đủ benefit (fringe benefit). Vì thế tôi phải bỏ chương trình Kỹ sư điện tử sắp xong. Mấy bạn Việt Nam cùng lớp nói gần ra Kỹ sư rồi, bỏ rất uổng nhưng tôi nói tôi biết là uổng nhưng cái job này vừa kiếm tiền được vừa giúp đỡ đồng bào ăn trợ cấp có việc làm, đó là sở nguyện của tôi, tôi không muốn bỏ. Sau này, nếu muốn hoàn tất chương trình Kỹ sư, đâu có thiếu cơ hội, học correspondence (học bằng e-mail, thư) với trường Đại học Phoenix cũng sẽ xong, không khó lắm nhưng bỏ cái job này thì khó kiếm. Và tôi đã làm công việc đó trên 20 năm cho đến khi xin nghỉ hưu ở tuổi 68.
Hồ sơ xin việc gồm cả bằng cấp đậu ở Việt Nam và Hoa Kỳ. Như đã nói, tôi đang là Sinh viên semester cuối Cal State Long Beach University, Ca; tôi cũng đã đậu AA degree trường Đại học Orange Coast College, một trường nổi tiếng về dạy giỏi rất có uy tín và sinh viên lúc nào cũng đông hơn các Đại học Cộng đồng khác trên nước Mỹ. Cấp bằng Cử nhân Văn khoa của tôi do Viện Đại học Sàigòn cấp năm 1965 được chuyên viên dịch ra và lượng giá. (nên khi học tôi được miễn một số Chứng chỉ).
Nhờ đang làm Cố vấn hướng nghiệp cho Hội USCC quận Cam và thành tích đưa người đi làm khá cao (placement), tôi đã được mướn như một Chuyên viên Tìm việc (Employment Services Specialist) và đi làm ngay. Sở làm và nhà tôi chỉ cách nhau gần 2 miles, một điều rất hiếm quí ở Mỹ. Giờ làm bắt đầu 7 giờ nhưng 6 giờ tôi đã dậy. Tắm rửa và cà phê cà pháo như thói quen, 7 giờ thiếu 10 tôi lấy xe ra vẫn đúng giờ vì đường vắng chỉ lái có 5 phút. Hai người Mỹ đồng nghiệp cùng sở với tôi, hai ông bà ở Riverside, mỗi ngày đi về 100 miles cũng như anh bạn Việt gần nhà tôi, đi làm Social Worker ở Los Angeles, mỗi ngày đi về khoảng 110 miles. Họ thay máy xe đều đều.
Người khách đặc biệt
Bữa đó tôi nhận được một hồ sơ đặc biệt của một khách hàng đặc biệt mới từ Việt Nam qua. Anh này tên Lê văn H.,36 tuổi, vượt biên cùng với vợ và hai con, đứa 6 tuổi, đứa 3 tuổi.
Anh đã ở Pulau Bidong (Indonesia) hơn một năm rồi mới được sang đây. Khi còn ở Việt Nam, anh có nghề sơn nhà nhưng nếu muốn tiếp tục làm nghề ấy, anh phải vào Đại học cộng đồng học vài ba khóa painting, trường cấp Chứng chỉ sau khi anh đã thực hành và thi Test với các bạn cùng lớp, sau đó đi xin việc ở các công ti chuyên về construction (xây cất) người ta mới mướn.
Anh ngữ của anh quá kém không thể vào các lớp dạy nghề, lúc đó anh đang theo học một lớp Anh ngữ (English as a second language) phải vài năm may ra mới hiểu chủ nhân nói gì. Anh nói với tôi xin cho anh một công việc phụ bếp hay bồi bàn ở các tiệm ăn, quán phở v.v…
Buổi chiều đó, tôi gửi giấy mời anh lên cho tôi gặp để bàn về việc đi kiếm job làm vì chương trình welfare đôn đốc mọi chủ gia đình phải gắng sức kiếm việc với sự trợ giúp của tôi là Chuyên viên tìm việc.
Tôi tiếp anh H. tại văn phòng của tôi. Bàn làm việc của tôi ngay sau lưng có cửa sổ, đèn neon sáng trưng, ghế phía trong là tôi ngồi, hai ghế phía ngoài dùng cho khách hàng. Anh H. chỉ lên một mình vì tôi không cần gặp người vợ anh ta hôm nay.
Sau khi kê khai tên, tuổi, địa chỉ, số phone (để chắc ăn là không lộn với người khác), tôi hỏi anh:
“Anh muốn đi làm công việc gì?”
H. trả lời:
“Thưa chú, cháu có nghề sơn nhà ở Việt Nam. Cháu muốn trở lại cái nghề đó vì cháu không làm được việc gì khác.”
Tôi phải giải thích cho H. hiểu là ở Hoa Kỳ không giống như ở Việt Nam, làm nghề gì cũng phải có Chứng chỉ (Certificate of Achievement) đã được huấn luyện và nhiều nghề phải có Giấy phép hành nghề (Permit) chứ không thể tay vo mà làm được. Chứng chỉ này phải Đại học Cộng đồng hoặc những chương trình huấn nghệ (Vocational Training) cấp phát mới có giá trị. Còn Permit thuộc về chính quyền tiểu bang. Để học những chương trình ấy, phải có đủ tiếng Anh mới hiểu lời thầy giảng và mới thực hành được.”
H. hơi có vẻ buồn:
“Tiếng Anh cháu học hoài không vào chú ạ. Bây giờ phải làm sao?”
Tôi phải an ủi H.:
“Không thiếu những người như cháu. Nhưng đừng nản chí. Khi chú mới đến Hoa Kỳ năm 1975, chú nói tiếng Anh chưa lưu loát ấy là chú đã dạy Anh ngữ từ lớp 10 trở xuống ở Việt Nam. Ở Việt Nam học tiếng Anh không có thực hành vì hiếm người Mỹ, giáo sư Mỹ. Thày trò chỉ học ngữ vựng, văn phạm, đọc và viết, nói rất ít, nên khi gặp người Mỹ thì lúng túng. Sang Mỹ, cái vui nhất là được thực hành tiếng Mỹ với người Mỹ. Ở đây, chú làm việc với cháu và một số người Việt Nam khác, nhưng vẫn có nhiều thân chủ Mỹ cần chú giới thiệu đi kiếm việc làm, vì vậy chú phải sử dụng Anh ngữ như tiếng mẹ đẻ.
Một năm đầu qua Mỹ, chú và con chú cũng phải làm đủ thứ việc lao động. Cắt cỏ, cưa cây, thu dọn vườn tược, trồng hoa, trồng cỏ, đứng chiên cá tôm cho fast food rồi học Anh ngữ bất cứ giờ nào rảnh, sau đó mới kiếm được chân thủ kho kế toán nhưng phải làm việc bằng trí óc, mệt hơn là tay chân vì hàng hóa xuất nhập kho mỗi ngày rất nhiều, nếu lo ra và sai sót thì phiền lắm. Coi có vẻ bớt lao động nhưng không dễ ăn đâu.”
Ngưng một chút, tôi tiếp:
“Ngoài ra, còn một chuyện này nữa. Chú mới nhận lá thư của Sở Y tế quận…”
Tôi mới nói đến đó thì H. cúi đầu xuống, lấy hai tay bưng mặt. Anh ta không khóc thành tiếng nhưng hai vai khẽ rung lên. Tôi tôn trọng nỗi đau đớn của H. nên im lặng, chưa biết phải an ủi anh ta làm sao. Dù người ngoài có yên ủi cái gì chăng nữa cũng thật khó. Phải là người trong cuộc, là bệnh nhân, nạn nhân thì mới hiểu hết được những đau đớn trầm thống đó.
Sự im lặng kéo dài đến hơn 5, 7 phút. Tôi nghe những tiếng nói của cô đồng nghiệp người Mỹ ở phòng bên cạnh đang hỏi han một thân chủ. Tôi cũng nghe tiếng chuông điện thoại reo ở hai phòng cùng dẫy.
Khi H. ngước lên nhìn tôi, tôi thấy mắt anh ta đỏ hoe. Giọng anh ta lạc đi:
“Chú có biết từ ngày khám phá ra bị mắc cái bệnh quái ác này, cháu mất ngủ hoài, ăn cũng ăn để sống thôi, không còn sinh thú gì cuộc đời. Nhiều lúc cháu muốn quyên sinh nhưng thương vợ cháu đầu còn xanh, tuổi còn trẻ và hai đứa con còn nhỏ dại, vợ con cháu đều thương cháu nên cháu phải nhẫn nhục mà sống chứ nếu chỉ một mình cháu thì cháu kiếm tuýp thuốc ngủ uống lâu rồi.”
Tôi an ủi H.
“Thôi cháu à. Cháu chớ có ý nghĩ chán đời. Mỗi người một hoạn nạn, một tai ương, một đau khổ, rất ít giống nhau. Nhưng không ai hoàn toàn hạnh phúc. Hãy can đảm sống nuôi vợ con và nhờ phương tiện dồi dào tại Mỹ mà chữa bệnh…
H. ngắt lời tôi:
“Bệnh này nan y chú ạ. Nó là một thứ ung thư trong máu. Bác sĩ cũng bảo cháu không thể khỏi được hoàn toàn mà chỉ bớt nhờ thuốc men Tây y rất hiệu nghiệm ngày nay. Cháu có đọc thi sĩ Hàn Mạc Tử. Thời đó thuốc men kém hơn bây giờ nhiều, trụ sinh chưa có. Thi sĩ chết lúc còn rất trẻ, hình như mới hai mấy tuổi đầu.”
Tôi tiếp lời H.:
“Đúng như cháu nói. Căn bệnh này ngày nay đã có thuốc chận đứng nó lại không như thời thi sĩ Hàn mạc Tử. Cháu qua được Hoa Kỳ, thế cũng là quý lắm rồi, chẳng hơn nếu cháu còn ở Việt Nam thì còn thê thảm nhiều. Thời đại thi sĩ Hàn mạc Tử, vi trùng phong cùi ăn cụt tay cụt chân, mất mũi, mất miệng trông ghê gớm lắm. Cháu chưa đến nỗi như vậy. Cháu còn may hơn biết bao người.”
H. nói chắc nịch:
“Cháu mà cụt tay, cụt chân như vậy thì bảo đảm với chú, chú sẽ không nhìn thấy cháu đâu.”
Tranh luận, mặt anh ta có vẻ tươi tươi lên, giờ này lại sụ xuống, chảy dài ra. Anh ta nói như kêu van, tôi có cảm tưởng như tiếng kêu từ đáy địa ngục:
“Chú ơi, xin chú đừng nói chuyện cháu bị bệnh này với vợ cháu nhé!”
Tôi trả lời:
“Không. Nói cho vợ cháu biết để làm gì? Đồng nghiệp của chú, chú cũng không nói. Bà Supervisor thì bả đọc hồ sơ, bả biết nhưng chỉ biết vậy, không có hại cho cháu.”
H. tiếp:
“Vì vậy cháu không dám có bạn bè, e chúng tìm ra chúng bảo với vợ cháu. Vợ cháu nó biết thì nó bỏ cháu ngay. Mà hễ nó bỏ cháu thì cháu tự tử liền. Cháu không thiết sống nữa.”
“Chớ làm bậy nhé,”tôi bảo H. “Bất cứ khó khăn nào hãy bàn với chú vì chú là cố vấn hướng nghiệp của cháu. Thôi bây giờ về đi, khi chú kiếm được công việc thích hợp với cháu, chú sẽ gọi cháu. Điều cần là hãy vui vẻ lên, đừng buồn phiền nhé cháu!”
H. chào tôi ra về. Ba ngày sau, H. gọi điện thoại cho tôi nói rằng nếu H. xin được một công việc phụ bếp thì có được không? Tôi liền liên lạc ngay với Sở Y tế quận, quận cũng đã được thông báo về trường hợp của H. Họ nói là, để họ tới tiệm ăn đó nói chuyện với chủ nhân, sẽ cho H. làm những loại công việc gì với bao tay và khẩu trang đeo vào lúc làm việc.
Vậy là đầu tháng sau, H. có công việc part time 30 giờ/tuần, đủ tiêu chuẩn để lĩnh welfare cho hai đứa con nhỏ đã đi học, mẹ chúng đón đưa hàng ngày.
Mỗi tháng H. báo cáo cho tôi và cho người worker kế toán (eligibility worker) về công việc làm của H. có tăng hay giảm, lương giờ tăng hay giảm hay giữ vững bằng lương tối thiểu (minimum wage lúc đó $5.25/giờ).
Bẵng đi 4 tháng, tôi không cho hẹn gặp vì không cần gặp H., thân chủ đã có việc làm bán thời gian. Một buổi sáng, tôi nhận một cú điện thoại, đầu giây là một phụ nữ. Tôi hỏi tên, chị nói chị là…Ta tạm gọi là Oanh, vợ của H., muốn xin một cái hẹn với tôi. Tôi hỏi chị gặp tôi có chuyện gì? Chị nói để chị gặp mới nói được. Tôi sắp cho chị 3 rưỡi chiều hôm sau, sau khi đã đi đón con từ trường và chị đã đến.
Điều đầu tiên tôi nhìn thấy nơi chị là một bên má bị sưng và tím lại, hai mắt thâm quầng. Sau khi bảo chị ngồi, chị sụt sịt kể:
“Thưa worker, cháu biết worker giữ hồ sơ vợ chồng và hai đứa con cháu vì có lần chồng cháu về nói với cháu, worker giúp đỡ gia đình cháu rất nhiều. Chồng cháu đi làm được 4 tháng rồi, gia đình vẫn êm ấm bình thường nhưng cách nay một tuần, chồng cháu tự nhiên lên cơn điên rượt đánh cháu khi cháu lỡ lời nói một câu làm anh không vừa lòng.
Kể từ hôm đó, ảnh lên cơn hoài, cháu chẳng biết làm sao nên đến cầu cứu với worker.”
Tôi nói:
“Cám ơn cháu đã cho chú biết sự việc. Chồng cháu là người tốt nhưng có tính nóng. Cháu nên lựa lời mà nói.”
“Thưa chú, từ xưa từ lúc chúng cháu làm đám cưới ở Việt Nam, rồi vượt biên qua đảo, ảnh không có thái độ thế. Nếu ảnh như thế thì cháu đâu có lấy…”
“Con người thay đổi tính tình là vì hoàn cảnh. Có thể công việc làm nhiều căng thẳng (stress) khiến anh ta đâm khó tính. Thôi cháu cố nhịn nhục cho gia đình êm ấm. Cháu chỉ lo nội trợ và đưa đón con đến trường, anh ta phải kiếm tiền, lo làm chu toàn cái job. Vợ nhịn nhục chồng một chút thì có sao đâu cháu?”
Chị Oanh giọng chắc nịch:
“Cháu lấy anh ấy đã quá khổ rồi nhưng cháu vẫn chịu đựng. Nếu anh ấy đánh cháu một lần nữa là cháu đi ngay. Chú làm ơn gọi anh ấy vào văn phòng khuyên nhủ dùm cháu. Nọ nay đánh cháu hai lần rồi!”
Tôi phải lựa lời:
“Ừ, để chú gọi H. vào dặn dò không được cư xử với cháu như vậy nữa. Phần cháu, cháu cố gắng bỏ qua cho êm nhà êm cửa nhé cháu. Thôi cháu về đi!”
Vợ H. về rồi, tôi vẫn còn nghĩ về trường hợp của H. Khi tôi mới khoảng 5, 6 tuổi, nghe các người lớn trong nhà như bố mẹ, chú bác nói chuyện với nhau, những bệnh nhân phong cùi ban đêm vi trùng nó ăn mòn cơ thể, đau đớn lắm và vì vậy có người không chịu được, nổi điên lên. Những ngón tay, ngón chân, mũi, môi và nhiều nơi khác bị ăn cụt dần, da thịt sưng tấy lên, nhức nhối đau đớn lắm. Thi sĩ Hàn mạc Tử đau đớn như thế lại bị người yêu là Mộng Cầm bỏ, thành ra nhà thơ chán sống! H. tuy có thuốc trụ sinh do quận chích cho định kỳ nhưng làm sao hết hẳn được? Đó là lý do H. nổi điên rượt vợ.
Khi tôi nói chuyện bệnh cùi ở Mỹ, một đồng nghiệp người Mỹ bảo tôi:
“Ở Mỹ vẫn có người cùi, có nhiều người cùi ta gặp ngoài đường mà không biết. Người cùi ở Mỹ không bị tập trung vào từng làng, từng khu như ở nhiều nước khác. Nhờ có trụ sinh, thứ thuốc quí chận đứng được sự phát triển của vi trùng cùi nên không có người què cụt nhưng tuyệt nọc thì chưa!”
Tôi thông cảm với H. và thương H. Mấy ngày sau, tôi điện thoại ra Restaurant nơi H. làm việc xin nói chuyện với H. Tôi cho H. cái hẹn đến gặp tôi, tôi định sẽ dùng lời lẽ nhẹ nhàng khuyên nhủ H. để đừng vì “khó chịu trong người” mà hành hung vợ. Tôi chắc anh ta sẽ nghe lời tôi!
(Đây là chuyện có thực).
Xuân Vũ Trần Đình Ngọc
Quà Văn Nghệ
Quà Tết Canh Dần (2010) cho thân hữu và gia đình
không gì bằng những tác phẩm mới xuất bản sau
đây của Nhà Văn Xuân Vũ Trần Đình Ngọc:
-Tập Truyện ngắn Tình Mẹ Con
17 Truyện, 356 trang, $US17 + Bưu phí ($4)
-Tập Thơ Nắng Quê Hương
Gần 300 bài Thơ (nhiều bài song ngữ Việt-Anh)
Ca tụng Quê hương, Tình yêu và Thơ vui v.v…
-Tập Thơ Phụng Vụ Sau Giờ Kinh Chiều
trên 200 bài Thơ, nhiều bài song ngữ
(tiện cho giới trẻ VN ở Hoa Kỳ), sách tặng (không bán)
Xin liên lạc để lấy sách hoặc gửi bưu phí về đ/c dưới.
-Truyện Dài tị nạn tâm lý, xã hội Bọt Sóng (còn rất ít)
2 tập, 665 trang, cả bộ $26+bưu phí
Xin liên lạc: e-mail: ngocdtran@gmail.com
hoặc thư về Julie Tran 10412 Circulo De Juarez
Fountain Valley, CA 92708 e-mail: Julie.nb.tran@gmail
Views: 0