Uncategorized

Người Nữ Thánh Thể

Mẹ Maria được ngài gọi là "Người Nữ Thánh Thể", một tước hiệu mới lạ nhất về Mẹ được ngài diễn giải rất sâu xa thấm thía  liên quan đặc biệt đến biến cố Thăm Viếng như sau:

 

Mẹ Maria được ngài gọi là "Người Nữ Thánh Thể", một tước hiệu mới lạ nhất về Mẹ được ngài diễn giải rất sâu xa thấm thía  liên quan đặc biệt đến biến cố Thăm Viếng như sau:

 

53.       Nếu chúng ta muốn tái nhận thức mối liên hệ sâu xa giữa Giáo Hội và Thánh Thể nơi tất cả nguồn phong phú của nó thì chúng ta không thể bỏ qua Mẹ Maria, là Mẹ và là mô phạm của Giáo Hội. Trong Tông Thư Rosarium Virginis Mariae, Tôi đã cho thấy Ðức Trinh Nữ Maria là vị tôn sư của chúng ta trong việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô, và trong các mầu nhiệm ánh sáng, Tôi đã bao gồm cả việc thiết lập Thánh Thể (102). Mẹ Maria có thể hướng dẫn chúng ta đến bí tích chí thánh này, vì chính Mẹ có một liên hệ sâu xa với bí tích ấy.

 

Thoạt nhìn thì hình như Phúc Âm không nói gì đến vấn đề này. Trình thuật về việc thiết lập Thánh Thể vào đêm Thứ Năm Tuần Thánh không hề đề cập đến Mẹ Maria. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Mẹ đã hiện diện giữa các vị Tông Ðồ, những vị “đồng tâm nhất trí” (cf Acts 1:14) nguyện cầu nơi một cộng đồng tiên khởi qui tụ lại với nhau sau khi Chúa Kitô Thăng Thiên để mong chờ Thánh Thần Hiện Xuống. Mẹ Maria chắc chắn phải có mặt ở những lần cử hành Thánh Thể của thế hệ Kitô hữu tiên khởi, thành phần sốt sắng “với việc bẻ bánh” (Acts 2:42).

 

Thế nhưng, ngoài việc Mẹ thông phần vào bữa tiệc Thánh Thể, một hình ảnh gián tiếp khả dĩ về mối liên hệ giữa Mẹ với Thánh Thể, bắt đầu bằng việc sửa soạn nội tâm của Mẹ, Mẹ Maria còn là một “người nữ của Thánh Thể” suốt cuộc đời của Mẹ. Giáo Hội, nhìn lên Mẹ Maria như mô phạm của mình, cũng được kêu gọi để bắt chước Mẹ trong mối liên hệ giữa Mẹ và mầu nhiệm chí thánh này.

 

54.       Mysterium fidei! Nếu Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin hoàn toàn vượt trên sự hiểu biết của chúng ta, đến nỗi đòi chúng ta phải hoàn toàn tin tưởng vào lời Chúa, thì không còn ai như Mẹ Maria đã tác hành để nâng đỡ và hướng dẫn chúng ta trong việc dọn mình này. Khi lập lại những gì Chúa Kitô đã làm ở Bữa Tiệc Ly theo lệnh truyền của Người: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thày!”, chúng ta cũng chấp nhận lời mời gọi của Mẹ Maria trong việc mau mắn vâng lời Người: “Hãy làm theo những gì Người bảo” (Jn 2:5). Bằng cùng một mối quan tâm từ mẫu được Mẹ tỏ ra ở tiệc cưới Cana, Mẹ Maria dường như muốn nói với chúng ta rằng: “Ðừng ngần ngại; hãy tin tưởng vào những lời nói của Con Mẹ. Nếu Người có thể biến nước thành rượu thì Người cũng có thể biến bánh và rượu thành mình và máu của Người, để rồi, qua mầu nhiệm này, Người trao tặng cho các tín hữu việc tưởng niệm sống động về cuộc vượt qua của Người, hầu trở thành ‘bánh sự sống’”.

 

55.       Ở một nghĩa nào đó, Mẹ Maria đã sống đức tin Thánh Thể của Mẹ thậm chí ngay cả trước việc thiết lập Thánh Thể, ở chính sự kiện là Mẹ đã cống hiến cung long trinh nguyên của Mẹ cho việc Nhập Thể của Lời Thiên Chúa. Thánh Thể, dù là việc tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh, còn tiếp nối cả việc nhập thể nữa. Trong biến cố Truyền Tin, Mẹ Maria đã thụ thai Con Thiên Chúa về thể lý mình máu của Người, nhờ đó nơi Mẹ mới thể hiện trước những gì, ở một mức độ nào đó, cũng xẩy ra một cách bí tích nơi hết mọi tín hữu khi họ lãnh nhận mình máu Chúa dưới hình bánh rượu.

 

Do đó mới có một sự tương tự sâu xa giữa tiếng Fiat được Mẹ Maria thưa cùng vị thiên thần và tiếng Amen được mọi tín hữu tuyên xưng khi lãnh nhận mình Chúa. Mẹ Maria cần phải tin rằng Ðấng Mẹ thụ thai “bởi Thánh Linh” là “Con Thiên Chúa” (Lk 1:30-35). Tiếp nối đức tin của Vị Trinh Nữ này, nơi mầu nhiệm Thánh Thể, chúng ta cũng cần phải tin rằng cùng một Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và là Con Mẹ Maria ấy đã hiện diện nơi hình bánh và rượu với tất cả nhân tính và thần tính của Người.

 

“Phúc cho em vì đã tin” (Lk 1:45). Mẹ Maria cũng mong đợi, nơi mầu nhiệm nhập thể, đức tin của Giáo Hội nơi Thánh Thể. Ở biến cố Viếng Thăm, khi cưu mang nơi cung lòng của mình Lời nhập thể, một cách nào đó, Mẹ đã trở thành một “nhà tạm”, “nhà tạm” đầu tiên trong lịch sử, ở đó, Con Thiên Chúa, vẫn vô hình trước con mắt trần gian, để cho mình được bà Isave tôn thờ, khi thực sự chiếu tỏa ánh sáng của Người ra qua ánh mắt và giọng nói của Mẹ Maria. Ánh mắt ngất ngây của Mẹ Maria khi Mẹ chiêm ngưỡng dung nhan của hài nhi Kitô và khi Mẹ ôm ẵm Người trong tay của mình này không phải là một mô thức yêu thương khôn sánh tác động chúng ta mỗi lần chúng ta lãnh nhận Thánh Thể hay sao?

 

56.       Mẹ Maria, trong suốt cuộc sống của Mẹ ở bên Chúa Kitô chứ không phải chỉ ở trên đồi Canvê, đã sống chiều kích hiến tế của Thánh Thể. Khi Mẹ mang con trẻ Giêsu lên Ðền Thờ Giêrusalem “để hiến dâng Người cho Chúa” (Lk 2:22), Mẹ đã nghe vị lão thành Simêon loan báo rằng con trẻ của Mẹ sẽ trở thành “một dấu hiệu xung khắc” và lòng Mẹ sẽ bị một lưỡi gươm đâm thâu (x Lk 2:34-35). Thảm trạng về cuộc tử giá của Con Mẹ như thế đã được nói trước, và ở một nghĩa nào đó việc Mẹ Maria đứng dưới chân Thập Giá Mater Stabat đã được tiên báo. Trong cuộc sửa soạn hằng ngày đứng dưới chân thập giá ở đồi Canvê, Mẹ Maria đã cảm nghiệm được một thứ “ngưỡng vọng Thánh Thể”, có thể nói là “một cuộc hiệp thông thiêng liêng” của ước muốn cũng như của việc tế thần là những gì sẽ đạt đến tuyệt đỉnh trong việc Mẹ hiệp với Con Mẹ nơi cuộc khổ nạn của Người, và rồi sau khi Con Mẹ Phục Sinh còn được thể hiện qua việc Mẹ tham dự Thánh Thể do các vị Tông Ðồ cử hành để tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn ấy.

 

Mẹ Maria thật sự cảm thấy ra sao khi Mẹ nghe phát ra từ môi miệng của Thánh Phêrô, Gioan, Giacôbê cũng như các vị Tông Ðồ khác những lời đã được thốt lên trong Bữa Tiệc Ly: “Này là mình Thày sẽ hy hiến vì các con” (Lk 22:19)? Thân mình được hiến ban cho chúng ta và hiện thực dưới các hình thể bí tích cũng là chính thân mình đã được Mẹ thụ thai trong cung lòng của Mẹ! Ðối với Mẹ Maria, việc lãnh nhận Thánh Thể cần phải có một nghĩa nào đó là việc đón nhận một lần nữa vào lòng Mẹ trái tim đã từng đập cùng một nhịp với trái tim của Mẹ và là việc sống lại những gì Mẹ đã cảm thấy dưới chân Thập Tự Giá.

 

57.       “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lk 22:19). Trong việc “tưởng niệm” biến cố đồi Canvê tất cả những gì Chúa Kitô đã hoàn thành bằng cuộc khổ nạn và tử giá của Người đều được hiện thực. Bởi thế, tất cả những gì Chúa Kitô đã làm với Mẹ của Người vì chúng ta cũng được hiện thực nữa. Người đã trao phó cho Mẹ người môn đệ yêu dấu, và nơi người môn đệ này, mỗi một người chúng ta: “Này là con Bà!”. Người còn nói với mỗi một người chúng ta rằng: “Này là Mẹ của con!” (cf Jn 19:26-27).

 

Vấn đề cảm nghiệm được việc tưởng niệm cuộc tử nạn của Chúa Kitô nơi Thánh Thể cũng có nghĩa là tiếp tục lãnh nhận tặng ân này. Nó có nghĩa là, như Thánh Gioan, chấp nhận vị được ban cho chúng ta một lần nữa như Người Mẹ của chúng ta. Nó còn có nghĩa là dấn thân cố gắng trở nên giống Chúa Kitô, nhập trường học của Mẹ Người và để Mẹ hỗ trợ chúng ta. Mẹ Maria hiện diện, cùng với Giáo Hội và như Người Mẹ của Giáo Hội, ở mỗi cuộc cử hành Thánh Thể. Ðó là lý do tại sao, từ thời xa xưa, việc tưởng nhớ đến Mẹ Maria vốn được bao gồm trong các cuộc cử hành Thánh Thể của Giáo Hội ở cả Ðông lẫn Tây.

 

58.       Nơi Thánh Thể, Giáo Hội hoàn toàn liên kết với Chúa Kitô cùng hiến tế của Người, và có cùng một tinh thần như Mẹ Maria. Sự thật này có thể hiểu được sâu xa hơn khi đọc lại Ca Vịnh Ngợi Khen theo yếu tố Thánh Thể. Thánh Thể, như bài Ca Vịnh Mẹ Maria, là lời chúc tụng và tạ ơn đệ nhất và trên hết. Khi Mẹ Maria than lên: “Linh hồn tôi chúc tụng Chúa và thần trí tôi hân hoan trong Thiên Chúa Ðấng cứu độ tôi”, là lúc Mẹ đã cưu mang Chúa Giêsu trong lòng của Mẹ rồi. Mẹ chúc tụng Thiên Chúa “nhờ” Chúa Giêsu, nhưng Mẹ cũng chúc tụng Ngài “trong” Chúa Giêsu và “với” Chúa Giêsu. Ðó chính là “thái độ Thánh Thể” thực sự vậy.

 

Mẹ Maria đồng thời cũng nhắc lại những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử cứu độ để hoàn tất lời Ngài đã hứa với các vị tổ phụ (x Lk 1:55), và loan báo một kỳ công vượt trên tất cả mọi kỳ công đó là việc nhập thể cứu chuộc. Sau hết, Ca Vịnh Ngợi Khen còn phản ảnh cả chiều kích cánh chung của Thánh Thể nữa. Mỗi lần Con Thiên Chúa lại đến với chúng ta nơi “cảnh bần cùng” của các hình thể bí tích là bánh và rượu thì các hạt giống của một giòng lịch sử mới lại được đâm rễ vào thế giới này, một lịch sử mà kẻ quyền năng “bị hạ xuống khỏi ngai tòa của mình” và “những ai thấp hèn được nâng lên” (cf. Lk 1:52). Mẹ Maria hát lên bài ca vịnh về  “trời mới” và “đất mới” là những gì thể hiện nơi Thánh Thể việc trông ngóng của chúng, và ở một nghĩa nào đó, cả chương trình và dự án của chúng nữa. Ca Vịnh Ngợi Khen cho thấy linh đạo của Mẹ Maria, một linh đạo giúp chúng ta hơn hết trong việc cảm nghiệm thấy mầu nhiệm Thánh Thể. Thánh Thể được hiến ban cho chúng ta để cuộc sống của chúng ta, như cuộc sống của Mẹ Maria, có thể hoàn toàn trở thành một bài Ca Vịnh Ngợi Khen!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/encyclicals/documents/hf_jp-ii_enc_20030417_eccl-de-euch_en.html – những chỗ in nghiêng và mầu là do người dịch tự ý nhấn mạnh.

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.