Tôi sẽ kể cho các bạn nghe những gì tôi chứng kiến và cảm nhận trong đêm Noel đầu tiên ấy. Tôi có thể giới thiệu bằng tên của mình, nhưng tên tôi sẽ không nói lên được gì. Các bạn sẽ thấy gần gũi tôi hơn nếu tôi bảo rằng chính tôi là đứa con gái chủ quán trọ mà ông Giuse và bà Maria đến xin tá túc đêm đó. Năm ấy, tôi độ 7, 8 tuổi.
Tôi đang ở vào lứa tuổi vừa đủ trí khôn để hiểu rằng thế giới người lớn là một thế giới tôi không thể nào hiểu nổi. Cha mẹ tôi suốt ngày bận bịu với những người lạ mặt. Họ đến, ăn uống, ca hát, gây gỗ một vài đêm, rồi ra đi. Cha mẹ tôi nhẹ nhàng tươi cười với họ, kể cả những khi họ tỏ ra thô lỗ cộc cằn. Sau những lần như vậy, cha mẹ tôi lại giận dữ cau có sau lưng họ, và trút lên đầu tôi những bực dọc vô lý đó. Có lần mẹ tôi thấy tôi khóc vì oan ức, bà an ủi tôi bằng cách cho tôi biết rằng cha mẹ cần đến những người ấy vì họ có tiền, cha mẹ cần có thật nhiều tiền để cho tôi vui sống. Tôi không hiểu gì nhiều … Tôi chỉ thấy rằng cha mẹ ít khi tươi cười với tôi, và tôi chẳng có ai để trò chuyện.
Tóm lại từ khi 7 tuổi, tôi đã là một đứa bé hiểu được quá sớm rằng mình đang thiếu một cái gì đó, một cái gì thật căn bản để tạo ra niềm vui trong cuộc sống, và cái gì đó chắc chắn không phải là tiền. Cuộc sống của tôi trôi đều đều như thế cho đến đêm hôm ấy.
Những ngày vừa qua, lữ khách đến quán trọ của chúng tôi tấp nập hơn, xa lạ hơn . Hình như họ đã đổ xô từ khắp nơi về đây. Cha mẹ tôi bận rộn suốt ngày. Cha mẹ tôi càng niềm nở với khách lạ bao nhiêu thì càng gắt gỏng với tôi bấy nhiêu. Vì thế tối hôm đó, tôi lánh mặt trên gác một mình.
Đã hơn 8 giờ tối rồi mà khách lạ vẫn còn tuôn đến. Mẹ tôi dọn cho khách ăn trong nhà, còn cha tôi đứng ở cửa chờ khách. Cha tôi chỉ nhận vào quán trọ những người khách có dáng giàu sang, còn những người có vẻ nghèo hèn thì ông khéo léo xua đuổi. Tôi cảm thấy buồn vô hạn khi nhìn thấy những người khách nghèo cúi mặt quay đi.
Bỗng nhiên tôi chú ý đến hai người nãy giờ đứng thật lâu trong bóng tối. Họ có vẻ nghèo nàn và mệt mỏi. Hình như là hai vợ chồng trẻ, nhưng chỉ có một con lừa cũng mệt mỏi như họ. Có lẽ họ đã đi từ nơi nào xa lắm. Họ do dự một lúc lâu, rồi người chồng bước đến gặp cha tôi. Ông ta nói điều gì đó tôi không nghe rõ. Cha tôi nhìn người khách từ đầu đến chân rồi trả lời:
– Xin cảm phiền nhé, quán tôi hết chỗ rồi.
Người đàn ông đưa mắt nhìn cha tôi với cái nhìn van xin, tay chỉ về phía người vợ, ông ấp úng một câu gì đó. Tôi nghe cha tôi nói tiếp:
– Tôi rất thông cảm, nhưng không biết làm sao. Vợ ông không đủ sức đi xa hơn nữa, nhưng quán tôi quả thật không còn chỗ.
Tôi muốn chạy ngay xuống và la lên với cha tôi rằng quán vẫn còn chỗ, rằng tôi sẵn sàng xuống bếp ngủ đêm nay, dành phòng cho hai vợ chồng ấy. Nhưng tôi biết có nói cũng vô ích, vì chắc chắn cha tôi sẽ nạt rằng con nít không được xen vào chuyện người lớn.
Người đàn ông không nói thêm gì nữa, nhưng tôi thấy đôi mắt của ông ta long lên trong bóng đêm. Trước cảnh đó, mắt tôi bỗng nhòa đi trong màn lệ, tôi không còn nghe gì, thấy gì nữa. Khi tôi trấn tĩnh lại để có thể nhìn rõ mọi vật, tôi thấy người đàn ông dắt lừa chậm rãi bước về phía chuồng bò. Các bạn phải hiểu là tối hôm đó tôi không tài nào chợp mắt được. Trằn trọc mãi cho tới khuya, tôi khẽ bước xuống giường và lén ra khỏi nhà. Tôi không dám sờ soạng tìm áo lạnh vì sợ gây tiếng động làm cha mẹ tôi thức giấc. Tôi vẫn nhát gan, nhất là trước bóng đêm, nhưng không biết sao đêm nay có một cái gì thúc bách khiến tôi không thể nào nằm yên được. Tôi ra khỏi nhà, lần mò xuống chuồng bò xem hai vợ chồng lúc tối ngủ thế nào.
Nhưng kìa, họ vẫn còn thức, và chuồng bò lại sáng như ban ngày, sáng hơn cả phòng ăn trong quán trọ của chúng tôi. Lạ một điều là trong chuồng bò không có ngọn đèn nào cả, chỉ có một đám lửa rơm sắp tàn. Rồi vẳng nghe ở đâu đó có một loại âm thanh nhẹ nhàng như tiếng suối, như tiếng chim, như tiếng gió vờn trên hoa dại mùa xuân. Một âm thanh tôi chưa bao giờ nghe qua. Ngỡ mình ngủ mê, tôi thử cắn vào tay, vẫn cảm thấy đau. Nhưng sao tôi vẫn không thấy lạnh, cũng không cảm thấy sợ hãi.
Nhìn vào trong, tôi thấy người phụ nữ ngồi bên máng cỏ, trên đó có một cậu bé đang nhắm mắt ngủ yên, bên cạnh, người chồng đưa tay vuốt ve đầu con lừa chăm chú nhìn cậu bé con. Đúng là một cậu bé. Hồi tối tôi đâu có thấy cậu bé này!
Tôi chẳng có thì giờ suy nghĩ, vì cậu bé đã thức giấc. Cậu đưa mắt nhìn mẹ và mỉm cười. Người vợ đưa mắt nhìn chồng, rồi cả hai cũng mỉm cười. Và điều lạ đã xảy ra: con lừa cũng mỉm cười. Tôi cam đoan với các bạn là lừa cũng biết cười, vì rõ ràng tôi nhìn thấy. Chuồng bò như rạng rỡ vì những nụ cười ấy.
Và tôi chợt hiểu rằng sở dĩ cuộc đời tôi u buồn vì chưa hề đón nhận được nụ cười nào như thế. Đồng thời tôi cảm thấy sung sướng, và biết rằng vẫn có những nụ cười chân tình trên cuộc đời này.
Tôi đứng đó thật lâu, rồi im lặng trở về phòng. Cha mẹ tôi vẫn còn ngủ. Chỉ có một mình tôi đang thức trong căn nhà này. Tôi có cảm giác cha mẹ tôi đã ngủ lâu lắm rồi.
Vì ngủ mê, nên không biết rằng có một thứ nghèo đáng sợ hơn nghèo tiền nghèo bạc, đó là nghèo tình thương.
Vì ngủ mê, cha tôi không còn chỗ trong lòng mình để chấp nhận người khác nên ông bảo rằng quán trọ không còn chỗ.
Và chỉ có những người ngoài kia là thức.
Vì thức tỉnh, nên cho dù trong chuồng bò giá buốt họ vẫn có nụ cười trên môi.
Vì họ thức, nên mới đánh thức tôi đêm nay.
Và vì tôi thức, nên tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải đánh thức người khác, bắt đầu từ cha mẹ tôi.
Trần Duy Nhiên – Trích “Chia Sẻ Giáng Sinh"
Views: 0