Uncategorized

Ngủ ngoan nhé, “thiên thần bé nhỏ…bên bờ biển cả”

Nhìn hình ảnh bé Aylan nằm úp mặt ngủ trên bãi biển, như thiên thần bé nhỏ…đang nằm chơi bên bờ biển cả, trong tim tôi bỗng nhói lên lời hát ru dân ca Nam bộ, với giọng ngân vỗ về, não nuột:

“Hãy nín nín đi con, hãy ngủ ngủ đi con.

 Con hời là con hỡi, con hỡi con hời

 Con hỡi con hời. Hỡi con!!!!?”       

Nhìn hình ảnh bé Aylan nằm úp mặt ngủ trên bãi biển, như thiên thần bé nhỏ…đang nằm chơi bên bờ biển cả, trong tim tôi bỗng nhói lên lời hát ru dân ca Nam bộ, với giọng ngân vỗ về, não nuột:

“Hãy nín nín đi con, hãy ngủ ngủ đi con.

 Con hời là con hỡi, con hỡi con hời

 Con hỡi con hời. Hỡi con!!!!?”       

 Có lẽ trước khi ngủ giấc ngàn thu, Aylan đã khóc khi trãi qua nổi sợ hãi lúc chiếc xuồng cao su đưa gia đình con bị lật úp giữa sóng biển mênh mông. Con đã khóc khi nhìn ba cố chống chọi với biển cả, với sóng to gió lớn, ba đã cố hết sức đẩy 2 con lên khỏi mặt nước để thở và các con đã sợ hãi khóc thét lên: ‘Ba ơi, đừng chết" . Nhưng sức người có hạn, ba đã chịu thua trước những đợt sóng lớn hất tung mọi thứ. Sau đó ba đã cố sức lặn sâu xuống để tìm 2 con, nhưng sóng biển mạnh hơn và nhanh hơn đã cuốn các con đi mất. Chỉ trong 10 phút ngắn ngủi, ba hốt hoảng nhận ra rằng ba đã đánh mất tất cả những người thân yêu nhất trên đời (vợ và 2 con trai yêu đấu).

Aylan ơi, hãy nín nín đi con, hãy ngủ ngủ đi con, con hỡi con hời… hãy yên lòng ngủ đi, mẹ và anh con cũng đã ngủ yên giấc rồi chỉ tội nghiệp một minh ba con thất thểu trở về bở biển Turkey, như vừa trãi qua cơn mộng du :

– Tôi còn ao ước gì nữa đâu?Tôi đã đánh mất những thứ quý giá nhất trên đời rồi, tôi còn đi đâu nữa, đi tìm gì nữa?

Hình dung lại buổi sáng cả gia đình con náo nức chuẩn bị ra khơi để đi tìm  một vùng đất hứa, lìa bỏ tổ quốc Syria đang dẫy đầy chiến tranh và hận thù ngút ngàn. Chắc là Aylan hí hửng lắm, mẹ chọn cho con, hay con đã tự chọn cho mình (tuổi lên 3 thường thích tự chọn quần áo mặc cho mình) chiếc áo thun màu đỏ, quần short màu xanh dương, chân mang giày, cũng có vớ xanh đàng hoàng, tất cả đều mới. Nhìn hình chụp con trước lúc ‘ra khơi’ trông con thật bô trai, với nụ cười thật dễ thương và con cũng thật gọn gàng cho 1 chuyến đi xa thật là nhiều hứng thú. Có thể đây là lần đâu tiên con được ra khơi để “Biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông” nhưng con ơi! biển cả cũng có “biết bao hãi hùng” mà chắc con tuy bé xíu cũng đã phải nếm trãi rồi:

“Ra khơi
Chơi vơi, con thuyền trên sóng không nguôi
Bão bùng xô tới xô lui…” (PD)

Những người Việt Nam vượt biển đi tìm Tự Do, cách đây mấy mươi năm chắc cũng thấu hiểu  “hãi hùng” của biển cả đáng sợ biết là chừng nào. Nó là cái giá phải trả cho việc đi tìm Tự Do.

Aylan đã đi, nhưng con không đến được bến bờ Tự Do. Con đã làm tan nát trái tim ba đang lủi thủi đi trên bờ biển vắng để chờ đợi được bồng xác con yêu. Nhưng Aylan ơi, cái chết của con thực sự không uổng phí, hình ảnh Aylan như thiên thần nhỏ nằm úp mặt trên cát biển ngủ ngoan, đã thực sự “gõ cửa tâm hồn nhân ái” của giói chức cầm quyền các nước Âu châu, những con người còn có trái tim nhân loại, hãy mau mở rộng cửa để đón những người tị nạn đáng thương.  Hằng trăm ngàn người tị nạn Trung đông sẽ biết ơn cái chết của con. Vì nhờ đó đã có những thay đổi lớn lao, cánh cửa của nhiều quốc gia đã rộng mở đón dân tị nạn. Cô phóng viên The New York Time đã viết: “Chính bức hình chụp thân xác nhỏ xíu của thằng bé, có đôi má phúng phính và nụ cười vô tội, nằm chết bên bờ biển đã đánh tan thái độ của thế giới: ghẻ lạnh xua đuổi người tị nạn”.

Kurdi lang thang như 1 cái xác không hồn, đúng ra là 1 cái xác chưa chôn, bên cạnh xác vợ con. Anh cứ đi, đi mãi như đến tận cõi vô vọng để tìm lại hình ảnh vợ con, bên tai anh hình như vẫn vang vọng đâu đây tiếng cười con trẻ. Giờ này anh không còn cần gì nữa, anh đi tị nạn là để gây dựng tương lai cho con. Bây giờ vợ chết, con chết, anh nhắm mắt buông xuôi đời mình lủi thủi trở về nguyên quán của anh. Tận trong cõi lòng sâu thẳm, chắc anh đang gào lên “Thượng đề hỡi có thấu, Ngài đang ở đâu? Sao Ngài lại để con bơ vơ, cô đơn một mình giữa đường đời đầy bảo táp, phong ba như thế này?”  Kurdi ơi! tôi thấu hiểu nổi đau tan nát trong lòng anh hiện giờ. Có lẽ từ hôm nay đây anh sẽ cảm thấy:

Một ngày như mọi ngày, đi về một mình tôi
Một ngày như mọi ngày, quanh đời mình chợt tối

Nhưng anh hãy tin đi, vợ con anh trên thiên đàng sẽ phù hộ cho anh vượt qua được cơn đau này, để anh sẽ lại bắt đầu một cuộc sống mới. Điều quan trọng là anh hãy tự hào về đứa con trai nhỏ xíu của mình, nó đã làm được việc lớn: “đánh thức trái tim ngủ yên vô cảm của nhân loại” trong khi nhiều người quyền cao chức trọng chưa chắc đã làm đựợc. Anh hãy nhớ rằng hình ảnh bé Aylan đã là “cứu tinh” cho hằng trăm ngàn dân tỵ nạn đau khổ vất vưởng đi tìm đất sống, nay đã được có nơi dung thân. Aylan “nhắm mắt” lại ngủ yên giấc ngàn thu để có dịp cho nhiều người “mở mắt” tâm hồn, nhìn xuống những nỗi đau thương ngút ngàn của những con người phải đau lòng rời bỏ tổ quốc thân yêu để ra đi tìm lẽ sống. Cách đây mấy mươi năm dân Việt Nam tôi cũng lâm vào hoàn cảnh khốn cùng ấy. Khi chúng ta nguy nan, chúng ta mong muốn mọi người dang rộng vòng tay đón mời. Biết bao trẻ thơ Việt Nam theo cha mẹ đi vượt biển, cuối cùng chỉ còn lại một mình, và đã có bao gia đình tốt bụng đón nhận các em về làm con nuôi, nuôi các em lớn lên ăn học thành đạt trong xã hội… Chúng ta hãy cũng làm như vậy đối với những người đang cần sự giúp đở của chúng ta Nên xin đừng phán xét, đừng nghi ngại khi mở cõi lòng ra với những người khốn cùng “Hằng ngày khi gặp gỡ những con người nghèo khổ, anh chị em đừng quên họ là  những con người, chứ không phải là những con số…mỗi người đều có gánh nặng đau khổ riêng mà nhiều khi tưởng chừng như không vác nổi. Xin anh chị em luôn để ý đến điều đó, hãy ân cần nhìn họ, bắt tay giúp đỡ họ và nhận ra nơi họ là hình ảnh của Chúa Kito, hãy giúp họ phục hồi phẩm giá làm người và giúp họ đứng dậy” (Pope Francis).

Bức ảnh chụp bé Aylan 3 tuổi nằm chết ngoan trên bờ biển gần khu nghỉ dưỡng Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm cả thế giới bàng hoàng, tấm ảnh đã lan truyền cực nhanh, trở thành hình ảnh đại diện cho những hành trình tị nạn đầy khắc nghiệt.  Hình ảnh  ấy đã khiến cả thế giới bàng hoàng, giật mình nhìn lại, chuyện gì đang xảy ra ở vùng biên giới Châu Âu suốt thời gian qua? Liệu đó có phải chỉ là vấn đề của một vài quốc gia ngày ngày phải đối mặt với hàng chục nghìn người tị nạn cố gắng tiến vào Châu Âu, hay đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo mang tính toàn cầu? Bức ảnh chụp Aylan nằm trên bờ biển đã được chia sẻ khắp các mạng xã hội và làm lay động cả thế giới sau khi được đưa lên Twitter. Nó đã lay động hàng triệu trái tim trên toàn thế giới, gây nên một nỗi ám ảnh về số phận của người di cư, thúc giục các nhà chức trách tìm giải pháp chấm dứt tình trạng khủng hoảng nhập cư. Thủ tướng Áo Werner Faymann cho biết đã thảo luận với Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Thủ tướng Đức Angela Merkel, đồng thời đưa ra tuyên bố: “Trên cơ sở nhu cầu hiện tại, trong trường hợp này, Áo và Đức đồng ý cho phép người tị nạn được đi tiếp vào quốc gia mình”. Sau đó Nữ Thủ tướng Đức tuyên bố mở cửa biên giới đón người nhập cư, làn sóng người tị nạn ào ạt đổ vào Đức. The New York Times viết: “mọi người đánh giá bà thủ tướng Đức sẽ đi vào lịch sử như một nhà lảnh đạo kinh tế và chính trị tuyệt vời nhất châu Âu và tuyệt vời nhất nhân loại; nhưng hôm nay bà đang là một thủ lãnh nhân đạo hướng dẫn cả thế giới mở rộng ranh giới đón người tị nạn; Đức quyết định thu nhận mỗi năm nửa triệu người tị nạn” và con số này hiện nay đã được nâng cao thêm. Phụ nữ chúng tôi tự hào có một người nữ lảnh đạo xuất sắc và đầy tình người như bà Angela

Xúc động trước hình ảnh Aylan nằm trên bãi biển, tay xuôi theo thân, úp mặt xuống cát. Nhìn Aylan giống như một thiên thần nhỏ đang say ngủ. Nhưng thiên thần nhỏ sẽ không bao giờ tỉnh lại,  các họa sĩ trên khắp thế giới đã vẽ lại hình ảnh này với đầy sự thương cảm và xót xa, dành tặng những đứa trẻ đã chết trong các cuộc hành trình đi tìm miền đất hứa.

Một họa sĩ Ấn Độ đã đắp bức tượng cát khổng lồ bên bờ biển để tưởng nhớ bé trai Syria bị chết đuối trên đường đi tị nạn. Theo AFP, tác phẩm của họa sĩ Sudarsan Pattnaik được tạo ra bên bờ biển Puri, thành phố Puri, bang Odisha. Tác phẩm tạc lại y hệt hình ảnh cậu bé Aylan Kurdi, 3 tuổi, nằm úp mặt xuống cát, khi bị dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2/9. Bên dưới bức tượng cát là dòng chữ “Tình người bị trôi dạt. Thật đáng xấu hổ”. Bức tượng cát trên là một trong hàng nghìn tác phẩm của các họa sĩ vẽ bày tỏ nỗi xót thương với cậu bé. 

Bé Aylan ơi!, con đã làm tròn sứ mạng của mình “đánh thức trái tim Tình Người” trong nhân loại Những người tị nạn cám ơn con, những người còn trái tim biết rung động và chia sẻ với tha nhân cũng xin cám ơn con vì con đã nhắc nhở họ nhớ lại tâm niệm của mình: “Với người òa khóc vì nỗi đau mà họ đang mang, hãy để bờ vai của mình thấm những giọt nước mắt ấy. Với người đang oằn lưng vì nỗi khổ, hãy đến bên và kề vai gánh giúp”. Bây giờ thì Aylan có thể ngủ yên rồi đó! Bé trai dễ thương với nụ cười hồn nhiên như một thiên thần, để sóng biển rì rào êm đềm sẽ vổ nhẹ vào bờ ru con ngủ như lời ru êm đềm tha thiết của mẹ năm nào: “Ngủ đi con. Hãy ngủ đi con Ngủ đi nhé, ngủ ngoan nhé… trong giấc mơ con thiên thần”.

Aylan ơi! Dáng con nằm chết, như thiên thần ngủ ngoan bên bờ biển sẽ là nỗi xấu hổ cho những con tim còn “thờ ơ, lạnh lùng” trước nổi đau của tha nhân. Nó cũng là lời nhắc nhở mọi người Hãy sống tử tế, sống tốt với người gặp gian nan…đừng để mọi chuyện trở nên muộn màng rồi hối tiếc như hình ảnh cái chết của bé Aylan. “Thế giới này chỉ thực sự thay đổi khi chúng ta sẳn lòng giúp đở, làm điều tốt…với những người, mà ta biết họ không thể ‘đền đáp’ lại chúng ta”. ( Pope Francis)

 

Phượng  Vũ

 

 

 

 

 

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.