Có 5 thứ ngôn ngữ tích cực làm tôn vinh và nuôi dưỡng tình yêu của một đôi tình nhân, hay một cặp vợ chồng, như sau:
1. Những lời nói khẳng định. ( Words of Affirmation)
2. Những lời nói khuyến khích. (Encouraging Words)
3. Những lời nói tế nhị. (Kind words)
4. Những lời nói khiêm nhường. (Humble Words)
5. Những lời nói âu yếm. (Touch Words)
Xin mời tất cả chúng ta đi sâu vào từng đặc tính của từng lời nói tình yêu, các bạn nhé!
1. Những lời nói khẳng định (Words of Affirmation)
Những lời nói khẳng định, nhằm khen ngợi chân thành và biết ơn sẽ là thứ ngôn ngữ tình yêu rất mạnh mẽ, trong tình nghĩa vợ chồng. Ví dụ:
-Anh ạ! Anh trông rất đẹp trai khi mặc bộ đồ đó!
-Em luôn cám ơn anh, vì anh đã thu xếp giờ để đi đón con giúp em!
-Em luôn phục anh, vì anh là người chồng có tinh thần trách nhiệm cao đối với vợ con!
-Anh cám ơn em đã nhờ mẹ coi con, để vợ chồng mình có một bữa cơm riêng lẻ tối nay.
-Em yêu! Em có biết em chính là quà tặng đặc biệt mà Đấng Tạo Hóa đã riêng tặng cho anh không??
Vv … và …vv …
2. Những lời nói khuyến khích (Encouraging Words)
Có đa số vợ chồng sống với nhau lâu năm, quá biết nhau, đâm ra khinh thường nhau, rồi đi tới chỗ chồng làm việc gì cũng đều bị vợ chê; vợ làm việc gì cũng không được chồng chú ý tới, sinh ra mỗi người ủ rũ trong một ốc đảo riêng. Đây cũng là mấu chốt giết chết tình yêu, dễ làm tan nát gia đình.
Đi ra ngoài phạm trù gia đình, tiếp cận với các môi trường bên ngoài, như trường học, công ty kinh doanh, chợ búa, shop cắt uốn tóc, tiệm may quần áo …v…v…Ở đâu đâu, và mọi mọi người, ai cũng cần lời nói khuyến khích chân tình của bạn bè, của cấp trên, của cấp dưới quyền mình, để giúp mình vượt qua khó khăn, và thăng tiến trên công việc.
Chị Allision là vợ của anh Keith, chị rất thích viết báo, nhưng chị còn e ngại vì cái tài hèn sức mọn trong lãnh vực văn chương báo chí của mình. Anh Keith rất yêu vợ, và hiểu ý vợ nên anh luôn tìm lời an ủi động viên và khuyến khích vợ hãy cố gắng lên! Và đã có một ngày nọ, anh ôn tồn nói với vợ:
-Này, Allision, em yêu! Anh đã đọc được các bài viết của em đăng trên báo. Gía mà em tập hợp chúng lại, rồi đem cho nhà xuất bản, rất có thể họ sẽ cho in ra thành sách đấy em ạ!
Không ai ngờ nhờ tình yêu nồng nàn và sự khuyến khích rất nhiệt tình của anh Keith mà một thời gian không lâu sau, chị Allision, vợ của anh, đã trở thành một nhà văn nổi tiếng, được nhiều người yêu mến và ngưỡng mộ. Vợ chồng yêu thương nhau, động viên an ủi và khuyết khích nhau, Đấng Tạo Hóa cho tuy hai mà là một. Vì vậy, thành công của chị Allision, cũng chính là thành công của anh Keith.
Nói về việc dạy trẻ con, lời nói khuyến khích của bà mẹ có hiệu quả rất cao:
-Con ạ! Mẹ không có gì vui sướng cho bằng khi mẹ có con là thằng con rất thông minh, học rất giỏi, và nhìn đẹp trai giống y nét của bố con vậy. Nhưng giá mà con cố gắng viết chữ đẹp hơn, đừng bôi xóa làm tập dơ bẩn, con sẽ trở thành một đứa học trò xuất sắc nhất trong trường của con. Hãy tin mẹ, và làm như lời mẹ dạy, nhất định con sẽ thành công.
3. Những lời nói tế nhị (Kind words)
Người thành công trong gia đình và ngoài xã hội thường là người ăn nói rất khéo léo và tế nhị. Họ luôn biết kính trên, nhường dưới, và sẵn sàng chia sẻ khổ đau của người khác bằng vật chất hay bằng nhiều lời nói an ủi ấm nồng phát xuất từ một trái tim chân thành.
Ngược lại, người suốt đời bị thất bại trong mọi môi trường, là người hay nói chuyện với người khác với tính cách như phang ngang chẻ củi, lại vừa cộc cằn thô lỗ, chẳng cần sợ đụng chạm gì tới ai, và làm cái gì cũng nghĩ tới mình trước. Vợ không biết nói lời tế nhị ngọt ngào với chồng, lâu dần về sau sẽ bị chồng chê, chồng bỏ, là cái chắc! Chồng không cho việc thường xuyên dùng lời nói tế nhị với vợ là chuyện rất cần thiết trong đời sống hôn nhân gia đình, coi chừng đến lúc vợ chịu hết thấu, hoặc vợ đi ngoại tình, hoặc chồng bị vợ kéo ra tòa để ly dị!
Do vậy, muốn có một mái gia đình êm ấm, một cuộc sống ái ân đầy lý tưởng, cả vợ và chồng phải luôn biết dùng lời tử tế tế nhị mà nói với nhau. Cũng không nên nhắc tới nhắc lui chuyện không tốt của một thời qua khứ. Hãy để cho quá khứ bị lãng quên. “Luôn nhớ lặp lại câu (I love you), ít là mỗi ngày một lần.” Tổng Thống Reagan viết thư cho Michael khi gần ngày cưới của cậu con cả như thế.
Tha thứ cho nhau không phải là một tình cảm suông, nhưng là một điều cần phải dấn thân, và đó là một sự lựa chọn để tỏ lòng thông cảm (compassion). Người chồng buồn vợ, anh nói ngọt ngào, mà nếu người vợ hiểu biết, vợ sẽ nghe thấm thấu tới xương tủy:
“Anh yêu em. Anh luôn săn sóc cho em và anh đã chọn lựa em để anh yêu và để tha thứ cho em, khi em có sự lầm lỗi. Dầu rằng chuyện mới đây khiến lòng anh hãy còn nghe đau nhói trong con tim! Nhưng anh dứt khoát không để những chuyện đau đớn đó làm mờ nhạt tình yêu của chúng mình. Em là vợ của anh, và cùng anh xây đắp tương lai. Chúng mình có thể tiến lên từ đây. Em đồng ý chứ??”
4. Những lời nói khiêm nhường (Humble Words)
Xin hãy yêu cầu (request). Chứ đừng ra lệnh (demand). Vì khi truyền lệnh, người truyền lệnh sẽ trở nên cha mẹ, hay một nhà độc tài, và người phối ngẫu sẽ cảm thấy trở thành một đứa con nít, hay là một thần dân, tuyệt đối phải tuân lệnh.
Vợ tôi luôn làm cho tôi thoả mãn điều tôi yêu cầu một cách hợp lý và khôn ngoan. Vì nàng yêu tôi. Nàng kính trọng tôi. Nàng thán phục tôi. Và dĩ nhiên nàng muốn làm tất cả để tôi vui lòng. Vì thế, lời yêu cầu của tôi trở nên một khả năng truyền đạt tình yêu, từ tôi qua nàng, và ngược lại. Còn chuyện “truyền lệnh” chỉ được một việc là sẽ làm chết ngạt tình yêu giữa đôi bên.
Cũng có những trường hợp chênh lệch nhau khá xa về tuổi tác, cũng như về kiến thức trong đời sống vợ chồng. Một anh có nhiều bằng cấp, nhiều học vị và được nhiều người biết tới, anh nói chuyện với vợ, nguyên là cô gái chưa từng có một học vị nào cả. Anh đã cưới nàng, như trường hợp vị hoàng tử bỗng một hôm thích cưỡi ngựa đi giọc theo bên bờ suối, và bắt gặp người sơn nữ ngồi giặt khăn lụa ở cuối nguồn:
-Này, em yêu của anh! Nếu là anh, anh không thể nào nướng một con cá nướng trui mà ngon đến thế này. Rồi ngày hôm qua nữa, nồi canh súp do em nấu mới là ngon làm sao!!!
Một cô vợ có chồng vừa nhỏ hơn cô gần 10 tuổi, vừa học kém hơn cô xa lơ xa lắc, nhưng cô yêu chồng và luôn muốn làm cho anh sống với tinh thần hưng phấn và mãi tin tưởng vào tình yêu của cô:
-Anh à, mỗi khi gặp chuyện rắc rối hay làm việc rất mệt mỏi ở công ty, em chỉ muốn chạy về nhà để được anh hôn, và được nằm trên cánh tay ấm nồng của anh. Anh là vòm cây xanh, ban cho em bóng mát. Anh là mái nhà cho em tránh nắng trú mưa. Anh là con tim cho em dòng máu lưu thông dịu hiền và anh chính là nguồn hạnh phúc suốt đời của đời em…
Cả hai câu nói trên, của chồng và của vợ, người ngoài cuộc có thể cho là họ quá thổi phồng vấn đề, và có chút gì đó không thật lòng. Nhưng người trong cuộc, họ biết, họ cần nói thế, và có thể họ sẽ nói một cách khiêm nhường hơn nữa, để làm vui lòng nhau, và giữ gìn hạnh phúc của nhau, thì dù có “thổi phồng vấn đề” đi nữa, cũng là điều rất tốt, và nên thực hiện thường xuyên.
5. Những lời nói âu yếm (Touch Words)
Những lời nói âu yếm được xếp ở hàng thứ 5 trong 5 ngôn ngữ của tình yêu (The 5 love languages), nhưng đây mới là loại ngôn ngữ chính yếu và sáng gía nhất, khi bàn về tình yêu luyến ái, kết hợp hai nên một, đến mà chặt không đứt, bứt không rời giữa vợ và chồng. Vì nguyên gốc của lời nói âu yếm là dành cho việc diễn tả một tình yêu sắt son.
Đã có được những lời nói âu yếm rồi, lại cộng thêm nhiều cử chỉ âu yếm nữa, thì càng tuyệt cú mèo hơn!! Các người đẹp ngang dọc trong làng chơi khét tiếng, nắm bắt việc này rất rõ, nên đã có không biết bao nhiêu đấng anh hùng đành chết tiêu ra ma, do lời nói êm dịu ngọt ngào đi đôi với các cử chỉ âu yếm của các người đẹp chuyên đi buôn hương bán phấn này!
Đàn bà con gái ở bất cứ tuổi nào, nếu không cảnh giác cao, thì càng dễ bị sa vào lưới tình hơn. vì theo nghiên cứu của các nhà tâm lý, khi yêu, trước nhất, người đàn bà con gái yêu bằng hai lỗ tai. Còn đàn ông con trai, trước nhất, họ yêu cái bóng sắc mặn mà duyên dáng của người đàn bà con gái. Cách yêu lớt phớt nào cũng dẫn tới khổ đau, và tràn đầy nước mắt cả. Vậy, tại sao chúng ta không chính chắn trong tình yêu nhỉ ??
Cũng theo các nhà tâm lý, những trẻ em nào được cha mẹ nâng niu âu yếm và hôn hít sẽ được phát triển tình cảm cách lành mạnh hơn các trẻ em bị mất cha mất mẹ. Những cử chỉ âu yếm nhau, đôi khi không cần lời nói, như cầm tay nhau, ôm hôn nhau, nhìn nhau say đắm, và đời sống chăn gối mặn nồng, là nhu cầu cần thiết và rất hữu hiệu nhằm chuyển đạt tình yêu cụ thể cho nhau trong đời sống vợ chồng.
Những ai luôn yêu thích những lời nói êm đềm ngọt dịu cùng những cử chỉ âu yếm, sẽ thường cảm thấy mình bị cô đơn bị trống vắng, khi người bạn đời của họ không yêu thương họ thật lòng, nên không sẵn lòng ban cho họ những gì mà họ hằng mong ước.
Views: 0