Thư mục vụ Giáng Sinh 2010 của Giám Mục Giáo Phận Vinh viết: Bối cảnh tranh tối tranh sáng trộn lẫn giá trị và phi giá trị của xã hội Việt Nam ở thời mở cửa làm cho việc đào tạo con người trở thành một công tác vô cùng khó khăn.
Người xưa nói: dạy chữ để dạy người, nhưng nhà trường ở Việt Nam hôm nay dạy chữ thiếu chất lượng mà dạy cách làm người càng tệ hơn. “Nạn phá thai, ly dị, ma túy, mãi dâm, sự gia tăng cách biệt giầu nghèo, tình trạng bất công, bóc lột, tham nhũng, tàn phá môi sinh… tất cả đang có chiều hướng gia tăng và là những dấu hiệu cụ thể của “nền văn hóa sự chết”. Một số người cho rằng khủng hoảng sâu thẳm nhất trong nền giáo dục hiện nay là khủng khoảng về mặt đạo đức và triết lý giáo dục. Vì vậy giáo hội đề cao vai trò của giáo dân và nhấn mạnh đến sứ vụ của gia đình trong việc đào tạo giới trẻ. “Điều rất đáng mong ước là khi dạy con cái biết sống theo lương tâm ngay thẳng, trong liêm chính và chân thật, thì mỗi gia đình Công giáo trở nên trung tâm các giá trị và đức tính nhân bản, một trường dạy đức tin và đức mến đối với Thiên Chúa” (Số 4).
Một trong những lo âu hàng đầu hiện nay của các bậc cha mẹ là lo chạy trường cho con. Làm sao tìm được trường tốt để con cái được học giỏi, được rèn luyện đạo đức, tránh khỏi các tệ nạn xã hội.
Lễ Thánh Gia, Giáo Hội giới thiệu với chúng ta ngôi trường lý tưởng, một mô hình đào tạo thành công. Đó là Thánh Gia. Tấm gương giáo dục giá trị ở khía cạnh tâm linh tâm lý và tình cảm sống. Thánh Gia đã trở thành ngôi trường kiểu mẫu giúp phát triển con người toàn diện về thân xác, trí tuệ và đạo đức.
Nổi bật nhất là Thánh Giuse, vai trò nguời cha trong giáo dục con cái.
Thánh Giuse, người thầm lặng ít nói, tận tuỵ làm việc. Ðây là một điểm tâm lý hết sức cần thiết của phụ huynh, đặc biệt, của các người cha trong vai trò giáo dục.
Vai trò người cha thật quan trọng kiến tạo hạnh phúc đầm ấm cho mỗi gia đình Công giáo. Gia đình Nadarét có Thánh Giuse làm gia trưởng. Dù Ðức Maria và Chúa Giêsu là những người cao quý hơn thánh Giuse, nhưng Thiên Chúa đã đặt hai ngài dưới quyền Thánh Giuse; khi Thiên Chúa muốn nói gì với gia đình này thì Ngài nói với Thánh Giuse; và hai ngài vâng lời Thánh Giuse như vâng lời Thiên Chúa.
Thánh kinh đã ghi nhận vai trò độc đáo của vị gia trưởng Giuse khi đương đầu với bao phong ba xảy đến cho gia đình.
Với tư cách là chủ, Thánh Giuse đã phải hết sức cực nhọc vất vả vì gia đình của mình. Từ khi nhận Maria về nhà, khó khăn cứ dồn dập xảy tới. Đang bình yên thì có lệnh phải đưa Maria đang mang thai đến thời sinh nở từ Nadaret xứ Galilê đến Bêlem xứ Giuđê theo lệnh kiểm tra dân số của Hoàng Đế Augustô. Cuộc hành trình mà theo đường chim bay đã dài tới 120km, và phải đi bằng phương tiện rất thô sơ của những người nghèo thời đó là một con lừa. Rồi một đêm đông lạnh giá giữa đồng hoang vắng, Maria sinh hạ con trẻ Giêsu trong một chuồng bò lừa. Là chủ gia đình, Giuse phải đau lòng lắm. Con trẻ mới sinh chưa được bao lâu thì lại có lệnh của thiên thần phải đưa cả hai mẹ con trốn sang Ai Cập. Chỉ thẳng đường chim bay từ Bêlem tới biên giới Ai Cập thôi đã phải là 100km. Hành trình chạy trốn lần này quá đổi gian lao. Ở nơi đất khách quê người, Giuse làm việc cật lực để nuôi sống gia đình. Khi tạm ổn định thì có lệnh đưa cả nhà về Nazareth. Tại đây, Giuse làm việc miệt mài và tận tuỵ giáo dục con trẻ Giêsu nên người.
Tất cả những khó nhọc vất vả ấy đòi hỏi Giuse phải có rất nhiều tình yêu và nhiều đức tính mới có thể vượt qua một cách tốt đẹp. Ngài thật là một người đàn ông cao cả và là một người chủ gia đình rất gương mẫu. Thiết tưởng bất kỳ người chủ gia đình nào bắt chước Giuse cũng sẽ làm cho gia đình mình yên vui hạnh phúc. Thường thì hạnh phúc và sự êm ấm trong gia đình tùy thuộc vào người chồng nhiều hơn. Thánh Phaolô khuyên rằng: “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ”. Muốn vợ phục tùng, người chồng cần phải đối xử độ lượng, không cay nghiệt với vợ, biết thông cảm, hy sinh, thường xuyên giúp đỡ vợ trong mọi việc, nổ lực bao bọc che chở vợ mình trong mọi hoàn cảnh. Người vợ có cảm thấy được chồng yêu thương, có cảm phục chồng vì tính quảng đại, cao thượng, bỏ qua mọi lầm lỗi nhỏ nhặt, thì mới dễ dàng phục tùng chồng. Tâm lý chung của mọi phụ nữ là dễ yêu thương những người mà mình nể phục. Làm sao người phụ nữ có thể yêu thương một người mà mình khinh thường vì thấy không có gì đáng nể phục? Do đó, để gia đình hạnh phúc, yếu tố rất quan trọng là người chủ gia đình phải có là lòng độ lượng, bao dung, và tình yêu hy sinh.Có thể nói bản lĩnh, cách hành xử cao thượng, và sự quảng đại trong yêu thương của người đàn ông là nền tảng và là yếu tố đầu tiên cần thiết cho hạnh phúc của cả gia đình. Thiếu nó, gia đình khó có hạnh phúc. Thánh gia rất dễ có hạnh phúc, một phần rất lớn là vì Giuse, người chủ gia đình, có rất nhiều đức tính đáng để Maria kính phục.
Phần đông, nhất là con trai, ít muốn nghe cha mẹ nói nhiều; ngược lại, muốn nhìn thấy cha mẹ, đặc biệt, cha mình làm nhiều. Theo tiến sĩ tâm lý Trần Mỹ Duyệt: Thánh Giuse đã áp dụng tâm lý này một cách hết sức hiệu quả.
1. Giá trị lời nói:
Phần đông phụ huynh mỗi khi nói với con đều nói nhiều và nói dai. Lặp đi lặp lại một vấn đề với quan niệm cho rằng nói nhiều thì sẽ thấm theo kiểu ”mưa lâu thấm đất”, sẽ lọt vào lỗ tai. Nhưng đây là phản ảnh tâm lý tiêu cực, vì hình ảnh nói nhiều của người mẹ hay người cha sẽ chỉ đưa đến một người con ưa nói nhiều và thích nói sau này.
Qua cách thức nói năng với con mình, Giuse và Maria đã để lại cho phụ huynh một bài học tâm lý rất quí báu, đó là cả hai đều nói ít và làm nhiều. Và kết quả là chúng ta thấy Chúa Giêsu sau này cũng phản ảnh tâm lý ấy. Sống ẩn dật 30 năm trong nhà Nazareth và chỉ công khai rao giảng Tin Mừng có 3 năm.
Thánh Giuse tuy không học về tâm lý, nhưng ngài hiểu được ứng dụng của tâm lý về giá trị của lời nói. Ðó là giá trị của lời nói người cha mạnh bằng 5 lần giá trị lời nói của người mẹ. Có lẽ chính vì thế mà ngài thường yên lặng, chỉ nói khi cần phải nói. Trong trường hợp không nói, chắc chắn là ngài đứng sau để hỗ trợ và khuyến khích vợ mình.
2. Cách nói:
Thánh Kinh đã ghi nhận rất ít những câu nói của Giuse và Maria đã nói với con. Nhưng mỗi khi ghi lại, chúng ta đều thấy Maria biểu lộ cách nói của mình qua hình ảnh một người mẹ nhẹ nhàng, từ tốn, và hiểu biết. Biến cố lạc con là một thí dụ: Trước những khó khăn, cực nhọc của hai ông bà suốt mấy ngày đường đau khổ tìm con, khi gặp mặt, Mẹ chỉ nói có một câu: “Này con, sao con làm chuyện này cho cha mẹ. Này cha con và mẹ đau khổ tìm con” (Lc 2,48). Cả Maria và Giuse đều tỏ ra rất bình tĩnh và biết tự kìm hãm. Vẫn biết việc làm của trẻ Giêsu lúc đó là không đúng với mình, và làm bực mình, nhưng cả hai đều đã làm được công việc giáo dục hết sức cần thiết: kìm hãm được những bức xúc và khó chịu của mình.
Trong đời sống giáo dục, rất nhiều lần phụ huynh phạm phải lỗi lầm to lớn này là nhân danh giáo dục, nhân danh tình yêu để la mắng, chửi bởi, hoặc đánh đập con cháu cho thỏa cái nóng nẩy, và cái tôi ích kỷ của mình. Về điểm này Thánh Kinh đã nhắc nhở chúng ta: “Ðừng sửa phạt khi nóng giận”. Là cha mẹ, chúng ta nhiều khi đã hành động vì nóng giận, vì bực tức hơn vì giáo dục, do đó, thái độ bình tĩnh của Maria và Giuse là một bài học cho phụ huynh.
3. Cách hỏi:
Khi con cái khó bảo, hư hỏng, hoặc làm phiền lòng cha mẹ, đa số phụ huynh thường càm ràm, la hét, hoặc chửi bới. Nhưng tất cả những việc này đều đem lại phản ứng tiêu cực đối với tâm lý tuổi trẻ. Cách thức nói chuyện với con cái của chúng ta, nhiều khi chưa hiểu, chưa biết con mình như thế nào, nhưng hễ có chuyện liên quan đến mình là lập tức “quyết đoán”. Tâm lý này làm cho các trẻ em rất bực tức. Ða số các em phàn nàn và cho rằng ba mẹ võ đoán, hoặc “suy bụng ta ra bụng người”, và kết quả là rất nhiều lần la mắng con cái, cha mẹ chỉ la cho thỏa cái tính nóng nảy, thỏa cái tôi của mình mà không hề có một tác dụng giáo dục nào.
Tuy nhiên, khi hỏi con, chúng ta phải hỏi như Maria đã hỏi, tâm lý gọi là những câu hỏi “mở ngõ”, những câu hỏi “muốn nghe sự thật”, chứ không phải những “câu hỏi chết” mà người được hỏi dù trả lời có hay không cũng đều đáng trách cả.
4. Lắng nghe:
Chúng ta thường thấy hiện tượng con cái xỏ tai, xỏ mũi, tóc đinh, nhuộm tóc.. Hoặc tóc tai bù xù, áo quần chim cò, nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi, những việc làm ấy mang ý nghĩa gì không? Câu trả lời là tuổi trẻ muốn chứng tỏ với chúng ta rằng, chúng đã lớn, và chúng muốn ta lắng nghe. Mà bởi vì không được lắng nghe, nên chúng đã dùng thêm những ngôn ngữ bề ngoài như thế.
5. Ðồng nhất trong giáo dục:
Maria đã được Giuse hợp ý và đồng nhất trong việc dạy dỗ trẻ Giêsu. Tuổi trẻ tuy không biết nhiều, nhưng chắc chắn chúng biết giữa cha và mẹ ai chiều mình hơn, và vì thế trở ngại giáo dục nằm ở chỗ “ông nói gà, bà nói vịt”.
Gia đình là ngôi trường đào tạo lương tâm, đức tin, đức ái cho con cái. Xây dựng gia đình theo mô hình Thánh Gia là mọi người trong gia đình cư xử với nhau như ba Đấng Thánh. Người chồng yêu thương và phục vụ vợ con như thánh Giuse đã yêu mến và phục vụ Mẹ Maria. Người vợ yêu thương và săn sóc chồng như Mẹ Maria đã yêu mến và phục vụ thánh Giuse. Cha mẹ yêu mến và chăm lo cho con cái như thánh Giuse và Mẹ Maria chăm lo phục vụ Chúa Giêsu. Con cái trong gia đình hiếu kính mẹ cha, phụng dưỡng cha mẹ như Chúa Giêsu đã làm đối với Đức Mẹ và thánh Giuse. Có như thế, gia đình mới xứng đáng với danh hiệu là thánh gia, xứng đáng với hồng ân đã nhận ngày lãnh bí tích hôn phối, làm cho gia đình trở nên tổ ấm yêu thương hạnh phúc và thánh thiện.
Con Thiên Chúa làm người và thuộc về một gia đình. Đức Giêsu có thể sinh ra như một nhân vật thần kỳ nào đó trong các huyền thoại hay được giáng trần như Thánh Gióng, Tiên Nga… Nhưng Đức Giêsu không muốn làm thế. Ngài muốn có một tổ ấm, một mái gia đình, có cha có mẹ. Chấp nhận làm người là chấp nhận thuộc về một gia đình.
Con Thiên Chúa đã lớn lên trong bầu khí gia đình. Mái nhà là trường học đầu tiên. Cha mẹ là thầy cô căn bản. Đức Giêsu lớn dần về mọi mặt trong Thánh Gia đạo hạnh. 30 năm sông dưới mái nhà Nazareth, Đức Giêsu đã thành một người chính chắn và trưởng thành, sẵn sàng lãnh nhận sứ vụ Chúa Cha trao phó.
Các nhà tâm lý học cho biết rằng : đứa trẻ cần đến sự nâng đỡ của người cha cũng như người người mẹ. Người cha tạo cho con cái hùng, cái nghiêm trang mực thước.Người mẹ ảnh hưởng trên cảm tình con cái về sự tế nhị, dịu dàng, bao dung. Vì thế đứa trẻ mồ côi cha thường sống uỷ mỵ, nhát đảm thiếu cương quyết và nghị lực. Đứa trẻ mồ côi mẹ thường mang tính cứng cỏi, cộc cằn, dể u buồn, thiếu tế nhị vui tươi. Trẻ thơ cần được giáo dục về đời sống tình cảm và lý trí. Tình cảm dễ ảnh hưởng nơi người mẹ. Lý trí thường nhờ cậy người cha.Do đó người Ý có lý khi nhận xét : Người mẹ yêu thương dịu dàng, người cha yêu thương khôn ngoan. Người Anh nhận xét chí lý : Khi còn thơ con cái bú mẹ, lúc lớn khôn chúng lại bú cha. Tục ngữ Việt nam có câu : Mẹ đánh một trăm không bằng cha ngăm một tiếng.
Tôi nhớ đến câu chuyện của Lm Munachi Ezeogu kể. Một cậu bé đón cha mình đi làm về và hỏi: “Bố ơi! bố đi làm được bao nhiêu tiền một giờ?”. Ông bố rất ngạc nhiên và bảo: “Này con, ngay cả mẹ của con cũng chẳng biết, đừng quấy rầy bố vì bố đang mệt.” Cậu bé lại hỏi: “Bố cứ cho con biết, lương của bố mỗi giờ được bao nhiêu tiền?” Cuối cùng thì ông bố bảo rằng: “Mỗi giờ bố được hai mươi đồng”. Cậu bé liền hỏi: “Vậy bố cho con mượn mười đồng”. Ông bố tỏ vẻ giận và mắng con: “Thì ra đấy là lý do con muốn biết tiền lương của bố? Bây giờ đi ngủ đi và đừng quấy rầy bố nữa”. Đêm hôm ấy, ông bố nghĩ lại những điều đã nói với con mình và cảm thấy hối hận. Ông cho rằng có thể con mình đang cần tiền để mua món gì mà nó đang cần. Ông sang phòng của con mình và hỏi: “Con đã ngủ chưa?” Con ông đáp: “Con chưa ngủ”. Ông bố đưa tiền và bảo: “Đây là tiền con hỏi xin lúc nãy”. Nó vui vẻ cám ơn bố, rồi lấy thêm tiền trong gối ra và nói: “ Con đã có đủ rồi! hai mươi đồng. Bây giờ bố bán cho con một giờ của bố.”
Nền tảng cho việc đào tạo lý trí và tình cảm của một con người là đạo đức. Trên nền móng đạo đức vững chắc, xây một ngôi nhà gia đình hạnh phúc. Nếp sống đạo đức của Thánh gia đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc đời Đức Giêsu. Người thừa hưởng nơi Thánh Giuse và Đức Mẹ lòng yêu mến lề luật, gắn bó với đền Thờ, thói quen siêng năng nghe và đọc Lời Chúa. Người học nơi cha mẹ tâm tình vâng phục thánh ý Chúa, thái độ hiền lành khiêm nhường, tinh thần phục vụ quên mình,sự chuyên chăm làm việc, sự ân cần âu yếm đối với con cái. Gia sản quý báu từ Thánh Gia bàng bạc trong những lời Người giảng dạy, trong đời sống của Người.
Gia đình thật quan trọng. Cha mẹ không chỉ nuôi con bằng cơm bánh vật chất, nhưng còn dạy dỗ, làm gương sáng cho con, còn người con đáp trả bằng tình hiếu thảo và vâng phục. Chính gia đình quyết định tương lai của trẻ thơ. Gia đình là vườn ươm. Hạt giống tuổi thơ lớn mạnh được là nhờ vườm ươm có đầy đủ nước, phân bón và ân cần chăm sóc. Gia đình là bầu khí quyển. Bầu khí có trong lành thì trẻ thơ mới phát triển được mọi mặt. Gia đình là con đường. Đường có ngay thẳng có định hướng thì tương lai trẻ mới tươi sáng không đi vào ngõ cụt cuộc đời. Một năm Chúa Giêsu giảng đạo thì mười năm Người ở với gia đình. Chúa ưu tiên và đề cao tầm quan trọng của gia đình biết bao.
Chúng ta hãy cầu nguyện nhiều cho công việc giáo dục công giáo, cho lý tưởng giáo dục của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam theo đề nghị của sứ điệp ĐHDC 2010 “ Chính quyền Việt Nam mở rộng cánh cửa cho các tôn giáo tham gia vào việc giáo dục học đường và y tế cộng đồng, vì ích lợi của người dân và của cả dân tộc” (số 6).
Lạy Thánh Gia Thất, xin chúc lành cho công việc giáo dục của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chúng con. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Views: 0