Uncategorized

Ngoại tình dễ hay khó chừa!

Một người bạn hỏi tôi, trong 4 thứ thuộc “tứ đổ tường” – rược chè, cờ bạc, trái gái, nghiện hút – thứ nào khó chừa nhất? Anh cho hay, bản thân anh, để chừa hút thuốc anh đã phải quyết tâm đến 3 lần, lần thứ ba mới chừa được, tuy vậy, ngay giờ này mặc dù không hút thuốc nữa, nhưng nếu ngồi gần người hút thuốc anh vẫn bị “cám dỗ” như thường.

Một người bạn hỏi tôi, trong 4 thứ thuộc “tứ đổ tường” – rược chè, cờ bạc, trái gái, nghiện hút – thứ nào khó chừa nhất? Anh cho hay, bản thân anh, để chừa hút thuốc anh đã phải quyết tâm đến 3 lần, lần thứ ba mới chừa được, tuy vậy, ngay giờ này mặc dù không hút thuốc nữa, nhưng nếu ngồi gần người hút thuốc anh vẫn bị “cám dỗ” như thường.

Câu truyện trao đổi khiến tôi liên tưởng đến những khó khăn trong nghề nghiệp, đặc biệt khi phải hướng dẫn và giải quyết những khủng hoảng trong đời sống hôn nhân gia đình liên quan đến những triệu chứng trên mà tôi cho là những căn bệnh khó chữa. Gọi chúng là căn bệnh tâm lý vì trong những hội chứng tâm lý do tâm lý trị liệu nêu lên có những triệu chứng này. Việc khuyên ngăn, bảo ban, và hướng dẫn cho những trường hợp này thật là khó khăn và đòi hỏi nhiều cố gắng. Làm sao cho một người chồng, người cha hoặc người vợ, người mẹ ngoại tình ý thức được hành động của họ là một việc làm nguy hiểm và có thể đem đến đổ vỡ hôn nhân, phá vỡ hạnh phúc gia đình và tương lai con cái?!

Để nói về những “cám dỗ” trên và những hệ luỵ của nó, Tú Xương, nhà thơ non Côi, sông Vị với nhiều những thứ cám dỗ này đã viết:

“Một trà, một rượu, một đàn bà,
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.
Chừa được thứ nào hay thứ nấy,
Có chăng chừa rượu với chừa trà.” 

Ông đã tự nhận rằng đối với ông, việc chừa “đàn bà” là một điều ông không muốn chừa và cũng chẳng chừa được. Nhưng không riêng gì Tú Xương, một số người tuy đã chừa rượu, bỏ hút thuốc, bỏ nghiện ma tuý, ngay cả bỏ cờ bạc nhưng đụng đến ngoại tình tức là cái lăng nhăng liên quan đến đàn bà (hoặc đàn ông) là điều mà họ vẫn không chừa được. Theo một khảo cứu riêng do InfideligyFacts.com phổ biến năm 2006, thì:

41% những trường hợp vợ hoặc chồng hay cả hai đã ngoại tình qua tình cảm hoặc hành động.

Đàn ông cũng như đàn bà, tỷ lệ ngoại tình xấp xỉ ngang nhau. Theo đó:

57% đàn ông,

và 54% đàn bà đã nhận mình có hành động ngoại tình.

Nhưng quan trọng nhất là những người này tuy biết mình ngoại tình nhưng không muốn chấm dứt những quan hệ bất chính đó. Do đó, bảo họ chấm dứt mối giao du tình cảm bất chính ấy để quay trở về với đời sống hôn nhân, gia đình và trách nhiệm thì không hề dễ. Cũng theo thống kê này cho biết:

74% đàn ông,

và 68% đàn bà nói rằng họ sẽ tiếp tục ngoại tình nếu như không bị phát giác. Điều này đồng nghĩa với việc họ tiếp tục hành động gian dối, và những giao du bất chính ngoài hôn nhân, mặc dù bề ngoài họ vẫn đóng kịch đạo đức để che mắt vợ hoặc chồng của mình.

Như vậy, cái khó từ bỏ nhất nhưng cũng hấp dẫn nhất đối với người ngoại tình vẫn là quan niệm   “ăn chơi ngon hơn ăn thật”, và “ăn tiệm ngon hơn ăn ở nhà”. Dĩ nhiên, trong những món ăn chơi đó phải kể đến món tình dục và tình cảm.

Đối với một người ngoại tình thì cái hấp dẫn nhất lúc này là sự thoải mái về nhu cầu tình dục, và sự háo hức về mặt tình cảm mà họ cho là tình yêu. Như một chàng trai hay một cô gái mới lớn, họ hăm hở bước vào những mơn trớn tình cảm như thuở ban đầu họ sung sướng bước vào tình yêu. Nếu bảo một bạn trẻ đừng yêu người con trái ấy hay người con gái ấy vì người này không tốt, không đẹp, không học thức, không có tương lai… thì những lời khuyên như vậy sẽ trở nên vô nghĩa và không cần thiết. Khi yêu nhau mấy ai quan tâm đến tuổi tác, đẹp xấu, giầu nghèo, bằng cấp, đạo đức hay không đạo đức. “Tình yêu như trái phá, con tim mù loà” (Trịnh Công Sơn), chính là điều làm cho người trong cuộc không ý thức được hậu quả của hành động của họ.

Cũng có những lý do tiềm ẩn đưa đến ngoại tình. Những lý do này có thể đến từ cuộc sống gia đình, từ những khó khăn về mặt tài chính, từ cách cư xử của người vợ hay người chồng. Nhưng điều chính yếu là khi người chồng hay người vợ đi ra ngoài ngoại tình thì người vợ hay người chồng ở nhà luôn luôn thua kém, thiếu hấp dẫn, thiếu gợi cảm, thiếu lãng mạn, thiếu hiểu biết, thiếu thông cảm, và cũng thiếu đẹp trai, đẹp gái hơn người kia. Chính sự thu hút vừa về thể lý, sinh lý, tình cảm này đã làm cho việc trở lại với đời sống hôn nhân trở nên khó khăn như Tú Xương đã tự nhận.

“Không có một gia đình nào hoàn hảo” (Giáo Hoàng Phanxicô). Nhưng đó cũng chính là điều mà những ai đang sống trong đời sống hôn nhân cần ý thức không phải để thất vọng, buông thả, nhưng để tìm hiểu và xây dựng một hạnh phúc hôn nhân trong thiện chí, hiểu biết, tôn trọng, thuỷ chung và trách nhiệm.

Tâm lý hôn nhân cũng có chung quan điểm về sự “bất toàn” của đời sống chung khi so sánh những khác biệt giữa người đàn ông và người đàn bà, giữa người chồng và người vợ với hàng trăm những lý do đến từ ảnh hưởng của di truyền, của giáo dục gia đình, của giáo dục tôn giáo và giáo dục học đường. Những ảnh hưởng ấy dĩ nhiên đem lại sự khác nhau về tình cảm, tâm lý, sinh lý giữa nam và nữ, cũng như sự khác nhau về quan niệm và triết lý sống. Thử hỏi giữa những khác biệt lớn lao như vậy, liệu một người đàn ông, một người đàn bà làm sao có thể hạnh phúc được với nhau nếu cuộc sống chung của họ không được xây dựng trên tình yêu. Một thứ tình yêu đặt nền tảng trên lòng thành tín, thuỷ chung, ý thức trách nhiệm và sự trưởng thành về tâm linh, tâm lý và đạo đức.

Những người ngoại tình không biết hoặc cố tình phủ nhận sự thật phũ phàng này, đó là vết thương lòng của những người vợ hay người chồng khi khám phá ra người phối ngẫu của mình ngoại tình hết sức nhức nhối, đau đớn, khó lành và khó băng bó. Để chữa lành vết cắt hằn sâu trong trái tim này đòi hỏi từ 5 hay 6 năm kể từ khi người có lỗi biết nhận lỗi trở về và sống có trách nhiệm với gia đình. Đây là một vết thương không dễ băng bó, chữa lành trong một thời gian ngắn. Nó không đơn giản như những nhận xét vô trách nhiệm của một số người khi cho rằng chuyện bướm ong là chuyện ngàn đời của đàn ông. Việc chán cơm, thèm phở là việc thường tình xảy ra trong bối cảnh sống hiện nay khi mà quan niệm về thuỷ chung được coi như một lý thuyết lạc hậu, không thuyết phục, mang mầu sắc tôn giáo, lý tưởng và thiếu thực tế.

Ngoại tình là một căn bệnh vừa có tính cách xã hội, tâm lý và đạo đức rất khó chừa và khó chữa. Một điều chắc chắn là cho dù ngoại tình với bất cứ lý do gì, những người ngoại tình cũng đều biết điều này, đó là, hậu quả của hành động ngoại tình của họ không những phá vỡ hạnh phúc hôn nhân, phá vỡ hạnh phúc gia đình và tương lai con cái của họ. Nhưng cái khó là họ có muốn quay về với gia đình và hạnh phúc hôn nhân của chính họ hay không? Tóm lại, để đối phó với căn bệnh dễ lan lây và nguy hiểm này, cách tốt nhất vẫn là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, bằng cách:

-Vợ chồng tìm thời giờ với nhau và cho nhau.
-Tập thói quen biết chia sẻ và lắng nghe nhau.
-Học hỏi để biết chấp nhận và tha thứ cho nhau.
-Học hỏi để biết khám phá những nét đẹp, dễ thương, dễ mến của người phối ngẫu.
-Nhưng nhất là tự ý thức về hành động của mình với tâm niệm: “Phở mình đang ăn biết đâu chỉ là cơm nguội thừa của hàng xóm!”.

(Tham khảo thêm. Mời tìm đọc “Làm gì khi biết chồng mình ngoại tình’ cùng tác giả.)

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.