Uncategorized

Ngày Xuân nói chuyện câu đối

Nói đến Tết, không ai trong chúng ta lại không liên tưởng ngay đến:

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ.
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.”

 

Nói đến Tết, không ai trong chúng ta lại không liên tưởng ngay đến:

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ.
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.”

 

Câu đối là một yếu tố không thể thiếu trong lễ hội mừng năm mới của dân tộc Việt. Nó thuộc thể loại văn biền ngẫu và rất đa dạng, gồm hai vế đối nhau nhằm biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội. Nên lưu ý là từ đối ở đây có nghĩa là ngang nhau, hợp nhau thành một đôi.

“Chiều ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa,
Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà”
(Nguyễn Công Trứ)

Câu đối có nguồn gốc từ Trung Hoa và Câu đối được xem là tinh hoa của văn hóa chữ Hán. Việt nam ta chuộng câu đối vì có thể khi giặc Tàu đô hộ suốt hàng ngàn năm đã yêu thích tinh hoa của chữ nghĩa khi bị bắt học chữ Hán mà người Việt chẳng đặng đừng phải học.

 

Khi viết câu đối, nếu chọn được câu chữ tuân theo nguyên tắc là đối ý hay đối chữ thì đôi câu đối được gọi là chỉnh đối hay đối cân.

“Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo Ma vương đưa quỷ tới,
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước Xuân vào”
(Hồ Xuân Hương)

“Xuân tha hương, nhấp giọt rượu sầu, nhớ vòm trời đất nước !
Tết xứ người, hớp ngụm cafe đắng, thương mảnh đất quê nhà !”
(Quảng Ngôn)

 

Câu đối Việt Nam được Dương Quảng Hàm phân loại theo từng ý nghĩa khác nhau như: Câu đối mừng, Câu đối phúng, Câu đối Tết, Câu đối thờ, Câu đối tự thuật, Câu đối đề tặng, Câu đối tức cảnh, Câu đối chiết tự, Câu đối trào phúng, Câu đối tập cú, Câu đối thách (đối hay đố). Nhưng riêng ở bài viết này chúng ta chỉ nói về những câu đối hay ngày Tết mà thôi.

 

Tết đến không tiền vui chi Tết
Xuân về kết gạo đón chi Xuân. (Nguyễn Công Trứ)

“Tối ba mươi, giơ cẳng đụng cây nêu.. Ủa ! Tết !
Sáng mồng một, lắng tai nghe lời chúc …Ồ ! Xuân !”
“Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái Tết
Ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa Xuân.”

 

Tân niên hạnh phúc bình an tiến
Xuân nhật vinh hoa phú quý lai
(Năm mới hạnh phúc bình an đến
Ngày Xuân vinh hoa phú quý về.)

 

Ðuột trời ngất một cây nêu, tối ba mươi ri là Tết
Vang đất đùng ba tiếng pháo, rạng ngày mồng một rứa cũng Xuân
(Nguyễn Công Trứ)

 

Ðấp gốc cây cao, Tết đến thắp hương thơm đèn sáng,
Khơi nguồn nước mát, Xuân về dâng trái ngọt hoa thơm.

 

Tối ba mươi, nợ réo tít mù, ấy mới Tết,
Sáng mồng một, rượi tràn quí tị, ái chà Xuân.

 

Tết có cóc gì đâu, uống một vài be củ tỏi,
Nợ đâm ương ra đó, nói ba bốn chuyện cà riềng.
(Nguyễn Công Trứ)

Nực cười thay! Nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà Tết,
Thôi cũng được! Rượu có, nem có, bánh chưng đều có, thừa Xuân.
(Tú Xương)

 

Ủa! Tết đến rồi đó, chẳng lẽ trơ cùi cùng tuế nguyệt,
Kìa! Xuân sang đấy ư, thôi đành mở múi với giang sơn.

 

Ngào ngạt mùi hương, dẫu tại đất người, không mất gốc,
Lung linh ánh lữa, dù xa quê cũ, chẳng quên nguồn.

 

Xuân vẫn còn dài, hướng đến tương lai vùng đất mới,
Tết dù đã ngắn, quay nhìn dĩ vãng cảnh người xưa.

 

Già trẻ gái trai đều khoái Tết,
Cỏ cây hoa lá cũng mừng Xuân.

 

Chúng nó dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó,
Ông đây khôn bất trị, rượu say túy lúy lại nằm mèo
(Nguyễn Khuyến)

 

Xuân tha hương, sầu thương về quê mẹ
Tết xa nhà, buồn bã nhớ quê cha

Tết với chả xuân, sáng mì gói tối mì gói, sợ vợ buồn ngán mà không bỏ nuốt vội để mà no
Dậu rồi thì Tuất, xưa kéo cày nay kéo cày, lo chủ đuổi mệt chẳng dám ngưng làm nhanh không mất việc.

 

Số lông vịt xác xơ, tiền chỉ mấy xu, sắm nào được gì, nên không mong tết
Đời ve chai tan nát, tuổi đà dăm bó, cho có ai thèm, mới chẳng tiếc xuân.

 

Đêm ba mươi, đếm tờ lịch, ba mươi tờ buồn xa tháng cũ
Sáng mồng một, ngắm cành mai, đơn một cành vui đón năm mới.

 

Khoai lang sùng nhúng bột… chiên, đậm đà vị mứt mốc, thẫn thờ tưởng nhớ tết quê cha
Hột mít sượng lùi tro… nướng, thoang thoảng mùi chè thiu, đờ đẫn mơ màng xuân đất mẹ.

 

Tết tha hương có bánh chưng, bánh tét sao không thấy tết
Xuân viễn xứ cũng cành đào, cành mai mà chẳng gặp xuân.

 

Niên hữu tứ thời, xuân vi thủ
Nhân sinh bách hạnh, hiếu vi tiên

 

Nhâm nhi cái “tinh hoa” đậm nét dân tộc mà bái phục tiền nhân luôn học hỏi khi bị gông xiềng lệ nô phương Bắc. Thế mới thấy con dân nước Việt đi đến đâu cũng học hỏi và sáng tạo cho riêng mình.

Tân niên nạp dư khánh
Gia tiết hiệu trường xuân
(Năm mới thừa chuyện vui
Tiết đẹp xuân còn mãi)

 

“Thiên tăng tuế nguyệt, niên tăng thọ
Xuân mãn càng khôn, phúc mãn đường”
(Trời thêm tuổi mới, năm thêm thọ
Xuân khắp càn khôn, phúc khắp nhà)

 

Xin mến chúc mọi người lòng tràn đầy hân hoan đón xuân trong an bình, yêu thương và hạnh phúc.

Orange county ngày 12 tháng 1 năm 2014

Ngoan Nguyễn

(Sưu Tầm và diển giải)
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.