Không thể chối cãi tư tưởng duy vật của các tiên tri giả trong hai thế kỷ 19-20 vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm trong tư duy của người hiện đại. Darwin cho con người là một giống thú tiến hoá mà thành. Marx cho con người là sản phẩm của quá trình vật chất. Heidegger thấy đời chỉ là khoảng thời gian hướng đến cõi chết. Camus cho sự sống là vô nghĩa. Sartre đặt câu hỏi tại sao tôi bị sinh ra. Freud cho Thượng Đế chỉ là ảo ảnh… Não trạng duy lý vô thần này tạo ra cảnh tượng lạc lõng trong mê lộ của kiếp người. Cuộc sống được nhóm triết hiện sinh vẽ ra như sau. Có một người bị trói chặt cả tay chân rồi bị đẩy xuống vực sâu. Trong cơn hãi hùng hắn bỗng thấy ở vách đá có một nhánh cây mọc chĩa ra. Hắn nhoài mình về phía đó rồi dùng hàm răng ngoạm lấy nhánh cây. Tất cả tâm trí và sức mạnh để níu kéo sự sống là cắn răng chịu đựng trong khủng hoảng. Bỗng có hai con chuột một trắng một đen ở đâu tới gặm gốc cành cây. Hắn khiếp đảm nhìn hai con chuột nhưng không biết phải làm sao. Chẳng mấy chốc hai con chuột sẽ cắn đứt cành cây và hắn sẽ rơi xuống vực. Hắn muốn kêu cứu, nhưng trớ trêu thay nếu mở miệng ra, hắn sẽ rơi xuống đáy vực tức thì. Sự sống vô vọng của hắn chỉ là những giây phút mở mắt nhìn vào cái chết vô nghĩa đang đến gần.
Phải chăng con người là một nạn nhân bất hạnh, bất lực trong định mệnh, rồi bị ném vào thời gian để chờ chết. Phải chăng cuộc sống chỉ toàn những nỗi lo sợ đeo đẳng. Từng ngày từng đêm như hai con chuột thay phiên nhau cắt xén thời khắc để rút ngắn sự sống. Tuyệt vọng hơn nữa khi con người không thể cầu cứu cùng ai. Dĩ nhiên Kitô hữu chúng ta không phủ nhận đời sống đầy lo âu sợ hãi, nhưng lại không đồng ý với nhân sinh quan nêu trên. Đời sống có điểm sinh điểm tử, nhưng ý nghĩa sự sống tùy ở cách con người chiếm hữu thời gian. Khi một người lấp đầy thời gian bằng những nỗi đau khổ của quá khứ và tham-vọng/ tuyệt-vọng của tương lai, hắn đã đánh mất hiện tại. Hắn không ngờ rằng cánh cửa mở ra lối thoát cho mọi cảnh ngộ nằm ngay trước mắt hắn. Cái cửa ngõ đó gọi là “thời hiện tại”. Ở đây chúng ta không nói đến thời hiện tại của vật lý, tâm lý hay triết lý, mà trong ý nghĩa theo Thiên Chúa giáo, bởi vì chỉ Thiên Chúa mới có thời hiện tại thật sự.
Hiện Tại Là Khởi Điểm Để Nhận Lãnh Mạc Khải
Thiên Chúa làm chủ thời gian. Thời gian của Người chỉ là thời hiện tại đang là. Kinh Thánh nói về thời hiện tại bằng một danh xưng giản dị: “hôm nay”. Thiên Chúa của Kitô Giáo không phải là Đấng đóng khung trong quá khứ hay là vị cứu tinh sẽ đến trong tương lai. “Không phải Giavê kết giao ước với cha ông chúng ta, nhưng với chúng ta đang có mặt tại đây ngày hôm nay” (TL 5:3). Nếu không có hôm nay, làm sao Thiên Chúa có thể đến với chúng ta. Vì vậy “hôm nay” là một khởi nguồn để nhận lãnh mạc khải. Đức Giêsu nhấn mạnh, “Hôm nay những gì các ông nghe trong sách thánh đã ứng nghiệm” (Luc 4:21). Nếu không có ngày hôm nay làm sao chúng ta có thể nghe được lời Chúa. Thánh Vịnh ca tụng rằng “Hôm nay là ngày Giavê tạo ra. Chúng ta hãy reo vui mừng rỡ” (TV 118:24). Thiên Chúa âu yếm trao ngày hôm nay cho mỗi người. Chúng ta hãy reo mừng để cảm tạ sự-sống-đang-là, “vì ơn nghĩa Người ở trước mắt tôi, và tôi bước đi trong sự hiện diện của Người” (TV 26:3).
Điểm cao nhất của lịch sử nhân loại là giây phút Thiên Chúa tiếp xúc với con người, qua trung gian Môisen. Thiên Chúa hiện ra với ông dưới dạng bụi cây cháy lửa. Môisen hỏi danh tánh Chúa là gì, Chúa đáp, “Ta là Ehyeh-Asher-Ehyeh.” Ehyeh-Asher-Ehyeh được dịch ra tiếng Hy Lạp là “Ego Eimi Hoon” (Ta là Đấng hằng có), tiếng Anh dịch là “I am Who I am” (Ta là Ta), Tiếng Việt dịch là “Ta có sao Ta có vậy”. Theo Martin Buber, một học giả chuyên về ngôn ngữ Hebrew, chữ ehyeh là một động từ và có nghĩa là có ở đây có ở đó. Cả câu “Ehyeh-Asher-Ehyeh” phải dịch là “Ta đang hiện diện mọi nơi như Ta đang là.” Vượt trên những dị biệt về văn tự, mọi cách diễn tả qua các ngôn ngữ khác nhau đều cố nắm bắt cái cốt tủy của trạng thái siêu nhiên “đang có mặt”. Nhưng như vậy Ehyeh-Asher-Ehyeh đâu phải là tên gọi mà là một mạc khải về Thiên Chúa hiện hữu trong hiện tại. Thiên Chúa cho nhân loại biết rằng Người là Đấng “đang có mặt ngay tại nơi đây và ngay bây giờ”. Qua thời Tân Ước, thiên thần cho biết Thiên Chúa giáng trần là Đấng gọi là Emmanuel. Emmanuel có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Như vậy Emmanuel cũng không phải là tên gọi mà là một mặc khải về sự hiện hữu của Thiên Chúa trong thời hiện tại. Nếu Thiên Chúa là “Đấng đang hiện diện và ở cùng chúng ta”, vậy Người đang ở bên chúng ta ngay lúc này và ngay tại đây. Thánh Tôma Aquina nói, chúng ta chỉ có thể biết Thiên Chúa là Đấng đang là, ngoài ra chúng ta không thể hiểu được Thiên Chúa như thế nào.
Ý thức sự sống trong hiện tại, chúng ta nghiệm ra câu nói bí hiểm của thánh Phaolô khi ngài khuyên tín hữu thành Êphêsô, “Hãy cẩn thận xét lại cách sống, đừng như những kẻ vô minh, nhưng như những người đầy ý thức. Vì mọi ngày đều là sự dữ, nên hãy rốt ráo tận dụng cơ hội trong hiện tại” (Êph 5:15-16). Thánh Phaolô cho biết chúng ta phải sống triệt để trong khoảng thời hiện tại. Thời gian bên ngoài hiện tại là thời gian của tội lỗi. Có lẽ nào như vậy? Tư tưởng thần học của thánh Phaolô sẽ được rõ nghĩa hơn khi chúng ta đối chiếu nó với câu nói nổi danh của triết gia Descartes: “Tôi suy tưởng vì vậy tôi hiện hữu.” Theo Descartes tôi chỉ biết mình đang hiện diện vì tôi nhận ra mình đang suy nghĩ. Câu nói này hàm chứa một khao khát nhận diện về cái tôi của mình. Cái tôi hiện hữu nhờ suy tư dựa vào những dữ kiện ngoại giới của quá khứ và tương lai. Chúng là những thành tích so đo hơn thua với người khác. Đó là một cái tôi vô minh vì đầy những tư tưởng vong thân. Nó giết chết hiện tại và bỏ tù chúng ta trong những tư tưởng nhảy nhót như khỉ say rượu. Vấn đề thánh Phaolô đặt ra là không phải chúng ta không biết tư tưởng, nhưng là không biết ngừng tư tưởng. Cái tôi thật (chân thân/true self) là một cái gì vĩ đại vượt ra khỏi những tư tưởng về cái tôi giả tạo. Chân thân luôn luôn an trú trong hiện tại. Chân thân ra ngoài hiện tại, nó sẽ thành cái tôi của sự dữ.
Nhưng làm sao để có thể an trú trong hiện tại? Giản dị là chúng ta chỉ cần an trú trong Thiên Chúa. Nhờ kết hợp với Thiên Chúa mà thời gian được hiện tại hóa. Một phương cách an trú trong Thiên Chúa là cầu nguyện và lắng nghe những gì mình cầu nguyện. Đó là khoảng thời Thiên Chúa ở cùng chúng ta trong hiện tại. Rồi chúng ta sẽ ngạc nhiên khám phá ra Thiên Chúa không phải là vị quan tòa thích kết án, hay là Đấng thưởng phạt, hay là những gì khác mà người ta vẫn thường nghĩ. Thiên Chúa lúc ấy thuần túy là tình yêu và sự tĩnh lặng. Cầu nguyện là tĩnh lặng lắng nghe tiếng nói của yêu thương đang hiện diện. Đức Giêsu kêu gọi chúng ta, “Những ai dang vất vả mang ách nặng nề, hãy đến cùng Ta đề nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mat 11:28). Thánh Phaolô chú giải thêm, khi chúng ta đến với Đức Giêsu, “chúng ta còn được vinh hiển trong Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô. Nhờ Người mà bây giờ chúng ta lãnh được ơn giao hòa” (Rom 5:11).
Đi Vào Nội Tâm Với Lòng Buông Xả
Đức Giêsu nói với dân chúng, “Các ngươi hãy tìm Nước Trời trước đã. Chớ lo lắng cho ngày mai. Hãy để ngày mai lo cho ngày mai. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mat 6: 33-34). Đức Giêsu không phủ nhận con người mang đầy những nỗi lo âu. Nương theo đó Đức Giêsu đưa ra một lối thoát: nếu mỗi ngày đều có nỗi lo âu, vậy hãy lo cho “cái lo” của ngày hôm nay. Trong những cái lo của ngày hôm nay hãy nhận ra cái “lo lắng” ưu tiên là lo đi tìm Nước Trời. Nước Trời chỉ có ở thời hiện tại. Nước trời không thể tìm thấy trong ngày mai.
Dĩ nhiên chúng ta phải lo toan công việc hằng ngày, nhưng cái cạm bẫy của lo âu là tâm hồn chúng ta sẽ bị lạc lõng suốt ngày trong tính toán. Lo âu tạo ra sợ hãi. Sợ hãi xô đẩy ta tới lui giữa quá khứ và tương lai, giữa nội tâm và ngoại giới. Bám theo nó là một u mê vô minh vì ta sẽ đánh mất thời gian ngày hôm nay.
Nhưng biết Nước Trời ở đâu mà tìm? Nhóm Pharisêu tưởng Nước Trời ở trong một tương lai mù mờ bèn hỏi: “Khi nào Nước Trời đến?” Đức Giêsu đáp, “Nước Trời không đến cách nhãn tiền. Người ta không thể nói: ‘này ở đây’ hay ‘ở kia’, vì Nước Trời ở trong các ông” (Luc 17:20-21). Suy ra Nước trời không phải nằm ở đời sau. Nước trời đang ở trong lòng chúng ta. Chúa Ba Ngôi đang hiện hữu trong chân thân sâu kín của chúng ta ngay vào lúc này. Chúng ta chỉ cần đi vào nội tâm là gặp Thiên Chúa. Hãy để dành một khoảng thời của ngày hôm nay để đi vào nội tâm cầu nguyện.
Thánh Gioan Thập Tự Giá (1542-1591) với bài thơ nổi tiếng “Đêm Đen Của Linh Hồn” (Dark Night of The Soul) đã ví trần gian như đêm đen. Ngọn đèn trong nội tâm là ánh sáng duy nhất để giúp ngài đi tìm Đấng yêu thương. Thomas Merton (1915-1968), một trong những thần học gia vĩ đại của Công Giáo, đưa ra hình ảnh đời người như con tàu chạy ngoài khơi. Nhiều người chỉ để tâm đến vẻ đẹp của những bọt nước trắng xóa chạy lùi ở đuôi tàu. Họ không biết những bọt nước ấy không làm cho con tàu lướt tới. Chính cái động cơ trong nội thân của tàu mới đang đẩy con tàu đi. Cũng vậy, có nhiều người tay đã đặt vào chiếc cày nhưng lại ngoái đầu nhìn về đàng sau. Ngược lại có nhiều người thích hướng mắt vào tận chân trời để mơ một đời sống tốt lành ở đời sau. Họ hiện diện trong cuộc đời như một kẻ lang thang tạm trú, hay tệ hơn, như một tù nhân. Với những ai có thái độ chạy trốn hiện tại, chỉ muốn được giải thoát khỏi “đời này”, họ sẽ mất “ngày hôm nay”, và họ sẽ quên nội tâm. Trong khi họ tưởng cảnh giới ngoại tâm mới là thật, họ không biết rằng chẳng có cái gì tồn tại nằm bên ngoài “hiện tại”. Chẳng có cái gì có thể xảy ra trong tương lai, vì chúng chỉ có thể xảy ra trong hiện tại. Còn những gì đã xảy ra, chúng chỉ là những kỷ niệm của dĩ vãng.
Thánh kinh có rất nhiều dẫn chứng nói về khái niệm nội tâm của ngày hôm nay, chúng ta có thể lấy Đức Giêsu làm mẫu mực. Các thánh sử cho biết tại mỗi biến cố quan trọng Đức Giêsu đều khởi đầu bằng việc cầu nguyện, nhưng lại cầu nguyện một mình. Trước khi đi giảng đạo, Người cầu nguyện một mình trong sa mạc. Lúc nhận phép rửa tội, đang khi cầu nguyện một mình, Thánh Thần hiện ra dưới dạng chim bồ câu. Lạ hơn nữa dù có các môn đệ kế bên, Người vẫn cầu nguyện một mình. Khi lên núi Tabô với hai môn đệ, người cầu nguyện một mình. Khi ngồi ăn cùng với các môn đệ, Người cầu nguyện một mình rồi hỏi các ông “ Thiên hạ nói Ta là ai?”. Khi lên đồi Giệt-si-ma-ni với các môn đệ Người bảo các ông cầu nguyện, nhưng Người lại ra chỗ khác cầu nguyện một mình… Suy ra đó là những giây phút Đức Giêsu đi vào nội tâm để tâm sự cùng Cha. Nhưng nếu không có ngày hôm nay con người cũng không có điểm khởi đầu để đi vào nội tâm. Nếu bây giờ tâm hồn ta không có ở đây, nó bận bịu hướng về nơi khác, tất cả những gì đang ở nơi đây đều vắng mặt. Nếu ta sống trong vong thân không những ta mất thời gian ngày hôm nay, ta mất sự sống tâm linh ngày hôm nay, mà ta còn mất chính mình.
Để có thể vào nội tâm, ta phải đi xuyên qua một mạng lưới thanh lọc gọi là buông xả. Buông xả chỉ có ở thời hiện tại. Ta không thể đợi đến ngày mai mới buông xả. Buông xả là bỏ xuống những thứ so đo hơn thua vướng mắc tâm hồn ta vào lúc này. Eckhart Tolle, trong tác phẩm “The Power Of Now” (Quyền Năng Của Điểm Bây Giờ), đưa ra một thí dụ rất mạnh bạo. Có một người đang bị lún trong đầm lầy. Hắn không thể ngụy tín cho rằng thân xác đang chìm từ từ chẳng có gì quan trọng. Dĩ nhiên hắn phải tìm cách thoát ra khỏi vũng bùn. Nhưng nếu hắn cố gắng ngoi ra vũng bùn với tâm bình an, không giận dữ, không oán hờn, hắn đã sống trọn vẹn theo mạch sống với tâm buông xả. Dẫn chứng của Tolle khiến chúng ta liên tưởng tới cảnh nhóm Pharisêu hung hăng và ồn ào điệu người đàn bà ngoại tình đến trình diện Đức Giêsu để người xử án. Theo luật người đàn bà này phải bị ném đá cho chết. Họ ngạc nhiên thấy Đức Giêsu chìm vào tĩnh lặng. Với tâm bình an, Người cúi xuống vẽ vu vơ trên đất. Rồi Đức Giêsu nhân từ đưa ra chiếc chìa khóa mở cửa nội tâm. Người nói, “Trong các ông, ai chưa hề phạm tội thì hãy ném đá trước đi”. Câu nói có “sức mạnh của thời điểm bây giờ”. Nó khiến mọi người đều bước ra khỏi ngoại giới để đi vào chính lòng của mình. Rồi từng người họ âm thầm buông xả “hòn đá” và lặng lẽ rút lui (Gio 8:1-11).
Nhiều người thường hiểu “buông xả” với nghĩa tiêu cực và thụ động. Buông xả không có nghĩa là đầu hàng hay bỏ cuộc vì chịu thua. Buông xả có nghĩa tích cực là cởi bỏ gánh nặng trên vai xuống, để trôi theo sự sống đang là. Buông xả không mang tính bạo động chống lại tình huống đang có, nhưng cũng không đánh lừa mình như chẳng có việc gì xảy ra. Ai thấy con lừa của mình sa xuống hố mà không kéo nó lên, dù trong ngày Sabát kiêng việc. Buông xả là chấp nhận nó với lòng thanh thản và giải quyết với tâm bình an. Buông xả là giải phóng tâm hồn khỏi mọi trói buộc của dục vọng và những tư tưởng cố chấp. Cầu nguyện với tâm buông xả là khôn ngoan hòa nhập tâm hồn mình vào Thánh Ý Chúa một cách vô điều kiện. Khi cầu nguyện, ta không kéo Chúa xuống cho hợp những điều kiện thô thiển của trí óc ta, nhưng để Chúa nâng ta lên theo Thánh Ý của Người.
Nếu phải kể lại câu truyện anh chàng bị đẩy xuống vực sâu của nhóm triết hiện sinh nêu trên, Kitô hữu chúng ta lại thấy như sau. Có một người tâm hồn chất chứa đầy hận thù, ganh ghét và sầu khổ. Vì vậy hắn bị dục vọng và lo âu trói chặt chân tay. Rồi hắn bị những thế lực thù nghịch đẩy xuống vực sâu của cõi chết… Đang khi bị nghẹt thở vì cái tôi nặng nề treo lủng lẳng trên cây gỗ, hắn ngừng tư tưởng về những mối oán hận. Thời gian ngưng đọng, với tâm buông xả hắn chìm vào nội tâm để xám hối cầu nguyện. Rồi hắn nghe thấy có tiếng nói đầy yêu thương rằng, “Ta bảo thật, hôm nay ngươi sẽ ở trên Thiên Đàng làm một với Ta” (Luc 23:43). Thế là tất cả mọi sự đều thay đổi tận gốc.
Views: 0