Một lần đi dự một đám rước dâu, tôi bắt gặp trên tường trang trí một lời hát của Nhạc sĩ Trịnh công Sơn giữa hai trái tim hồng quấn quit vào nhau : “ Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau “..
Tôi là một người rất yêu qúy nhạc Trịnh công Sơn, vì lời nhạc của ông luôn mang nhiều ý nghĩa, đầy chất trữ tình, và thấm đẫm chất thơ…nhưng chưa bao giờ tôi hình dung ra lời nhạc của ông được trang trọng trình bày trên tường trong một ngày vui của đám cưới!
Ôi thật là một ý nghĩa sáng tạo tuyệt vời! và là một lời nhắc nhở đầy ý nghĩa trong ngày cưới!
Trong ngày cưới đôi uyên ương nào cũng luôn quấn quit yêu thương nhau , không muốn rời nhau nửa bước, tình yêu ngập tràn….Nhưng khi bước vào đời sống thực: những khác biệt, những khó khăn, những sóng gió cuộc đời sẽ dần dần đẫy họ xa nhau, rồi họ cảm thấy không còn cần nhau nữa…dần dần họ trở thành ”Sống quen không ai cần ai..” nên tỷ lệ ly hôn trong vài năm đầu của cuộc sống hôn nhân đã lên tới 50% ở Mỹ. Do đó lời nhắc nhở “ Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau ..” đã làm tôi cảm động ! Nếu đôi tân hôn nào cũng luôn nhớ đến câu nhắc nhở này, chắc họ sẽ nhẫn nại hơn, chấp nhận nhau nhiều hơn, vì sỏi đá cũng cần có nhau huống hồ gì là con người,! nhất là hai con người dã từng yêu nhau thắm thiết!. Hạnh phúc là một điều quý gía, không phải tự dưng mà có. Muốn có nó, người ta phải bỏ công nuôi dưỡng, ra sức xây dưng, chấp nhận hy sinh, chịu thiệt thòi để giữ gìn nó. Như theo truyền thuyết cây Mandrake là một loại cây rất hiếm, mọc trong rừng sâu có một quyền lực vô cùng huyền bí sẽ mang lại hạnh phúc tuyệt vời cho người nào là chủ nhân của nó. Ngoài ra gia dình nào có củ Mandrake sẽ hưởng đươc nhiều hạnh phúc, giàu có sung sướng…Nhưng việc tìm được cây Mandrake không phải là dễ dàng, nó chứa rất nhiều nguy hiễm vì cây này lại biết kêu la thảm thiết khi bị nhổ lên khỏi mặt đất, và ai mà nghe tiếng khóc này thì hoặc bị ứa máu tai, mắt, mũi rồi chết liền tức khắc, hoặc sau đó điên cuồng và chết bằng một tai nạn nào đó vô cùng thảm khốc. Trong cái ham muốn chiếm đươc vật quý gía như vậy, nhiều người đã quên đi những nguy hiễm, vẫn ráo riết săn tìm., mò mẫm vào rừng sâu, xông pha vượt qua gai góc hố sâu..để tìm được nó..Như vậy đủ chứng tỏ rằng con người ai cũng khao khát hạnh phúc..Nhưng người ta chỉ lo bỏ công sức, chấp nhận gian khổ để đi tìm hạnh phúc ở bên ngoài ( rừng sâu, núi thẳm, ngoài xả hội..) mà không chịu chấp nhận hy sinh, nhẫn nhục để tìm nó ngay trong mái ấm gia đình nhỏ của mình. Nhà văn James Oppenheim đã viết: The foolish man seeks happiness in the distance, the wise grows it under his feet.( tạm dịch: người ngu ngốc tìm hạnh phúc ở nơi xa xôi, người thông thái trồng nó ngay dưới chân mình ).
Thời gian chung sống càng dài,,vợ chồng càng ngày càng tìm ra nhiều khuyết điểm để trách móc lẫn nhau. Khi thất vọng, chán nản các bà dễ bực mình hay càm ràm, nói những lời gắt gỏng hay chì chiết làm các ông nhức mình, nhức mẫy khó chịu, như bản tin buổi sáng tôi mới nghe được: Ở nước Đức có một ông phạm tội tiểu hình phải ở tù, tòa chiếu cố tha cho ông dược về nhà, khi về nhà bị bà vợ càm ràm, ông đã xin quay trở lại ở tù, còn khỏe hơn là về nhà mà phải nghe vợ càm ràm. Người ta thường nói: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” ( một ngày ở tù, bằng một ngàn năm ở ngoài ), vậy mà người đàn ông này thà chấp nhận ở tù, còn hơn là về nhà nghe vợ cằn nhằn. Vậy mới biết đàn ông rất sợ nghe cằn nhằn!. Các bà nghe xong bản tin này thì chắc phải lo “bớt mồm, bớt miệng” lại cho nhiều, dù là tiến sĩ tâm lý Trần Mỹ Duyệt đã cho biết một ngày các bà trung bình phải nói đến 25.000 chữ. ( mong rằng các ông thông cảm dùm cho tật nói nhiều của các bà, là do bản tính Trời sinh ra như vậy, tuy nói nhiều, nhưng tâm rất tốt, lúc nào cũng hy sinh lo cho chồng con hết mình ). Hoặc là các ông thử theo gợi ý của tác gỉa Tràm Cà Mau xem sao? “…khi bà vợ trách móc và thở than, thì để cho bà ấy nói, cho xã ra, nhẹ bớt bực tức trong lòng. Bởi vậy, mỗi khi vợ ông than vãn, trách móc, thì ông mừng và lắng nghe. Nếu bà ngưng nói, thì hỏi rằng em có gì cần nói thêm, than vãn thêm không, hãy nói cho hết đi, anh nghe đây. Thế là bà dịu xuống, và bà cảm thấy hơi quê, nên thôi.”.Đúng là một tuyệt chiêu của các bậc đại nhân quân tử, các ông mà áp dụng tuyệt chiêu này thì bảo đảm sẽ trị đươc cái bệnh nói nhiều của qúy bà. “ Bệnh qũy đã có thuốc tiên”, vấn đề còn lại là các ông có chịu áp dụng “thuốc tiên” này hay không ?
Hình như việc vợ chồng thất vọng về nhau là điều khá phổ biến, như lời nhạc sĩ Trầm tử Thiêng đã từng tâm sự:
“ Dường như trong ta , em có điều tuyệt vọng!
Dường như trong em, ta vẫn đầy hoài mong..”
Khi thất vọng, chán nãn về nhau, người ta dễ đi tìm một hình bóng mới, đặc biệt là các ông với bản tính “ham của lạ”, thì đây chính là cái cớ để các ông vin vào để bào chữa cho sự thiếu chung thủy của mình.Theo thống kê ở Mỹ, có đến 70% các ông thú nhận có ngoại tình!. Đó là chưa kể đến một số ông “ngụy biện” cho rằng chỉ khi nào có vợ bé, hay lập “phòng nhì” hẳn hoi thì mới kể là ngoại tình, còn không thì chỉ là “ giao luư văn hóa” cho vui! Xin mời các ông đọc lại sách xưa kể lai câu chuyện: Án Tử là một vị quan đại thần rất giỏi, được nhà vua vô cùng quý mến. Một hôm nhà vua gía lâm đến thăm ông tại gia trang của ông, khi thấy bà vợ của ông vừa già vừa xấu, thì bèn phán với ông rằng: mhà ngươi là một quan đại thần tài giỏi, vợ ngươi vừa già lại vừa xấu! thật không xứng với ngươi chút nào! Thôi để ta gả con gái ta là công chúa vừa trẻ,vừa xinh đẹp làm vợ ngươi! Ý nhà ngươi thế nào? Án Tử đã khấu đầu trước vua mà thưa rằng: Bẩm bệ hạ, đạo vợ chồng quý nhất là ở chỗ trung tín với nhau cho đến cuối đời. Ngày xưa vợ tôi lấy tôi khi còn trẻ thì cũng rất xứng đôi. Nay sau mấy chục năm vất vả lo cho chồng con, nhan sắc bên ngoài dẫu có kém đi thì tôi cũng không thể vì cớ ấy mà phụ rẫy nàng! Hơn nữa đàn bà lấy chồng là để về già có nơi nương tựa! Thần xin cám ơn lòng tốt của bệ hạ, nhưng thần không thể phụ nghĩa tào khang với vợ mình được! Mong bệ hạ thứ lỗi cho!. Nhà vua nghe vậy thì trong lòng thêm cảm phục một con người vừa tài giỏi vừa có nhân nghĩa và đức độ! Ngày nay chúng ta văn minh và tiến bộ về mọi phương diện, nhưng riêng về khía cạnh học làm người, học nhân nghĩa thì chúng ta cần phải học hỏi nơi người xưa rất nhiều. Khi thất vọng và trách móc nhau, người ta ít có dịp nhìn lại chính mình để tự trách mình mà chỉ lo trách móc người khác như tâm tình ý nhị trong bài thơ Tình Nghĩa sau đây:
“ Em thường trách tôi
nói với em những lời tệ bac
mỗi khi giận hờn
Tình đá vàng, thành nước đổ lá khoai
Nghĩa trăm năm mỏng tựa cánh chuồn bay
Một xương một thịt bỗng hóa thành xa lạ
Vũ trụ mênh mông
Sao không coi em là tất cả
Sao không để ý tới em mọi lúc mọi nơi
Tôi thường trách em
không nói với tôi những lời diụ ngọt
hay giận hay hờn
thường chì chiết những điều nhỏ nhặt
không mở mắt nhìn hạnh phúc trong tay
Sao không thưởng thức tôi
như bao kẻ bên ngoài
biết cảm phục
biết vuốt ve tự ái
Biển người bao la
sao không nhận ra tôi
mênh mông hơn tất cả?
Có bao giờ em tự trách em?
Có bao giờ tôi tự trách tôi?
Có lẽ khi nào mỗi người biết tự trách mình trước, như lời ông bà xưa thường nói: “Tiên trách kỹ, hậu trách nhân” thì cách nhìn sự việc về mọi vấn đề khó khăn trong gia đình sẽ thay đổi, mọi khác biệt sẽ được hóa giải tốt hơn!
Nhiều ông ra ngoài rất thành công, tài giỏi, lịch lãm, xốc vác mọi chuyện được nhiều người khen ngợi, nhưng lại thất bại trong việc xây dựng mái ấm hạnh phúc gia đình nhỏ của chính mình??? Mới đây tình cờ tôi đọc đươc bài “Cùm chân chó” rất hay và ý nghĩa!. Câu chuyện xin được tóm tắt như sau:
Sách Lã xuân Thu có chép một câu chuyện:. nước Tề có người xem tướng chó rất giỏi, một người hàng xóm biết vậy nên nhờ anh ta tìm dùm một con chó biết bắt chuột trong nhà. Ít lâu sau anh mang đến một con chó và bảo người hàng xóm cứ dùng tất sẽ vừa ý. Người hàng xóm tin lời nhưng nuôi mấy năm qua con chó không bắt đươc con chuột nào! nên anh ta phàn nàn.Người xem tướng chó bảo con chó này tốt , nhưng nó chỉ giỏi bắt hươu, nai, muốn nó bắt chuột thì phải cùm chân sau nó lại! Người kia bèn nghe theo, sau đó qủa là con chó bắt chuột rất hay! Có cùm chân lại, con chó mới bắt được chuột, phải chăng đó là hình ảnh của những con người thành công trong những địa hạt lớn, ngoài xả hội, nhưng lại thất bại trong gia đình nhỏ của mình. Họ nghĩ rằng công việc vĩ đại mới có gía trị, việc trong nhà là việc nhỏ nhặt của đàn bà. Con chó săn có thể bắt được hươu, nai, nhưng lại không bắt được chuột nhắt trong nhà, chỉ khi nó chấp nhận cùm chân sau lại, phải chịu hy sinh thiệt thòi thì nó mới làm được việc gia chủ cần! Hạnh phúc trong mái ấm gia đình cũng vậy, đôi khi cần các ông chịu khiêm tốn, hy sinh để làm những việc nhỏ như con chuột nhắt, nhưng nó cần thiết để mang lại sư an vui trong gia đình.Tổng thống Obama, khi còn là thượng nghị sĩ, sau những buổi họp đại sự quan trọng, trên đường về nhà, nhớ lời vợ dặn cũng phải vội ghé siêu thị mua sữa, mua tả cho con..
Khi các ông ra ngoài đời làm lảnh đạo,làm chủ tịch, làm truởng đoàn,trưởng nhóm, muốn thành công các ông cũng phải tận tụy hy sinh, đầu tư nhiều thời gian vào công việc, đôi khi cũng phải nhẫn nhịn đủ thứ cho công việc đươc trôi chảy tốt đẹp, nhưng khi về đến gia đình nhỏ của mình, thì các đức tính tốt đẹp đó lại biến mất? Các ông chỉ thích làm vua trong gia đình để đòi hỏi được phục vụ chu đáo, đặc biệt là quý ông Việt Nam. Những việc nhỏ trong nhà các ông chê không đáng mó tay, hoặc sợ làm thì bị mất thể diện đàn ông, rồi bị chê là “sợ vợ”!!Mới đây tôi vừa xem Paris by night, nhạc yêu cầu lần 2, M.C. Nguyễn ngọc Ngạn đã đọc một bức thư rất hay và rất ý nghĩa của một ông cụ ở Canada. Ông cụ cho rằng những người đàn ông mang tiềng “sợ vợ”, chính là những người đàn ông tốt, biết quý trọng và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Bức thư có nội dung xúc tích và sâu sắc của một người có nhiều kinh nghiệm sống về gia đình. Xin hoan hô ông cụ hết mình!
Thành công trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình là thành công lớn nhất đời người, nó mang lại hạnh phúc cho chính bản thân và cho vợ con, những người thân yêu các ông! Những câu tán tụng, những lời khen ngợi ngoài đời mà các ông đã bỏ nhiều công sức để đạt được, chẳng qua chỉ là “chót lưởi đầu môi” rồi nó sẽ trôi qua nhanh! Khi các ông đau ốm, hoạn nạn, sa cơ thất thế, chẳng có ai từng khen ngợi các ông ở bên cạnh để chăm sóc, chia sẻ với các ông, ngoại trừ vợ con!. Một biến cố lớn đã minh chứng điều này rất rõ, đó là sự kiện: sau 30/4/75, hàng loạt các ông bị đi “học tập cải tạo”, các bà vợ dù bất ngờ bị rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần,và cả tài chính, vẫn lo toan việc nhà, nuôi con, lo cho gia đình, một mặt vẫn không quản ngại đường xa gian khổ di thăm nuôi chồng từ nam ra bắc dù gặp biết bao nhiêu khó khăn, trở ngại! Dĩ nhiên ở đây tôi chỉ nói đến đa số!…
Ngoài ra, ngôn ngữ trong đời sống hôn nhân cũng là một yếu tố quan trọng, không phải chỉ có các bà mới có lổ tai khoái nghe ngọt, mà ngay cả các ông cũng vẫn thích nghe những lời dịu dàng, khen ngợi. Vậy tại sao vợ chồng không nói với nhau những lời đằm thắm yêu thương để giúp nhau gia tăng tình yêu hạnh phúc trong gia đình?? Vì ngay cây cỏ, chúng ta vẫn cho là loài “vô tri vô giác”, nhưng qua nghiên cứu của các nhà khoa học, chúng không chỉ là “sinh vật” mà còn là “sinh linh”: “Retalack, nghiên cứu viên trường đại học bang Colorado phát hiện, hầu hết các loài cây cỏ đều có phàn ứng tích cực hoặc tiêu cực với âm nhạc, phần lớn chúng rất khoái loại âm nhạc phương Đông giàu giai điệu ngọt ngào mượt mà, có giống cây sau khi “nghe” xong một số bản nhạc loại này đã sinh trưởng nhanh với tốc độ gấp đôi bình thường. Đăc biệt là loại nhạc kinh điển giàu tình người của các thiên tài âm nhạc như Bach, Hayden…cũng rất được cây cỏ hoan nghênh. Thật thú vị khi người ta quan sát, thấy sau một thời gian liên tục nghe nhạc, các cây có khuynh hướng mọc nghiêng hướng về phía nguồn phát ra tiếng nhạc “khoái nhỉ”. Ngược lại chúng biểu hiện “tẩy chay” với loại nhạc Jazz, nhạc dồng quê..bằng cách ngọn cây cố nghiêng theo chiều ngoảnh ra xa nguồn phát ra âm thanh và cây cũng lớn chậm hơn” (Theo “Oversea’s Digest” ).
Học bài học từ các loài cây cỏ,nếu ta muốn bạn đời lắng nghe và thích đến gần mình thì hãy nói những lời yêu thương, nhẹ nhàng; còn khi ta gay gắt, cằn nhằn, cộc cằn, quát tháo là lúc ta đang đẩy bạn đời xa ta vì loài cây cỏ còn thích nghe những âm thanh ngọt ngào, êm dịu, huống chi là con người. Ước gì mỗi người sẽ học tập từ loài cây cỏ để luôn nói những lời yêu thương…, để cuộc đời luôn nở hoa, như lời một bài hát phổ từ thơ của Du Miên Đà Lạt, mà tôi vẫn thường tâm đắc mỗi khi nghe:
Xin hãy đến cho nhau nụ cười,
Xin hãy đến cho nhau tình người
Xin hãy Nói Yêu Thương một lời
Xin hãy tốt với nhau cho đời nở hoa
Tôi chỉ muốn cuộc đời nở hoa..”
Phượng Vũ
Views: 0