Đây không phải là tựa của bộ phim : “The Longest Day” nói về cuộc đổ bộ của quân đội đồng minh lên bờ biển Normandie mở màn cho chiến dịch giải phóng châu Âu thoát khỏi chủ nghĩa độc tài phát xít.
Xin thưa, đây là một ngày đã làm cho cả thế giới đảo lộn. Ngày Đức Giêsu đã chịu chết trên Thập giá để cứu chuộc muôn người. Một ‘’ngày-dài-nhất” trong tất cả mọi ngày của thời gian.
Mời quý anh chị em trở về với ngày lịch sử đó đế cùng chiêm ngưỡng và tôn vinh một Giêsu – vị Cứu chúa của muôn người.
*******************
Khi những tia sáng của ánh bình minh chiếu tỏa trên con đường đầy những cành thiên tuế thì cũng là lúc các môn đệ đã cùng : “Đức Giêsu tới Giêrusalem”. Trong ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng. Đây không phải là lần đầu tiên Ngài xuất hiện nơi đây. Có thể nói, mỗi khi Đức Giêsu hiện diện nơi Thành Thánh, hầu như nơi đó đều xảy ra một biến cố quan trọng liên quan tới thông điệp mà Ngài muốn loan báo.
Hôm nay, Đức Giêsu , một lần nữa lại lên Giêrusalem. Khi nhận được nguồn tin này; một niềm vui lan tỏa đến khắp người dân trong Thành Thánh. “Dân chúng lũ lượt tuôn đến… họ cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người và reo vang : Hosana ! Hoan hô ! Chúc tụng … Chúc tụng vua Israel ” (Ga 12,12-13). Và quả đúng là đã xảy ra một biến cố trọng đại.
Một ngày huy hoàng của “Đấng-ngự-đến-nhân-danh-Chúa” ư !!! Hay là một ngày điêu tàn của Ngài ??? Một ngày để tung hô Đức-Vua-Israel !!! Hay là một ngày để kết án Vua-dân-Do-Thái !!! Một ngày của hai mươi bốn tiếng đồng hồ ! Hay là của một “Ngày dài nhất” trong cuộc đời của Đức Giêsu !
Vâng, phải nói rằng : đó là một NGÀY-DÀI-NHẤT của Thầy Giêsu. Ngày mà Thầy Giêsu đã phải đón nhận hết u sầu này đến u sầu khác. Làm sao không u sầu cho được khi : “bàn tay kẻ nộp Thầy đang cùng đặt trên bàn với Thầy”. Khi mà : “gà chưa kịp gáy” thì người môn đệ của mình “đã ba lần chối là không biết Thầy”. Khi mà bị tên phản bội “trơ trẻn” trao tặng một nụ hôn. “Nụ hôn”… một cử chỉ biểu lộ của tình yêu và tha thứ. Buồn thay ! lại trở thành dấu hiệu của điềm chỉ…của bội phản và bất trung”…
Chỉ ít hôm trước thôi. Hình ảnh một Giêsu đã được đón tiếp như một Quân Vương trên lưng lừa; được trải “thảm đỏ” bằng những chiếc áo choàng và những nhành thiên tuế oai phong lẫm liệt. Thì vài hôm sau… Ôi ! thật là thê thảm. Trái ngược với những hình ảnh trên là hình ảnh một Giêsu với những bước chân nhọc nhằn : “(Lê) khua-xích-kêu-vang-dậy-trước-mặt-mọi-người” từ dinh Caipha cho tới dinh tổng trấn Philato. Là hình ảnh một Giêsu : “da chân mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân tươi” đứng làm trò cười cho một Herode bạo chúa. Là hình ảnh một Giêsu : “ôm vết thương rỉ máu” ba lần ngã gục trên đường lên Golgotha . Và cuối cùng là hình ảnh một Giêsu với : “(đôi) bàn-chân-gông-xiềng-của-thời-xa-xăm” đó đã bị bạo quyền và bạo lực đóng chặt vào Thập giá trên đồi máu Canvê trong một buổi chiều hoàng hôn tím…
Quả đúng là một “Ngày-dài-nhất” của Đức Giêsu.
Một chút tâm tình…
Có gì là mâu thuẫn không ? Khi Giêsu được biết đến chính là “Ngôi Lời”. “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành và không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3). Thế mà hôm nay Giêsu lại phải : “gục ngã treo thân thập giá’… đến độ “thân tàn hơi…tin nát tan gai nhọn bạo tàn” !!!
Có gì là nghịch lý không ? Khi Giêsu với đôi bàn tay cứu nhân độ thế bằng những phép lạ chữa lành nay lại được trả công bằng những mũi đinh đóng ngập bàn tay, bằng những ngọn đòng đâm sâu vào cơ thể.
Thưa không. “Vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19).
Đó… đó chính là lý do mà Ngài đã đến thế gian. Để rồi : “Bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án và xử tử Người… Họ sẽ nhạo báng Người., khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người” (Mc 10,33)…
Vâng… : “Chỉ vì tình yêu Chúa chịu nhục thân chết cho trần gia. Để cứu muôn người lỗi tội. Đưa về trời đẹp tươi” (trích nhạc phẩm : Lời vọng tình yêu).
Một phút suy tư…
Hôm nay chúng ta nghe lại bài “Thương Khó” nói về cuộc tử nạn của Đức Giêsu. Từ vườn Ghetsemani cho tới dinh thượng hội đồng. Từ dinh tổng trấn cho tới dinh bạo chúa Hêrôđê. Có vẻ như chúng ta thường mệt mỏi vì bài Thương Khó quá dài. Và dường như có lúc chúng ta xao lãng mất tập trung.
Chúng ta có bao giờ dửng dưng đứng nhìn.. bàng quang… xa lạ… thờ ơ .. trước nỗi đau khổ của Ngài ??? Thật ra nỗi đau khổ và cái chết của Ngài là vì : “Yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Galat 2,…20).
Cảm nghiệm được nỗi đau đớn bị hành của Ngài trước bạo quyền, bạo lực. Cảm nghiệm được nỗi cô đơn của Giêsu khi ba người môn đệ thân tín ngủ vùi. Cảm nghiêm được sự đau buồn của Giêsu về sự bội phản của Giuda. Cảm nghiệm được sự ngỡ ngàng của Giêsu khi mọi người đòi thả Baraba – một tên phản loạn. Cảm nghiệm được sự cô độc khi đám đông vẫn theo Ngài “xin ăn” nay lại giơ “nắm đấm” đòi đóng đinh Ngài…
Vâng, nếu chúng ta cảm nghiệm được tất cả những gì mà Giêsu đã phải trải qua… Chúng ta chẳng còn gì phải run sợ trước bạo quyền, bạo lực. Chẳng có gì phải đau buồn khi bị phản bội. Chẳng có gì phải ngỡ ngàng khi “chân lý và sự thật” bị chà đạp. Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi phải đơn thân độc mã bước đi trên con đường công lý.
Một khi chúng ta cùng đồng hành với Đức Giêsu đi trên “Con Đường Thập Giá”. Cùng vác Thánh Giá với Ngài như “Simon Kyrênê” xưa kia. Vâng, chúng ta hãy cùng Ngài mà thưa với Chúa Cha rằng : “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
Saigon – Lễ lá 2010
Petrus Tran
Views: 0