Uncategorized

Ngài đã sống lại vì tôi

“Tại sao các bà tìm người sống nơi kẻ chết? Ngài đã sống lại rồi, và không còn ở đây nữa! Hãy nhớ lại Ngài đã nói gì với các người khi Ngài còn ở Galilêa” (Luc 24:5-6).

 

“Rồi môn đệ khác, đã đến trước cũng bước vào đã thấy và đã tin. Vì họ không hiểu lời Kinh Thánh rằng Ngài phải sống lại từ cõi chết” (Gio 20:8-9).

 

“Tại sao các bà tìm người sống nơi kẻ chết? Ngài đã sống lại rồi, và không còn ở đây nữa! Hãy nhớ lại Ngài đã nói gì với các người khi Ngài còn ở Galilêa” (Luc 24:5-6).

 

“Rồi môn đệ khác, đã đến trước cũng bước vào đã thấy và đã tin. Vì họ không hiểu lời Kinh Thánh rằng Ngài phải sống lại từ cõi chết” (Gio 20:8-9).

 

“Con Người phải bị nộp vào tay kẻ tội lỗi, và bị đóng đanh, và ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại” (Luc 24:7).

 

Những trình thuật của Tin Mừng trên chính là mấu chốt cho Đức Tin Kitô Giáo. Đó cũng là chính mục đích cuối cùng của Mầu Nhiệm Nhập Thể, Giáng Sinh và Tử Nạn của Chúa Cứu Thế. Nếu Ngài đã không sống lại thì những gì chúng ta tin về cuộc đời Ngài từ việc Ngài nhập thể, sinh ra, rao giảng Tin Mừng, và ngay cả cái chết của Ngài cũng chỉ là lừa dối. Và đức tin chúng ta đặt vào Ngài sẽ trở nên vô nghĩa. Đời sống con người trên dương thế, những đau khổ và bệnh hoạn, những hy sinh chấp nhận, và những việc thiện chúng ta làm sẽ trở nên vô giá trị.

 

Phản ảnh niềm tin của chúng ta vào Chúa Phục Sinh cũng chính là niềm xác tín của Phaolô, người suốt đời đã trăn trở, vật lộn và hy sinh cho Tin Mừng đã xác nhận: “Nếu Chúa Kitô không sống lại thì những lời rao giảng của chúng tôi chỉ là láo khoét, và đức tin của anh em cũng chỉ là vô nghĩa.” (1 Cor 15:14)

 

Đối với người đặt niềm tin vào Tin Mừng, thì những điều mà Gioan đã thấy và Phaolô đã xác tín; cũng như những gì được ghi lại từ miệng thiên sứ nói với các phụ nữ đến thăm mộ Chúa vào buổi sáng Phục Sinh đã đủ để trả lời cho những thao thức thuộc lãnh vực đức tin.

 

Nhưng điều mà một Kitô hữu phải làm là sống những gì Gioan đã ghi lại, những lời thiên sứ nói với các phụ nữ: “Tại sao các bà tìm người sống nơi kẻ chết? Ngài đã sống lại rồi, và không còn ở đây nữa! Hãy nhớ lại Ngài đã nói gì với các người khi Ngài còn ở Galilêa” (Luc 24:5-6).

 

Không có ở đây nữa. Ngài đã sống lại. Chúa đã phục sinh và ra khỏi mồ. Ngài không ở trong mồ nữa. Giá trị của đức tin Kitô Giáo là ở đây. Và đời sống người Kitô hữu cũng chính là ở điểm này. Họ phải phục sinh với Chúa, không còn sống trong ách thống trị của Satan, của tội lỗi tức là sống lại từ cõi chết tâm linh.

 

Nếu Chúa không sống lại thì đức tin của chúng ta sẽ vô nghĩa. Nhưng nếu Chúa đã sống lại thì đức tin ấy lại trở thành một thách đố rất lớn lao cho đời sống Kitô hữu. Nó không cho phép chúng ta đồng hóa với tội lỗi. Không cho phép chúng ta để mình bị lệ thuộc và bị khống chế bởi Satan. Bởi vì cho đến nay, nhiều người vẫn sống cuộc sống mà theo Thánh Phaolô là thù nghịch với thập giá Chúa Kitô. Một sự thù nghịch mà không chỉ xảy ra đối với người Do Thái thời của Ngài, mà vẫn tiếp diễn qua thời gian cho đến thời đại của chúng ta. Thời đại mà con người đang đuổi Chúa ra khỏi cuộc đời mình và của xã hội. Thời đại của tự do quá trớn, của kiêu căng nhân danh những tiến bộ của khoa học. Một lối sống mà con người đang muốn diễn lại cái ham muốn của Evà trong Vường Diệu Quang là muốn tự mình “biết lành và biết dữ”. Tự đưa mình lên bằng Đức Chúa Trời.

 

Nhưng dù là văn minh tiến bộ, dù là tự do, thì theo Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nói trong sứ điệp Mủa Chay, là con người vẫn phải dừng lại ở cái giới hạn của nó. Không một văn minh nào, không một tự do nào có thể qua mặt được Đức Chúa Trời.

 

Hậu quả của sự thù nghịch này là tính kiêu căng từ đó đưa đến tự tôn, tự đại, tự ái. Từ đó đưa đến tham lam vô độ, trác táng hưởng thụ, ghen tỵ, thù hận và chém giết, tàn sát lẫn nhau. Từ đó biến cuộc sống này trở thành một địa ngục trần gian, mà chỉ có máu đào của Ngài đổ ra mới thanh tẩy được. Chỉ có ánh sáng phục sinh của Ngài mới có thể chiếu dọi vào những sâu thẳm của tối tăm và u minh của nó.

 

Nhưng liệu chúng ta có một chọn lựa nào khác không. Hay chúng ta vẫn tiếp tục sống nếp sống thù nghịch này? Chúa đã chết và sống lại. Đau khổ và phục sinh vẫn luôn là một thách thức lớn cho niềm tin. Nhưng như Thánh Phaolô, niềm tin của chúng ta sẽ trở thành vô nghĩa nếu như mầu nhiệm Phục Sinh không được đem vào thực hành trong đời sống. Bởi vì Chúa đã sống lại và Ngài đã phục sinh vì chúng ta. Alleluia.
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.