“Không ai có tình yêu nào lớn lao hơn kẻ thí mạng sống mình vì bạn hữu mình” (Gio 15:13). Chúng ta có dùng lời này của Thánh Gioan để diễn tả cảm nghĩ mình về một Thiên Chúa, Đấng đã cam chịu chết vì chúng ta. Trong hành trình Đức Tin, thỉnh thoảng, và đôi lúc hẳn là chúng ta phải trăn trở về những lời này; đặc biệt, trong Thứ Sáu Tuần Thánh.
Cũng như các phụ nữ Do Thái đứng dọc bên đường dẫn lên núi Sọ, họ đã khóc lóc và tỏ vẻ xót thương cho Chúa Giêsu khi nhìn thấy Ngài từ đỉnh đầu đến gót chân bê bết máu, mồ hôi. Trên mặt Ngài còn dấu vết đờm rãi của quân đao phủ, kết quả của trận đòn tra tấn dã man tại dinh Phi La Tô. Nhưng ngoài Vêronica, và Simong thì không ai làm gì thêm cho Chúa cả. Đặc biệt hơn là trên đồi Golgotha, người ta đã đóng đanh Ngài trên thập giá giữa hai tên tội phạm. Ngoại trừ Gioan, tất cả các môn đệ đều bỏ trốn!!!
Trong trận động đất 9 chấm và sóng thần cao 15 mét tại Nhật vào ngày 11 tháng 3 vừa qua, niềm tin vào Chúa và tình thương Ngài xem như bị chao đảo nơi nhiều người. Tại sao lại xảy ra những chuyện như vậy? Thiên Chúa có thật không? Và nếu có thì lúc đó Ngài ở đâu?
Nếu nói Chúa chết vì yêu thương con người, thì còn ai đáng thương hơn những nạn nhân trong trận động đất và sóng thần này. Nếu nói là Chúa yêu thương con người, thì Ngài ở đâu khi hàng loạt nạn nhân vô tội bị chết trong khói lửa chiến tranh, tù đày, bất công và phi nhân?
Lý trí khiến chúng ta nghiêng về phía tên tội phạm ở bên cánh trái của Ngài. Chúng ta muốn thách thức Ngài: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi và cứu cả chúng tôi với” (Luc 23:39).
Nhưng đức tin lại bảo chúng ta rằng, như vậy là không trúng. Ngài đã không làm gì sai trái đến nỗi phải chết. Và như người tội nhân ở bên tay phải, chúng ta cần van xin Chúa: “Lậy Ngài, khi nào Ngài về nước Ngài, xin nhớ đến tôi” (Luc 23:42).
Có lẽ vì Chúa đã chết cách đây hơn 2000 năm, một cái chết tuy dữ dội, kinh hoàng, nhưng vẫn ở xa chúng ta và bên ngoài cuộc đời chúng ta nên chúng ta không mấy cảm thấy xót xa và thương cảm. Nhưng lý do chính phải kể là kẻ thù Satan và thái độ đồng lõa của chúng ta với hắn đã khiến chúng ta không nhận ra giá trị cũng như mục đích của cái chết ấy. Điều này có thể kiểm chứng được qua cách thức suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta.
Điều nghịch lý của đời sống chúng ta là một mặt chúng ta muốn làm môn đệ Ngài, mặt khác chúng ta lại sợ phải theo Ngài. Chúng ta chỉ theo Ngài khi được ăn bánh no nê. Được chia sẻ vinh quang của Ngài trên núi Taborê. Nhưng rồi bỏ trốn Ngài và tháo chạy khi có người muốn liên kết chúng ta với Ngài, tức là những thách đố và đau khổ cuộc đời. Và đặc biệt, chúng ta sợ thập giá, và càng không muốn chết ở trên đó. Chúng ta không có thái độ của người tử tội ở bên tay phải Ngài, chấp nhận và can đảm: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm.” Luc 23:41) Việc gì? Việc phủ nhận tình yêu của Ngài. Việc đem Satan vào cuộc sống của mình thay vì Ngài là người được chiếm chỗ nhất và ngự trị đền thờ cuộc sống của chính mỗi ngườii chúng ta.
Thật vậy, Thiên Chúa yêu thương con người. Ngài ở bên con người, và luôn luôn sẵn sàng cứu giúp con người. Nhưng phần con người thì đã quay lưng lại với Ngài. Cũng như dòng người đang la ó, hò hét lên án Chúa, chúng ta cũng đang cùng với nhân loại ngày nay nhân danh những tiến bộ của khoa học và nhân danh tự do, nhân danh hiểu biết đang cố tình tránh xa Thiên Chúa. Và đang cố tình loại trừ Ngài ra khỏi cuộc sống con người và thế giới. Ảnh hưởng của nền văn hóa “sự chết” này đang làm cho con người trở nên xây xẩm, lảo đảo, và mất định hướng. Và càng lao mình vào những kiếm tìm vật chất, hưởng thụ vật chất, con người lại càng xa Thiên Chúa, rời bỏ tình yêu của Ngài.
Trước những lời thách thức của các thượng tế, kinh sư và kỳ mục: : “Hắn cứu được kẻ khác, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là vua Israel! Bây giờ hắn cứ xuống khỏi thập giá, thì chúng ta tin hắn liền!” (Mat 27:42), Chúa Giêsu đã không xuống khỏi thập giá. Vì Ngài biết rằng nếu có làm theo những lời thách thức ấy, họ vẫn không tin. Vả lại, Ngài không làm vì Ngài đã tự mình chấp nhận cái chết ấy, không một ai có thể bắt Ngài phải chết như vậy.
“Không ai có tình yêu lớn lao hơn kẻ thí mạng sống mình vì bạn hữu mình” (Gio 15:13). Phần Chúa, Ngài đã nói và làm, nhưng phần chúng ta, chúng ta có chấp nhận và biết ơn tình yêu cao cả ấy không? Hay cũng như mấy phụ nữ Do Thái mà Ngài gặp trên đường trên núi Sọ. Như Phêrô chối bỏ Ngài giữa những lúc đau thương. Hoặc như Giuđa thất vọng mà đi thắt cổ tự tử?!!! Nhưng dù biết hay không biết. Dù cảm ơn hay vô ơn với Ngài, Chúa vẫn chết vì yêu chúng ta!!!
Views: 0