Trong suốt Mùa Chay và đặc biệt trong Tuần Thánh, Giáo Hội đã dẫn đưa ra những bước cần thiết để mọi Kitô hữu có thể nhìn nhận, thống hối tội mình, quay trở về với Thiên Chúa hầu lãnh nhận ơn giải thoát nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu Kitô. Là Kitô hữu yêu mến Chúa Giêsu, yêu mến thập giá của Ngài, chúng ta sẽ cảm động biết bao khi suy đến hai câu trong Bản Công Bố Nến Phục Sinh. Có thể nói đây là hai câu gói trọn toàn bộ sứ mạng cứu thế, toàn bộ những thống khổ của cuộc Khổ Nạn, và toàn bộ Tin Mừng Giải Thoát:
“Vì chưng, nếu không được cứu chuộc, chúng ta sinh ra có ích gì?”
Và:
“Ôi tội hồng phúc, vì đã đáng được Đấng Cứu Chuộc cao sang như thế”.
“O happy fault, O necessary sin of Adam,
which gained for us so great a Redemeemer!”
(Ôi lỗi lầm có phúc, Ôi tội cần thiết của Adong,
vì đã mang lại cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc cao cả!)
Nếu không được cứu chuộc?!!!
Trong ngày một em bé được sinh ra, một hiện tượng rất thông thường mà ai cũng thấy, đó là khi đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời, thì ông bà, cha mẹ, anh chị em và những người thân lại cười! Tại sao có cảnh tương phản này.
Có thể cho rằng em khóc vì nhận ra rằng sau này trong mọi góc cạnh cuộc đời, và trong suốt hành trình cuộc sống, em sẽ buồn nhiều hơn vui. “Đời là bể khổ!” Bước đầu mở mắt nhìn đời là bước đầu con thuyền đời em được hạ thủy. Dong duổi và nổi trôi giữa trùng dương sóng gió, em khóc cho thân thận em, và khóc cho cuộc đời lao nhọc của em. Ngược lại những người chung quanh cười, vì đó là niềm vui khi thấy một người được sinh ra trong thế gian, và rằng sẽ có một người cùng đồng hành với họ giữa những khó khăn cuộc đời chẳng khác nào chia sớt và làm nhẹ bớt cái nỗi khổ chung của kiếp người. Nhưng có lẽ, những người chung quanh cười vì vui mừng cho một phần tử gia đình mình vừa được đưa vào hiện hữu. Hiện hữu vẫn quí hơn mãi mãi chỉ ở trong chốn vô hình.
Tuy nhiên, đối với những ai tin nhận Chúa Cứu Thế, và sống sát với Tin Mừng của Ngài, thì lý do duy nhất để vui mừng đó là tin rằng rồi ra chính con trẻ ấy cũng như chính mình sẽ được cứu độ, được đón nhận, và được sống trong ân sủng của Thiên Chúa. Và chỉ có lý do đó mới là lý do chính yếu nhất, vững chắc nhất, và đầy hy vọng nhất để cho mọi người được vui mừng.
Thật vậy, “Nếu không được cứu chuộc, chúng ta sinh ra có ích gì?”. Đây cũng là mấu chốt cho cái khóc đầu đời của một em bé, cũng như những tiếng cười của những người thân yêu. Nếu như sau này em không được biết Chúa, không được hưởng ơn cứu độ thì thật sự cuộc đời này là một thảm sầu, và một bất hạnh to lớn nhất cho tất cả những vất vả, khó khăn và thử thách mà em đã được sinh vào. Nhưng giữa những cái nhìn bi quan ấy và giữa những đau khổ ấy, ánh sáng cứu độ đã bừng lên và ơn giải thoát đã đến với con người, thì tại sao con người lại không mừng mà phải khóc?!!! Tư tưởng này sẽ dẫn ta đến một hình ảnh của Con Thiên Chúa chết thay cho nhân loại. Ý nghĩa của Thập Giá chính là ở điểm, một người bị giết chết cách bất công, nhục nhã, tất tưởi, và cực kỳ đau đớn cho muôn người được sống. Cái chết không phải chỉ một, hai, hay vài ba chục người cười, mà toàn thể nhân loại được vui mừng.
Suy về cuộc khổ nạn, và cái chết của Chúa Giêsu cũng làm bừng lên trong ta niềm tin vào tình thương của Thiên Chúa. Ngài đã sai Con Một Ngài xuống trần để chết cho muôn dân được sống. Tất cả chúng ta đều mắc nợ món nợ tình yêu của Ngài. Khi còn nhỏ, mỗi lần suy niệm về cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu tôi chỉ muốn hiểu phần nào sự đau đớn của Ngài và tại sao Ngài lại phải chết. Giờ đây khi nhìn lên Thánh Giá, tôi đã khám phá ra rằng tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu thấu suốt nỗi đau của Ngài, và cũng sẽ chẳng làm thế nào để lý giải được lý do tại sao Ngài lại chấp nhận cái chết ấy, chỉ trừ Ngài là Thiên Chúa và vì Ngài yêu tôi.
Tội hồng phúc!
Tóm lại, bây giờ tôi mới thấy tôi nên khóc lúc tôi chào đời, và những người thân của tôi cũng nên cười khi thấy tôi chào đời. Bởi vì dù đời có cay đắng, nhiều thử thách và đau khổ. Dù đời có nhiều gian dối. Dù con người có nhiều sa ngã và yếu đuối. Dù cái chết có là hậu quả của tội lỗi. Nhưng tại sao tôi lại không vui khi nghĩ rằng bằng với tấm lòng yêu thương vô cùng, từ nguyên thủy Thiên Chúa đã nhìn đến tôi, đã nhìn đến thân phận yếu hèn của tôi để nâng tôi lên từ những yếu hèn ấy.
“Ôi tội hồng phúc, vì đã đáng được Đấng Cứu Chuộc cao sang như thế”.
“O happy fault, O necessary sin of Adam,
which gained for us so great a Redemeemer!”
(Ôi lỗi lầm có phúc, Ôi tội cần thiết của Adong,
vì đã mang lại cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc cao cả!)
Thế này có nghĩa là thế nào? Tại sao lại gọi là một lỗi lầm có phúc? Và tại sao lại gọi tội của Adong là một tội cần thiết? Chúng ta chỉ tìm được câu trả lời ấy khi tin rằng: “Vì đã mang lại cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc cao cả!” Do tội và sa ngã của Adong mà Chúa Cứu Thế cao cả đã đến với trần gian. Hoặc Đấng Cứu Chuộc cao cả đã đến với trần gian vì Adong đã sa ngã và đã phạm tội.
Nhưng tội phạm đến Thiên Chúa cao cả thì không phải là tội tầm thường, tội mà con người có thể đền trả. Chính vì thế nhân loại đã được ban cho Đấng Cứu Chuộc cao cả. Và Đấng đó chính là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Ngài đã đến trong thế gian cứu độ trần gian. Suy ngắm 14 Đàng Thánh Giá, con đường mà Chúa Giêsu đã vác thập giá từ dinh Philatô đến núi Cavariô, có khi nào chúng ta chú tâm đến 3 lần Ngài vấp ngã? Tội tôi, tội mọi người, tội Adong. Tất cả đã là một gánh nặng quá sức đè lên đôi vai Ngài, khiến Ngài bị té ngã. Nhưng dù vấp ngã, Ngài vẫn không nằm đó mà là chỗi dậy. Ngài đã đi hết con đường mà Ngài muốn đi vì những tội ấy. Như vậy, đó chẳng phải là hồng phúc cho chúng ta, những tội nhân đáng thương của Ngài đó sao?
Thử hỏi, nếu Chúa không đứng dậy, không đi đến núi Sọ, và không chịu đóng đanh vào thập giá, chịu chết trên đó, thì sức nặng kia, án phạt kia sẽ ra như thế nào? Sẽ do ai gánh trả? Và hậu quả là việc tôi hay bất cứ ai được sinh ra vào thế gian này sẽ có ích chi? Chẳng lẽ chỉ là lớn lên, tìm kiếm một vài của cải, danh vọng, và thú vui trần gian để rồi chết đi trong đống tội mình, để mang theo mình một món nợ không bao giờ trả nổi đối với Thiên Chúa và con người?!!! Một người thân của tôi đã nói một câu khiến tôi suy nghĩ có liên quan đến những suy niệm này. Anh đã nói thế này: Khi tôi chết đừng có ai khóc. Hãy nhìn tôi nằm trong quan tài mà nói: “Ồ! Khỏe đã chết, thật là tiếc!”
Chúa đã chết. Tôi cũng sẽ chết. Nhưng Ơn Cứu Độ Ngài sắm có đem lại cho tôi sự sống đời đời hay không? Tội của tôi cũng như tội Adong có trở thành một cái tội hồng phúc để tôi được hưởng nhờ ơn cứu độ hay không? Trong ngày tôi nhắm mắt từ giã cõi đời, nếu có ai đó nhìn tôi nằm trong quan tài và nói: “Ồ! Duyệt đã chết, thật là tiếc!” thì Thiên Chúa, và người đời nghĩ gì về tôi? Cái đó còn tùy ở nơi tôi có yêu mến và đáp trả lại tình Ngài lúc còn sống hay không. Vì “Nếu không được cứu chuộc, tôi sinh ra có ích gì?”
Views: 0