VỊ THIÊN CHÚA BỊ LÃNG QUÊN
“Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.
Nói xong, Chúa thổi hơi vào các ông và bảo:
Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần” (Ga 20, 21 – 22).
Khi sắp kết thúc sứ mạng của mình trên trần gian, Đức Giêsu đã sai các tông đồ ra đi để tiếp tục sứ mạng loan truyền Tin Mừng cứu độ, Ngài biết rõ các ông sẽ gặp những gian truân thử thách, để củng cố niềm tin cho các ông, Ngài đã mặc khải cho các ông biết về Chúa Thánh Thần là Đấng bảo trợ, ủi an, nâng đỡ các ông trên bước đường làm nhân chứng cho Sự Thật. Vai trò của Chúa Thánh Thần thật cần thiết và rất quan trọng trong cuộc đời của các chứng nhân, Ngài sẽ thánh hóa công việc và giúp cho các chứng nhân được lớn lên trong tình yêu và sự hiểu biết về Thiên Chúa.
Không phải chỉ có các tông đồ ngày xưa mới được lãnh nhận Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần, mà các Kitô hữu qua mọi thời đại khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội và bí tích Thêm Sức cũng đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Ngài hướng dẫn chúng ta đến sự thật trọn vẹn và làm cho chúng ta được trưởng thành trong đời sống đức tin. Nhờ Hồng Ân của Chúa Thánh Thần, chúng ta mới có thể làm chứng cho Sự Thật, cho Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa. Nếu không có Chúa Thánh Thần, hoặc phủ nhận sự hiện diện của Chúa Thánh Thần thì không ai có thể trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, như thế người đó đang làm chứng cho một ai khác chứ không phải là làm chứng cho Đức Giêsu Kitô người Nazarét đã chết trên thập giá và đã phục sinh.
Vai trò của Chúa Thánh Thần thật cần thiết trong đời sống đức tin và các hoạt động tông đồ của người Kitô hữu. Nhưng ngày nay dường như Chúa Thánh Thần đang bị lãng quên trong tâm hồn của nhiều người vẫn mang danh là con cái Chúa, vì không hiểu biết đúng đắn về Ngài, hoặc hiểu biết một cách mơ hồ.
Sáng nay 17/06/2011 buổi tĩnh tâm đầu tiên, anh Gioan TC Khổng Nhuận và chị Maria Cao Mỹ Dung chia sẻ với anh chị em đề tài: “Thánh Thần – Ngài ở Đâu?”. Hôm nay còn có sự hiện diện của Cha Gioan Baotixita Hoàng Văn Minh, cha Hilariô Hoàng Đình Thiều, anh Giuse Ngô Văn Hiền, Anh Anrê Nguyễn Hữu Nghĩa, Cộng Đoàn Khôi Bình là trưởng Ban Đại Diện các Đoàn Thể và Giới Tông Đồ Giáo Dân – Giáo Phận Sài Gòn và chị Maria Phạm Thị Thúy Lan là Thơ ký_2 của Ban Đại Diện các Đoàn Thể và Giới Tông Đồ Giáo Dân – Giáo Phận Sài Gòn và là Thơ ký Cộng Đoàn Lòng Chúa Thương Xót – Giáo Phận Sài Gòn và hơn 70 thành viên là các nhân tố nồng cốt của các gia đình thuộc các giáo phận Đà Lạt, Phan thiết, Xuân Lộc và Sài Gòn.
CHÚA THÁNH THẦN LÀ AI?
Theo Kinh Thánh và mặc khải của Chúa Giêsu cho chúng ta biết rõ ràng Thánh Thần là Thiên Chúa. Ngài là một “Đấng” cùng một bản tính Thiên Chúa. Đặc tính của Ngài là:
Vĩnh cửu: "Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa" (Dt 9, 14).
Đầy quyền năng: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc 1, 35).
Đấng thông suốt mọi sự: "Chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những chiều sâu thẳm nơi Thiên Chúa. Vậy, ai trong loài người biết được những gì trong con người, nếu không phải là thần trí của con người trong con người? Cũng vậy, không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa" (1Cor 2, 10-11).
Hiện diện khắp mọi nơi cùng một lúc: "Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, lẩn nơi nào cho thoát được Thánh Nhan? Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài." (Tv 139: 7 – 8).
Đấng Tạo Dựng: “Lúc khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước”. (St 1, 1 – 2). “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta” (St 1, 26).
CHÚA THÁNH THẦN TRONG LỊCH SỬ CỨU ĐỘ.
Con người đã phạm tội, tội lỗi đã nhập vào thế gian, do đó có sự chết, cho dù tội lỗi và sự chết đã tước mất vinh quang Thiên Chúa và làm méo mó đi hình ảnh của con người từ “thưở ban đầu”, nhưng con người vẫn là “hình ảnh của Thiên Chúa”. Lời hứa cứu chuộc của Thiên Chúa cũng đã được ban ra, và lời hứa cho Abraham đã vén lên bức màn cho công trình cứu chuộc. Và công trình cứu chuộc này được thực hiện nơi chính Con Một của Ngài xuống thế làm người và làm giá cứu chuộc cho muôn dân, phục hồi lại “hình ảnh ban đầu ấy” của con người, như phác họa mà Thiên Chúa đã tạo dựng qua việc Ngài ban Thánh Thần là “Đấng ban sự sống” để con người lấy lại được nét “vinh quang” của mình. “Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ đã được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban cho không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Giêsu Kitô”. (Rm 3, 23)
Chúa Thánh Thần đã góp phần vào lịch sử cứu độ nơi thời điểm viên trọn qua Thánh Gioan Tiền Hô Tẩy Giả, qua Mẹ Maria, Đấng đầy ơn phúc và qua Chúa Giêsu Kitô:
• Nơi Gioan, vị tiền hô, Chúa Thánh Thần hoàn tất công việc là chuẩn bị một dân tộc dọn đường cho Chúa đến. “Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Êlia, em sẽ đi trước mặt Chúa, để cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa. (Lc 1:17)”
Gioan đã kêu gọi dân chúng sám hối vì Nước Trời đã gần và làm phép rửa cho họ. Phép rửa của Gioan là để thống hối, còn phép rửa trong nước và Thần Thần sẽ là một cuộc tái sinh. Đức Giêsu nói với Nicôđêmô “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí”. (Ga 3, 5)
• Nơi Mẹ Maria, Chúa Thánh Thần đã bao phủ Mẹ bằng ân sủng của Ngài. “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1, 35). Thật là rất xứng hợp cho Mẹ của Đấng Thiên Sai phải được “đầy ơn phúc”, được Thánh Linh ngự trị một cách thể lý. Sau hết, qua Mẹ Maria, Thánh Linh bắt đầu làm cho loài người trở thành là đối tượng của tình yêu nhân hậu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa: “ Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương (Lc 2:14).
Mẹ đã hiện diện bên các Tông Đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần, mọi người chuyên tâm cầu nguyện. Sức mạnh và quyền năng của Chúa Thánh Thần đã ngự trên họ, Ngài sẽ canh tân và biến đổi cõi lòng họ, và mở màn cho một giai đoạn mới là khai sinh Giáo Hội.
• Nơi Đức Giêsu Kitô, người Tôi Trung của Thiên Chúa đã được tiên báo trong Cựu ước: “Từ gốc Giêssê sẽ nẩy lên một chồi ……” (Is 11, 1 – 3). Chúa Giêsu Kitô bắt đầu công khai rao giảng Tin Mừng bằng việc qui về cho mình đoạn văn của tiên tri Isaia để ứng nghiệm lời trong kinh thánh Cựu ước tiên báo về Ngài:
“Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người ta yêu dấu. Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân.” (Mt 12, 18).
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sang mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. (Lc 4, 18 – 19). Chúa Thánh Thần vẫn âm thầm hoạt động nơi cuộc đời của Đức Giêsu. Đức Giêsu không tỏ Chúa Thánh Thần ra cho các môn đệ biết về một cách hoàn toàn chỉ cho tới giờ Người được vinh hiển qua cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người, vì cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người sẽ làm trọn lời hứa với các vị cha ông, lúc ấy Ngài mới hứa hẹn cho Chúa Thánh Thần đến:
“Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15:26).
“Song Thầy nói thật với anh em: Thầy đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em, nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.(Ga 16, 7).
Khi Đức Giêsu phục sinh, Ngài hiện ra với các môn đệ và ban Thánh Thần trên các ông:
“Người thổi hơi vào các ông và bảo: anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20:22).
Từ lúc đó trở đi, sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô và của Thần Thần đã trở thành sứ vụ của các Tông đồ và toàn thể Giáo Hội.
NHỮNG ÂN HUỆ CỦA THÁNH THẦN
Khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội và bí tích Thêm Sức, mỗi người chúng ta được lãnh nhận Hồng Ân Bảy Ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, thánh hóa bản thân và giúp cho mỗi người chúng ta được tiến triển trên đường nhân đức và trưởng thành đức tin trong sự thánh thiện. Chúa Thánh Thần giúp cho tâm trí chúng ta nhận biết về Thiên Chúa, về Ơn Cứu Rỗi và những mặc khải của Ngài mỗi ngày một rõ ràng và sâu xa hơn
Các Ơn Khôn Ngoan, Thông Minh, Biết Lo Liệu, và Hiểu Biết, là những Ơn giúp cho tâm trí chúng ta được biết Thiên Chúa và những Sự Thật cứu rỗi được Ngài mạc khải. Không những giúp cho chúng ta biết cách sống và còn là một nhân đức của một tâm hồn biết nhìn nhận mọi sự một cách chân thành, biết những giới hạn của mình, cũng như nhận ra hoàn cảnh đời sống của mình và người khác, soi sáng cho tâm trí chúng ta nhìn rõ việc phải làm, phải quyết định cho đúng. Giúp cho chúng ta biết suy nghĩ tìm hiểu vấn đề cho sâu rộng thêm, cùng khiêm tốn học hỏi để thăng tiến them. Khi gặp nhũng vấn đề còn hoài nghi ơn Biết Lo Liệu sẽ giúp chúng ta tìm kiếm được những quyết định và giải pháp đứng đắn. Nhờ sự soi sáng của Ngài giúp chúng ta hiểu biết sâu rộng, nhờ đó thoát khỏi những đêm tối của tâm hồn nhiều khi làm cho chúng ta hoang mang, lo sợ và chúng ta dễ dàng chấp nhận và khoan dung trước những khuyết điểm của anh chị em mình.
Ơn Sức Mạnh, Ðạo Ðức, và Kính Sợ Thiên Chúa, thì trợ giúp cho ý chí của chúng ta, giúp chúng ta yêu mến Chúa một ngày một mạnh mẽ hơn. Nhiều khi trong cuộc sống tinh thần chúng ta mệt mỏi, uể oải, ơn Sức Mạnh sẽ củng cố tinh thần, vực chúng ta vươn lên trong niềm hy vọng. Ngọn lửa mến Chúa Thánh Thần đốt lên trong tâm hồn giúp ta nhận ra Thiên Chúa là nguồn yêu thương cho ta thêm lòng yêu mến Chúa cùng tin và kính trọng các mầu nhiệm về Thiên Chúa, không chạy theo các thần tượng giả tạo của thế gian.
Như lời Chúa Giêsu đã phán với các Tông Đồ:
"Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn". (Ga 16, 13)
Trong thực tế, cuộc sống của mỗi người trong từng hoàn cảnh, chúng ta luôn phải đương đầu với những khó nhăn, những thử thách, để làm “Chứng nhân cho Tình Yêu Thiên Chúa” không phải là một lộ trình trải thảm hoa, nhưng có những thực tế gian nan, đắng đót, phũ phàng. Để vững vàng, không chán nản, chúng ta cần có một sức mạnh thiêng liêng, không cậy dựa vào sức lực, tài năng riêng của con người, mà là sức mạnh từ trời cao, đó là, sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
"Chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ Tình Yêu của Nguời vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Nguời ban cho chúng ta." (Roma 5,5).
Thánh Phaolô tông đồ nói ra bí quyết của nhân đức Cậy Trông, của Niềm Hy Vọng không bao giờ bỏ cuộc trong cuộc đời làm con cái Thiên Chúa. Như lời Ngài đã viết:
Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta. Ngài ngự trong tâm hồn chúng ta. Ngài là Tình Yêu, là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài làm cho chúng ta được luôn kiên trì trong Tình Yêu, được luôn bền vững trong nhân đức Cậy Trông, trong niềm hy vọng không bao giờ lay chuyển.
Chúa Thánh Thần đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của thế giới và con người ngày nay và nhất là nơi đời sống của những ai quyết tâm dấn thân bước theo con đường thập giá của Chúa Giêsu Kitô, làm nhân chứng cho Thiên Chúa giữa một xã hội còn nhiều bất toàn. Vì Chúa Thánh Thần đến để canh tân bộ mặt thế giới và dẫn đưa nhân loại đến một Sự Thật toàn vẹn. Tuy nhiên vì sự hiện diện và tác động của Ngài rất âm thầm và vô hình. Vì thế, Ngài dễ bị con người lãng quên, đôi khi vô tình còn xúc phạm đến Ngài, hoặc loại bỏ Ngài ra khỏi đời sống của chúng ta, mà nhiều khi chúng ta không hay biết. Thánh Phao lô đã khẳng định:
Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, thì không thuộc về Đức Kitô (Rm 8, 9). Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa ( Rm 8, 14).
Chúng ta đã được trưởng thành trong đời sống thiêng liêng chưa? Sự dấn thân làm chứng cho Chúa của chúng ta do ai hướng dẫn? Chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống và trong lòng chúng ta không? Hay chúng ta cũng đã lãng quên Ngài?
Trả lời được những câu hỏi này chúng ta sẽ biết mình đang thuộc về ai?
Hãy ý thức và cộng tác với Chúa Thánh Thần tác động nơi cuộc sống chúng ta, để làm chứng cho Thiên Chúa giữa một xã hội đầy phức tạp này.
THÁNH THẦN THEO QUAN NIỆM MỚI
CHÚA THÁNH THẦN Ở ĐÂU?
• “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14, 16 – 17).
Qua mặc khải của Chúa Giêsu ta biết được Chúa Thánh Thần luôn ở với, ở giữa và ở trong chúng ta. Ngài giống như một chiếc chìa khóa, nhờ Ngài chúng ta mới có thể mở ra được cánh cửa sự thật để được đi sâu vào đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Qua Kinh Thánh, chúng ta cũng nhận ra được 3 khuôn mặt của Chúa Thánh Thần.
QUAN NIỆM SỐNG ĐỘNG VỀ THÁNH THẦN
1. Ngài là sự sống Thần Linh.
• Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an. (Rm 8:6)
2. Ngài là Thần Khí Sức mạnh.
• “Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí là cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ” (2Tm 1, 7).
3. Ngài là Thần Khí Tình Yêu.
• “Thiên Chúa đã tuôn đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta” (Rm 5, 5).
Như vậy, Chúa Thánh Thần không phải tìm đâu xa, Ngài ở trong chúng ta, nhờ tác động của Ngài, chúng ta được sống một đời sống mới, một tư tưởng mới, chúng ta đang mang một nguồn sức mạnh để vượt qua những chông gai, những đau khổ. Chúa Thánh Thần chính là tình yêu Thiên Chúa, nhờ đó ta có thể yêu thương nhau và tha thứ cho nhau, làm trạng sư cho nhau. Ngài là một kho tàng ân sủng vô tận của Thiên Chúa để chúng ta kín múc mà đối xử với anh em.
ĐỒNG HÀNH CÙNG CHÚA THÁNH THẦN
Muốn đồng hành cùng Chúa Thánh Thần ngay trong đời sống của mình.
Việc đầu tiên là phải loại trừ ngay tư tưởng Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa Cao sang nhìn trùng Thánh đức. Chúng ta phải phục bái tôn thờ…
Thay vào đó, chúng ta đón nhận tư tưởng tích cực và gần gũi về Thánh Thần:
• Thánh Thần ở ngay trong lòng tôi.
• Thánh Thần là sức mạnh Thần Linh giúp ta vượt qua trở ngài, khó khăn cũng như nâng đỡ tinh thần ta mạnh mẽ hơn lên.
Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ,… đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực. (Ep 1:18-19).
• Thánh thần là Khối Tình Yêu mạnh liệt giúp ta dùng tình yêu bao dung đó để đối xử với những người trong gia đình nhỏ bé trong cộng đòan rộng lớn và ngoài xã hội đầy bát nháo và dối gian..
Đơn cử một vài sự kiện đơn giản và rất thực tế trong cuộc sống.
Thí dụ một:
Khiêng bàn ghế: Trước khi ra về, anh trưởng nhắn:
Xin một số người tình nguyện ở lại khiêng một số bàn ghế trở lại vị trí cũ.
Tôi tình nguyện ở lại với một vài anh khác, nhưng có vẻ hơi ít.
Tôi có thể phản ứng khác nhau:
Phản ứng thứ nhất: Nhìn những người khác tỉnh bơ ra về tôi khó chịu quá và cảm thấy những cái bàn hình nhưng nặng hơn bình thường.
• Thế là tình thần tình nguyện của tôi đi đoong!!! Vừa cực thân xác vừa cực tâm hồn.
Phản ứng thứ hai: Thôi thì lỡ rồi, tuy vẫn bực mình một chút nhưng tôi bèn dâng công việc này để hy sinh lập công, đền tội cho mai sau. Hy vọng Chúa sẽ ghi vào sổ vàng và bớt hình phạt nơi luyện ngục cho tôi vài trăm ngày cũng đỡ ghiền.
• Tất nhiên là phản ứng này khá hơn phản ứng thứ nhất.
Phản ứng thứ ba: Tôi vừa đón nhận Thánh Thần vào lòng mình. Đây là một trong những dịp may để tôi thực tập sống trong Ngài, với Ngài.
Tôi nhủ thầm: Chúa à, Thánh thần Chúa chính là sức mạnh trong con. Giờ đây con khiêng bàn trong sức mạnh của Ngài.
• Lạ thay, cái bàn vẫn nặng chứ đâu phải chơi, nhưng lòng tôi nhẹ tênh! Vì tôi cảm thấy sức mạnh Thánh Thần vừa cộng tác vừa nâng đỡ tinh thần tôi giúp tôi hoàn tất công việc trong vui vẻ và bình an.
Thí dụ hai:
Tôi là trưởng một nhóm. Trước đây mấy tháng, tôi dùng quyền anh trưởng của mình để ép anh em họp vào buổi chiều, trong khi phần đông anh em lại bận rộn vào giờ đó. Anh em đã nhiều lần góp ý nhưng tôi cứ bỏ ngoài tai. Cứ sử dụng uy quyền trưởng nhóm của mình.
Mới đây tôi mới chợt khám phá ra Thánh Thần là khối tình yêu trong tâm hồn mình. Tôi tâm sự với Chúa:
Chúa à, quả thật con không phải chút nào. Trước đây con chỉ thấy “thằng tôi” to tướng và lạm dụng quyền trưởng nhóm của mình.
Hôm qua, con đã ngồi yên lặng để “cảm nhận” Thánh Thần hiện diện trong con. Tuy rằng con chưa cảm thấy gì cả, nhưng con biết rằng: Với sức mạnh Thánh Thần con có thể dẹp bỏ “thằng tôi” xuống để sắp xếp công việc riêng của mình sao cho phù hợp với giờ giấc của anh em.
Ngay sau đó, tôi điện thoại báo cho anh em biết từ tuần tới chúng ta sẽ họp vào 7g30 tối. Ai cũng reo lên sung sướng ngay trên điện thoại.
Thật tuyệt vời!! anh em vui một, có lẽ tôi vui mười vì đây là lần đầu tiên tôi đã biết thực thập làm quen với Thánh Thần rồi.
Thí dụ ba:
Va chạm: Chỉ vì chuyện nhỏ như con kiến, thế mà vợ chồng tôi lại to tiếng với nhau. Cô nàng buồn quá vào giường ngủ trước.. nhưng nào có ngủ được đâu!!!
Tôi còn ở ngoài phòng khách trong khi cục giận vẫn còn nghẹn ở cổ…Tôi tắt đèn, một mình trong bóng tối và ngồi yên lặng 15 phút cho lòng chùng xuống.
Sau đó tâm sự với Chúa bằng cách nói thật chậm… thật chậm ….
Chúa à, Thánh Thần sức mạnh ở trong con. Sao con vẫn yếu đuối quá vậy?
Thánh thần Tình Yêu ở trong con. Sao con không cảm được?
Tôi cứ nhâm nhi câu nói này cả hai chục lần…rất chậm…rất chậm….
Thế rồi, bỗng nhiên trong lòng tôi vơi đi và tôi cảm thấy một tình yêu huyền diệu từ từ dâng cao và lớn lên…bao trùm thân thể tôi.
Tôi cứ ngồi bất động như thế.. sợ tình yêu huyền diều này biến đi mất…
Sau đó, tôi mang cả tình yêu kỳ diệu này vào phòng ngủ…
Tôi nhè nhẹ vuốt ve cô nàng..Cô nàng hất tay ra..Tôi vẫn bình tình nhẹ nhàng tiếp tục vuốt ve với tình yêu huyền diệu trong tôi…Vài phút sau, dường như cô nàng cũng nhận ra điều gì đó nên từ từ quay lại.. và chúng tôi làm hòa bằng vòng tay ôm thật chặt.
Nàng khẽ nói : Em ghét anh.
Trời à! Nói là ghét nhưng âm thanh phát ra lại như được pha cả một ký mật ong vào trong đó!!!
Qua sự kiện này, tôi nghiệm ra rằng: Trong những va chạm nho nhỏ đó nếu chúng tôi tận dụng để thực tập sống trong Thánh Thần thì có nhiều lợi ích sau đây:
– Bản thân chúng tôi càng dễ làm quen với Thánh Thần hơn.
– Chúng tôi giúp nhau diệt từ trong trứng nước những va chạm để nó không thể trở thành cuộc chiến tranh lớn.
– Mỗi lần làm hòa, tình vợ chồng chúng tôi cáng gắn bó hơn, càng đậm đà hơn, càng nồng thắm hơn…
Thêm vào đó,
Sau đây là là một vài gợi ý thực hành thêm
1. Đọc Kinh Thánh từ từ, gặp câu nào tâm đắc, ta dừng lại thật lâu, cá nhân hoá và nội tâm hóa từng chữ để Lời Chúa là Thần Khí và là sự sống thấm dần, thấm dần vào tâm mình.
2. Trong ngày, chúng ta thường sống như cái máy. Nhưng nhờ Lời Chúa dần dần thấm vào tâm, chúng ta thỉnh thoảng dừng lại một vài phút – đây là những giây phút tỉnh thức – để cảm nhận Chúa đang thực sự sống động qua bàn tay, đôi chân của mình. Thí dụ như:Ta đi lên rước Chúa ư? Thường thì vẫn máy móc như xưa, nhưng chúng ta nên đi hơi châm lại một chút và tâm sự với Chúa: Chúa à, con đang tới rước Chúa vào lòng để con xác tín rằng – xác tín thực sự chứ không phải ngoài môi miệng – Chúa đang hiện hiện và sống động trong con – Chúa trong con và con trong Chúa.
Ta lái xe tới sở làm ư? Lâu lâu tự nhắc nhở mình Chúa đang sống trong ta, Ngài lái xe qua đôi tay của ta.
Ta nhâm nhi café ư? Thỉnh thoảng cũng nên trầm mình xuống một chút để cảm nhận Chúa cũng đang thưởng thức hương vị thơm tho của café qua môi miệng ta. Thú vị quá! Ta vừa thưởng thức café vừa nếm hương vị ngọt ngào trong vài giây phút kết hợp với Chúa.
Người khác sỉ nhục, loại trừ ta ư? Ta không cô độc buồn tủi vô ích vì có Chúa ở với ta. Dù rằng lúc đầu cũng buồn 15 – 20 phút, nhưng sau đó, chúng ta sẽ cảm thấy chẳng có “gờ-ram” nào cả.
3. Đặc biệt, mỗi tối, chúng ta xét mình xem trong ngày qua, chúng ta đã sống được mấy phút. Lúc đầu chưa quen, nên chúng ta dễ quên, nhưng dần dần thời gian sống kết hợp với Chúa chắc chắn sẽ càng ngày càng tăng lên, càng thường xuyên hơn. Lúc đó, chúng ta mới cảm được hương vị bình an, lâng lâng thanh thoát trong tâm tình hiệp nhất với Ngài.
Dầu thức hay ngủ, chúng ta cũng sống với Người (1Tx 5:10)
4. Bạn tâm giao: Nếu ta có một hay vài người bạn tâm giao để chia sẻ, để đặt nghi vấn rồi cùng nhau giải quyết thì đây là một động lực rất tốt giúp cho cuộc sống tâm linh tiến bộ rất nhanh.
Kết luận
Quả thực, dù đọc cả núi sách về Thánh Thần;
dù viết hàng chục tác phẩm về Thánh Thần,
dù nghe hàng trăm bài giảng về Thánh Thần
mà không tìm cách để thực tập sống trong cuộc đời hàng ngày của mình thì cũng hoàn toàn vô ích mà thôi
Vì thế, trong giờ thảo luận, chúng tôi đã chia sẻ với nhau câu hỏi gợi ý:
Kể từ hôm nay, tôi quyết tâm làm những gì cụ thể để tập nhớ và sống trong Thánh thần?
Cuối cùng, xin gởi lại hai Lời Chúa mà chúng tôi rất tâm đắc:
Nhân tố đổi mới: chính là Thần Khí
Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.(Ep 2 : 23-24)
Đổi mới luôn luôn, đổi mới hằng ngày, đổi mới suốt đời…
Anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu. (Cl 3:10).
Lạy Chúa, xin thương ban Chúa Thánh Thần xuống cho chúng con, để Ngài canh tân đời sống chúng con, canh tân gia đình, xã hội chúng con sinh sống và thể thế giới này. Amen.
Nguyễn Lặng Thầm tường trình.
Views: 0