Uncategorized

Nazareth: Phương pháp phục hồi đời hôn nhân

Trong Thánh Kinh khi viết về biến cố Giáng Sinh, Thánh sử Mátthêu có ghi: “Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi cùng với bà Maria mẹ Người, và họ đã quì gối xuống, sụp lạy Người.

 

Trong Thánh Kinh khi viết về biến cố Giáng Sinh, Thánh sử Mátthêu có ghi: “Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi cùng với bà Maria mẹ Người, và họ đã quì gối xuống, sụp lạy Người.

 

Rồi mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương, và mộc dược… Khi các Đạo sĩ ra đi, Thiên Thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: “Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông: vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người.” (Mt 2:11,13)

 

Giuse, Maria, Giêsu là ba nhân vật có mặt trong trình thuật của Máttthêu và cũng là ba con người của một gia đình. Mỗi người giữ một vai trò và một sứ vụ. Vai trò làm chồng, làm cha thuộc về Giuse. Vai trò làm vợ và làm mẹ thuộc về Maria. Và vai trò làm con thuộc về Giêsu. Nhưng liệu những con người ấy, cái gia đình đơn sơ, nghèo nàn ấy có còn đủ sức quyến dũ để làm thay đổi những gì đang xảy ra đối với đời sống hôn nhân, gia đình của thế giới chúng ta hiện nay không?

 

Hôn nhân, gia đình, đặc biệt trong môi trường xã hội hiện nay, đang trải qua những khó khăn, phức tạp liên quan trực tiếp hay gián tiếp với nhau từ tâm lý đến thể lý, từ thể lý đến tâm sinh lý, từ đạo đức đến luân lý, từ môi trường gia đình đến xã hội, từ ảnh hưởng kinh tế, và ảnh hưởng chính trị. Không những thế, đời sống hôn nhân gia đình còn bị khó khăn bởi vấn đề sinh sản, nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Trước những phức tạp và khó khăn ấy, ngoài những hình thức và phương pháp trị nhiệu như tâm lý trị liệu, tâm linh trị liệu, ít ai nghĩ đến một phương pháp rất hữu hiệu và cần thiết, tạm gọi “Nazareth trị liệu” hay mô phỏng gương sống của những nhân vật thuộc Gia Đình Nazareth.

Hình ảnh Gia Đình Nazareth

 

Trước khi đi sâu vào Gia Đình này, chúng ta hãy có một cái nhìn tổng quát về cái gọi là “Thánh Gia” hay “Gia Đình Nazareth”. Hy vọng với cái nhìn này có thể giúp gì cho chúng ta trong môi trường và đời sống hôn nhân gia đình hiện nay.

 

Gia Đình Nazarerth hay “Thánh Gia Nazareth” là một gia đình bình thường như mọi gia đình. Một gia đình với cha, mẹ, và con. Sinh sống bằng nghề thợ mộc tại miền quê Nazareth nên tạm gọi là “gia đình Nazareth”.  Một gia đình giống như hầu hết mọi gia đình trên thế giới, đặc biệt, thuộc thế giới những người nghèo.

 

Gia Đình Nazareth là một gia đình nghèo. Biến cố hạ sinh của Giêsu được mô tả là một biến cố rất cực khổ và xấu hổ cho cả cha lẫn mẹ. Vì nghèo nên Giêsu phải sinh ra trong một chuồng bò ở ngoài cánh đồng Belem. Sau thời gian trốn chạy qua Ai Cập khỏi tay Hêrôđê trở về lại quê hương, nghề thợ mộc của Giuse cũng vẫn là nghề sinh nhai chính.

 

Gia Đình Nazareth là một gia đình với nhiều khác biệt xét về thể lý, tâm lý, vai trò xã hội và sứ vụ. Giuse là con cháu hoàng tộc Đavít nhưng gia cảnh đã sa sút và nghèo. Maria con của một thượng tế, một trinh nữ được tuyển chọn là Mẹ Con Chúa, nhưng rồi lại kết hôn với Giuse. Giêsu trong vai trò là con, nhưng tự thân là Thiên Chúa Ngôi Hai nhập thể. Một gia đình mà mới chỉ nhìn qua đã thấy có một cái gì pha trộn giữa trần thế và mầu nhiệm. Đấy chính là nguyên nhân để có những hiểu lầm, những vai chạm và khó khăn xảy ra cho những người trong gia đình này.

 

Gia Đình Nazareth là một gia đình mà sự khác biệt và ảnh hưởng tâm lý giữa cha mẹ và con cái đã làm cho Giuse và Maria phải “ghi nhớ”, phải “suy nghĩ” để tìm phương pháp giải quyết. Một gia đình có vấn đề trong tương quan giữa cha mẹ và con cái.

 

Nhưng không phải vô tình mà Thiên Chúa đã giới thiệu Gia Đình Nazareth với nhân loại. 

 

Về phương diện tâm linh, Gia Đình Nazareth chính là một mô hình thay cho gia đình đầu tiên của nhân loại đã gặp khó khăn và bị hủy hoại bởi tội lỗi. Từ thời đầu sáng tạo, theo Thánh Kinh, Thiên Chúa đã tạo dựng Adam. Nhưng dù sống giữa vườn Diệu Quang ngày ngày dạo chơi với Ngài, ông vẫn như thiếu thốn một cái gì. Thiên Chúa đã hiểu được những gì ông đang suy tư. Ngài đã dùng chất liệu từ chính ông tạo dựng cho ông một người bạn đường, một người trợ tá, một người để yêu ông, để ông yêu và cùng ông sống hạnh phúc. Đó là Evà.

 

Cũng theo Thánh Kinh, khi Evà được Thiên Chúa giới thiệu với Adam, ông đã vui hẳn lên. Ông đã buột miệng nói: “Đây là xương của xương tôi, và thịt của thịt tôi” (Sáng Thế 2:23).  Và Thiên Chúa đã chấp nhận sự phối hợp này: “Bởi đó, người đàn ông sẽ từ bỏ cha mẹ mình và luyến ai với vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một” (Sáng Thế 2:24). Từ ngày ấy Adam đã hết buồn. Rấc tiếc, có thể vì Ông hạnh phúc với cái mình đang có nên đã lơ là với Thiên Chúa, để rồi Ông đã bị Evà kéo vào con đường bội phản là ăn “trái cấm.” Hôn nhân đầu tiên và gia đình đầu tiên của nhân loại đã bị băng hoại, đổ vỡ!

Nazareth mô phạm của các gia đình

 

Dưới cái nhìn của tâm lý trị liệu, Gia Đình Nazareth được coi như một phương pháp trị liệu những căn bệnh liên quan đến hôn nhân của con người thời đại.

 

Hôn nhân đầu tiên giữa Adam – Evà hay sau này giữa Giuse – Maria vẫn chỉ duy nhất mang một mục đích: Đó là đón nhận và chia sẻ với nhau tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa. Theo Form một tâm lý gia chuyên về tình yêu, thì ngoài tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, và tình yêu con người đối với Ngài, tình yêu lứa đôi là cao cả và tốt đẹp nhất. Tình yêu này là căn bản phát sinh tình yêu vợ chồng, tình yêu cha mẹ và con cái, tình yêu anh chị em, và các thứ tình yêu khác liên quan đến đời sống tâm lý, tình cảm cũng như xã hội.

 

Hôn nhân sở dĩ trở nên cao quí, không chỉ dừng lại ở chỗ Thiên Chúa nối kết hai con người bằng xương, bằng thịt, hoặc ở chỗ hai con người trao cho nhau tình yêu của mình, mà là ở chỗ Thiên Chúa đã chia sẻ tình yêu của chính Ngài cho con người. Do đó hạnh phúc hôn nhân là hai người trao cho nhau tình yêu mà họ đã đón nhận từ Thiên Chúa, Đấng mà theo Thánh Gioan định nghĩa là tình yêu: “Thiên Chúa là tình yêu” (I Jn 4:16). Tình yêu hôn nhân phát xuất và mô phỏng tình yêu Thiên Chúa.

 

Như vậy, khi nói về hôn nhân, gia đình thì không có từ gì khác hơn để diễn tả, cho bằng cụm từ “công đồng tình yêu”. Tình yêu đã nối kết hai người, và tình yêu làm cho họ trở nên tan biến trong nhau, tìm thấy một nửa phần mình qua người kia, vì “họ không còn là hai mà là một”. Cũng chính do tình yêu ấy đã làm cho đôi vợ chồng sống đầy đủ với con người thật của mình. Tình yêu ấy không dừng lại cho họ, nhưng đã sản sẻ với nhau và cùng vươn tới tình yêu Thiên Chúa.  Những điều này đã được chứng minh qua cuộc hôn nhân của Giuse và Maria.

 

Thiên Chúa đã không chọn con đường nào khác để vào đời, bằng qua cửa ngõ gia đình, cửa ngõ hôn nhân. Con Chúa khi giáng trần cũng không ngoài việc thể hiện tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa để cứu lại một nhân loại tội tình, lạc hướng, và đánh mất tình yêu. Nhân loại sau Tội Nguyên Tổ đã cắt đứt mạch sống tình yêu với Thiên Chúa và với nhau. Đau khổ và sự dữ đã ngự trị khi tình yêu bị tắt lịm và khống chế bởi tội lỗi.

 

Về mặt nhân bản, nhân loại ngày nay dù đang cố gắng để tìm ra những giải pháp canh tân, đổi mới và thay đổi mô hình gia đình, nhưng con người cũng sẽ không bao giờ được hạnh phúc, nếu không nhìn vào mẫu gương của Gia Đình Nazareth để học cách thức hòa hợp về tâm lý, san bằng những khác biệt về phái tính, tuổi tác, vượt qua những khó khăn của tình trạng kinh tế, hòa đồng với xã hội bên ngoài, cũng như biết cách thế nào để giáo dục con cái. 

 

Ứng dụng vào đời hôn nhân
 

Để ứng dụng mô hình Nazareth vào đời sống hôn nhân, chúng ta có thể đọc lại trích đoạn Tin Mừng của Thánh Mátthêu. Thánh Mátthêu kể khi Ba Nhà Đạo Sĩ đến, thoạt tiên, các vị không thấy Giuse, cũng không thấy Maria ra đón họ, nhưng đã gặp Hài Nhi Giêsu trước. Không thấy Thánh Kinh nói gì thêm về vai trò của Maria cũng như của Giuse trong việc đón tiếp các vị Đạo Sĩ, nhưng chỉ thấy sau đó kể lại sứ vụ mà Thiên Chúa trao cho Giuse sau khi các Đạo Sĩ ra đi. Đó là thiên sứ đã nhắc bảo Ông thức dậy, lo liệu đem Hài Nhi và mẹ Người chạy trốn qua Ai Cập. (x Mt 2:13).  

 

Bí quyết của hôn nhân và hạnh phúc gia đình này là ở chỗ tất cả mọi người trong gia đình không tìm mình, không muốn mình được nổi nang, nhưng đặt nặng ý nghĩa tìm gặp Chúa, và thực thi ý của Ngài nơi mỗi một phần tử. Trẻ Giêsu mà các vị Đạo Sĩ bái lậy kia lúc này không đơn thuần chỉ là một em bé, nhưng chính là Con Thiên Chúa giáng trần. Cử chỉ cung kính bái lậy và các lễ vật Ba Nhà Đạo Sĩ dâng tiến Ngài nói lên vai trò ấy của Ngài. Với cái nhìn thông suốt bằng cặp mặt tâm linh, các Đạo Sĩ đã khám phá ra điều mà các vị đang kiếm tìm đó không chỉ là Vua Do Thái mới sinh, mà còn là Con Thiên Chúa giáng trần. Chắc chắn trong lần gặp gỡ ấy, các vị không thể thất lễ và coi thường vai trò và địa vị của Maria cũng như của Giuse.

 

Bài học Nazareth dẫn đến những ứng dụng thực hành sau:

 

1.Thiên Chúa phải có mặt và phải được nhận ra trước hết trong mọi tương quan của đời sống hôn nhân và gia đình: Trong Gia Đình Nazareth, Giuse đã tìm Chúa và Maria cũng đã tìm Chúa. Sự tìm kiếm ấy đã dẫn hai người đến sự chấp nhận nhau, và cùng nhau chu toàn ơn gọi được trao phó. Không có Chúa ở giữa, không tìm hiểu để biết ý Chúa, Giuse có đủ lý do kết án và ném đá Maria. Không tin Chúa và không tìm hiểu để nghe tiếng Chúa, chắc chắn Maria không dám lao vào một thử thách quá sức mình là chấp nhận để Thiên Chúa dùng mình trong chương trình cứu độ của Ngài. Vì thế, mặc dù biết đó là một tiếng “Fiat” đầy đau thương, thử thách, máu và nước mắt, Maria vẫn thưa tiếng “xin vâng” và Giuse vẫn đón nhận Maria làm vợ.     

 

2.Thông cảm và chia sẻ: Thánh Kinh không ghi lại những lần đối thoại, truyện trò, trao đổi giữa Giuse và Maria. Và tuy trong Thánh Kinh cũng không ghi lại những hình thức đối thạo hay giải quyết những vấn đề trong Gia Đình Nazareth như thế nào; đặc biệt, những lúc gặp khó khăn như cuộc hành trình kiểm tra dân số, Maria sinh Hài Nhi trong chuồng bò, gia đình trốn chạy qua Ai Cập, hoặc sau này lạc mất Giêsu trong đền thờ… Nhưng vì có Chúa ở giữa như một gạch nối dẫn đến sự hiểu biết và tương kính. Do đó, mặc dù không nói nhiều bằng lời, không cãi vã, to tiếng nhưng hai Đấng đã nói với nhau bằng những cử chỉ yêu thương, săn sóc và tôn trọng nhau. Họ cũng đã giải quyết các khó khăn cuộc đời bằng phương cách này.

 

3.Bình tĩnh và nhẫn nại: Một trong những lỗi lầm to lớn nhất trong tương quan vợ chồng, đó là tính nóng nảy và thiếu nhẫn nại. Vì muốn mọi việc phải xảy ra như ý mình, hoặc vì không muốn tìm hiểu xem người phối ngẫu nên nhiều lời nói, cử chỉ của ta đã làm cho cuộc sống chung trở thành khó khăn, phức tạp. Cũng có thể là thiếu tự tin ta không dám đối diện với những điều khiến tự ái bị va chạm, mà vì đó dẫn đến những hiểu lầm, tranh cãi, và bất hòa. Giuse và Maria đã vượt qua được những thử thách đó nhờ biết bình tĩnh và nhẫn nại. Nhờ bình tĩnh và nhẫn nại  mà Giuse đã không mắc vào cái tội hồ đồ và vội đoán đối với Maria. Và Maria đã không to tiếng hoặc tỏ dấu khó chịu trước thái độ và lời nói của trẻ Giêsu sau ba ngày tìm gặp trong đền thờ.       

 

4.Sau cùng là tình yêu hành động: Qua hành động, Giuse, Maria, và Giêsu, đã để lại một lối sống và cách thức giải quyết những vấn nạn đời hôn nhân rất nhân bản và thực tế. Trong gia đình Maria là người vợ biết quên mình, Giuse là người chồng biết chu toàn trách nhiệm. Tất cả được hành động vì tình yêu – yêu mến Thiên Chúa, và yêu thương nhau, nhờ đó mà những khó khăn, hoàn cảnh kinh tế thế nào, và môi trường xã hội ra sao, Gia Đình Nazareth rồi cũng vượt qua tất cả.

Gia Đình Nazareth, mẫu gương của gia đình và mô phạm của đời sống hôn nhân. Gương sống của các nhân vật trong gia đình này đã trở nên một phương pháp trị liệu cho căn bệnh hôn nhân của con người thời đại. Nhờ suy ngắm và sống theo gương Thánh Gia, mọi người trong gia đình dù đứng trước những khó khăn về tài chánh, văn hóa, xã hội, tuổi tác, hay những bất đồng về tâm lý, tình cảm… tất cả đều có thể giải quyết được khi có Chúa ở giữa. Tình yêu Thiên Chúa sẽ nâng tình yêu con người lên cao, sẽ thanh luyện con người khỏi ích kỷ và tự ái, và sẽ làm cho con người trở nên bình tĩnh và nhẫn nại để biến đổi gia đình chúng ta “thành một Gia Đình Nazareth khác, nơi mà bình an và hoan lạc ngự trị”.

 

Thánh Gia Nazareth, gương sống của đời hôn nhân.   
 

Lễ Thánh Gia 2012

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.