Khi viết tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Thánh Cha không theo thông lệ là xử dụng bản sao do Thượng Hội Đồng Giám Mục cung cấp. Kết quả là một tông huấn với nội dung rõ ràng là của ngài, và tập trung vào những ưu tư đặc biệt của ngài. Một trong những khác biệt lớn nhất của "Evangelii Gaudium" với bản văn của Thượng Hội Đồng là sự kiện thượng hội đồng không chú trọng đến vấn đề trần thế hóa.
Đức Thánh Cha chỉ trích xã hội và nền văn hóa đương thời, nhất là các quốc gia giầu mạnh nhất, về việc họ “thờ tiền bạc” và có một “nền kinh tế đưa người nghèo ra ngoài lề và bất bình đẳng.” Nhưng ngài chỉ đề cập sơ qua về sự bất bao dung “quá lộ liễu và hời hợt” của những người không tin và nguy cơ của một tình trạng đa văn hóa bị bóp méo đối với tự do tôn giáo.
Ngược lại, Đức Thánh Cha Phanxicô chú trọng đến những thiếu sót của chính Giáo Hội. Ngài than phiền về tình trạng “quá tập trung tại Vatican”, mà ngài thấy là ngăn cản sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội. Ngài phàn nàn về những thành viên của các dòng tu đã tỏ ra “qúa ưu tư về sự tự do và thoải mái của chính cá nhân họ,” và về các linh mục “quá lo lắng cho việc bảo vệ thời gian họ được tự do xử dụng cho cá nhân của mình."
Đức Thánh Cha chỉ trích những người quá “chú ý đến nghi thức phụng vụ, học thuyết và uy thế của Giáo Hội, mà không lo rằng Phúc Âm có ảnh hưởng đích thực tới các tín hữu của Chúa và những nhu cầu thực tiễn của thời đại chúng ta." Ngài gán cho người Công Giáo là có một “não trạng kinh doanh, luôn bận rộn về việc điều hành, thống kê, thiết kế và lượng giá, và người thụ hưởng không phải là Dân Chúa mà là Giáo Hội như một cơ cấu." Và ngài tiếc rằng phụ nữ vẫn chưa được đóng những vai trò quan trọng trong việc lấy những quyết định trong Giáo Hội.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng than phiền về sự phân hóa giữa các đẳng cấp, ngài viết: “Tôi luôn luôn buồn phiền khi khám phá rằng một số các cộng đồng Kitô, và ngay trong các người đã được thánh hiến, vẫn còn dung thứ những hình thức thù nghịch, chia rẽ, nói xấu, hạ nhục, trả thù, ghen tị và muốn áp đặt một số tư tưởng trên người khác bằng đủ mọi giá, và ngay cả việc đàn áp giống y như là chuyện săn phù thủy. Làm sao chúng ta có thể truyền giáo nếu đây là cách thức chúng ta xử sự?"
Đáng chú ý hơn cả là Đức Thánh Cha dành gần một phần mười tông huấn cho những đề nghị để cải tiến các bài giảng của các linh mục, theo ngài thì thường có vẻ là giảng luân lý, thiếu học thức, bố cục lộn xộn và dài giòng văn tự.
Những vấn đề này rất quan trọng, Đức Thánh Cha bầy tỏ là chúng ngăn cản các nỗ lực giúp cho cấu trúc của Giáo Hội “chú trọng nhiều hơn về sứ mệnh, khiến cho việc mục vụ tại mọi tầng lớp được cởi mở rộng rãi cho tất cả mọi người, và để thúc đẩy mọi tác viên mục vụ luôn có ước muốn tiến bước, và bằng cách này mới có thể đạt được một đáp ứng tích cực nơi tất cả mọi người mà Chúa Giêsu mời gọi kết bạn."
Do đó điều đáng ngạc nhiên là ngoại trừ việc nhắc đến “nỗi đau buồn và xấu hổ chúng ta cảm nhận về tội lỗi của một số thành viên của Giáo Hội chúng ta,” Đức Thánh Cha Phanxicô không đề cập đến sự kiện là đa số những người bên trong và bên ngoài Giáo Hội đã coi là thảm trạng to lớn nhất trong những năm vừa qua là: việc các linh mục lạm dụng tính dục các trẻ vị thành niên. Thảm trạng này không là một vấn đề truyền giáo. Nhưng như Đức Thánh Cha Benedict XVI viết cho người Công Giáo Ái Nhĩ Lan tháng Ba năm 2010, là sự thiếu sót của các lãnh đạo Giáo Hội trong việc ngăn ngừa và trừng phạt các linh mục lạm dụng tính dục đã “làm lu mờ ánh sáng Phúc Âm tới một mức độ tệ hại hơn là nhiều thế kỷ Giáo Hội bị đàn áp đã gây nên."
Trong thập niên vừa qua, các hội đồng giám mục tại nhiều quốc gia, kể cả Hoa Kỳ và Gia Nã Đại đã có những biện pháp để bảo vệ trẻ em khỏi bị đe dọa, và Vatican đã chỉ thị cho các giám mục khác trên thế giới cũng làm như vậy. Nhưng thể thức này vẫn còn lâu mới hoàn tất. Thực hiện điều này có lẽ sẽ là một ưu tiên đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, như một thành phần của chiến dịch cải tổ và thanh tẩy Giáo Hội tại mọi tầng lớp cho mục đích thiết yếu là sứ mệnh truyền giáo.
Bùi Hữu Thư11/28/2013
Views: 0