Mùa Vọng đã về, chúng ta hãy cùng nhau ghé thăm bảo tàng viện tinh thần, nơi đang trưng bày những họa phẩm vô giá của Luca; và cũng để qua từng bức tranh, từng màu sắc, và ánh sáng, chúng ta có thể tìm được hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô, và chương trình cứu độ của Thiên Chúa: Truyền Tin của Ðức Maria, Những Giấc Mơ của Giuse, Gioan Tiền Hô, và dĩ nhiên, Máng Cỏ với các mục đồng, các thiên sứ, đoàn vật, và Hài Nhi Giêsu.
Với những trình thuật qua nét vẽ của Luca, Mùa Vọng không chỉ qui tụ những biến cố để gợi nhớ; nó là một loạt những hình ảnh mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta suy ngắm và hoan hưởng bao gồm trong hai chương đầu Tin Mừng của Ông, cũng được gọi là “trình thuật về hài nhi”. Vì thế, để bắt đầu mùa ân sủng và phúc lành này, chúng ta hãy chiêm ngắm và suy niệm hai chương sách này. Hãy cầu xin Thánh Thần mở mắt tâm hồn để chúng ta có thể nhìn thấy Chúa Giêsu một cách rõ ràng hơn, và gia tăng thêm đức tin và đức mến cho chúng ta.
Luca, một họa sỹ:
Trước khi bắt đầu tìm hiểu về những câu truyện do Luca kể, chúng ta hãy dành ít phút để tìm hiểu con người của Thánh Sử. Truyền thống cho chúng ta biết rằng, Luca là một họa sỹ, và khi viết Tin Mừng, ông dùng ngòi bút của mình thay cho cây cọ. Vì thế, khi đọc Tin Mừng của ông, chúng ta có thể tưởng như mình đang nhìn ngắm những bức tranh của ông một cách hứng thú do ngòi bút của ông thuật lại. Tất cả đều được diễn tả một cách đầy đủ, chi tiết, sâu lắng và ấn tượng đến nỗi khiến chúng ta có cảm tưởng như chính mình đang ở đó, say sưa, thỏa thuê với những gì mà Thiên Chúa muốn nói với chúng ta qua từng tiết đoạn được khai mở.
Thí dụ trong biến cố Truyền Tin, khi nghe Luca kể về mẩu đối thoại giữa Tổng Thần Gabriel và Ðức Maria, chúng ta đều cảm tưởng như đọc được những gì đang xẩy ra trong tâm trí của Ðức Maria lúc bấy giờ. Nỗi băn khoăn và sự hoài nghi động chạm đến đức tin và lòng tín thác của Mẹ; đặc biệt, khi ông nhấn mạnh đến hai tiếng “xin vâng” đầy cương quyết của Ðức Maria. Hai tiếng “xin vâng” đối với dự án của Thiên Chúa mà mặc dù Maria chỉ tin rằng những việc ấy sẽ xẩy đến như Chúa muốn (Luca 1:26-38).
Qua trình thuật về việc lạc và tìm thấy Giêsu ở Giêrusalem, Luca cũng cho chúng ta những suy nghĩ tương tự về những lời trao đổi phong phú giữa Ðức Maria và trẻ Giêsu sau khi mẹ con gặp nhau trong Ðền Thờ (2:48-52). Thoạt đầu Ðức Maria như ngỡ ngàng và có vẻ bực tức với con. Nhưng sau khi nghe Giêsu đáp lại, Mẹ đã chuyển những suy nghĩ của mình qua những gì đã xẩy ra, một việc mà chúng ta cũng thường làm khi đứng trước những gì mà mình không chắc chắn. Vì thế, tuy không hoàn toàn hiểu, nhưng khi đã biết rằng đó là một biến cố đặc biệt có liên quan đến Mầu Nhiệm Cứu Ðộ của Thiên Chúa, Ðức Maria đã lưu giữ nó trong lòng mình để suy niệm.
Chia sẻ đức tin:
Nhưng Luca không chỉ là một họa sỹ đơn thuần, Ông còn là một sử gia, và có thể nói, Ông là một sửa gia tiên khởi của Giáo Hội. Mà bởi vì viết cho Giáo Hội, Luca đã viết bằng tất cả niềm tin của mình. Ông không chỉ là một ký giả đơn thuần thật lại những dữ kiện đã và đang xẩy ra chung quanh cuộc sống liên quan đến lịch sử của Giáo Hội Tiên Khởi. Bản trình thuật về Hài Nhi của Ông chính là kết quả của một người có niềm tin, đang tìm kiếm để xây dựng anh chị em mình trong Giáo Hội, mang vinh quang về cho Chúa Giêsu và phúc âm hóa toàn thể nhân loại. Trong cặp mắt của Luca, Chúa Giêsu là một Ðấng Thiên Sai (Messiah), và là tác giả của ơn cứu độ, chứ không phải như một nhân vật lịch sử hiếu kỳ nào khác. Ðiều này có nghĩa là chúng ta phải đọc trình thuâầt về Hài Nhi của Luca qua cặp mắt đức tin của chính Ông, và như Ông đang kể cho chúng ta một câu truyện mà nó phản ảnh kinh nghiệm sống và đức tin của Ông vào Thiên Chúa. Trong ý nghĩa này, những chương sách này là những lời mời gọi của Luca dành cho chúng ta để đến và chiêm bái Chúa Giêsu như chính Ông đã đến và thờ lậy Ngài.
Chúng ta có thể nói rằng, qua mỗi một ý nghĩa trong trình thuật về Hài Nhi của Luca, mục đích rõ ràng của Ông không phải là để kể cho chúng ta về một cuộc hạ sinh của một em bé đặc biệt. Ðiều ước muốn thẳm sâu của Ông chính là nói cho chúng ta biết về việc giáng trần của Chúa Cứu Thế nhân loại, đồng thời để trong một cách thế mà nó được áp dụng vào đời sống của chúng ta. Một cách rõ ràng hơn, đây không chỉ là một câu truyện đáng để nghe, nhưng còn là một câu truyện đáng để tin.
Thật vậy qua những gì Ông đã viết, Luca chỉ muốn tất cả chúng ta cũng đến với ơn cứu độ được mặc khải cách đầy đủ trong tâm hồn Ông: đó là Chúa Giêsu là Ðấng Thiên Sai, Ðấng Cứu Ðộ nhân trần, và là Thiên Chúa của muôn loài được tạo dựng. Nhưng chỉ có cách duy nhất chúng ta có thể nhìn thấy điều này, đó là đọc những đoạn mà Luca đã viết với tất cả trái tim mở rộng cho Chúa Thánh Thần.
Tham vấn với Ðức Maria:
Sau cùng, cũng nên biết thêm rằng, Tin Mừng của Luca đã được viết vào khoảng năm 80 Dương Lịch, tức là gần 50 năm sau ngày Chúa Giêsu chịu nạn, chịu chết, phục sinh, và về trời. Trong đoạn mở đầu Tin Mừng của mình, Luca đã tự nhận Ông chưa bao giờ gặp gỡ Chúa Giêsu, và rằng Tin Mừng của Ông dựa trên những chứng từ giá trị, chứ không phải cảm nhận của riêng Ông. Luca cũng không thuộc thành phần Tông Ðồ hay những môn đệ của Chúa Giêsu. Ông đã quy đạo theo Chúa Giêsu và trở thành sứ đồ của Tin Mừng: “Sau khi đã điều tra mọi sự cặn kẽ”, và thế Ông đã: “tuần tự viết ra” (Luca 1:3).
Chúng ta có thể tưởng tượng như Luca đang ngồi bên Trinh Nữ Maria, để hỏi han Mẹ không những về những gì đã xẩy ra, và quan trọng hơn, là tại sao Mẹ tin rằng những chuyện đó có thể xẩy ra. Ðối với Luca, không những Ðức Maria là người đã biết về Chúa Giêsu hơn tất cả mọi người, mà Mẹ còn là một phụ nữ cầu nguyện và chiêm niệm. Chính vì thế, Luca đã diễn tả Ðức Maria như một người luôn luôn mở rộng cõi lòng cho Chúa Thánh Thần, và nhờ đó Ngài có thể tác tạo nên thân thể của Chúa Giêsu trong cung lòng của Mẹ.
Dùng những kỷ niệm do Ðức Maria cung cấp, đồng thời thêm vào suy tư của riêng Ông, Luca đã dàn trải những kỷ niệm ấy khi Ông viết về cuộc hạ sinh của Hài Nhi. Chúng ta cũng có thể tưởng tượng như Ông cũng đã làm điều này khi trao đổi với các Tông Ðồ và những nhân chứng khác ở Giêrusalem về Chúa Giêsu và sứ vụ của Ngài.
Một cấu trúc được khởi hứng:
Sau khi đã bàn hỏi với Ðức Trinh Nữ Maria, kiểm chứng mọi việc cặn kẽ, giờ đây chúng ta hãy theo dõi xem Luca đã viết về cuộc giáng trần của Chúa Giêsu của Ông như thế nào? Trước hết, Ông bắt đầu bằng cách bao gồm những biến cố “song song” và so sánh. Thí dụ, trong cuộc hạ sinh của Gioan Tiền Hô với việc giáng trần của Chúa Giêsu, Ông đã viết về cuộc xuất hiện của Tổng Thần với ông Zacaria trong Ðền Thờ Giêrusalem, nhưng rồi lại khéo léo chuyển qua cuộc viếng thăm của Tổng Thần Gabriel đối với Trinh Nữ Maria. Trong hai trường hợp này, sứ thần đã thông báo những cuộc hạ sinh một cách lạ lùng, ban tên gọi cho các con trẻ, và nói tiên tri về những việc cao cả mà hai hài nhi này sẽ thực hiện. Một điều lý thú mà chúng ta có thể tìm thấy qua hai lần xuất hiện của Tổng Thần Gabriel, và cũng qua đó nói lên vai trò khác biệt của đức tin giữa Zacaria và Ðức Maria. Vì không tin (hồ nghi) nên Zacaria đã bị phạt câm, và chỉ xứng đáng làm cha đấng Tiền Hô. Phần Ðức Maria vì tin theo lời sứ thần nên xứng đáng làm mẹ Con Thiên Chúa.
Khi đặt song song hai con trẻ được hạ sinh một cách nhiệm mầu, Luca đã đặt những chuyện xẩy ra qua việc hạ sinh của Gioan ở một mực độ thấp hơn với mức độ giáng trần của Chúa Giêsu. Ông đã để cho chính Zacaria tiên báo về cuộc hạ sinh của con mình, trong khi đối với cuộc giáng trần của Chúa Giêsu thì lại do các thiên thần loan báo. Sau cùng, Luca đã kể cho chúng ta biết Chúa Giêsu là Ðấng cao cả hơn Gioan Tiền Hô, và trổi vượt hơn hết mọi tiên tri. Gioan được Thiên Chúa tuyển chọn để hoán cải tâm hồn con người về với Ngài, nhưng rồi Chúa Giêsu đã được sai đến để đem chúng ta về với vương quốc của Chúa Cha, vương quốc vĩnh cửu. Gioan đã được chọn để chuẩn bị cho Ðấng Thiên Sai, nhưng chính Chúa Giêsu mới hoàn thành mọi việc mà Gioan đã chuẩn bị!
Một cách đặc biết, trong tất cả những biến cố xẩy ra chung quanh cuộc đời thơ ấu Chúa Giêsu, Luca đã gom góp lại thành một tổng hợp từ những biến cố đơn lẻ và để Chúa Giêsu chiếu tỏa trên tất cả, bao gồm: Con trẻ trong lòng của Isave nhẩy mừng khi Maria – đang mang thai Chúa Giêsu – đến viếng thăm Isave. Chúa Giêsu được sinh ra trong một hang chứa súc vật, được các thiên trời ca mừng, và được các mục đồng đến bái lậy như một lối diễn tả sứ vụ toàn vũ của Ngài đối với tất cả mọi loài tạo vật cao sang cũng như đơn hèn. Luca cũng đã kể cho chúng ta nghe hai lần trẻ Giêsu xuất hiện trong Ðền Thờ – lần đầu khi được cha mẹ dâng sau khi sinh, và lần thứ hai lúc lên 12 tuổi. Và tất cả những diễn tiến ấy đều nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt, cao cả của Ngài trong dự án của Thiên Chúa. Hai chương đầu Tin Mừng của Luca đã làm nên Mầu Nhiệm Vui mà chúng ta vẫn thường suy ngắm mỗi khi lần hạt Mân Côi.
Cầu nguyện và suy niệm:
Như một nhà thần học thiên phú, Luca đã được chỉ định để dậy cho những độc giả của Ông về Thiên Chúa và dự án cứu độ của Ngài. Nếu Luca sống ở vào thời đại chúng ta hiện nay, hẳn Ông sẽ cho chúng ta biết rằng cái bí mật của việc tìm kiếm Thiên Chúa, và việc chúng ta đào sâu đức tin và đức mến lệ thuộc vào ước muốn tìm kiếm Ngài qua cầu nguyện và suy niệm.
Dùng những hình ảnh mà Luca đã vẽ lên trong biến cố giáng sinh để giúp chúng ta nắm bắt được nguồn vui một cách trọn vẹn. Chúng ta hãy đọc những câu truyện này với cùng một đức tin như Luca để nhờ đó chúng ta có thể đem lại lợi ích cho Mùa Vọng này.
Hãy để cho Thánh Ký hướng dẫn và giúp chúng ta trong lời cầu nguyện, để chúng ta có thể đọc và suy ngắm biến cố giáng trần của Hài Nhi trong mùa ân sủng này.
Hãy cố gắng đọc mỗi ngày một đoạn khác nhau, suy niệm nó, và ghi nhận một số điều lợi ích: Cùng với Ðức Maria, hãy thưa “xin vâng” qua mọi biến cố trong cuộc sống. Và cũng cùng với Ðức Maria, chúng ta hãy ra đi, vào đời để mang Tin Vui đến cho mọi người, những người mà chúng ta hàng ngày gặp gỡ và giao tiếp. Rồi cùng với Ðức Maria, Giuse, các thiên sứ, mục đồng, và chiên bò, chúng ta hãy thờ lậy Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần qua cuộc đời nghèo khó, những vất vả, và thử thách trong tâm hồn và đời sống. Và hãy theo chân Ðức Maria, Giuse để dâng tiến Hài Nhi cho Thiên Chúa Cha, bằng với chính lễ vật của cuộc đời mình mỗi ngày. Sau cùng, khi đã tìm được Chúa trong Ðền Thờ cuộc sống, thì cũng như Ðức Maria, khiêm tốn ghi nhận và suy niệm thánh ý Ngài trong lòng.
Hãy viết xuống những gì mà bạn nghĩ rằng Chúa đang nói với chúng ta về Chúa Giêsu. Ngài là ai? Tại sao Ngài hạ sinh xuống trần? Nhất là tại sao Ngài lại chọn một cuộc sống quá nghèo hèn, vất vả, và đầy tràn sự đau khổ, nhục nhã? Hoặc Ngài muốn chúng ta sống như thế nào qua ơn gọi, và hoàn cảnh sống của riêng mỗi người? Việc làm này không đòi hỏi nhiều nỗ lực và thời gian.
Ðặc biệt, hãy để Thánh Thần mang những câu truyện ấy vào đời sống của chúng ta. Chúa Thánh Thần sẽ chỉ cho chúng ta biết thế nào là Chúa Giêsu Cứu Thế Con Một Thiên Chúa, đã trở thành một người như chúng ta, nhờ đó, chúng ta cũng được nâng lên hàng con cái Thiên Chúa.
Ðể sẵn sàng gặp gỡ Chúa Giêsu trong Ðêm Giáng Sinh, chúng ta không chỉ đọc Tin Mừng của Luca. Những hãy vươn xa hơn những lời được ghi chép ấy để chìm vào cầu nguyện và suy niệm như Ðức Maria đã “ghi nhận và suy niệm”. Và hãy để những lời thần hứng ấy mặc khải Chúa Giêsu cho chúng ta và làm sâu lắng đức tin của chúng ta.
Views: 0