Uncategorized

Một Tử Tội Người Việt Đã Bị Hành Quyết

Trên 20 năm trong nhiệm vụ là một Tuyên Úy Trại Tù tình nguyện, tôi đã có dịp tư vấn trực tiếp cho 3 vụ án tử hình, mà trong đó có một vụ người Việt, còn hai vụ kia là người Mỹ. Vụ tử hình người Mỹ thứ nhất là ông John, thì tôi đã có dịp trình bầy chi tiết về vụ này trong bài viết mới đây của tôi, trên một vài tờ báo nguyệt san và trên trang mạng điện tử.

Trên 20 năm trong nhiệm vụ là một Tuyên Úy Trại Tù tình nguyện, tôi đã có dịp tư vấn trực tiếp cho 3 vụ án tử hình, mà trong đó có một vụ người Việt, còn hai vụ kia là người Mỹ. Vụ tử hình người Mỹ thứ nhất là ông John, thì tôi đã có dịp trình bầy chi tiết về vụ này trong bài viết mới đây của tôi, trên một vài tờ báo nguyệt san và trên trang mạng điện tử. Câu chuyện người Mỹ tử hình thứ hai là một phụ nữ, chưa bị hành quyết vì còn phải chờ đợi kết quả của đương sự kháng cáo lên Tòa Án Tối Cao Pháp Viện của tiểu bang phán quyết, nên tội nhân tạm thời được đình hoãn ngày bị hành quyết và vụ án này sẽ được trình bầy kế tiếp sau bài viết này. Sau cùng là vụ thứ 4, thuật lại câu chuyện của các tù nhân Việt Nam nổi loạn (Uprising) trong trại tạm giam (Jail). Vậy, trước khi đi sâu vào nội vụ án tử hình người Việt này, như tôi đã có dịp thưa cùng đọc giả trong bài viết mới đây về vụ án tử hình của ông John, nay tôi xin phép được nhắc lại cùng đọc giả thêm một lần nữa, là mọi hành động xẩy ra của mỗi can phạm (Defendant), được thuật lại trong 4 đề tài hồi ký của tôi, hoàn toàn đều được trích ra từ những hồ sơ cá nhân, có liệt kê các tội phạm, do Văn Phòng Công Tố Viên (District Attorney Office) đại diện pháp luật, đệ nạp tại Văn Phòng Tố Tụng (Court Clerk Office), để truy tố các can phạm ra trước tòa án công khai xét xử hoặc là tôi chỉ nhắc lại những lời tâm sự của các can phạm, mà những lời tâm sự này được tôi kể lại, hoàn toàn không mang tính chất tiết lộ đời tư hay những hành động bí mật cá nhân, có thể gây ra sự bất lợi cho những người có liên hệ trực tiếp với các can phạm trong câu chuyện. Hơn thế nữa, những gì tôi thuật lại trong 4 bài hồi ký của tôi, hoàn toàn không hề có ý định bênh vực hay phê phán bất cứ một nhân vật nào trong những câu chuyện tôi kể và những câu chuyện này đều sự thật, thường xẩy ra trong Cộng Đồng Người Việt cũng như trong Cộng Đồng Người Mỹ.

Theo bản cáo trạng của văn phòng Công Tố Viên (District Attorney) đệ nạp tại Văn Phòng Tố Tụng (Court Clerk Office), có ghi rõ 5 tội danh của hung thủ, giết người trong vụ án xẩy ra vào ngày 12 tháng 11 năm 1992 và tất cả sự việc xẩy ra trong cùng một ngày như sau:

Tội thứ nhất (Count 1) : Hung thủ tên Hùng đã cố sát một người tên Hải với khí cụ nguy hiểm, bằng con dao cắt thịt (Butcher), đâm vào người nạn nhân, làm cho nạn nhân bị thương nặng và chết sau đó.

Tội thứ hai (Count 2) : Lấy chìa khóa hộp thư riêng của nạn nhân tại ngân hàng (Safe deposit box key), chìa khóa xe hơi của nạn nhân và một số đồ cá nhân của nạn nhân.

Tội thứ ba (Count 3) : Hành hung và cưỡng bức nạn nhân với ý định giết chết nạn nhân, cùng với hành động dùng dao đâm trúng vào tay trái của người vợ nạn nhân.

Tội thứ tư (Count 4) : Hung thủ lấy cắp chiếc xe hơi Honda Accord 1988 của nạn nhân, để dùng làm phuong tiện di chuyển cá nhân của hung thủ.

Tội thứ năm (Count 5) : Vào ngân hàng, dùng chìa khóa riêng của nạn nhân, để mở hộp thư riêng của nạn nhân (Safe Deposit Box), lấy cắp tiền mặt khoảng 36 ngàn đồng và nữ trang của nạn nhân cất giữ trong hộp thư riêng này.

Tiếp theo bản cáo trạng trên đây của Văn Phòng Công Tố Viên là lời tâm sự của hung thủ:  Thưa Thầy Sáu, cả hai chúng con quen thân nhau từ trong trại tỵ nạn, chúng con lúc đó còn độc thân và trước khi chúng con được ra khỏi trại tỵ nan, mỗi người chúng con được đưa đến với người bảo trợ ở hai tiểu bang khác nhau, anh Hải được tái định cư ở Oklahoma, còn con ở Ohio, hai chúng con đã kết nghĩa làm anh em với nhau khi còn ở trong trại tạm cư, vì anh Hải lớn tuổi hơn con, nên con coi anh Hải như người anh của con. Anh Hải mở tiệm hớt tóc ở Oklahoma City, còn con là kỹ sư điện toán (Computer engineer) cho một công ty lớn ở  tiểu bang Ohio. Sau nhiều năm chăm chỉ làm việc, con dành dụm được một số tiền khá lớn và con đưa số tiền này cho anh Hải, để chúng con hùn hạp chung với nhau, dự trù sẽ mở một cơ sở thương mại chung với nhau tại Việt Nam, là anh Hải sẽ dùng số tiền này của con để mua những chiếc máy computer cũ mang về VN và con sẽ là người chịu trách nhiệm sửa chữa những máy computer bị hư hại, đã được bán ra cho khách hàng, trong thời gian bảo hiểm máy bán ra vẫn còn hiệu lực. Nhưng khi anh Hải tới California thì lập gia đình với một thiếu nữ trẻ đẹp, đã có một con với đời chồng trước và anh liền bỏ ý định về VN làm thương mại với con, như chúng con đã thỏa thuận với nhau trước kia, và sau đó anh Hải đưa người vợ mới cưới trở về Oklahoma City, để mở lại tiệm hớt tóc như trước đây. Khi biết được anh Hải đã đổi ý định này, con đành phải chờ đợi thêm một thời gian khá lâu, con mới dám đến thăm gia đình anh Hải và vợ chồng anh Hãi đã niềm nở tiếp đón con như một người thân trong gia đình, cho phép con được tá túc ngay tại trong nhà anh Hải.

Con ở nhà anh Hải khoảng gần được một tuần lễ, thì vào một hôm trước ngày con lên đường trở về nhà ở Ohio,  con ngỏ lời với anh Hải, tại vì anh không còn muốn làm thương mại với em ở Việt Nam nữa, nên xin anh hãy trao lại cho em số tiền mà khi trước em đã đưa cho anh, để anh mua mấy cái máy computer cũ đem về Việt Nam, mở tiệm bán computer và sửa chữa computer, nay em rất cần đến số tiền này, để em sẽ chung vốn mở dịch vụ thưởng mại với một người bạn em tại Việt Nam. Vừa nghe con nói xong, anh Hải tỏ thái độ rất tức giận, cầm cái chầy đánh base ball dơ cao lên, hét to lên: Mày phải quỳ xuống đất, chắp tay lạy tao, xin tao tha tội cho mày, vì mày đã có những hành động tằng tịu với vợ tao, thì tao mới tha tội cho mầy và sẽ hoàn trả lại sô tiền đó cho mày, bằng không, tao sẽ đập chết mày ngay bây giờ. Con bình tĩnh trả lời anh Hải: Em luôn luôn kính trọng vợ anh như người chị ruột của em, em không hề có hành động hay lời nói nào bất kính hay tình ý gì đối với chị Hải như anh vừa mới buộc tội em, nên em không thể quỳ gối xuống, xin anh tha tội cho em được, vì em không có phạm tội gì hết. Thế là anh Hải hai tay nắm chặt cái chầy base ball, dơ cao lên, tiến bước tới gần con, đập xuống đầu con, may thay con né tránh được, con lùi bước, chạy nhanh vào trong nhà bếp, anh Hải cũng chạy theo sau con với cái chầy base ball trong tay anh, tới nha bếp con vội vàng mở ngăn kéo ra, lấy con dao thái thịt trong ngăn kéo ra, chĩa con dao thẳng vào mặt anh Hải và hô to: Anh không được quyền đánh em, anh mà tiến tới sát gần em nữa, em sẽ đâm anh, nhưng anh Hải vẫn cứ tiến tới, dơ cao cái chầy đập xuống đầu con, con né tránh và con dao con cầm trong tay trong tư thế tự vệ, đâm vào ngực anh Hải và đang trong lúc cả hai người sô sát nhau trong tư thế nguy hiểm, thì chị Hải xông vào can ngăn, chẳng may con dao mà con đang cầm trên tay, đầu con dao đâm trượt vào tay chị Hải, làm tay chị bị chảy máu, chứ con hoàn toàn không cố ý đâm chị Hải; liền ngay sau đó, con lấy chìa khóa xe hơi của anh Hải và chìa khóa hộp thư an toàn (Safe Deposit  Box) của anh Hải để ở ngân hàng, con lái xe ra đó mở hộp thư, lấy lại đủ số tiền mà anh Hải nợ con. Kể tới đây, tôi xin thưa củng đọc giả là còn rất nhiều điều uẩn khúc khác nữa, mà anh Hùng đã tâm sự với tôi, nhưng tôi không thể tiết lộ những điều đó ra đây được và tôi cũng không có nhiệm vụ phải kiểm chứng những điều tâm sự đó của anh Hùng có thật sự đúng hay sai, nhưng để tôn trọng linh hồn thiêng liêng của người chết, cũng như để giữ uy tín cá nhân cho những người có liên hệ với anh Hùng còn sống, và là một Phó Tế Công Giáo, tôi có bổn phận phải tuyệt đối giữ kín những điều anh Hùng tiết lộ sự bí mật này cho tôi nghe. Tôi chỉ có thể thuật lại những điều tâm sự gì, mà tôi nhận thấy không gây phương hại đến danh dự cá nhân của những người chết hay những người còn sống có liên hệ mật thiết với các nhân vật trong chuyện.

Anh Hùng cũng cho tôi biết thêm một chi tiết rất quan trọng, là anh bị buộc tội cố sát anh Hải vì anh đã đâm 3 nhát dao vào người anh Hải, một nhát vào đằng trước ngực, sát bên cạnh con tim và 2 nhát dao đâm đằng sau lưng. Nhưng anh xác nhận là ngay sau khi nhát dao đâm vào ngực anh Hải, làm anh Hải ngã gục xuống đất, anh liền bỏ đi ngay, lấy xe của anh Hải, lái đến ngân hàng để lấy tiền, hai nhát dao đâm đằng sau lưng không phải là của anh đâm, anh không biết 2 nhát dao đó là của ai? Sau khi anh Hải đã được chôn cất hơn 1 năm, luật sư của anh có cho anh biết, là nếu muốn giảo nghiệm xem 2 vết dao đâm sau lưng có phải cùng một con dao anh cầm trong tay đâm anh Hải hay không? Và có cùng vết tay của anh trên con dao đó hay không? Vậy, nếu muốn thế, anh phải trả tốn phí đào xác anh Hải lên, cộng với tốn phí giảo nghiệm y khoa DNA, thì ít nhất phải tốn 15 ngàn Mỹ kim, trong khi anh không còn một đồng xu dính túi, nên cuộc giảo nghiệm này không thể thực hiện được như điều anh mong muốn.

Đọc tới đây, nếu đọc giả nào đã có sẵn trong đầu một khái niệm tổng quát về pháp lý thông thường (Legal common sense), theo khả năng suy luận của mỗi người, để chúng ta thử phân tích xem bản án tử hình này có quá cay nghiệt hay thiếu sự công minh buộc tội bị cáo (Defendant) hay không? Xin quý vị hãy duyệt  lại bản cáo trạng về các hành động tội phạm của bị cáo, do Văn Phòng Công Tố Viên (DA) đệ nạp tại tòa án để chờ phiên tòa xét xử và hãy đối chiếu với những lời tâm sự của bị cáo, thì chúng ta có thể tìm ra được những câu trả lời Giải Đoán một cách tương đối khá hữu lý (Comparatively logical guessing answers) cho vụ án tử hình này; chứ không phải là chúng ta tìm ra được những câu trả lời Giải Đáp khá chính xác (Exact answers) cho vụ án tử hình này. Suốt gần 10 năm liên tục, tôi đóng vai trò tư vấn tinh thần (Spiritual counseling) cho bị cáo, tôi nhận thấy đúng là số phận của bị cáo phải chết, mà bên Phật Giáo gọi là nghiệp chướng, bên Công Giáo gọi là Chúa an bài vì những dữ kiện diễn tiến sau đây:

Điểm thứ nhất: Vụ án tử hình của bị cáo đã được vị nữ luật sư tư rất giỏi, không phải là luật sư công (Public defender) tình nguyện đứng ra bào chữa miễn phí cho bị cáo, hy vọng có thể đổi bản án tử hình xuống thành chung thân, trước một Ủy Ban Tái Xét Bản Án (Case Review Committee), gồm 5 hội viên do Thống Đốc tiểu bang bổ nhiệm 5 vị này. Bà luật sư này đã tận tình trình bầy cặn kẽ những lý lẽ xác đáng, là thân chủ của bà không hề có ý định cầm dao muốn đâm chết nạn nhân, mà thân chủ của bà cầm dao chỉ để tự vệ sinh mạng của mình và để cảnh cáo đối phương không được tiến gần sát bị cáo và để tránh không bị đối phương dùng chiếc chầy base ball đập chết bị cáo khi nhìn thấy đối phương đang tiến sát mình và dơ cao cái chầy lên đập vào vào người bị cáo, nên phản ứng tự nhiên trong tư thế tự vệ sinh mang của mình, bị cáo phản công lại bằng con dao đã có sẵn trong tay và bị cáo đã có lời cảnh cáo đối phương trước là nếu anh tiến sát vào người tôi, thì tôi sẽ đâm anh để bảo toàn sinh mạng của tôi. Do đó hành động bị cáo dùng dao đâm vào người đối phương hoàn toàn không có ý chủ mưu giết người, mà chỉ trong tư thế tự vệ của bị cao mà thôi, vì nếu bị cáo không có hành động tự vệ như vậy, thì chắc chắn 100% bị cáo sẽ bị đối phương dùng chiếc chày base ball đập chết tại chỗ. Sau khi Ủy Ban Tái Xét Bản Án nghe xong những lời bào chữa của luật sư cho bị cáo, Ủy Ban bỏ phiếu, có 4 phiếu thuận đệ trình lên Thông Đốc, xin giảm án tử hình xuống còn chung thân cho bị cáo và chỉ có 1 phiếu chống mà thôi. Nhưng vị Thống Đốc tiểu bang đã bác lời đề nghị của Ủy Ban và ra lênh y án. Tôi được luật sư của bị cáo cho biết, đây là một trường hợp ngoại lệ chưa xẩy ra bao giờ, vì thông thường từ trước tới nay, chỉ cần 3 phiếu thuận trên 2 phiếu chống của Ủy Ban Tái Xét, cũng được Thống Đốc cho giảm án; đằng này có tới 4 phiếu thuận đế nghị cho bị cáo được giảm án, chì có 1 phiếu chống mà vẫn không được giảm án, vì quyền quyết định tối hậu cho phép giảm án hay y án, là hoàn toàn tùy thuộc vào vị Thống Đốc tiểu bang.

Điểm thứ hai: Sau khi được biết tin Thống Đốc bác bỏ lời đề nghị xin giảm án cho bị cáo của Ủy Ban Tái Xét, bà luật sư và một số ít người trong Cộng Đồng Người Việt địa phương ở đây, vì bị cáo không phải là cư dân địa phương,  nên có ít người đi ủng hộ, đã cùng với chúng tôi đến gặp vị Thống Đốc, xin Ngài xét lại bản án tử hình, khoan hồng cho bị cáo được giảm án xuống còn chung thân, như lời đề nghị trước đây của Ủy Ban Tái Xét Bản Án đã trình lên Ngài, nhưng Ngài trả lời vì bị cáo không phải là công dân Hoa Kỳ, mà chỉ là thường trú nhân, nên vẫn là công dân của nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa Cộng Sản, nếu  Đại Xứ Việt Cộng ở Washington DC viết thư yêu cầu giảm án cho bị cáo, thì Ngài sẽ chấp thuận cho giảm án, nếu ĐSVC từ chối thì Ngài vẫn y án như cũ.

Điểm thứ ba: Bà luật sư nói với tôi theo lời khuyên của Thống Đốc, là bà sẽ viết thư yêu cầu ĐSVC viết thư cho Thống Đốc bằng lòng xin giảm án cho bị cáo. Tôi có giải thích cho bà luật sư hiểu rõ là bà có viết thư cũng vô ích, vì bố của bị cáo là cựu quân nhân VNCH/ Biệt Kích Dù nhầy ra ngoài bắc mà vc coi lả kẻ thù không đội trời chung với họ, thì làm sao ĐSVC có thể bằng lòng viết thư cho Thống Đốc để xin giảm án cho bị cáo là con trai của kẻ thù vc được? Nhưng bà luật sư nhấn mạnh với tôi: Còn Nước Còn Tát, đâu có mất mát gì. Đúng như lời dự đoán trước của tôi, ĐSVC trả lời một cách né tránh với vị Thống Đốc là vấn đề này tùy thuộc vào Thống Đốc, chúng tôi không có ý kiến.

Điểm thứ tư: Chỉ 2 tuần lễ trước ngày hành quyết bị cáo, bà luật sư có mời bác sĩ pháp lý tâm thần (Forensic)  Lê Đình Phước đến trại tù khám bệnh tâm thần cho bị cáo. Bác sĩ LĐP là bác sĩ người Việt đầu tiên hành nghề pháp lý tâm thần ở Hoa Kỳ, nhưng vì không đủ thời gian cho bác sĩ chẩn bệnh tâm thần ở mức độ nào cho bị cáo, nên không giúp được gì cho bị cáo.

Đây là những điều nhận xét hoàn toàn khách quan của cá nhân tôi về bị cáo:

Anh Hùng là một thanh niên trên 30 tuổi, độc thân, theo đạo Công Giáo, tính tình vui vẻ, hiền hòa, điển trai, ưa thích nói chuyện khôi hài làm người nghe không nhịn được cười và tôi vẫn còn nhớ là 24 tiếng đồng hồ trước giờ bị hành quyết, anh được chính quyền cho phép ăn một bữa cơm cuối cùng miễn phí trên đời này (free last supper on the earth), muốn ăn gì thì ăn, cơm Tàu, cơm Nhật, cơm Đại Hàn, cơm Thái, cơm Việt Nam, v.v… Trước đó mấy ngày, anh nói với tôi là gần 10 năm nay anh chưa bao giờ được ăn phở, anh rất thèm ăn phở, nên tôi nhắc anh là nhân dịp này, tôi sẽ order món phở cho anh ăn, anh vui vẻ trả lời tôi: Thôi Thầy ơi! dại gì mà ăn phở, vì ăn phở chỉ được ăn có một món phở, trong khi ăn cơm Tầu ít nhất có 4 món trở lên, xin Thầy cứ order cơm Tàu cho con. Anh là người rất thông minh và nhậy cảm (theo nghĩa nhậy cảm của người quốc gia, chứ không phải theo nghĩa nhậy cảm của người cs). Chính anh sáng chế ra phương pháp thoát nước cầu tiêu trên máy bay, làm cho nước không bị ứ đọng tràn ra ngoài bồn cầu tiêu khi có quá nhiều người dùng cầu tiêu trên máy bay. Anh là người có nhiều năng khiếu, trong gần 10 năm anh sống trong trại tù, anh xé những chiếc áo hay cái quần của tù nhân mặc thành những sợi nhỏ, rồi anh dùng chiếc que, đan thành những bức tranh tuyệt đẹp, anh đan hình Đức Mẹ bế Đức Chúa Guêsu, hình Mẹ bồng con v.v.. trông như bức tranh sơn dầu thật tuyệt đẹp.

Trong giớ phút bị cáo bị hành quyết, ngoài sự có mặt người em trai và vợ chồng cô em gái của bị cáo ra, tử tội yêu cầu Cha Phùng Chí và tôi ngồi phòng bên tay trái dành cho thân nhân của bị cáo, nhìn qua cửa kính, ở phòng giữa là nơi bị cáo nằm trên cái giường, có tấm vải trắng phủ kín từ dưới chân lên đến cổ của bị cáo, mỗi bên chân bị khóa chặt vào thành giường, hai tay hai bên cũng thế, trên phía đầu bị cáo có một cái bình như bình nước biển, đã được pha trộn nước với thuốc độc giết người, chảy qua những ống plastic chằng chịt, để chuyền nước thuốc độc xuống vào hai cánh tay và vào hai ống chân của bị cáo, trông giống như bệnh nhân đang nằm trong phòng cấp cứu (intensive care). Phòng đối diện phía bên tay phải là nơi dành cho thân nhân của gia đình đương cáo (plaintiff), trông cũng giống hệt như phòng bên tay trái  bị cáo, nhưng trong phòng không thấy có một ai bên đương cáo hiện diện.

Trước khi bác sĩ ra lệnh bấm nút cho thuốc độc chạy qua ống plastic vào người bị cáo, trước mặt bị cáo có treo lủng lẳng chiếc mico phone, để bị cáo nói câu từ biệt thân nhân của hai bên lần cuối: Con xin Bố Mẹ hãy tha thứ cho lỗi lầm của con đã phạm và em cũng xin chi Hải tha thứ cho lỗi lầm của em đã làm cho chồng chi chết, cũng xin hai bên gia đình đừng thù oán nhau vì lỗi làm này của con và của em gây ra và cuối cùng xin vĩnh viễn từ biệt các thân nhân hiện diện nơi đây. Câu nói này của bị cáo vừa chấm dứt thì vị bác sĩ cho lệnh bấm nút, nước thuốc độc từ từ chảy qua ống plastic vào người bị cáo, da mặt của bị cáo trở nên thâm tím và đen dần dần, tới lúc này, tôi và một vài người khác thấy cảnh tượng diễn tiến như thế rất lấy làm xúc động, cúi mặt xuống đất, không dám nhìn lên bị cáo nữa, cho tới khi nghe tiếng tuyên bố cuộc hành quyết đã hoàn tất, chúng tôi mới dám đứng dậy ra khỏi phòng. Thân nhân bị cáo cho biết là xác của bị cáo sẽ được thiêu đốt để được đem về Ohio chôn cất, theo như di chúc của bị cáo trước khi chết. Đây là lần đầu tiên và hy vọng cũng là lần cuối cùng trong đời tôi, được chứng kiến tận mắt cuộc hành quyết một thanh niến đồng hương trẻ tuổi, thông minh, diện mạo khôi ngô, ăn nói nhỏ nhẹ, dí dòm, đáng mến đã ghi sâu trong tâm hồn tôi một ấn tượng bi thảm, mà trong suốt đời tôi không bao giờ có thể quên được.

 

(Xin đón đọc một tử tội người Mỹ giết chồng trong kỳ tới.)

 

PT. Nguyễn Mạnh San

Cựu Tuyên Úy Trại Tù Liên Bang và Tiểu Bang

Thuộc Tòa Tổng Giám Mục Công Giáo Oklahoma City

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.