Năm 1961, khi ông Trần Văn Lắm được Tổng Thống Ngô Đình Diệm cử đi làm Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Úc Đại Lợi, ông đã năn nỉ thân phụ và thân mẫu Linh Mục Thuận cho một người trong gia đình đến làm việc trong Tòa Đại Sứ Úc ở Canberra với ông.
Ông Lắm hy vọng rằng nếu có một người cháu của ông Diệm cùng làm việc với ông, ông có thể dùng người cháu này để nói chuyện với Tổng Thống Ngô Đình Diệm mỗi khi gặp rắc rối với Phủ Tổng Thống VNCH. Vì trong gia đình của cụ Ấm ai cũng đã có công ăn việc làm nên không ai muốn đi. Cuối cùng, gia đình quyết định gởi cô Nguyễn Thị Hàm Tiếu, lúc đó mới 20 tuổi, đến làm việc ở Tòa Đại Sứ Úc.
Tuy nhiên, ngày 2.11.1963, khi được tin Tổng Thống Ngô Đình Diệm vừa bị lật đổ và hạ sát, ông Trần Văn Lắm đã đuổi cô Nguyễn Thị Hàm Tiếu ra khỏi Tòa Đại Sứ VNCH ở Úc. Đây là một biến cố rất phủ phàng, nhưng không ngờ đó lại là một sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nghe cô Nguyễn Thị Hàm Tiếu kể lại những gì đã xẩy ra trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Catholic News Service ngày 10.2.2001.
Cô cho biết sau khi cô bị đuổi khỏi Tòa Đại Sứ, người anh của cô là Linh mục Nguyễn Văn Thuận đã viết cho cô một lá thư và nói: “Hãy ở lại đấy, một ngày kia, có thể em sẽ cứu được cả gia đình”.
Phóng viên Catholic News Service nói: Tuy nhiên, cả bà lẫn người anh đã không thể nào tưởng tượng ra nổi hai mươi lăm năm sau bà đã trở thành một trong những người lãnh đạo phong trào tranh đấu đòi tự do cho người anh đang sống trong lao tù Cộng Sản Việt Nam, để rồi người anh ấy, Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, đã cầm đầu một bộ quan trọng trong Giáo Triều Rôma và ngày 21.2.2001 được vinh thăng Hồng Y tại Vatican.
Bài báo viết thêm:
Theo lời khuyên của người anh, cô Nguyễn Thị Hàm Tiếu lúc ấy mới 22 tuổi đã lấy hết can đảm chấp nhận cảnh bơ vơ nơi xứ lạ quê người và không quay về Việt Nam. Cô đã ghi danh học khoa chính trị và ngôn ngữ tại trường Đại Học Quốc Gia Úc Đại Lợi (Australian National University) và sau đó trở thành một cô giáo để mưu sinh. Cô không thể ngờ được là cuối cùng cô đã phải sống xa tổ quốc nhiều năm như vậy.
Sau khi không còn được làm việc trong Tòa Đại Sứ nữa, cô đã được các nữ tu dòng Ursula, các linh mục, giám mục Úc Đại Lợi và bạn bè giúp đỡ rất nhiều để mỗi năm cô có thể gia hạn giấy phép lưu trú. Mười năm sau biến cố 1963, cô mới được gia nhập công dân Úc. Ngay sau khi trở thành công dân Úc, mùa Giáng Sinh năm 1973 cô mới dám về Việt Nam thăm gia đình sau 12 năm bơ vơ nơi xứ lạ quê người. Cô kể lại:
“Ngay sau khi tôi được cấp quyền công dân, tôi trở về thăm cha mẹ tôi. Tôi đã ở đó đón mùa Giáng Sinh và dành nhiều thời gian trò chuyện với anh tôi, nay đã là một Giám Mục tại giáo phận của ngài. Năm sau đó, ngài đến Úc để dự một hội nghị và khi chia tay ngài đã nói với tôi tại phi trường 'Năm sau anh sẽ lại gặp em tại Úc này.' nhưng anh tôi đã không thực hiện được lời hứa ấy”.
Năm 1975, cô đã bảo lãnh được cho cha mẹ di tản đến Úc chỉ 5 ngày trước khi Sàigòn, thủ đô miền Nam, rơi vào tay cộng sản.
Vài tháng sau đó, cô và gia đình đã điếng người đi khi nghe tin anh cô đã bị nhà cầm quyền cộng sản bắt giam với tội danh mà nhà cầm quyền vu khống là “có nợ máu với nhân dân”, một tội danh thường sẽ dẫn đến cái chết không cần xét xử. Cô Hàm Tiếu tâm sự:
“Tôi có thể nhớ lại được, anh tôi luôn khao khát trở thành một linh mục. Khi còn bé, trong cái ngăn kéo ở đầu giường ngủ, anh ấy thường làm những kiểu mẫu bàn thờ bằng giấy. Anh ấy luôn luôn là kiểu mẫu về lòng bác ái cho chúng tôi, một con người rất tốt. Tôi quyết định làm tất cả những gì tôi có thể làm được để cứu anh ấy”.
Các Đức Giám Mục Úc Đại Lợi đã hoàn toàn ủng hộ gia đình cô và đã cử hành nhiều thánh lễ cầu nguyện cho sự an nguy của Đức TGM Nguyễn Văn Thuận. Cô cho biết:
“Tôi đã đi khắp nơi trên thế giới để xin các nhà cầm quyền can thiệp với nhà nước cộng sản Việt Nam trả tự do cho anh tôi và ở mọi nơi mọi người đã rất tốt. Chúng tôi đã in hằng ngàn thư và thỉnh nguyện thư.”
Năm 1984, nhờ sự giúp đỡ của Đức Ông Vincent Trần Ngọc Thụ, thư ký riêng của Đức Thánh Cha, cô đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến. Cô đã xin Đức Thánh Cha cầu nguyện và can thiệp cho anh cô.
Năm 1988, tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Bangkok, hai anh em gặp lại nhau. Người anh trông hốc hác đi rất nhiều trong khi cô em cười tươi như tên của cô trong niềm vui vì công khó của cô đã có kết quả.
Nhìn lại những năm gian nan, đầy lo buồn trong đời, cô Hàm Tiếu nói với phóng viên Catholic News Service:
“Thật tình mà nói, luôn luôn có điều gì đó nuôi dưỡng đức tin của tôi, thường tôi cảm thấy thiên thần hộ thủ luôn bên tôi”.
ooOoo
Những lời Đức TGM Nguyễn Văn Thuận viết cách đây 37 năm, lúc ngài mới bị đưa đến quản thúc tại giáo xứ Cây Vong, giờ đây nếu đọc lại, chúng ta sẽ thấy đây là lời tiên tri về cuộc đời của ngài:
Cha lại đi thêm một quảng đường
Chông gai, mịt mù và vô định.
Trên đường Cha gặp lắm lữ khách,
Cha đã xem tất cả là bạn,
Xem mọi biến cố là kinh nghiệm quý báu,
Vì tất cả là hồng ân.
Lữ Giang
Ghi chú: Trích trong cuốn “Vài đòng về ĐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận” của Lữ Giang phát hành 10.000 cuốn năm 2008.
Views: 0