Uncategorized

Một cặp song sinh

Những người thuộc phái Hêrôđê đã thất bại về việc gài bẫy Chúa Giêsu là phải nộp hay không nộp thuế cho Xêda; những người thuộc phái Sađốc cũng đã thất bại khi chất vấn Ngài về sự sống lại; lần này, những người Pharisiêu lại họp nhau lại, và cử một người thông luật trong nhóm đến hỏi Chúa Giêsu: “ Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn lớn nhất?” Chúa Giêsu đã trả lời với

Những người thuộc phái Hêrôđê đã thất bại về việc gài bẫy Chúa Giêsu là phải nộp hay không nộp thuế cho Xêda; những người thuộc phái Sađốc cũng đã thất bại khi chất vấn Ngài về sự sống lại; lần này, những người Pharisiêu lại họp nhau lại, và cử một người thông luật trong nhóm đến hỏi Chúa Giêsu: “ Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn lớn nhất?” Chúa Giêsu đã trả lời với người ấy rằng: “ Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn ngươi. Ðó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. Toàn thể lề luật và các sách tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”.

 

Như thế giới răn thứ nhất, trọng nhất là yêu Chúa, giới răn thứ hai cũng trọng nhất giống như giới thư nhất là yêu người. Giới răn thứ hai trực tiếp và nhất thiết phải theo sau, đi liền với giới răn thứ nhất. Tách biệt ra là què quặt, thiếu sót, chưa trọn vẹn.

Yêu Chúa, yêu người giống như một cặp song sinh; có bé sinh trước , có bé sinh sau, nhưng cả hai đều sống chung trong cùng một bào thai. Cả hai giống nhau như đúc; nhìn anh, tưởng là em và nhìn em tưởng là anh.

Nhưng trong thực tế, chúng ta lại có khuynh hướng tách biệt ra làm hai.

Phần đông, chúng ta cho rằng yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn là quan trọng nhất, là thiết yếu cho phần rỗi của mình mà không cần biết đến việc yêu thương người khác.

Lại có những người tận tụy hết mình làm việc phục vụ đồng loại chỉ để có được một thế giới tốt đẹp hơn, nhưng lại không nghĩ gì đến việc yêu, tôn kính Chúa và cầu nguyện với Ngài.

Cả hai, chỉ mới thực hiện được một nửa giới răn yêu thương của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã hướng dẫn chúng ta sống trọn vẹn Tin Mừng: là vừa phải yêu mến Thiên Chúa và vừa phải yêu mến đồng loại như chính mình.

Trong tình yêu Thiên Chúa, có tình yêu đồng loại, có đối tượng tha nhân; và trong tình yêu đồng loại, có tình yêu Thiên Chúa, có hình ảnh Thiên Chúa.

Trong sách Cổ học tinh Hoa có kể lại câu chuyện: Ất, Giáp tranh luận của Âu Dưong Tử như sau:

Giáp hỏi Aát: Ðúc đồng làm chuông, đẽo gỗ làm dùi. Lấy dùi đánh chuông, chuông kêu boong boong, thế thì tiếng kêu ấy là do gỗ kêu hay đồng kêu?

Ất đáp: Lấy dùi gõ vào vách tường, không kêu, gõ vào chuông kêu, thế thì tiếng kêu là ở nơi đồng.

Giáp hỏi: Lấy dùi gõ vào đồng tiền trinh, không kêu; thế thì có chắc tiếng kêu ở đồng mà ra không?

Ất đáp: Ðồng tiền đặc, cái chuông rỗng, vậy tiếng kêu từ các đồ vật rỗng mà ra.

Giáp lại hỏi: Lấy gỗ, lấy bùn làm chuông, đánh không ra tiếng, thế thì có phải tiếng kêu ở vật rỗng mà ra không?…

 

Tình yêu Thiên Chúa tác động vào tình yêu tha nhân nơi mỗi người chúng ta giống như dùi chuông tác động vào chuông để phát ra tiếng “binh boong yêu thương trọn vẹn của Tin Mừng”. Tình yêu Thiên Chúa gặp phải một tình yêu tha nhân khô cứng, lạnh nhạt thì cũng giống như lấy dùi mà gõ vào vách tường, không có gì ngân vang. Gõ vào chuông thì kêu, thế thì tiếng kêu là ở đồng, nhưng nếu Tình yêu Thiên Chúa gõ vào tình yêu đồng loại khép kín, vị kỷ, thì khác nào gõ vào một cục đồng đặc, không vang được tiếng yêu thương. Hay do rỗng mà chuông kêu? Tình yêu đồng loại khóac lác, phô trương, giả nhân giả nghiã thì cũng giống như chuông rỗng làm bằng gỗ, bằng bùn, không vang lên được tiếng ngân nga yêu thương. Chỉ khi lấy dùi gõ vào chuông làm bằng đồng, rỗng, tiếng chuông mới ngân vang. Khi tình yêu tha nhân rộng mở, vị tha, bác ái như chuông bằng đồng, rỗng, kết hợp với Tình yêu Thiên Chúa, sẽ ngân nga tiếng chuông yêu thương trọn vẹn như Chúa đã muốn.

 

Chỉ nói đến hai đối tượng của yêu thương là Thiên Chúa và con người mà thôi, chưa đủ. Chúng ta còn bỏ sót một đối tượng thứ ba nữa, đó là đối tượng chính mình: hãy yêu thương tha nhân như chính mình ngươi.

 

Yêu Chúa, yêu mình, yêu người. Yêu nào dễ, yêu nào khó?

Có lẽ yêu chính mình dễ nhất chăng! Nhưng thế nào là yêu mình? Có phải yêu mình là muốn cho người khác khen tặng mình tài ba, là giàu sang, là đẹp người đẹp nết, là muốn mọi người chú ý đến mình!..Như thế đã phải là yêu mình chưa hay chỉ là những biểu hiện của ích kỷ, khoe khoang! Yêu mình đích thực là cố làm sao cho mình chưa tốt thì nên tốt hơn, chưa được người khác quí mến thì làm cho người khác quí mến hơn, chưa tài ba thì cố gắng thăng tiến để tài ba hơn…Yêu mình như thế không phải là những biểu hiện ích kỷ mà là thăng tiến. Yêu mình như thế đâu phải dễ!

Yêu Chúa xem ra dễ thực hiện hơn; vì Chúa là Ðấng toàn năng quyền phép đáng cho chúng ta phục tùng , tôn thờ và yêu mến. Nhưng trong tình yêu Thiên Chúa của chúng ta, chúng ta đã thực sự yêu vô vị lợi chưa hay yêu Chúa vì mình? Yêu Chúa để mong được rỗi linh hồn, được lên Thiên đàng, được Chúa đoái thương ban cho nhiều ân phúc…! Yêu như thế mà sao bảo là không vụ lợi!

Còn yêu tha nhân thì sao? Ðây mới là cái khó yêu. Yêu người buộc phải thiệt thòi, phải hy sinh , bác ái… Yêu người như một kẻ trên ban ơn, bố thí cho người yếu thế hơn để tỏ ra mình quảng đại, giàu lòng từ tâm thì dễ; nhưng yêu người như yêu chính mình mới là cái khó. Chúng ta có yêu thương tha nhân như chúng ta muốn tha nhân yêu chúng ta không? chúng ta có tha nợ cho người khác như chúng ta muốn người khác tha nợ cho chúng ta không?…

 

Nói tóm lại, “ Ai nói mình yêu Thiên Chúa mà không yêu tha nhân , đó là người nói dối “; và ai nói yêu thương tha nhân như chính mình mà không làm cho người khác những gì mình muốn người khác làm cho mình, thì cũng không nói thật vậy!

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.