Uncategorized

Một cái Chết an tâm

Vô thần và có thần

-Thời đại hôm nay hiển hiện rõ rệt hai hạng con người. Hạng con người vô thần, và hạng con người có thần.

 

Vô thần và có thần

-Thời đại hôm nay hiển hiện rõ rệt hai hạng con người. Hạng con người vô thần, và hạng con người có thần.

 

-Đối với hạng con người vô thần: Chết là hết! Hết tất cả theo thân xác tanh hôi dần bị rã mục tan tành để trở về với cát bụi. Vì thế ngay lúc còn tại thế, đa số họ thiếu cảnh giác trước mọi cám dỗ sa đọa và đôi khi họ còn tha hồ làm những chuyện ác đức bất nhân. Tuy rằng hạng con người vô thần vẫn còn đó những con người có cuộc sống rất đáng được khâm phục.

-Còn hạng con người có thần là những người mà trong họ đã có thần và có trí để biết nghĩ trước liệu sau. Biết điều dữ nên tránh. Biết chuyện lành nên thực thi ngay để chính bản thân mình và con cháu mình cùng hưởng sự An Lành từ đời này sang đời sau.

Hạng con người có thần cũng nhạy bén trong việc chiêm nghiệm ra được rằng: Một trăm năm đời người rất ngắn ngủi, rất mỏng dòn, rất mong manh và yếu đuối, nên họ không quên đi tìm một nơi mà họ cho là an toàn nhất, để lo trước cho mình một cái Chết an tâm.

Cái “Chết an tâm” là cái Chết mà thân xác nặng nề có bổn phận phải vút đẩy linh hồn về với Đấng mà người Tin đã ký thác. Điển hình như Tin Cậy Kính Mến vào Thiên Chúa Cha: Đấng Toàn Năng tạo nên con người và vũ trụ; hay tuyệt đối ngưỡng mộ và tôn thờ  Đức Thích Ca Mâu Ni,  người đã sớm nhận ra cuộc sống vô thường khổ lụy và đã cống hiến cho nhân loại một con đường giải thoát diệu kỳ; hoặc trì chí tu thân theo ý chỉ của một trong nhiều vị Giáo chủ khác.

Chết, linh hồn sẽ bay về đâu???

Con người có giới hạn. Nhưng Thần Linh thì vô hạn. Do vậy, lấy cái giới hạn để soi rọi nguồn gốc của cái vô hạn, thì rõ là chuyện hoang đường! Tuy nhiên, có một ví dụ nôm na dễ hiểu được Vị Sư Tăng cao niên trụ trì trong một Tịnh Xá  thuyết giảng hôm bữa Rằm cách nay không lâu. Người viết bài này xin tóm tắt như sau:

1.Thân con người như một thân cây. Lúc cây còn bé xíu, nó được vun trồng chăm sóc cho cây được mọc xanh tươi và thẳng đứng.

2.Thế nhưng khi cây được lớn lên, cây phải tùy vào nhựa sống dưới mặt đất và chịu ảnh hưởng của khí trời, khi nắng khi mưa, khi trong lành, khi u ám…Tất cả những vụ việc này, Nhà Phật gọi là Nghiệp lực!

3. Khi cây vào thời kỳ sung mãn hay đang trở thành cây cổ thụ, vòm cây của nó sẽ nghiêng hẳn về hướng mà nó đã quen phát triển từ lâu. Còn gọi là “Di sản” của Nghiệp lực. Vì vậy khi có một cơn giông to gió lớn bay ngang qua hay có tình trạng đất bị sạt lở bất ngờ, dĩ nhiên cây sẽ bị đổ ngả theo hướng vòm cây trĩu nặng.

4. Cây sẽ bị đổ ngả theo hướng vòm cây trĩu nặng đồng nghĩa với việc sau khi một con người bị chết, linh hồn họ phải đi về cái nơi mà họ đã hành xử gắn bó khi còn tại thế.

Qua ví dụ nôm na dễ hiểu bên trên, sẽ không bao giờ có chuyện một người đàn bà hay đi nói xấu và vu khống người khác, suốt ngày ham mê cờ bạc, ngoại tình, mà sau khi chết linh hồn bà ta lại được thành tiên thành thánh ở trên trời. Cũng sẽ không bao giờ có chuyện một anh thanh niên chuyên làm nghề đâm thuê giết mướn, và hay làm chuyện cướp giựt vợ người khác mà sau khi chết linh hồn anh ta lại được Trời Phật rước đưa về cõi bình an vĩnh cửu.

Nhưng tất cả Qúy vị nam nữ, sống đời độc thân thánh hiến, không phân biệt đã theo  đạo giáo nào, hay chưa chính thức trở thành môn đệ của một Giáo chủ nào, mà hằng ngày biết sống hiền lành nhân hậu, trong tâm tư lúc nào cũng cố gắng nâng tâm linh mình lên tới Đấng Tối Cao trên trời cao, ắt hẳn ngay sau khi lìa trần, linh hồn họ sẽ được Đấng Thượng Đế Xót Thương và cho bay lên chỗ mà họ mãi khát khao mong đợi. Sự kiện này cũng chính là vấn đề: “Linh tại ngã, bất linh cũng tại ngã”!!!

Sống và chết cách nhau bao nhiêu xa?

Chưa bao giờ con người nói chung lại bị kinh hãi do phải đối diện trực tiếp với cái chết thình lình như trong thời điểm hôm nay. Chạy xe ra đường, coi chừng bị xe khác đụng. Đi tàu trên sông biển coi chừng con tàu thình lình bị chìm. Đi máy bay trên không trung sợ máy bay bỗng bị rớt. Đang ngồi trong nhà sợ cháy nhà hay bị sụp đất rồi nhấn sâu căn nhà xuống hố sâu khổng lồ…. Sống và chết của một đời người cách nhau bằng hiện tượng của một ánh chớp. Mới thấy đó. Chết đó. Mất đó!!!

Nêu cao đức Vâng Lời như Đức Mẹ Maria Mẹ của Thiên Chúa Ngôi Hai, bằng sự cúi đầu nghe theo định mệnh đã an bày, chỉ có bên đoàn người đã “sắm sửa” rất chu đáo cho mình “ một cái Chết an tâm” trước đó. Vì vậy, khi phải đối đầu với cái chết bất ngờ, hay đã dự đoán trước, họ chỉ cần kêu tên Đấng họ Tin Kính Mến đến cứu linh hồn họ. Thế là xong. Chẳng có gì phải sợ sệt cả. Vì Chết chỉ là một sự chuyển hóa hình thức Sống mầu nhiệm hơn, nhẹ nhàng thanh thoát hơn.

Kết bài

Trên con thuyền lênh đênh giữa dòng đời đầy đau khổ, nguyện Cầu Chúc cho người vô thần cũng sẽ có “một cái Chết an tâm”, nhờ đã tìm ra được cho mình một bến đỗ bình an. Chính bến đỗ bình an này đã và đang mang đến cho con người sự can đảm chấp nhận mọi tình huống thương đau xảy ra trong cuộc sống mình, cũng như nhận ra nguồn hạnh phúc vô biên hiện tại ngay đời này mới là một thứ hạnh phúc đích thực, chứ không phải ở đâu xa. Amen!

Sài Gòn trưa ngày 29.10.2016

M. T. Bùi Túy Nga

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.