Trên hành trình tông đồ, nhiều lần tôi vẫn bị cám dỗ để bỏ cuộc. Những tư tưởng cám dỗ này đến rất tự nhiên, và cũng rất hợp tình, hợp lý, đại khái:
-Tôi có nhiều việc quan trọng cần phải làm lúc này.
-Tôi không có thời giờ vì quá bận.
Hoặc:
-Tôi cần có thời gian để sống cho mình.
-Tôi cần có thời gian để làm những gì mà trước kia tôi chưa làm được.
-Tôi cần có thời gian nghỉ ngơi, đi đây, đi đó.
-Tôi cần có thời gian để sống cho gia đình.
Và:
-Chuyện người để người lo. Khôn nhờ, dại chịu, tại sao mình lại phải vất vả, thiệt thòi mà lo lắng chi cho mệt.
-Hơi đâu lo chuyện người ngoài. Kẻ khen, người chê. Khen thì ít, chê thì nhiều. Được việc thì người ta ca tụng, không được việc thì người ta mang mình ra mà chế nhạo.
Và còn hàng trăm những lý do khác nữa khiến lắm lúc tôi cũng thấy nản lòng và muốn buông xuôi. Con đường của người môn đệ, con đường của người làm chứng nhân Tin Mừng, con đường của người phục vụ sao mà gập ghềnh, khó đi quá! Nhưng cứ mỗi lần như vậy, tôi lại thấy hiện lên trong tâm trí mình hình ảnh những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu và cách thức họ làm tông đồ cho nhau. Những điều này đã tăng thêm niềm tin, tăng thêm nghị lực và sức chịu đựng để tôi tiến tới, mặc dù vẫn biết con đường trước mặt là con đường khó đi và nhiều thử thách.
Hình ảnh đầu tiên là hình ảnh ông Gioan Tiền Hô, chính ông đã giới thiệu Chúa Giêsu cho các môn đệ của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Gioan 1:36).
Andrê là một trong hai môn đệ của Gioan Tiền Hô sau khi đã nghe ông giới thiệu mà gặp được Chúa Giêsu. Ông đã về và nói với em mình là Phêrô về Người mà ông đã gặp. Không những thế, ông còn dẫn em mình đến với Chúa nữa: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu” (Gioan 1:41-42).
Tiếp đến là hình ảnh của ông Philipphê, ông cũng đã gặp Chúa và sau đó cũng đã giới thiệu bạn mình đến gặp Ngài. Lần giới thiệu này của ông Philipphê không suông sẻ như lần giới thiệu của ông Andrê. Qua mẩu đối thoại của hai ông, ông Philipphê không thể trả lời thỏa đáng điều ông Nathanaen muốn biết về Chúa Giêsu, nhưng ông biết mình đang nói về ai, và người đó như thế nào. Cuối cùng, ông đã mạnh dạn khuyến khích bạn mình hãy đến để chứng kiến tận mắt con người mà ông đang muốn giới thiệu: “Ông Philipphê gặp ông Nathanaen và nói: “Đấng mà sách Luật Maisen và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: Đó là Ông Giêsu, con Ông Giuse, người Nazareth. Ông Nathanaen liền bảo: “Từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được?” Ông Philipphê liền trả lời: “Cứ đến mà xem” (Gioan 1:45-46).
Tuyệt vời! Rất tuyệt vời! Đây chính là hình ảnh mô phạm con đường phục vụ, con đường người môn đệ cho cá nhân tôi, và cho những ai đã một lần tham dự và hưởng được ơn lành của Gia Đình Nazareth.
Tại những Khóa Nazareth và trong sinh hoạt của Gia Đình Nazareth không những mọi người đã được gặp Chúa mà còn được Chúa chỉ cho thấy vẻ đẹp, sức quyến dũ, và hạnh phúc của tình yêu mà họ đang có. Ngài cũng chỉ cho họ cách để khám phá ra người chồng, người vợ và những đứa con mà họ đang có mang ý nghĩa gì trong cuộc đời của họ. Và làm thế nào để duy trì và phát triển vẻ đẹp của tình yêu, hạnh phúc của hôn nhân, cũng như thu hút, giáo dục, và hướng dẫn con cái. Tất cả những cái đó đều được khám phá qua những Khóa Nazareth, những Đêm Gia Đình, và những sinh hoạt thường xuyên của Gia Đình Nazareth. Những ai đã tham dự các Khóa Nazareth một cách thành tâm, và những ai đã sinh hoạt đều đặn với Gia Đình Nazareth đều cảm nhận và làm chứng về những điều này.
Như Gioan Tiền Hô, Andrê và Philipphê đã làm chứng và đã giới thiệu với người khác về Chúa, anh chị em trong Gia Đình Nazareth cũng có nhiệm vụ phải làm chứng, phải giới thiệu với mọi người về Gia Đình Nazareth, về các Khóa Nazareth, và về những sinh hoạt của Gia Đình Nazareth. Đó là hành động chứng nhân đúng nghĩa và thực tế. Không chỉ giữa riêng lấy cho mình hạnh phúc, mà biết giới thiệu, giúp cho nhiều người cũng tìm được ân huệ, bình an, và hạnh phúc.
Trở lại những cám dỗ mà tôi thường gặp phải, tôi cho rằng đó cũng là những dịp để tôi đi sâu hơn vào nhận thức về con người bé nhỏ và yếu đuối của mình. Con người vô ơn đâu đó vẫn tàng ẩn trong suy nghĩ và trong lối sống ích kỷ của chính mình.
Vô ơn theo tôi không có nghĩa là chối bỏ những ơn Chúa ban, mà còn để cho những ơn ấy rơi vào quên lãng như người gia nhân đã đem chôn dấu nén bạc của chủ giao. Hành động tiêu cực ấy làm cho sức sống tâm linh trở nên mờ nhạt dần theo thời gian, và nhìn cuộc đời bằng những suy tư tiêu cực, bằng thái độ thiếu trưởng thành, co cụm. Suy tư ấy, lối sống ấy khiến con người không nắm bắt được những dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, và không làm nẩy nở, phát triển những hồng ân Chúa ban cho qua từng biến cố, từng thời điểm.
Ích kỷ, vì nếu như tôi nhận ra hạnh phúc, bình an, và tình yêu qua những Khóa Nazareth, qua những Đêm Gia Đình, qua những sinh hoạt thường xuyên của Gia Đình Nazareth mà không mạnh dạn nói lên, không can đảm ra đi làm chứng về những điều ấy thì thực sự tôi đã quá ích kỷ. “Không ai có thể vào Thiên Đàng một mình”, việc tôi khư khư giữ lấy hạnh phúc riêng cho mình cũng có nghĩa là tôi đang từ từ bị đánh cắp, và bị thua thiệt. Tình yêu tự nó luôn luôn có đặc tính trao ra, và cho đi. Nếu tôi thấy Chúa tốt lành, thấy Gia Đình Nazareth là bước đầu để tôi “tái khám phá và phục hồi những giá trị và vẻ đẹp của ơn gọi hôn nhân, gia đình” (Linh đạo Gia Đình Nazareth), tôi không có quyền giữ lấy một mình, nhưng phải trao ra, phải mời gọi nhiều người cùng chia sẻ và tham dự. Càng có nhiều người, nhiều gia đình cùng nhau chia sẻ, hạnh phúc, và bình an, tình yêu của tôi càng tăng triển.
Chỉ còn gần 2 tháng nữa là sẽ khai mạc Khóa 8 Nazareth. Khóa bắt đầu chiều Thứ Sáu, ngày 16 tháng 5 và bế mạc chiều Chúa Nhật, ngày 18 tháng 5 năm 2014. Đây chính là thời điểm tốt để mỗi thành viên trong Gia Đình Nazareth suy nghĩ về lòng biết ơn của mình với Thiên Chúa. Và cũng là thời gian để nói lên tinh thần và ý chí ra đi làm chứng nhân của mỗi người: Hãy ra đi, hãy giới thiệu, và hãy mời gọi nhiều anh chị em cùng tham dự Khóa 8 Nazareth. Mỗi thành viên Nazareth là một tông đồ nhiệt thành.
Lễ Kính Thánh Giuse
19 tháng 3 năm 2014
Views: 0