Kinh Tin Kính các Tông Đồ có chép về Đức Giêsu như sau : “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh. Chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác. Xuống ngục tổ tông. Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại. Lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng. Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết”.
…..
Thế nhưng, với các môn đệ năm xưa, để đón nhận niềm tin đó không phải một sớm một chiều. Để có thể xác tín niềm tin đó, lại càng phải mất nhiều thời gian để vượt qua những nghi nan, những ngờ vực.
Ba ngày, sau sự kiện Đức Giêsu phục sinh. Cư dân Giêrusalem vẫn trong trạng thái bán tín bán nghi. Thần quyền kết hợp với thế quyền, liên tiếp tung ra những tin tức dối trá nhằm che đậy sự thật và cũng là để tạo ra những băn khoăn, ngờ vực cho niềm tin vào sự phục sinh của Đức Giêsu.
Phần các môn đệ của Ngài, mặc dù đã nhiều lần tận mắt thấy sự "thần hiện" của Thầy mình. Mặc dù đã nhìn thấy dấu đinh và dấu đòng trên cơ thể Phục sinh của Đức Giêsu. Thế nhưng, một số các môn đệ có vẻ như đang trong tình trạng “mơ ngủ”. Các ông vẫn băn khoăn về tính xác thực của sự phục sinh của Đức Giêsu.
Sự băn khoăn đó đã tác động mãnh liệt lên não bộ, dẫn đến tình trạng đôi mắt của các ông không còn phân biệt được đâu là thật, đâu là ảo… Đã có lần Đức Giêsu hiện đến và đứng giữa các ông, thế mà các ông lại lầm tưởng là “thấy ma” !!!
Đứng trước những băn khoăn và ngờ vực của các môn đệ. Khi thì Đức Giêsu “khiển trách các ông không tin và cứng lòng” (Mc 16,14). Khi thì Ngài “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”.
Trong lần cuối, Đức Giêsu hiện ra với các ông trên một ngọn núi tại Galilê. Trong nhóm mười một các môn đệ, có ông “bái lạy” Ngài, nhưng cũng “có mấy ông lại hoài nghi”. Thế nhưng, không vì thế mà Đức Giêsu khiển trách.
Trái lại, để xua tan mối hoài nghi, Đức Giêsu đã tuyên bố trước các môn đệ của mình rằng : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”. Và Ngài cũng không quên củng cố lòng tin của các ông bằng một lời xác quyết rằng : “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Một chút tâm tình…
“Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”. Phải chăng lời tuyên bố trên chính là “phát súng lệnh” ban lệnh cho các môn đệ tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu !?
Đúng vậy, nếu Đức Giêsu không “được trao toàn quyền” thì làm sao Ngài có thể sai các môn đệ “đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”(Mt 28,19-20).
Thánh Phaolo, sau này, cũng đã nhắc lại cho tín hữu ở Epheso biết “đâu là quyền lực vô cùng lớn lao (Thiên Chúa) đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu”.
Vâng, “Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực mà (Thiên Chúa) đã biểu dương nơi Đức Kitô” – thánh nhân nói tiếp rằng : “Người đã tôn Đức Kitô trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được” (Ep 1,20-21).
Tin và xác tín niềm tin như thế, hỏi sao khi bị các vị trong Thượng Hội Đồng “nghiêm cấm không được giảng dạy về danh (Đức Giêsu)”, tông đồ Phêrô đã không ngần ngại đáp trả rằng : “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5, 29). Còn tông đồ Phaolo, trên đường truyền giáo, dù bị đánh đập hay bị tàu đắm, thánh nhân vẫn “dạy về Chúa Giêsu Kitô, một cách rất mạnh dạn” (Cv 28,31).
Không phải ngẫu nhiên mà Đức Giêsu có một cuộc “hẹn hò” với các môn đệ trên một ngọn núi tại Galile. Truyền cho các ông đến đây, Đức Giêsu như muốn gợi cho các ông nhớ lại “bài giảng trên núi” là những điều Ngài đã giảng dạy. Để khi tiếp nối sứ vụ “dạy bảo (muôn dân) tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy”, các ông có thể cho mọi người thấy, đâu là hạnh phúc thật khi trở thành người môn đệ của Chúa.
“Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”(Mt 28,19-20).
Vâng, đây là một mệnh lệnh. Không ! Phải nói đó là một “đại mệnh lệnh”. Một đại mệnh lệnh phải thực thi “cho đến tận thế” .
Một phút suy tư…
Hôm nay, toàn thể Giáo Hội Công Giáo mừng trọng thể lễ Chúa Giêsu lên trời.
Hai mươi thế kỷ đã trôi qua. Giáo Hội vẫn long trọng tuyên xưng rằng : “Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha”. Niềm tin vào Đức Giêsu Kitô “lên trời” vẫn luôn là một niềm tin tuyệt đối của bất cứ ai là Kitô hữu.
Sách Công Vụ Tông Đồ cũng đã ghi lại biến cố này : “Người được cất ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa”. (Cv 1,9).
Một phi hành gia thời Xô Viết, sau ba ngày bay trên vũ trụ; khi trở về trái đất đã tuyên bố rằng : tôi đã “lên trời” nhưng chẳng thấy Chúa đâu !
Nhắc lại chuyện này để làm gì ? Phải chăng là để chúng ta thuê tàu vũ trụ bay lên trời xác minh xem thực hư thế nào !?
Thưa không. Chúng ta hãy đọc tiếp Công vụ tông đồ. “Đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói : Hỡi những người Galile, sao còn đứng nhìn trời ?”(Cv 1,10-11).
Vâng, vấn đề của chúng ta hôm nay là “hãy đi và làm” chứ không phải là “đứng nhìn trời” hay thuê tàu vũ trụ lên trời để tìm xem Chúa Giêsu đang ở đâu.
Qua Giáo Hội, chúng ta thấy Đức Giêsu hiện diện, như lời tông đồ Phaolo đã nói “Ngài là đầu của Hội Thánh”. Trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta cũng đươc thấy Ngài và cùng đồng hành với Ngài, như lời Ngài phán “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Đây là mầu nhiệm đức tin. Tin Chúa Giêsu lên trời chính là tin vào quyền năng của Ngài như lời Đức Giêsu đã công bố : “Thầy đã được trao toàn quyền dưới đất”. Và một khi chúng ta đã tin vào quyền năng của Chúa thì chẳng có gì có thể ngăn cản chúng ta thực thi đại mệnh lệnh Đức Giêsu đã trao phó cho chúng ta “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…”
Vâng, dĩ nhiên là không phải làm cho muôn dân trở thành môn đệ của chúng ta, nhưng là trở thành “môn đệ của Chúa”.
Petrus Tran
Views: 0