Uncategorized

Mẹ tôi vẫn như ngày nào

Có lẽ hình ảnh đem lại nhiều ấn tượng nhất mỗi khi về thăm quê hương là hình ảnh người mẹ già, tóc bạc, lưng gù, và hàm răng cái còn, cái mất. Một người mẹ quê ngày ngày ngồi đó bên chiếc võng của mấy đứa cháu và chắt.

 

Có lẽ hình ảnh đem lại nhiều ấn tượng nhất mỗi khi về thăm quê hương là hình ảnh người mẹ già, tóc bạc, lưng gù, và hàm răng cái còn, cái mất. Một người mẹ quê ngày ngày ngồi đó bên chiếc võng của mấy đứa cháu và chắt.

 

Ngày xưa thì đưa võng ru con, bây giờ con khôn lớn thì đưa võng ru cháu và chắt. Một người mẹ mà những nét nhăn nheo, cằn cỗi theo thời gian và tuổi đời đang hằn sâu trên khuôn mặt xinh đẹp thuở nào của một thời xuân trẻ. Một người mẹ mà nụ cười như mếu mỗi khi thấy con về từ xa xa. Nhưng dù vẻ đẹp của mẹ có phai nhòa theo tháng năm, nét tinh anh của mẹ có bị dòng đời xói mòn, nhưng tình yêu mẹ dành cho con vẫn nguyên vẹn, vẫn như thuở nào khi con còn bé nhỏ.

 

Trong Phúc Âm tả lại cảnh người cha già mòn mỏi chờ con và thái độ sung sướng, vui mừng, vồn vã của ông đối với cậu con sau bao ngày xa vắng trở về thế nào, thì dường như cái tâm tình nôn nao và niềm vui hạnh phúc của mẹ tôi cũng tương tự khi thấy người con từ xa trở về, dù đây không phải là người con “hoang đàng”. Thay vì bảo gia nhân như người cha già trong Phúc Âm, mẹ cũng bảo các em, các cháu: Bổ trái dừa tươi để bác giải khát. Mở quạt máy để căn phòng khách mát lên một chút. Mau xịt thuốc muỗi để muỗi khỏi đốt bác. Mau mau dọn cơm ăn vì bác đi đàng xa mệt và đói… Và còn nhiều cái mau mau như thế khiến cho người con xa nhà bỗng trở nên quan trọng, được ưu đãi một cách đặc biệt.

 

Nhưng nếu để ý quan sát, thì qua những đối xử đặc biệt ấy hoàn toàn không phải vì người con mới từ Mỹ về. Không phải vì người con mang nhiều quà, bánh về cho mẹ. Và càng không phải vì người con ấy mang tiền về biếu mẹ. Tất cả chỉ vì “tình mẹ thương con.” Tình người mẹ thương và dành cho con sau nhiều ngày vắng nhà như một đền bù vì đã không được mẹ quan tâm, săn sóc. Tôi học được và biết được tâm tình này sau những giờ phút mẹ con trao đổi, tâm sự.

 

Trong những ngày tháng ít ỏi, và trong những giờ phút chỉ có hai mẹ con ấy, mẹ tôi thường kể cho tôi nghe những chuyện đã qua, những chuyện có liên quan đến thầy tôi, đến tuổi thơ của tôi, nhất là những chuyện xảy ra sau khi thầy tôi qua đời khiến mẹ tôi phải cô đơn vì không những không còn thầy tôi mà còn không có tôi bên cạnh. Hoàn toàn không một lời than van! Không một tiếng trách móc. Hoàn toàn không một tiếng “tiền”, tiếng “giàu có”… trong những trao đổi ấy. Nếu có nhắc đến tiền thì đại khái những mẩu đối thoại ấy như thế này: “Những lần anh chị và các cháu gửi tiền về, mẹ không tiêu xài vào việc gì hết. Mẹ chỉ để dành mua mấy hộp sữa, còn bao nhiêu là cất đi để hễ có chuyện cần thì lại mang ra mà dùng.” Vừa nói, mẹ vừa chỉ tay lên chỗ này, chỗ nọ xem như có chút hãnh diện về cái tài tháo vát, xoay xở, dành dụm, và nhất là sự hy sinh cho con cháu: “Đây này cái trần nhà kia mới sửa mất hơn 4 triệu, cái bàn thờ kia mới sơn lại gần 2 triệu. Mộ của thầy và của bà ngoại mới sửa lại cũng tốn gần 2 triệu. Còn dư chút nào nữa thì đứa này, đứa khác lâu lâu lại đến bà. Đấy có được đồng nào thì cũng chỉ lo cho con, cho cháu, cho nhà cửa thôi. Mẹ mà không dè xẻn thì làm gì có được như vầy, như vầy…” 

 

Cũng trong những lúc chỉ có hai mẹ con như thế, tôi lại nghiệm ra thêm cái tâm lý “làm mẹ” của người phụ nữ, dĩ nhiên, ở nơi mẹ của mình. Khi còn là sinh viên, khi đọc nhận xét của Freud : “không biết phụ nữ muốn gì” cứ tưởng là một nhân xét tiêu cực hay một nhận xét có vẻ coi thường người hỏi. Nhưng nay càng lớn, càng hiểu sâu hơn về lý lẽ cuộc đời, về tâm lý sống con người, mới hiểu rằng biết về người phụ nữ quả là khó, càng khó đo lường hơn tấm lòng bao la của một người mẹ. Có thể nói như Y Vân về lòng mẹ: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”, và cũng có thể nói hơn như Y Vân: “Tình mẹ thương con như vừng trăng tròn mùa thu”. Ôi! Tấm lòng của một người mẹ là tấm lòng của cả trời và biển cộng lại. Nó bao la, nó man mát, và nó vời vợi đến độ khó lòng mà hiểu nổi.

 

Hôm qua, đang còn nằm nướng trong căn phòng có quạt máy cho đỡ cái nóng thì mẹ đập cửa và nói to: “Dậy mà đi tắm cho nó mát đi chứ?” Hôm nay sau bữa cơm trưa đang còn vui với mấy cháu nhỏ, thì mẹ lại dục: “Đi nghỉ trưa một chút cho nó khỏe đi chứ. Thức trưa mệt chết à!” Nghe sao mà nó thấm thía tình mẫu tử đến thế. Trước những tâm tình ấy, tự nhiên tôi liên tưởng đến những lần bà xã vẫn thường nhắc mình sau mỗi lần đi làm về :“Anh đi tắm cho mát rồi ăn cơm!” Không lẽ mẹ và vợ cũng có cùng một cách thức săn đón như nhau? Một đàng dành cho con trai, một đàng dành cho chồng.

 

Thì ra là vậy, trong tâm thức người mẹ và tâm thức người vợ vẫn có pha lẫn tình mẫu tử. Bất ngờ thấy nhớ bà xã quá chừng. Nhớ lại mỗi lần được nhắc đi tắm, tôi thường tìm lý do này, lý do khác kéo dài cái lười của mình. Nhưng lười hay không thì vẫn thua cái tình mẫu tử thiêng liêng tiềm ẩn bên trong sự săn đón của một người vợ hiền. Vì một nghĩa nào đó, mình cũng như một “baby” mà nàng rất lấy làm hạnh phúc để săn sóc. Không biết các đấng ông chồng có hiểu ra chân lý này để yêu thương và đền đáp lại tình thương săn sóc của vợ hay không, nếu vô tình mà không nhận ra được điều này thì thật là một thiếu sót, một sự lơ là đáng trách.

 

Mẹ tôi bây giờ đã già. Như một gốc cây cằn cỗi nhưng lại là một gốc cây hiếm quí. Người chơi cảnh thích những gốc cây già, cổ và lâu năm vì cái giá trị thời gian và sức sống tiềm ẩn của nó. Tôi cầu xin cho mẹ tôi sống lâu, bởi tôi chỉ sợ rằng sẽ có một lúc gốc cây cổ thụ ấy được cất đi khỏi phần đất nhân sinh này, và lúc đó bóng mát của nó sẽ không còn để tôi nương tựa nữa.  

 

Kỷ niệm dịp về thăm nhà, tháng 4 năm 2013         

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.