Cho dù chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc từ năm 1952, và chiến tranh Việt-Nam chấm dứt từ năm 1975, chính phủ Hoa Kỳ vẫn cố gắng hết sức mình trong nỗ lực tìm kiếm các thi hài các người lính đã mất tích trong hai trận chiến vừa kể để mang về quê hương chôn cất tử tế. Thân nhân của các gia đình có chồng con tử trận đã trút được nỗi băn khoăn lo lắng vá rất biết ơn chính phủ về việc làm nầy. Hài cốt của những vị anh hung đã anh dũng hy sinh cho quê hương đáng được đặc ân trở về quê hương.
Trong Cựu Ước, khi Ông Maisen dẫn dân Do Thái ra khỏi đất Ai Cập, Ông cũng đã không quên mang hài cốt của tổ phụ Giuse về cố quốc, bởi vì tổ phụ Giuse có trăn trối trước khi chết, bằng bất cứ giá nào cũng phải đưa thi hài của ông về lại đất Israel. Dân Do Thái đã gìn giữ săn sóc hài cốt của tổ phụ Giuse trong suốt 430 năm dài trước khi họ có cơ hội trở về cố hương. Hài cốt của tổ phụ Giuse đáng được đặc ân mang về cố quốc.
Giáo hội dùng Ngày Chúa Nhật tuần nầy để biệt kính Mẹ Lên Trời, chúng ta vui mừng nhớ đến việc đoàn tụ của Mẹ với Đức Giêsu Con Mẹ, cũng là Chúa chúng ta trên Thiên đàng. Mẹ đang vui sẻ vinh quang của Chúa Phục Sinh. Đức Mẹ đáng hưởng đặc ân vinh dự nầy. Hơn cả linh hồn các Tiên Tri và Tông Đồ, linh hồn Mẹ Maria đang được sáng láng trên trời. Ngoài ra, Mẹ Thiên Chúa còn được một đặc ân cao trọng hơn các Tông Đồ và Tiên Tri là Mẹ đã được Chúa rước về trời cả hồn lẫn xác. Mẹ đã về nhà, về Thiên Đàng, nơi Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị, và Con Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa đang ngự bên phải Thiên Chúa Cha.
Giáo huấn của Giáo Hội về Tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời thật tuyệt diệu. Trước hết, chúng ta tin rằng thân xác của mọi người đáng được kíh trọng và tưởng nhớ. Đó là lý do tại sao thi hài của những anh hung dân tộc được chôn cất với mọi thủ tục trọng đại của quốc gia. Cũng là lý do tại sao dân Do Thái đã giữ gìn hài cốt của tổ phụ Giuse suốt hàng mất thế kỷ dài, và cũng là lý do tại sao Giáo Hội tuyên dương thi hài các con cái trong Nghi Thức An Táng. Thứ hai, căn bản của sự tôn kính ở chỗ là con người được tạo dựng bởi thân xác và linh hồn, và cả hai tạo nên một con người. Đây là sự khác biệt giữa linh hồn thiêng liêng và thiên thần. Linh hồn con người ta bất tử và xa rời thân xác khi lìa trần. Thân xác nầy sẽ được xum họp với linh hồn ở “ngày sau khi sống lại” như GL của GHCG điều #366 dạy. Như thế, việc mừng kính Lễ Mẹ Lên Trời sửa soạn cho chúng ta về trời đoàn tụ cả hồn lẫn xác vào ngày sau sống lại như Giáo lý điều # 966 đã nói rõ.
Mặc dù biến cố Mẹ lên trời không được ghi chép trong Thánh kinh, nhưng từ các thế kỷ đầu tiên, Giáo hội đã có tục lệ mừng kính lễ nầy vào ngày 15 tháng 8 và gọi lễ nầy là “Lễ Mẹ Ngủ Yên” (Dormition). Chúng ta hân hoan mừng kính Mẹ Lên Trời vì Chúa đã chọn và sửa soạn cho Mẹ không vương mắc tội tổ tong.
Tuy nhiên, thật là sai lầm nếu chúng ta tưởng rằng Mẹ nhận lãnh mọi ân sủng từ Thiên Chúa một cách thụ động. Đời sống của Mẹ lúc nào cũng phấn đấu với đau khổ và cám dỗ. Như Chúa Giêsu Con Mẹ đã phải chịu đau khổ và bị cám dỗ, thì Mẹ cũng không hơn gì. Trên đường chiến đấu cam go ở gian trần để đi về trời, chúng ta cần noi gương Mẹ trong việc cộng tác với ân sủng Chúa. Chúng ta nhìn lên tấm gương của Mẹ không chỉ để bắt chước mà còn trông cậy vào sự chuyển cầu của Mẹ trước Toá Chúa cho chúng ta, và chắc chắn Mẹ sẽ không để chúng ta thất vọng bao giờ. Trong Kinh Hãy Nhớ chúng ta thường nguyện theo Thánh Bernađô: “từ xưa đến nay chưa từng nghe ai chầy đến cùng Đức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời!”
Đời sống của Mẹ cũng không dễ dàng như nhiều người lầm tưởng. Ông già Simêon đã báo trước về đời Mẹ trong ngày Mẹ Dâng Con trong đền thờ: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng Bà.” Và việc đó thường xuyên xảy ra trong đời Mẹ. Như khi Mẹ ngước mắt nhìn các Thiên Thần xướng hát trên không trung sau khi Mẹ sinh hạ Chúa Hài Đồng trong chuồng bò; khi phải trốn chạy qua Ai-Cập để con trẻ thoát tay Herođê tìm giết; lúc tìm kiếm con trẻ lên 12 tuổi, lạc mất sau 3 ngày đường ở Jêrusalem; khi theo chân Con Mẹ trên đường tử nạn thập giá, chứng kiến cảnh con nát cả mình ra trong tay quân dữ đem đi giết; và ôm xác con trong lòng mình ở đồi Canvê.
Vai trò làm vợ và làm mẹ trong gia đình Thánh Gia ở Nazareth với Chúa Giêsu và Thánh Giuse với đầy đủ ý nghĩa. Sự hoàn toàn im lặng của Mẹ trong mọi biến cố xảy ra hằng ngày suốt 30 năm trường, đã là một chứng minh hùng hồn cho nhiều gia đình đang đổ vỡ, đang tan nát chia lìa vì sự ồn ào tranh đấu, đòi quyền lợi do các cố vấn gia đình hoặc luật sư thời nay bày mưu. Làm mọi việc một cách khiêm nhu trong nhân đức là trường học đầu tiên cho con trẻ Giêsu bước chân đến. Gia đình của Mẹ ở Nazareth là một trường dạy cầu nguyện, đào luyện nhân đức, và vâng phục Thánh Ý của Thiên Chúa. Mẹ Maria hiểu thấu đáo lời Chúa Cha phán ở núi Taborê: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Ngài.”(Mt. 17:5) Tại tiệc cưới Cana, Mẹ dặn dò các gia nhân: “Ngài bảo gì thì hãy làm theo.” (Jn. 2:5) Nói cách khác, “hãy nghe lời Ngài.” Kết quả Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên. Sau Lễ Thăng Thiên, Chúa Giêsu về trời, các Tông Đồ cần Mẹ an ủi vỗ về, Mẹ đã lên Jersusalem để cùng các ông đợi chờ Chúa Thánh Thần hiện đến. Sau khi được Chúa uỷ thác từ trên thánh giá “Đây là Mẹ con,” thánh Gioan đã phụng dưỡng Mẹ. Thảo nào, phúc âm của Thánh Gioan khác hẳn 3 bộ phúc âm trước đó về phương diện suy tưởng và chime niệm thần học có lẽ vì Gioan đã hấp thụ được từ nơi Mẹ đời sống chiêm niệm và suy gẫm về các mầu nhiệm trong đời sống tâm linh.
Với những sự kiện về Mẹ như trên, Giáo Hội có đầy đủ lý do để dạy chúng ta là con cái Kinh Kính Mừng từ các thế kỷ ban đầu, với hy vọng Kinh nầy sẽ là lời cầu cuối cùng trong đời của mọi tín hữu trước khi diện kiến Chúa Kitô Con Mẹ để chịu phán xét. Giáo hội tin tưởng rằng sư chết là một biến cố gặp gỡ tốt đẹp cho những ai có lòng tôn sùng Mẹ, bởi vì Mẹ sẽ đứng đó để đón chào và biện hộ như một trạng sư cho chúng ta sau cuộc sống đời nầy. Và cũng sẽ chia sẻ với chúng ta nỗi vu mừng đoàn tụ của Hồn sau khi Xác sống lại.
Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời, Ta hãy xin cho được ơn chết lành trong tay Đức Mẹ. Amen.
Views: 0