Uncategorized

Mẹ là tất cả: Tiệc mừng ngày hiền mẫu 15 tháng 5 năm 2011

Khoảng 150 quan khách, thân hữu và anh chị em thuộc Gia Đình Nazareth Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange đã có 2 giờ thật ấm cúng, thật thân thương, và đầy ắp kỷ niệm bên nhau. Đặc biệt, bên những người mẹ hiền rất đáng kính yêu tại nhà hàng Diamond góc Lampson và Beach, thành phố Garden Grove, California.

 

Khoảng 150 quan khách, thân hữu và anh chị em thuộc Gia Đình Nazareth Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange đã có 2 giờ thật ấm cúng, thật thân thương, và đầy ắp kỷ niệm bên nhau. Đặc biệt, bên những người mẹ hiền rất đáng kính yêu tại nhà hàng Diamond góc Lampson và Beach, thành phố Garden Grove, California.

 

Nhưng ghi lại những cảm nghĩ của mình mà quên không ghi lại những mẩu chuyện xảy ra bên lề, bên trong hậu trường thì hổng dzui. Và vì thế, Hai Lúa trong khi vui mà cũng không quên nghĩa vụ, cố gắng ghi vào bộ nhớ cũ kỹ của mình những gì Hai Lúa tôi đã thấy, đã nghe để hầu chuyện qúi độc giả.

 

 

Lạc mẹ:

 

Không biết lúc còn nhỏ mà lạc mẹ thì chúng ta phản ứng như thế nào ngoài chuyện mếu máo, khóc lóc bù lu, bù loa cho đến khi tìm thấy mẹ. Nhưng câu hỏi là bây giờ, lúc đã 40, 50, hoặc 60 tuổi mà lạc mất mẹ thì sao? Dễ thôi! Thì cũng đứng khóc!!!

 

Chuyện thật một trăm phần trăm, khi Hai Lúa để ý thấy Hồng Vân cứ chạy tới, chạy lui, ngó trước, ngó sau như gà mắc đẻ mà không biết có chuyện gì. Cầm lòng chẳng đặng, Hai Lúa bèn tò mò hỏi:

 

– Có chuyện gì mà chạy tới, chạy lui vậy cà?

 

– Dạ! Em lạc má em. Ý quên! Má em không biết có đi lạc không mà giờ này chưa thấy tới.

 

– Ủa! Vậy chớ má Hồng Vân đi với ai, hay tự lái xe đi một mình?

 

– Không đâu anh ơi! Má em được bà chị chở tới. Em không biết chị em có chở má đi đâu không mà giờ này chưa tới. Em gọi về nhà thì mới hay bà chị em lại bỏ quên điện thọai ở nhà. Con cháu nói là má nó chở ngoại đi từ lâu rồi. Khổ ghê anh ơi! Em mà lạc má em. Ý quên nữa. Má em mà đi lạc đâu chắc em chết quá. Hôm nay là ngày của mẹ mà anh.

 

Vừa nói tới đây thì xe chở má của Hồng Vân cũng đã đến bãi đậu. Vậy là ba chân, bốn cẳng cô nàng chạy như bay ra xe, miệng la lên bai bải:

 

– Má! Má có sao không? Má tới trễ làm con rầu thúi ruột và sợ muốn chết!

 

Nghe vậy chắc má Hồng Vân ấm lòng lắm. Riêng Hai Lúa nhìn cảnh này thấy tủi thân quá vì không có mẹ ở bên!!!

 

Vết thù trên lưng ngựa hoang:

 

Linh mục linh hướng Trịnh Ngọc Danh ngồi dưới thấy người này, người khác ca tụng mẹ, nhột quá, nên cũng đăng đàn nói về mẹ.

 

Theo đó, mẹ của ngài cũng chân lấm, tay bùn. Cũng vất vả, ngược xuôi chắt chiu nuôi chồng và nuôi con. Cũng theo ngài, thì những “vết thù trên lưng ngựa hoang” của Duyên Anh đã nhắc nhở ngài về những vết hằn sâu trên chân, trên tay, và trên thân thể của mẹ mình khi phải bó sát những ký cà phê vào người để qua mặt công an khi buôn bán tần tảo nuôi con trong thời gian chồng đi tù cải tạo.

 

Hoan hô người mẹ hiền và tần tảo với những vết thù trên lưng ngựa. Nhưng hoan hô người mẹ đã cống hiến cho Giáo Hội, cho Gia Đình Nazareth một linh mục năng động, nhiệt tình và thánh thiện.

 


Mẹ em vô địch:

 

Nhiều bài nói, nhiều chia sẻ cảm tưởng về mẹ, nhưng có lẽ không làm nhiều người cảm động và rưng rưng dòng lệ cho bằng những lời phát biểu chân thành của em Trường Sinh nói về mẹ mình.

 

Trường Sinh đại diện cho ba em của em đã nói bằng một thứ tiếng Việt vỡ lòng cộng với tiếng Mỹ về người mẹ của các em. Một người mà em gọi là nhất khi một mình can đảm và chắt chiu nuôi dậy 4 con nên người. Em đã ít nhất ba lần nhắc đến người mẹ mình, và gọi mẹ là “Mẹ em can đảm”, “Mẹ em mạnh lắm”, và “Mẹ em chăm làm lắm”. Tóm lại, mẹ em cool, và mẹ em là vô địch.

 

Rồi tất cả quan khách và mọi người đều hướng về Mai Tin Cậy, người phụ nữ trẻ với dáng dấp hiền thục, nhưng can đảm ấy khi chị bước lên sân khấu nhận bông hoa hồng từ tay các con, và những nụ hôn thật trìu mến. Trong giây phút cảm động ấy, Hai Lúa thấy có những gọt lệ trên đôi mi của người mẹ can đảm này.

 

Ngồi cạnh Hai Lúa, Tư Lượm ghé sát vào tai nói nhỏ: “Anh Hai! Những người mẹ như vậy thấy hiếm đó nha. Đúng là người mẹ vô địch. Khẩu phục! Tâm phục!”

 

Lúc nào cũng nhứt:

Ngồi cùng bàn với Hai Lúa và Tư Lượm còn có một anh người gốc gác rau muống tức dân Bắc Kỳ 54. Nghe nói tụi này xuất thân ở Cái Bè, nên sáp lại nhập cuộc:

 

– Tôi đố mọi người nha, và cả anh Hai Lúa và Tư Lượm luôn: Cái gì sáng cũng nhứt, tối cũng nhứt, và nặng cũng nhứt?

 

– Cái đó là vợ của anh chứ cái gì nữa. Lúc nào mà chẳng nhứt. Sáng cũng nhứt, tối cũng nhứt và nặng cũng nhứt phải không?

 

– Không đúng à nghe.

 

– Đúng chứ sao không. Vậy anh cắt nghĩa coi lúc nào mà bà xã không nhứt. Nhứt là cái đầu mấy bả, nhiều khi bướng, cứng, và rắn còn hơn cái đầu của mấy anh đàn ông nữa là đàng khác!

 

– Thôi để tôi giải thích cho nghe, mấy cha là người Nam mà không hiểu rõ giọng người Nam. Người Nam nói “nhứt” thì tụi này người Bắc nghe như “nhức”, còn “nặng” thì nghe như “nặn”. Vậy sáng cũng nhức, tối cũng nhức, nặn ra cũng “nhức” là cái “mụn nhọt” chớ cái gì! Nói như anh cũng đúng, bà xã tôi bao giờ cũng “nhức”.

 

Một chị nghe vậy lên tiếng:

 

– Vừa phải thôi mấy ông. Hôm nay là ngày của mẹ đó nghe. Có muốn “nhức” không tôi cho “nhức”.

 

Nghe vậy cả đám sợ quá ngồi im lặng! Đúng là đàn bà cái gì cũng “nhức”.

 

Cái gì thiệt mà lại thiệt?

 

Câu chuyện nhái tiếng nghe như rôm rả, một anh hàng xóm cũng cằm ly rượu qua đấu láo:

– Vậy chớ cái gì thiệt là thiệt?

 

– Cái gì thiệt là thiệt chứ giả thì sao gọi là thiệt? Đố gì mà lãng xẹt. Mà đầu óc có tà ý gì không đây cha? Đừng đen tối nhớ lại chuyện ‘cu thiệt”, “cu giả” của buổi tất niên đó nha.
 

– Không. Tui đố thiệt là thiệt. Mấy người không giải được chịu thua tôi giải cho nghe.

 

– Ừa thì anh giải cho tụi này nghe coi. Không được là phải phạt uống hết chai này đó nha.

 

– Gì chứ chai này là chuyện nhỏ. Chuyện lớn là “thiệt” tức là anh “Thiệt” kia kìa. Người đứng đầu tổ chức bữa tiệc này nè. Còn “thiệt” đây là “thiệt hại”, là lỗ vốn. Mấy ông, mấy bà có biết không từ khi đứng ra lo cái bữa tiệc này, ngoài điện thoại, email rần rần, anh còn tốn 3 bữa nhậu nữa để lo lót cho mấy cha gia trưởng. Nói theo kiểu chính chị, chính em một chút đó là tìm sự hậu thuẫn để lo công việc chung đó. Một lần ở nhà anh Duyệt, hai lần ở Phở Quang Trung, mà lần nào cũng là do anh móc túi trả, như vậy đã “thiệt” chưa.

 

Nghe vậy, Tư Lượm gạt ngang:

 

– Thôi đi cha. Phát ngôn tầm bậy như vậy làm sao có ai mà dám đứng ra gánh vác việc chung. Làm sao các bà, các cô có được ngày vui như hôm nay. Làm việc chung là vậy đó. Muốn cho mọi người vui thì phải hy sinh. Cái này còn được gọi là “ách giữa đàng quàng vào cổ”. Hay nói một cách đơn giản là “ăn cơm nhà, vác ngà voi” đó mấy ông ơi. Nhưng phải hoan hô anh Thiệt một cái, vì nhờ anh mà chúng ta mới có dịp để tỏ lòng yêu mến mẹ, và mẹ của con mình. Ráng đi anh Thiệt, sang năm tụi này chắc chắn sẽ dồn phiếu cho anh nữa.

 

Một ly cho anh chị Thiệt-Nga: Dô!
 

 

Dĩ nhiên, chúng ta cũng phải cám ơn những anh chị em khác đã góp công, góp của, và nhiệt tình cho bữa tiệc này.

 

Một ly cho Gia Trưởng Kỷ-Cậy: Dô!

 

Một ly cho các gia trưởng: Dô!

 

Một ly cho MC Quyết Thanh và Huy Hiệu: Dô!

 

Một ly cho Diệp Phượng Mỹ: Dô!

 

Một ly cho Minh Tiên: Dô!

 

Và mẹ là tẩt cả. Dô! Dô! Dô!

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.