Có lẽ hình ảnh đem lại nhiều ấn tượng nhất mỗi khi về thăm quê hương, và đặc biệt là lần về thăm gần đây năm 2013 là hình ảnh mẹ tôi, một người mẹ già, tóc bạc, lưng gù, và hàm răng cái còn, cái mất. Một người mẹ quê ngày ngày ngồi đó bên chiếc võng ru mấy đứa cháu và chắt. Ngày xưa thì mẹ đưa võng ru con, bây giờ con khôn lớn thì đưa võng ru cháu và chắt. Một người mẹ mà những nét nhăn nheo, cằn cỗi theo thời gian và tuổi đời đang hằn sâu trên khuôn mặt xinh đẹp thuở nào của một thời xuân trẻ. Một người mẹ mà nụ cười như mếu mỗi khi thấy con về từ xa xa. Nhưng dù vẻ đẹp của mẹ có phai nhòa theo tháng năm, nét tinh anh của mẹ có bị dòng đời xói mòn, nhưng tình yêu mẹ dành cho con vẫn nguyên vẹn, vẫn như thuở nào khi con còn bé nhỏ.
Như người cha già mỏi mòn chờ con và sung sướng, vui mừng, vội vã ôm choàng lấy đứa con sau bao ngày xa vắng trở về thế nào, thì cái tâm tình nôn nao và niềm vui hạnh phúc của mẹ tôi cũng òa vỡ như vậy mỗi lần tôi trở về thăm mẹ. Mỗi lần như thế là mẹ tôi vồn vã ra lệnh cho đứa con này, đứa cháu nọ:
-Mau bổ trái dừa tươi cho bác uống vì bác đi đường xa khát nước.
-Mau mở quạt máy mạnh lên một chút để căn phòng khách mát.
-Mau xịt thuốc muỗi để muỗi khỏi đốt bác.
-Mau dọn cơm lên vì bác đi đường xa mệt và đói…
Và còn nhiều cái mau mau như thế khiến cho người con xa nhà bỗng trở nên quan trọng, được ưu đãi một cách đặc biệt.
Nhưng nếu để ý quan sát, thì qua những đối xử đặc biệt ấy hoàn toàn không phải vì người con mới từ Mỹ về. Không phải vì người con mang nhiều quà, bánh về cho mẹ; càng không phải vì người con ấy có chút ít tiền bạc để biếu mẹ. Nhưng tất cả chỉ vì “tình mẹ thương con.” Tình người mẹ thương và dành cho đứa con sau nhiều ngày vắng nhà như một đền bù vì đã không được mẹ quan tâm, săn sóc. Tôi học được và biết được tâm tình này sau những giờ phút mẹ con trao đổi, tâm sự.
Trong những ngày tháng ít ỏi, và trong những giờ phút chỉ có hai mẹ con ấy, mẹ tôi thường kể cho tôi nghe những chuyện đã qua, những chuyện có liên quan đến thầy tôi, đến tuổi thơ của tôi, nhất là những chuyện xảy ra sau khi thầy tôi qua đời khiến mẹ tôi phải cô đơn vì không những không còn thầy tôi mà còn không có tôi bên cạnh. Hoàn toàn không một lời than van! Không một tiếng trách móc. Hoàn toàn không một tiếng “tiền”, tiếng “giàu có”… trong những trao đổi ấy. Nếu có nhắc đến tiền thì đại khái những mẩu đối thoại ấy như thế này:
“Những lần anh chị và các cháu gửi tiền về, mẹ không tiêu xài vào việc gì hết. Mẹ chỉ để dành mua mấy hộp sữa, còn bao nhiêu là cất đi để hễ có chuyện cần thì lại mang ra mà dùng.” Vừa nói, mẹ vừa chỉ tay lên chỗ này, chỗ nọ xem như có chút hãnh diện về cái tài tháo vát, xoay xở, dành dụm, và nhất là sự hy sinh cho con, cho cháu:
“Đây này cái trần nhà kia mới sửa mất hơn 4 triệu, cái bàn thờ kia mới sơn lại gần 2 triệu. Mộ của thầy và của bà ngoại mới sửa lại cũng tốn hơn 3 triệu. Còn dư chút nào nữa thì đứa này, đứa khác lâu lâu lại đến bà. Đấy có được đồng nào thì cũng chỉ lo cho con, cho cháu, cho nhà cửa thôi. Mẹ mà không dè xẻn thì làm gì có được như vầy, như vầy…”
Cũng trong những lúc chỉ có hai mẹ con như thế, tôi lại nghiệm ra thêm cái chân lý “làm mẹ” của người phụ nữ, dĩ nhiên, ở nơi mẹ của mình. Khi còn là sinh viên, khi đọc nhận xét của Freud: “không biết phụ nữ muốn gì” cứ tưởng là một nhân xét tiêu cực hay một nhận xét có vẻ coi thường người hỏi. Nhưng nay càng lớn, càng hiểu sâu hơn về lý lẽ cuộc đời, về tâm lý sống con người, mới hiểu rằng biết về người phụ nữ quả là khó, càng khó đo lường hơn tấm lòng bao la của một người mẹ. Có thể nói như Y Vân về lòng mẹ: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình".. Tình thương của bà chiếu tỏa như ánh trăng rạng ngời trên bầu trời thanh bình của lòng con: “Tình mẹ thương con như vừng trăng tròn mùa thu”.
Ôi! Tấm lòng của một người mẹ là tấm lòng của cả biển trời bao la cộng lại. Nó bao la, nó man mát, và nó vời vợi đến độ khó lòng mà hiểu nổi. Và như Y Vân đã diễn tả, dù đứa con sau này có đi đâu chăng nữa, chân trời góc biển, nơi mà nó muốn quay về vẫn là bóng mát của tấm lòng người mẹ:
Dù ai xa vắng trên đường sớm chiều về đâu.
Dù khi mưa gió tháng ngày trong đời bể dâu.
Dù cho phai nắng nhưng lòng thương chẳng lạt mầu.
Vẫn mong quay về vui vầy dưới bóng Mẹ yêu.
Và Honoré de Balzac đã viết về trái tim của người mẹ: “Trái tim của người mẹ là một vực thẳm vô tận, ở đáy của nó luôn luôn tìm thấy sự tha thứ.” -The heart of a mother is a deep abyss at the bottom of which you will always find forgiveness. (Honoré de Balzac). Tổng Thống Abraham Lincoln thì suy tôn lời cầu nguyện của mẹ Ông: “Tôi ghi nhớ những lời cầu của mẹ tôi và chúng luôn theo tôi. Những lời cầu đã bám sát tôi trong suốt cuộc đời tôi.” – I remember my mother’s prayers and they always followed me. They have clung to me all my life. (Abraham Lincoln).
Công nương Diana đã viết về vòng tay của người mẹ: “Vòng tay của người mẹ dịu dàng hơn bất cứ vòng tay của ai khác.” – A mother’s arms are more comforting than anyone else’s. (Diana, Princess of Wales). Những cử chỉ lo lắng của người mẹ dành cho con không chỉ là vòng tay vỗ về êm ái, và không chỉ lo cho con khi còn còn nhỏ. Mấy ngày ở với mẹ quả là hạnh phúc. Vòng tay săn sóc của mẹ luôn bao phủ và đầy ắp yêu thương. Một hôm đang còn nằm nướng trong căn phòng để tránh cái nóng như thiêu như đốt bên ngoài, thì mẹ đập cửa và nói to: “Dậy mà đi tắm cho nó mát đi chứ?” Hôm sau, sau bữa cơm trưa đang còn vui với mấy cháu nhỏ, thì mẹ lại giục: “Đi nghỉ trưa một chút cho nó khỏe đi chứ. Thức trưa mệt chết à!” Nghe sao mà nó thấm thía tình mẫu tử đến thế. Trước những tâm tình ấy, tự nhiên tôi liên tưởng đến những lần bà xã vẫn thường nhắc mình sau mỗi lần đi làm về :“Anh đi tắm cho mát rồi ăn cơm!” Không lẽ cách thức chăm sóc con của bà mẹ và cách thức lo lắng của người vợ đối với chồng cũng có cùng một mẫu số như nhau?
Chắc chắn là thế! Trái tim người phụ nữ dù mẹ hay vợ, là nơi ngự trị của tình mẫu tử, một thiên chức thiên phú đã được ban cho họ. Bất ngờ thấy nhớ bà xã quá chừng. Nhớ lại mỗi lần được nhắc đi tắm, tôi thường tìm lý do này, lý do khác kéo dài cái lười của mình. Nhưng lười hay không thì vẫn thua cái tình mẫu tử thiêng liêng tiềm ẩn bên trong sự săn đón của một người vợ hiền. Vì một nghĩa nào đó, mình cũng như một “baby” mà nàng rất lấy làm hạnh phúc để săn sóc. Không biết các đấng ông chồng có hiểu ra chân lý này để yêu thương và đền đáp lại tình thương săn sóc của vợ hay không. Nếu vô tình mà không nhận ra được điều này thì thật là một thiếu sót, một sự lơ là đáng trách!
Mẹ tôi bây giờ đã già. Như một gốc cây cằn cỗi nhưng lại là một gốc cây hiếm quí. Trong những vườn cây bonsai mà người Nhật thường nuôi trong nhà, những gốc bonsai quí và hiếm là những gốc già và lâu năm. Người chơi cảnh thích những gốc cây già, cổ và lâu năm vì cái giá trị thời gian và sức sống tiềm ẩn của nó. Tôi cầu xin cho mẹ tôi sống lâu, bởi tôi chỉ sợ rằng sẽ có một lúc nào đó gốc cây cổ thụ ấy được cất đi khỏi phần đất nhân sinh này, và khi ấy bóng mát tinh thần của nó sẽ không còn để tôi nương tựa nữa. Tổng Thống Abraham Licohl đã nói rất đúng: “Mẹ tôi là người phụ nữ tuyệt vời nhất tôi đã gặp. Tất cả những gì tôi có tôi đều nợ từ mẹ tôi. Tôi qui hướng mọi thành công trong đời cho nền giáo dục trí, đức và thể dục tôi nhận được từ người.” -My mother was the most beautiful woman I ever saw. All I am I owe to my mother. I attribute all my success in life to the moral, intellectual and physical education I receive from her. (George Washington)
Hôm nay nhân Ngày Hiền Mẫu, hướng nhìn về bên kia bờ Thái Bình nơi đó có người mẹ hiền đang chờ đợi tôi, tự nhiên tôi thấy nhớ mẹ, thương mẹ. Tôi muốn như những ngày còn thơ trẻ, chạy về ôm choàng lấy mẹ, hôn lên trán mẹ, và nói với mẹ một câu: “Mẹ ơi! Con yêu mẹ!”.
Ngày Hiền Mẫu
11 tháng 5 năm 2014
Views: 0