Ngày mới về nhà chồng, tôi cũng e ngại với suy nghĩ về “mộng chè” là “ mẹ chồng” lắm . Là một bà má khác mẹ mình. Là người mình sẽ ăn chung, ở chung, và ngày ngày ngày gặp nhau trong một mái nhà. Là người đầu tiên tôi gọi bằng cái tên “má ơi” không phải mẹ mình. Cũng không phải mấy bà bạn hàng ngoài chợ, tôi hay gọi “má” qua quít, chiếu lệ.
Tôi về nhà chồng khi thấy má làm nhiều việc nhà quá, mà tôi, con dâu mới thì không. Má nấu bếp, má giặt đồ, má ngồi bán quán… Má ưu tiên tôi, vì tôi còn đi bán. Má phơi đồ, chiên cá, lau nhà, má nghe vài bản tình ca… Má dọn bàn bi-da, tếu táo vài câu với mấy anh khách hàng buổi sáng.
….Tôi khoái thức dậy thật sớm, coi má nhóm bếp than, má pha ly cà phê sữa đậm đặc ngon tuyệt cho mấy anh con trai thức dậy uống. Hai cô em chồng tôi lên xe hoa, má tự hào khoe má là người tư vấn cho con gái. Nhiều khi tôi cũng tự hỏi không biết tôi có nằm trong sổ tư vấn của má không – một con nhỏ không biết nấu ăn gì ráo trọi. Mãi hai ba năm sau, tôi còn chưa nhớ được bàn bi da nào số môt, số hai để mà phụ má dăm ba phút xẹt qua nữa.
Về nhà má, tôi ghiền ăn nhiều món miền Nam hơn, món sầu riêng khoái khẩu, món canh chua vị đường. Còn nữa, nồi hột vịt thịt kho mềm rục của má chiều ba mươi Tết ăn với củ kiệu của mấy dì gửi từ Mỹ tho lên, cuốn bánh tráng, thơm lừng, béo ngậy. Đã mấy chục năm rồi, tôi tập hoài mà không sao kho được giống má. Bao năm rồi, nồi thịt kho tàu mang hương vị của ngày cuối năm, cả nhà tôi hàng họ hối hả khép lại để mau mau được về ăn cơm nhà nội trưa 30 tết, như là một ký ức đẹp. Bây giờ ký ức ấy lại chuyển sang đêm giao thừa, má không đứng bếp nữa nhường chỗ cho các anh chị em thay nhau nấu.
Tôi sanh đứa đầu lòng, không về nhà mẹ mà ở nhà “nội” cho bà chỉ dẫn. Thằng Bim – con tôi được bà chăm sóc từ khi mới lọt lòng, sau này là con bé Noel con của cô út nữa. Đi đâu bà cũng khoe tụi nó lúc nào cũng nhớ má, thương má. Còn cái vụ tụi nó kén ăn giống “bà nội” thì chẳng nghe bà kể bao giờ. Hồi tôi mới đẻ thằng Bim, má hay nằm hỏi tôi, có thấy cưng con mình không. Sao mà không hả má? Như má cũng cưng con của má “quá chời” luôn. Ông anh Trường đóng đinh vô cây, búa trúng tay, má xót xa kể hoài. Ông xã tôi quạu đeo, má luôn kể: “Ai cũng biểu thằng Sơn tính tình giống y hệt má!” – mà giống “mộng chè” thì làm sao tôi trách cho được. Má nói má chỉ quí con, không quí cháu. Vậy mà thằng Bim má giữ, ngày đi nhà trẻ đầu tiên, má bệnh suốt cả tuần vì nhớ, vì giận. Thằng bé phải dời ngày đầu tiên đi học đến năm tháng sau. Con bé Noel bị kiếng cắt tay, phải đi may mấy mũi, gặp ai bà cũngkể … tội nghiệp cháu bà.Giờ con bé Yên Khê con chú út ở bên bà, lúc nào cũng luôn miệng , một bà nội, hai bà nội thì gặp ai má cũng khoe là phải.
Ngày mới cưới, ở nhà má, vợ chồng tôi mỗi lần đóng cửa cãi nhau, tôi hay la lên, méc má. Má đập cửa rầm rầm biểu – Mở cửa ra, không má đánh thằng Sơn chết. Tôi nghe mà mát cả ruôt, tôi có đồng minh là mẹ chồng rồi. Cái câu tục ngữ: “cây không trồng, lòng không xót, con không đẻ, dạ không thương” không có ý nghĩa trong lúc này rồi.\
Hồi đó còn bố, má hay để bố đi nhảy đầm cuối tuần thư giãn. Bố về cười xuề xoà, giả lả mỗi khi má hỏi vặn, ghen tuông ai đó… Má luôn hài lòng với những chuyến về quê cùng bố, với bà con nội ngoại Mỹ Tho của hai người. Má thích lắm, má kể hoài những câu chuyện của ngày xưa, má đi học, bố hành quân… Má mặc áo dài được khen đẹp nhất trường, có quá chừng người đeo đuổi má.Tôi nghe đến thuộc lòng những câu thơ của má:
Tôi quen anh từ trước.
Lại là kẻ đến sau…
Chuyện dì Hai, dì Mười, cô Hai, cô Tư, anh Ba, chú Út… những câu chuyên làm nên một thời ký ức tuổi trẻ của má. Còn có những câu chuyện văn chương, chuyên sử thi, tôi không sao nhớ nỗi, nhưng tôi biết nay mai má lại kể tôi nghe mỗi khi tôi ghé về nhà nội.
Mấy anh em chồng tôi hay nhạo má : con nghe lần này là lần thứ mấy chục rồi, nhưng mà má vẫn thích kể, tôi vẫn thích nghe. Chắc thể nào cũng có ông ghẹo: con dâu này nịnh “mộng chè” quá ! Mà có sao, tôi như chạm vào “thời con gái đã xa” lâu lắc, lâu lơ rồi của má. Mà bà mẹ nào cũng có một thời để nhớ, để vui với hiện tại, và kể con cháu làm quà. Má có bốn anh con trai, hai cô con gái, má đều dựng vợ gã chồng, con cái đề huề rồi. Giờ là lúc để má nhớ chuyện đời xưa chứ !
Nghĩ lại ba năm ở nhà chồng, tôi chưa nấu cho má ăn bữa nào, chỉ toàn má nấu cho ăn thôi, ngay cả khi bọn tôi ra riêng gần cả tháng.Về nhà mới, tôi phải bàng hoàng một thời gian mới quen được cảm giác trống vắng, nhà không có bà nội. Tôi không biết chiên cá, không biết lá húng cây, húng quế, rau xà lách son, rau càng cua phân biệt thế nào. Phải chạy qua nhà má hỏi thôi. Pha bình sữa cho con, tôi phải lắc tới, lắc lui mãi, coi sữa có tan hết như bà nội pha không.Thằng con tôi bị sốt co giựt, gọi điện, má chạy qua liền thăm nó. Nhớ ngày xưa, mỗi lần bà nội giận, thằng con 3 tuổi của tôi lại gối cặp nách, đòi qua nhà ngoại ở. Má tức cười nói nó giận giống má. Bây giờ lớn lên đi du học xa rồi, bà có giận mấy nó cũng thèm “về nhà nội” .
Má đối với tụi tôi bình thường lắm, nhưng là sợi dây vô hình gắn kết chúng tôi với nhau, cho các anh em, và cả các con tôi có được cảm giác ấm êm khi “về nhà bà”. Rằm Vu lan năm nay, hai đứa con tôi đều lên chùa gần nhà cầu nguyện. Chúng tôi thấy vui khi mình còn được gài bông hồng đỏ, còn có má cạnh bên.Và các con tôi cũng đang trong niềm vui sướng ấy. Để hôm nao khi kể về “bà mẹ chồng” của mình, tôi sẽ nói rằng:
Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi.
Để mai này gặp má, tôi sẽ nói cho má nghe điều này:
Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh, mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen
…..có phải không hả má?
Views: 0