Tôi gọi điện thoại cho cha Thư ký Lê Trọng Cung. Cha xác nhận tin Đức Hồng y Phaolô- Giuse đã được Chúa gọi về lúc 10h10 ngày 22-2-2009. Tôi vội báo tin cho Đức cha Thái Bình. Ngài hoảng hốt: Vậy bây giờ tôi phải đến Toà Tổng giám mục Hà Nội ngay. Đột nhiên bao nhiêu kỷ niệm về Đức Hồng ào về trong tôi với bao cảm xúc trào dâng.
Tôi ấn tượng nhất về lễ nhậm chức TGM Hà Nội của Ngài ngày 14-8-1994. Bởi khi đó, dư luận vẫn lo ngại rằng: đây là giải pháp tình thế của hoàn cảnh, chứ cụ già đã đến tuổi làm đơn nghỉ hưu theo giáo luật, lại gầy gò ốm yếu thì còn đâu mà sức lực làm việc? Ấy vậy mà, con người gầy gò, nhỏ bé đó đã chinh phục được cả biển người trước quảng trường nhà thờ lớn Hà Nội. Ngài vào Nhà thờ quỳ xuống, đề nghị mọi người thinh lặng để tưởng nhớ linh mục Phạm Bá Trực- người cha linh hướng của mình, tưởng nhớ Đức Hồng y Trịnh Như Khuê- người đã nâng đỡ và phong chức giám mục cho Ngài năm 1963. Thật đúng là người hiếu nghĩa. Lời chia sẻ của vị chủ chăn đầy ắp ưu tư:
“Thưa anh chị em thân mến, tôi về nhận giáo phận trong giai đoạn nước nhà đổi mới. Giáo hội cũng cần thích nghi theo nhịp đổi mới của dân tộc. Biết bao công việc phải làm, biết bao vấn đề cần giải quyết. Nhiều nhà thờ xuống cấp lâu ngày, hư hỏng vì chiến tranh cần tu sửa, nhiều giáo xứ thiếu thánh lễ đang mong chờ có linh mục khôn ngoan, đạo đức hết mình phục vụ theo gương Thày Chí Thánh… Các em thiếu nhi cần được giúp đỡ để nâng cao trình độ giáo lý và văn hoá. Các thanh niên chuẩn bị bước vào đời cần được hướng dẫn trở nên giáo dân tốt”…
Vậy là Ngài gánh nhiệm vụ và biết rõ rất nặng nề. Ngài quỳ xuống trước bàn thờ cùng cộng đoàn đọc kinh dâng giáo phận cho Thánh Tâm Chúa. Nhưng Chúa muốn thử thách Ngài thêm. Ngay sau khi vinh thăng Hồng y ngày 26-11-1994, Ngài phải kiêm thêm giám quản Hưng Hoá vì Đức cha Giuse Nguyễn Phụng Hiểu- đồng hương Phát Diệm với Ngài đã qua đời. Đến ngày 1-9-1998, Đức cha Vinh sơn Phạm Văn Dụ của Lạng Sơn lại ra đi và ngày 10-3-1999, Đức cha G.M Nguyễn Tùng Cương của Hải Phòng cũng được Chúa gọi về. Vậy là Ngài phải kiêm làm giám quản ba giáo phận nữa. Mà giám quản đâu có phải chỉ đến khi lễ quan thày hay về làm phép Thêm sức đâu? Vậy là Ngài cứ phải chạy đi chạy lại như con thoi. Tôi nói vui với Ngài là Ngài cầm tinh con sơn dương (tuổi Kỷ Mùi 1919) nên thoắt ở nơi này, thoắt ở nơi kia.
Địa bàn giáo phận Hà Nội đã rộng, giáo tỉnh Hà Nội càng rộng mênh mông. Vậy mà nơi nào cũng có dấu chân của Ngài. Giáo phận nào có “ vấn đề”, lập tức Ngài có mặt để an ủi, nâng đỡ. Không chỉ giáo dân Hà Nội, Bắc Ninh mà cả nhiều nơi khác cũng tin tưởng, trông cậy nơi Ngài. Thành ra cứ có việc gì là họ lại chạy đến Đức Hồng Y. Nào là chuyện xích mích giữa ban hành giáo và cha xứ Y.; chuyện nhà xứ B. xây quá to mà dân còn nghèo. Nào là nhà thờ N cổ kính mà cha sở định phá đi để xây mới…Một số giáo dân quá mộ mến, tí ti chuyện nhà, chuyện xứ họ cũng vào “ trình Đức Hồng y”. Hoặc có vài quả cam, trái mít đầu mùa cũng chờ cả buổi gặp bằng được mới thôi. Họ đâu có biết, ngài phaỉ lo toan công việc của cả giáo tỉnh, cả giáo hội Việt Nam trong cương vị là Chủ tịch HĐGMVN. Vậy mà ngài vẫn kiên nhẫn lắng nghe từng người, từng đoàn hết ngày này qua ngày khác. Ngay bản thân tôi, Ngài cũng ưu ái quá chừng. Khi gọi đến cho ít tiền để viết luận án Tiến sĩ, khi Ngài qua Roma dự lễ phong chân phước Anre Phú Yên, Ngài gọi tôi muốn mua quà gì Ngài mua cho vì có thể đây là lần cuối Ngài xuất ngoại. tôi xin Ngai một cỗ tràng hạt do chính Đức Thán cha ban phép cho mẹ tôi. Ngài ưng thuận làm theo và mẹ tôi đi đâu cũng khoe cỗ tràng hạt của Đức Thánh cha do chính Đức Hồng y xin cho.
Sức làm việc của con người nhỏ bé này thật phi thường vượt xa vóc dáng về thể chất của Ngài. Ngày 14-3-1999, người ta thấy Ngài ở Bùi Chu để chia sẻ về việc đức cha Vũ Duy Nhất đã già yếu mà chưa có người thay thế. Sáng ngày 15-3, Ngài đã chủ sự lễ tang Đức cha Hải Phòng và buổi chiều đã về Hà Nội để làm việc với phái đoàn của Toà thánh do Đức ông Cetetino Migiliore đẫn đầu.
Ngài làm việc quên cả bản thân mình. Tôi còn nhớ, năm 1995, Ngài bị ngã gẫy xương vai phải vào viện bó bột, đóng đinh rất đau nhưng khi nghe tin Đức Gioan Phaolo 2 cũng bị ngã, Ngài vẫn thảo điện thăm hỏi. Hôm tôi vào thăm Ngài tại phòng riêng. Vết thương của Ngài tái phát, chảy máu. Ngài hỏi tôi về tình hình nghiện hút ma tuý ở ngòai xã hội và muốn tôi cung cấp số liệu. Tôi nghĩ, chắc Ngài hỏi cho biết thế thôi. Nhưng đến ngày 22-10-1996, Ngài công bố Thư chung về vấn đề này. Lời lẽ rất cảm động: “Đây là một tai hoạ cho xã hội và nguy hại cho giáo hội hôm nay. Bởi vì nó phá hoại sức khoẻ, hạ thấp nhân phẩm con người, gây rối loạn trong gia đình, làm mất trật tự xã hội, đe doạ đức tin và nếp sống của người tín hữu, chẳng những cướp đi hạnh phúc trần gian mà còn đe doạ hạnh phúc đời sau nữa. Vì thế tôi khẩn thiết kêu gọi mọi người hảy chung tay góp sức chặn đứng và tẩy sạch tệ nạn này ra khỏi gia đình, giáo xứ và làng xóm chúng ta”.
Tôi còn nhớ khi Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt về làm giám quản Hà Nội cũng có dư luận ì xèo cho là không phải dân Hà Nội gốc và mới làm giám mục mấy năm. Tôi nói chuyện với Ngài. Ngài bảo: đấy không phải là ý kiến của hàng giáo sĩ và giáo dân Hà Nội. Rồi chính Ngài soạn văn thư gửi Toà thánh chấp thuận Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt. Trong lễ nhậm chức Tổng giám mục của Đức cha Giuse Kiệt ngày 20-2-2005, Ngài đã thay mặt cộng đoàn dân Chúa Hà Nội nguyện hiệp thông và trung thành với Đức tân Tổng giám mục, coi Đức tân Tổng giám mục là người thày dạy dỗ cộng đoàn. Đức TGM Giuse Kiệt cũng xin Ngài tiếp tục cộng tác và giúp đỡ mình trong sứ vụ mới. Vậy là bao dư luận i xèo đã tiêu tan hết.
Sau khi nghỉ hưu, Ngài định đi một xứ nhỏ bé nào đó để tĩnh dưỡng nhưng Đức TGM Giuse xin Ngài ở lại không chỉ để tiện chăm sóc mà còn là chỗ nương tựa cho mình. Vậy là Ngài vâng lời ở lại Toà Giám mục. Thật vậy, có bóng Ngài nhiều vấn đề phức tạp đã tìm được hướng giải quyết. Ngay cả khu Toà Khâm sứ, nếu không có thái độ kiên quyết của Ngài, nó đã được xây dựng thành cao ốc từ năm 2003. Còn chủ dự án đành ngậm ngùi san lấp mặt bằng sau khi đã bỏ mấy tỉ đồng để chạy dự án và làm tầng hầm ở đấy.
Ngài không có những tác phẩm đồ sộ, không có nhiều bài giảng hùng hồn nhưng là những lời cầu nguyện đơn sơ, chân thành nhưng nếu sưu tập lại, nghiền ngẫm cũng thấy được ý tưởng lớn của nhà truyền giáo nhiệt thành. Chính sự đơn sơ và nhiệt huyết đó đã gieo trồng lòng nhiệt thành cho giáo sĩ và giáo dân nơi Ngài coi sóc. Bắc Ninh, Hà Nội, có nơi nào không có bàn tay ươm trồng của Ngài.
Sự đơn sơ của Ngài gây cảm phục ngay nhiều cán bộ Nhà nước đối với Ngài. Ông Nguyễn Chính- Quyền Trưởng ban Tôn giáo chính phủ nhiều lần nói với tôi rằng, Ngài là bậc chân tu rất đáng kính trọng. Bây giờ nghỉ hưu ở Sài Gòn nhưng nếu có dịp ra Hà Nội, ông lại nhờ tôi đưa đên thăm Ngài. Hai người ôm lấy nhau như những người thân thiết lâu ngày gặp lại.
Người Việt coi số 9 là số đẹp. Vàng 4 số 9 là vàng ròng. Cuộc đời Ngài có rất nhiều biến cố gắn với con số 9. Ngài sinh năm 1919, qua đời năm 2009, hưởng thọ 90 tuổi. Năm 1929, Ngài vào trường tập. Năm 1949, Ngài được nhận chức Phó tế và 6-6-1949 được truyền chức linh mục. Ngài có lẽ là được Chúa chọn cách riêng. Khi thi vào trường tập, ngài đứng thứ 39 mà trường chỉ lấy có 37 học sinh. Cứ tưởng rớt. Ai ngờ có 2 thí sinh ốm phải nghỉ, vậy là Ngài lại đỗ. Rồi khi đã bước sang tuổi 75 phải nộp đơn nghỉ hưu theo giáo luật, Ngài lại được vinh thăng TGM Hà Nội, rồi Hồng y. Vậy là Chúa đã chọn Ngài chứ không phải trần gian.
Cầu cho Ngài sớm được hưởng dung nhan Người đã chọn lựa và dẫn dắt Ngài suốt 90 năm qua.
Hà Nội, ngày Đức Hồng y tạ thế.
TS Phạm Huy Thông
Views: 0