Có lẽ không ít Kitô hữu vẫn cảm thấy hoang mang với khái niệm Đức Maria là mẹ Đức Chúa Trời. Có người còn nghĩ rằng nói như vậy là phạm thượng.
Theo suy nghĩ thông thường, không thể nào một người phàm trần thụ tạo lại là mẹ sinh ra Thiên Chúa. Nếu ta nêu ra đoạn kinh Kính Mừng “thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…” làm bằng chứng, người bạn hoang mang ấy không khỏi cảm thấy bối rối. Quả thật trong số hằng ngàn danh hiệu của thánh Maria, Theotokos (Mẹ Thiên Chúa) là danh hiệu gây ra nhiều tranh cãi nhiều hơn bao giờ hết. Danh hiệu này cũng tạo nên biết bao nhiêu nan đề thần học. Nhưng cũng từ những nan đề ấy mà thần học nhận ra Theotokos hàm chứa cả một kho tàng vĩ đại về mầu nhiệm Thiên Chúa.
Sơ Luợc Lịch Sử Của Tước Hiệu Theotokos
Khởi đầu từ thế kỷ II với Giáo hội Đông Phương, đặc biệt là ở vùng Alexandria và những miền xung quanh. Kitô hữu ở những nơi đó đã tuyên xưng Đức Maria là đấng Theotokos. Theo tiếng Hylạp, ngôn ngữ chính của giáo hội Đông phương, Theotokos có nghĩa là “Người cưu mang Thiên Chúa”. Danh xưng này lan rộng tới giáo hội Tây Phương. Giáo hội Tây Phương đã dịch Theotokos là “Mater Dei” (Mẹ Thiên Chúa). Qua đến thế kỷ IV, Theotokos, với nghĩa Mẹ Thiên Chúa, từ Tây Phương được truyền ngược trở lại giáo hội Đông Phương. Tại đây danh xưng Mẹ Thiên Chúa được hân hoan chấp nhận. Tuy nhiên không phải tất cả các giáo phụ Chính Thống giáo đều hiểu như vậy. Người chống đối mạnh mẽ nhất là Nestorius, giám mục Constantinople. Ông cho rằng Đức Maria nên gọi là Christotokos, tức “đấng sinh ra Đức Kitô”, chứ không thể là Theotokos với nghĩa là “Mẹ Thiên Chúa”.
Cuộc tranh luận giữa giám mục Nestorius và các giám mục khác cuối cùng kết thúc bởi Công Đông Êphêsô vào năm 431. Tại đây tước hiệu Theotokos với nghĩa “Mẹ Thiên Chúa” trở thành tín điều với những khảng định hết sức cứng rắn: “Nếu ai không tin Đấng Emmanuel thật sự là Thiên Chúa, và do đó thánh nữ đồng trinh Maria là Mẹ Thiên Chúa, kẻ đó bị phạt vạ tuyệt thông”. Tước hiệu Theotokos được tái khẳng định lần thứ hai tại Công Đồng Chalcedon vào năm 451.
Những Mầu Nhiệm Tiếp Theo Tước Hiệu Theotokos
Thần học nhận ra ngay danh xưng “Mẹ Thiên Chúa” cần có những giải thích đi kèm. Cho đến ngày nay, nhiều Kitô hữu vẫn hiểu lầm rằng Công Giáo giảng dậy “Mẹ Thiên Chúa” là mẹ Đức Chúa Cha hằng hữu, vì vậy họ bị hoang mang. Thánh Athanasius thành Alexandria nói rõ hơn, "Khi nhập thế làm người, chỉ có Ngôi Lời được sinh ra bởi Đức Maria.” Sau đây là những mầu nhiệm được thần học khai mở theo thứ tự niên đại:
Đức Giêsu Với Hai Bản Tính Không Thể Tách Rời
Danh xưng Theotokos đã làm sáng tỏ tín lý Đức Giêsu có bản tính kép Thiên-Chúa-người không thể tách biệt. Theotokos không có nghĩa là Đức Maria sinh ra bản tính Thiên Chúa của Đức Giêsu. Nhưng tuy chỉ sinh ra thể xác Đức Giêsu, Người vẫn là Mẹ Thiên Chúa, vì hai bản tính của Đức Giêsu không tách rời. Nếu không chấp nhận Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa thì có khác gì nói Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa.
Tín lý “Mẹ Thiên Chúa” được xây dựng trên nền tảng Thánh Kinh. Đức Maria sinh ra đấng Emmanuel, nên Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Bà Êlizabét cũng đã nhận ra Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, trước khi Đấng Emmanuel được sanh ra, với lời chào, “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến thăm tôi” (Luc 1:43). Quan điểm của Nestorius là sai vì ông cho rằng Đức Giêsu là hai người tách biệt với hai bản tính khác nhau. Nếu thế cuộc khổ nạn của Đức Giêsu sẽ trở thành vô nghĩa vì chỉ có người phàm Giêsu chịu nạn còn Chúa Giêsu không liên hệ gì đến cuộc hiến tế. Sự kiện vô can này này sẽ khiến mầu nhiệm nhập thế trở nên không cần thiết và ơn cứu độ trở nên huyền hoặc.
Đức Maria Là Đấng Trọn Đời Đồng Trinh
Theo thánh Ambrose và thánh Augustine, Đấng Theotokos đã được Thiên Chúa đặt trong chương trình cứu độ từ thuở ban đầu. Trong vườn Eden Thiên Chúa đã mạc khải cho Adam biết điều này trước khi Ađam có con cái. Như vậy Đức Giêsu được sinh ra không do bởi con cái Ađam nhưng do bởi hoạch định của Thiên Chúa qua Mẹ Maria. Nền tảng thánh kinh của niềm tin này là dẫn chứng của thánh Matthêu và Luca cho biết Đức Maria chịu thai bởi phép Chúa thánh thần (Mat 118; Luc 1:35).
Theo luận cứ thần học, vì Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối không có tội lỗi, vậy Người không thể là con của một nam nhân tội lỗi. Vì Đức Maria không mang thai qua kết hợp phàm nhân, vậy Người vẫn còn đồng trinh. Yếu tố đồng trinh được nhấn mạnh không phải vì những giá trị trần thế, nhưng để làm sáng tỏ công trình của Thiên Chúa. Đức Giêsu là Đấng đến từ Thiên Chúa để mặc lấy nhân tính. Để phần nào hình dung mầu nhiệm đồng trinh chúng ta có thể mường tượng Đức Giêsu đi vào cung lòng Đức Maria cũng như cách Người đi vào phòng họp của các Tông Đồ. Mặc dù cửa phòng vẫn đóng kín và khóa kỹ, Chúa Giêsu vẫn vào được mà cửa và tường vách không hề bị hư hại. Sâu xa hơn, thánh Anathasius đã dùng danh hiệu “trọn đời đồng trinh” (ever virgin) để biểu lộ sự sâu xa của mạc khải đồng trinh. Sau đó danh hiệu Đức Maria là Đấng trọn đời đồng trinh trở thành tín điều bởi Công Đồng Lateran vào năm 649.
Đức Maria Là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội
Nếu Đức Maria là Theotokos, tức Mẹ Đấng Cứu Chuộc, Người phải được hưởng thành quả đầu tiên của ơn cứu chuộc. Đức Maria không mắc nguyên tội. Không phải nguyên tội của Người được cất bỏ sau lễ rửa tội, nhưng được hoàn toàn miễn trừ ngay từ lúc Người tượng thai trong lòng mẹ. Hơn thế nữa thần học suy ra cả cuộc đời Đức Maria cũng không hề mắc một tội lỗi nào dù là tội nhỏ. Điều này không có nghĩa là Mẹ Maria không bị kẻ thù Satan đánh phá và hãm hại. Thực tế Người bị rất nhiều đau khổ bởi Satan. Bằng chứng về ơn vô nhiễm nguyên tội có thể tìm thấy trong sách Khởi Nguyên đoạn 3 câu 15. Thiên Chúa báo trước sẽ gửi Đấng cứu độ đến và Người đặt mối thù giữa Satan và người đàn bà, mẹ của Đấng cứu độ. Bà sẽ đạp đầu con rắn Satan dưới chân. Người mẹ của Đấng Cứu Độ chính là Mẹ Maria.
Luận cứ thần học bắt buộc phải nhận ra chỉ có Đấng vô nhiễm nguyên tội và cũng không hề mắc tội mới có quyền lực vượt trên Satan và diệt được Satan. Sách Diệu Ca cũng nói, “Toàn thân người mỹ miều, người yêu ơi, nơi người không chút tì vết” (DC 4:7). Đoạn này nói về Mẹ Thiên Chúa, Đấng vô cùng thanh sạch. Chỉ riêng Đức Maria mới có vị thế “đầy ơn phúc” đúng như vậy (Luc 1:28 ). Mầu nhiệm này Giáo Hội đã nghiệm ra từ lâu, bằng chứng là vào năm 1826 dòng tu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đã được thành lập. Tuy nhiên năm 1854 Giáo Hoàng Piô IX mới chính thức tuyên bố Đức Maria là Đấng vô nhiễm nguyên tội. Bốn năm sau, năm 1858, Đức Mẹ hiện ra tại Lourdes với Bernadette, Mẹ đã xưng “Ta là Nữ Vương Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Đây là một bằng chứng về Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn Giáo Hội trong những nhận thức về Đức Mẹ.
Đức Maria Hồn Xác Lên Trời
Mầu nhiệm tổng hợp quan trọng nhất của tín điều Theotokos là mạc khải Đức Maria hồn xác lên trời. Mầu nhiệm này là dấu chỉ về ơn cứu độ mà Đức Maria là khuôn mẫu chính. Nếu Đức Maria vô nhiễm nguyên tội và vô tội, xác người không thể bị sự chết hủy hoại, vì sự chết chỉ đến cho những kẻ có tội (Rom 5:12). Năm 1950, Giáo Hoàng Piô XII công bố Đức Mẹ hồn xác lên trời là một tín diều. Trước biến cố này, giáo phái Tin Lành cho rằng Công Giáo đã đi đến mức tận cùng của lòng sùng kính Đức Maria, nhưng lại đào sâu hố chia rẽ giữa Công Giáo và Tin Lành.
Biến cố Đức Mẹ hồn xác lên trời không thấy ghi chú trong Thánh Kinh. Sự kiện vắng bóng sử liệu là yếu tố mà giáo hội Tin Lành vin vào để chống đối. Scott Hahn đặt vấn đề với tín hữu Tin Lành: nếu cho rằng không có sử liệu thì không có bằng cớ, vậy “trong lịch sử Giáo Hội đâu thấy nói đến ngôi mộ và việc tôn kính hài cốt Đức Maria”. (1) Dĩ nhiên câu nói của Hahn chỉ là một nhận xét chứ không thể coi là một bằng chứng xác thực, tuy nhiên luận cứ của ông cũng đáng để suy nghĩ.
Trong khi đó giáo hội Đông Phương đưa ra chứng cớ rằng Đức Maria được thánh Gioan rước về sống ở Êphêsô. Tại đây khi Đức Maria mãn phần, Người chìm vào giấc ngủ (dormition), rồi trong giấc ngủ Người được đưa về trời. Truyền thống đức tin này đã có từ các thánh Tông Đồ rồi truyền đến giáo dân. Thánh Gioan thành Damascus cho biết vào năm 451 Hoàng đế Marcian muốn lưu giữ xác của “Mẹ Thiên Chúa”. Thánh Juvenal, giám mục Jerusalem tâu với vua rằng Đức Maria đã chết trước sự chứng kiến của các Tông Đồ chỉ thiếu thánh Tôma. Khi thánh Tôma về tới ông yêu cầu mở nắp mồ ra để ông viếng xác. Khi mồ mở ra thì không thấy xác Đức Maria đâu nữa. Các thánh Tông Đồ tin rằng xác Đức Maria đã được cất về trời.
Lễ kính Đức Mẹ hồn xác lên trời đã được cử hành rất sớm từ năm 500 ở Palestine. Năm 1670, thánh nữ Maria Agreda đã thị kiến Đức Maria hồn xác lên trời ngự bên hữu Ngôi Con và được Thiên Chúa Ba Ngôi ban cho triều thiên Nữ Vương Thiên Đàng. Một truyền thống khác cho rằng hình ảnh nói trong sách Khải Huyền về “một bà phủ bởi mặt trời, chân trên mặt trăng, đầu đôi triều thiên mười hai sao” (KH 12:1-6) chính là Đức Maria sau khi mãn phần. Đối với thần học, Đức Mẹ cả hồn lẫn xác lên Thiên Đàng là một công thức tự chứng. Có nghĩa là tín lý này có giá trị xác thực tự chính nó không cần bằng chứng hỗ trợ. Tuy nhiên ý nghĩa của tín điều này chỉ có thể hiểu được khi liên kết tất cả các mầu nhiệm liên hệ với danh hiệu Theotokos.
Sự kiện Đức Mẹ chết hay ngủ, Công Giáo Tây Phương bỏ ngỏ ẩn số này. Trong lịch sử đã có hai ông Enoch và Elijah được biết là không hề chết nhưng lên trời ngay khi còn đang sống (KN 5:18-24; 2V 2:1-12). Tuy nhiên Chúa Giêsu đã chết rồi mới sống lại. Công Giáo cẩn thận dùng thuật ngữ Assumption (Mông Triệu) để nói về Đức Maria được Thiên Chúa ban cho lên trời và thuật ngữ Ascension (Thăng Thiên) để nói về Đức Giêsu tự mình lên trời. (2)
Đức Maria Là Mẹ Giáo Hội Và Là Mẹ các Tín Hữu
Trên Thập Giá Đức Giêsu đã trối thánh Gioan cho Đức Mẹ, “Thưa Bà, đây là con Bà” (Gio 19:26-27). Thánh Gioan là đại diện của các thánh Tông Đồ vào lúc ấy. Như vậy Đức Giêsu đã thành lập mối liên hệ mẫu tử giữa Đức Maria và các Tông Đồ, tức Giáo Hội. Mầu nhiệm này đã được đúc kết bởi Giáo Hoàng Phaolô VI, vào cuối thời Công Đồng Vatican II năm 1964, ngài tuyên bố: “Đức Maria là mẹ Chúa Kitô và cũng là mẹ Giáo Hội.”
Thần học gia Alexis Kniazev luận rằng tự thân Đức Maria là dạng nguyên gốc về sự hiên hữu của Giáo Hội, vì Người là Mẹ Chúa Kitô mà Giáo Hội là nhiệm thể của Chúa Kitô, và là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Thánh Clement và thánh Ambrôsiô cũng nói có sự liên kết chặt chẽ giữa Mẹ và Chúa Thánh Thần trong việc nuôi dưỡng Giáo Hội. Vì Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội, nên cũng là mẹ các giáo hữu. (3)
Đức Maria Là Evà Mới Và Là Mẹ Nhân Loại
Khi danh xưng Theotokos được chính thức công nhận, các Kitô hữu sơ khai đã nhận ra sự liên hệ giữa Đức Maria và bà Eva. Giáo phụ đầu tiên so sánh Mẹ Maria với Evà là thánh Irenaenus, Giám Mục Lyons, vào năm 150. Thánh giảng rằng Evà thứ nhất mang lại sự chết cho con người, nhưng Mẹ Maria mang lại sự sống cho con người. Vì vậy Mẹ Maria là Evà mới vì Mẹ mang lại một kỷ nguyên giao ước mới. Từ đó các giáo phụ sơ khai đều chấp nhận lối nhìn của thánh Irenaenus. Giáo Hoàng Leo Cả (440-461) đã vắn tắt mầu nhiệm này như sau: “Đây là ơn vượt khỏi mọi ơn: Thiên Chúa gọi con người là con, và con người gọi Thiên Chúa là Cha”. Từ hướng nhìn của Irenaenus tín lý Đức Mẹ là Eva mới, tức là mẹ nhân loại được thành hình.
Nếu phân tích kỹ hơn chúng ta sẽ thấy, Đức Giêsu là Ngôi Con của Ngôi Cha xuống thế làm người. Qua Ngôi Con chúng ta cũng được ban ơn trở thành con Thiên Chúa (GLCG 645). Một khuynh hướng thần học cho rằng Đức Maria là Mẹ của Ngôi Con và cũng là Mẹ của chúng ta nên Ngôi con là Anh của chúng ta. Những ai không quen với danh xưng Đức Giêsu là “Anh”, có lẽ sẽ dễ dàng chấp nhận lời giảng của thánh Phaolô và thánh Augustine: “Tất cả chúng ta là một trong Đức Giêsu” (Rom 12:5). Điều này xảy ra khi chúng ta nhận phép rửa (I Gio 3:1). Ngay lúc ấy Đức Maria là Mẹ của chúng ta và là Evà mới, nên cũng là mẹ loài người (GLCG 726). Năm 1532, Đức Mẹ hiện ra với thánh Juan Diego tại Guadalupe, Mẹ đã xác nhận như vậy khi Mẹ cho Diego biết “Ta là mẹ hết lòng tận tụy của con” (I am your most devoted mother) và gọi Diego là “con khiêm nhường nhất trong những con trai của ta” (the most hunble of my sons).
Lòng Sùng Kính Mẹ Maria
Bài này chỉ nói đến những mô thức liên hệ đế tín điều Theotokos. Trên thực tế dù Mẹ là Đấng “Alma mater” (Mẹ ẩn kín) Mẹ vẫn được nhận diện qua hằng ngàn danh xưng. Mỗi danh xưng là một mô thức riêng biệt về Mẹ và còn tiếp tục được tỏ lộ theo dòng thời gian. Thánh Louis De Montfort nói “về Mẹ Maria không bao giờ nói hết” (De Maria numquam satis).(4) Chúng ta hãy chiêm niệm một vài danh hiệu để thấy rõ điều này, Mẹ là “Đức Bà hằng cứu giúp”, Mẹ là “Nữ Vương các thánh tử đạo”, Mẹ là “Đấng đồng công cứu chuộc”… Duyệt xét từng danh hiệu, tất cả đều có nền tảng từ Kitô học (Christology). Nói cách khác, mọi mầu nhiệm của Mẹ Maria đều rút ra từ mầu nhiệm Chúa Giêsu. Thánh Maximiliano Kolbe nói, “Ở đâu có Mẹ thì có cả Chúa ba ngôi”.
Thần học thấy rằng bản tính nhân loại thường gắn bó với tình yêu của cha và của mẹ. Đức Maria là tượng về nhân tính tình mẹ của Thiên Chúa. Cho đến nay lòng sùng kính Mẹ đã là động lực phát sinh ra những dòng tư tưởng mới. Rất nhiều tu viện, trường đại học, Giáo Hoàng, hội đoàn, tu sĩ, và cá nhân đã nhận Mẹ làm đấng bảo trợ. Các cuộc hiện ra của Đức Mẹ từ thế kỷ XIII đến nay như những ấn dấu chứng thực những tín điều về mầu nhiệm Theotokos là chân lý. Có thể nói ngắn gọn Theotokos là sức mạnh không thể thiếu của Giáo Hội Công Giáo và của đời sống các tín hữu.
___________
(1) Scott Hahn, Hail Holy Queen. Published by Doubleday, New York. 2001.
(2) Jaroslav Pelikan, Mary Through the Centuries. Yale University Press, 1996.
(3) Miri Rubin, Mother of God: A History of the Virgin Mary. Yale University Press, 2009.
(4) St. Louis De Monfort. True devotion to Mary. Bản dịch của linh mục Frederick Faber. Tan Books Publishers, INC. Rockford, Illinois, 1985.
Views: 0